Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

100 năm phi trường Tân Sơn Nhất: Bầu trời quê hương hòa bình đẹp biết bao!

Buổi giao lưu trò chuyện về tác phẩm 100 năm phi trường Tân Sơn Nhất của nhà báo Quốc Việt diễn ra tại Đường Sách Thành phố Hồ Chí Minh cuối tháng 4-2025, hướng tới kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất hòa bình.

Báo Đồng NaiBáo Đồng Nai25/04/2025

Tác giả Quốc Việt giao lưu tại Đường Sách Thành phố Hồ Chí Minh tháng 4-2025.
Tác giả Quốc Việt giao lưu tại Đường Sách Thành phố Hồ Chí Minh tháng 4-2025.

“Trên từng tấc đất Tân Sơn Nhất là bao máu xương người Việt hôm qua. Trên từng đá sỏi rêu phong hay vỏ đạn còn chìm khuất đâu đó là bao câu chuyện lịch sử cần phải được kể lại, nhắc nhở chân xác cho mai sau...” - tác giả Quốc Việt viết trong tác phẩm. Đây là cuốn sách đầu tiên và đến nay vẫn là duy nhất kể về lịch sử của phi trường Tân Sơn Nhất với rất nhiều điều, dữ liệu lịch sử đặc biệt được “vén màn bí ẩn” mà có thể bạn chưa biết về sân bay này.

Sân bay kẻ đến người đi

Sân bay Tân Sơn Nhất, tức phi trường Tân Sơn Nhứt theo cách gọi cũ - trải qua hơn 100 năm chứng kiến đất nước thăng trầm đổi thay, bao thời cuộc lịch sử ly loạn, chuyển mình qua trang sử mới. Từ những bài báo đến cuộc khảo cứu lịch sử nghiêm túc, tác giả Quốc Việt “ôn cố tri tân” miệt mài tiếp cận những sử liệu gốc từ thư viện, trung tâm lưu trữ quốc gia, sưu tập tài liệu từ mọi nguồn có thể. Ông tìm kiếm và gặp gỡ rất nhiều nhân chứng, sử gia, phi công… quan trọng để cố gắng tái hiện lịch sử về sân bay là nơi kẻ đến người đi với biết bao sự kiện khó quên “liên quan đến vận mệnh hàng chục triệu đồng bào trong gần suốt thế kỷ 20…”.

 
Nhà báo QUỐC VIỆT sinh năm 1975 tại Sài Gòn, có gần 30 năm công tác tại Báo Tuổi Trẻ. Các sách dự định xuất bản: Nồi cơm thời bao cấp, Người Việt chinh phục đại dương…

“Khi sưu khảo tư liệu để viết cuốn sách, tôi gặp nhiều khó khăn vì dòng chảy thời gian kéo dài hơn trăm năm, quá nhiều thông tin, tư liệu, dữ kiện thất lạc, gãy khúc, khác biệt, quan điểm cũ - mới đan xen… Rất may là trong quá trình tìm hiểu về Tân Sơn Nhất, tôi được tiếp cận nhiều tài liệu quý (thậm chí còn đang niêm phong trong kho lưu trữ), gặp gỡ nhiều người đáng kính trọng trao gửi những câu chuyện ít ai biết, hoặc chưa nhiều tỏ tường về Tân Sơn Nhất” - ông Quốc Việt kể.

Người Pháp xây dựng cơ bản xong phi trường đầu những năm 1930. Những cuộc đại mở rộng diễn ra theo chiều dài lịch sử từ sau Thế chiến 2, nâng cấp thành phi trường quốc tế cuối thập niên 1950, khánh thành đường băng hãng A năm 1962, đón nhận chiếc máy bay thương mại lớn nhất thế giới lúc bấy giờ Boeing 747 tháng 7-1971. Những chuyến bay đặc biệt mang cờ đỏ sao vàng đáp xuống Tân Sơn Nhất kể từ ngày 1-5-1975 “trong hoàn cảnh phi trường còn ngổn ngang” cũng được kể lại đầy hào hùng, xúc động. Kế đó là thời bao cấp vượt khó, nỗ lực mua, thuê máy bay trong hoàn cảnh cấm vận (thập niên 80) và phát triển đội bay hiện đại về sau…

Từ khi còn là một cổ thôn của tỉnh Gia Định xưa cho đến Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất với thời điểm từng được xem là “phi trường bận rộn hàng đầu thế giới” với trung bình mỗi phút có một máy bay cất hay hạ cánh, Tân Sơn Nhất chứa bao câu chuyện thật, những số phận con người và quá trình phát triển ly kỳ. “Sân bay này sẽ tiếp tục sứ mệnh lịch sử không bao giờ phai mờ với những chuyến bay lên xuống phục vụ hành khách” - tác giả Quốc Việt nói.

Chứng nhân đất nước chuyển mình

Sách có chương kể về hồ sơ mật cuộc đời sinh viên phản chiến Nguyễn Thái Bình với sự kiện đặc biệt mùa hè năm 1972 hay “bước ngoặt lịch sử đổi thay”: lúc 9h30 ngày 30-4-1975, lá cờ cách mạng hai màu xanh đỏ được hai vệ binh Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam treo trên tháp nước cao nhất ở Trại Davis, Tân Sơn Nhất trong lúc “súng vẫn còn nổ ran từ hai phía”. Tác giả Quốc Việt nói “đây là ngọn cờ xanh đỏ được treo sớm nhất ở Sài Gòn báo hiệu giờ phút kết thúc chiến cuộc”.

100 năm phi trường Tân Sơn Nhấtdo Phương Nam Books và Nhàxuất bản Thế giới ấn hành.

Buổi giao lưu trò chuyện về tác phẩm 100 năm phi trường Tân Sơn Nhất - cuốn sách đầu tiên và duy nhất kể về lịch sử của phi trường Tân Sơn Nhất - thu hút nhiều người nghiên cứu văn hóa lịch sử lẫn nhiều độc giả trẻ. Cho đến nay, đây vẫn là công trình nghiên cứu đầu tiên và duy nhất về Tân Sơn Nhất - “nơi chứa cả một câu chuyện dài của đất nước, gắn với vận mệnh đất nước, một phần không thể thiếu của lịch sử miền Nam Việt Nam và đất nước thế kỷ 20-21” - tác giả Quốc Việt chia sẻ.

Sân bay thời còn mang cổ danh Tân Sơn Nhứt (đổi Nhứt thành Nhất sau năm 1975). Ảnh tư liệu

Ở chương sách có nội dung mở Tương lai nào cho Tân Sơn Nhất?, tác giả ghi nhận đa chiều về những bước phát triển, thay đổi diện mạo mới của Tân Sơn Nhất, phù hợp với diễn tiến thời sự mới nhất là Nhà ga T3 hiện đại của Tân Sơn Nhất vừa được khánh thành đón khách ngày 19-4, nâng tổng công suất khai thác của toàn Sân bay Tân Sơn Nhất lên khoảng 50 triệu lượt khách/năm.

Sự kiện trên góp phần truyền động lực đến Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai) phấn đấu cơ bản hoàn thành vào năm 2025, thể hiện kỳ vọng trở thành vai trò trung tâm hàng không của Việt Nam trong khu vực. Những ngày này đọc sách, xem thời sự về sân bay và những chuyến bay trên vùng trời Tổ quốc bình yên, mọi người Việt Nam càng thấm thía và yêu quý một điều thiêng liêng: bầu trời quê hương ta trong hòa bình đẹp biết bao!

“Chúng ta phải thấu hiểu quá khứ mới đến được tương lai tốt đẹp, để đời sau tường minh và tiếp tục chọn lựa con đường đúng đắn đi đến tương lai” - tác giả QUỐC VIỆT bày tỏ.

 

Trung Nghĩa

Nguồn: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202504/100-nam-phi-truong-tan-son-nhat-bau-troi-que-huong-hoa-binh-dep-biet-bao-f6f3873/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Về với đại ngàn
Chênh vênh Sa Mù
Trào lưu đến Mộc Châu chụp ảnh mùa hoa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm