Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

23 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới

(ABO) Ngày 4-4, tại Tiền Giang, Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) tổ chức Hội thảo tham vấn, lấy ý kiến định hướng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) (gọi tắt là Chương trình) giai đoạn 2026 - 2030.

Báo Tiền GiangBáo Tiền Giang04/04/2025

Hội nghị có sự tham dự của đồng chí Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&MT, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương, Tổ phó Tổ Công tác thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025; cùng đại diện các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Tính đến nay, cả nước có tổng số 7.696 xã, trong đó có 5.995 xã đạt chuẩn NTM, chiếm tỷ lệ 77,9%, tăng 9,8% so với cuối năm 2021. Số xã đạt chuẩn NTM nâng cao là 2.352 xã, tương đương 39,2%, tăng thêm 1.249 xã so với cuối năm 2021. Đáng chú ý, có 597 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, chiếm 9,95%, tăng 554 xã so với cùng kỳ. Bình quân, mỗi xã trên cả nước đạt khoảng 17,5 tiêu chí.

Ở cấp huyện, cả nước hiện có 645 huyện, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh. Trong đó, 305 đơn vị đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, chiếm 47,2%, tăng thêm 92 huyện so với cuối năm 2021. Bên cạnh đó, có 20 huyện đã đạt chuẩn NTM nâng cao, con số này tăng trọn vẹn 20 huyện so với thời điểm cuối năm 2021.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam phát biểu tại Hội thảo
Thứ trưởng Bộ NN&MT Trần Thanh Nam phát biểu tại hội thảo.

Ở cấp tỉnh, có 23 tỉnh, thành phố đạt 100% số xã đạt chuẩn NTM, tăng thêm 10 tỉnh so với cuối năm 2021. Trong số này, có 15 tỉnh đã đạt 100% số xã và huyện đều đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Ngoài ra, có 5 tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM gồm: Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương. Đặc biệt, tỉnh Trà Vinh cũng đã hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng xem xét công nhận hoàn thành nhiệm vụ NTM trong thời gian tới.

Giai đoạn 2026 - 2030, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tiếp tục được định hướng phát triển toàn diện, bền vững, hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Mục tiêu tổng thể là đẩy mạnh xây dựng nông thôn hiện đại, xanh - sạch - đẹp, thích ứng linh hoạt với biến đổi khí hậu và xu thế đô thị hóa, đồng thời thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, giữa nông thôn và thành thị.

Trong giai đoạn này, Chương trình tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút nguồn lực xã hội đầu tư vào nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Việc nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, đặc biệt ở các tiêu chí khó và thiết yếu như thu nhập, môi trường, giáo dục, văn hóa và an ninh trật tự sẽ là ưu tiên hàng đầu. Bộ Tiêu chí NTM cũng sẽ được cập nhật để phù hợp hơn với điều kiện thực tế và xu hướng phát triển mới.

Cùng với đó, phát triển kinh tế nông thôn gắn với chuyển đổi số là một định hướng lớn. Các địa phương được khuyến khích áp dụng công nghệ hiện đại, phát triển nông nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn và xây dựng các mô hình nông thôn thông minh. Đồng thời, các hoạt động bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, phát triển nông thôn xanh và nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ được đẩy mạnh.

Chương trình cũng chú trọng phát triển hạ tầng đồng bộ, kết nối giữa nông thôn và đô thị, góp phần xây dựng nông thôn văn minh, gắn kết chặt chẽ với quá trình đô thị hóa. Các vùng khó khăn, dân tộc thiểu số, miền núi và hải đảo sẽ được dành riêng cơ chế hỗ trợ phù hợp để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

Các đại biểu làm việc tại hội thảo.
Các đại biểu làm việc tại hội thảo.

Về các mục tiêu cụ thể đến năm 2030, Chương trình đặt ra chỉ tiêu có ít nhất 80% số xã trên toàn quốc đạt chuẩn NTM, trong đó 35% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 15% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Ở cấp huyện, có ít nhất 50% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, trong đó 20% đạt chuẩn NTM nâng cao. Về cấp tỉnh, dự kiến có ít nhất 20 tỉnh/thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, trong đó có 10 tỉnh đạt chuẩn toàn bộ ở cả cấp xã và cấp huyện.

Song song đo, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tiếp tục được đẩy mạnh, với mục tiêu mỗi xã có ít nhất một sản phẩm OCOP và toàn quốc có tối thiểu 100 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 5 sao. Về đời sống người dân, thu nhập bình quân khu vực nông thôn đến năm 2030 sẽ tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020, và tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm xuống dưới 3%. Đặc biệt, 100% rác thải sinh hoạt nông thôn sẽ được thu gom, xử lý đảm bảo môi trường, và 95% người dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt chuẩn.

Tại hội thảo, đại diện các tỉnh, thành trong khu vực đã có nhiều ý kiến đóng góp về xây dựng định hướng thực hiện Chương trình trong giai đoạn mới. Trong đó, đồng chí Phạm Văn Trọng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho rằng: Thời gian qua, tỉnh Tiền Giang vừa thực hiện sắp xếp tinh gọn bộ máy vừa tập trung thực hiện các tiêu chí NTM theo hướng dẫn của Trung ương. Khi sắp xếp lại đơn vị hành chính, tỉnh vẫn thực hiện theo lộ trình và kế hoạch vẫn bố trí nguồn lực và Ban Chỉ đạo.

Đồng chí Phạm Văn Trọng phát biểu tại Hội thảo.
Đồng chí Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang phát biểu tại hội thảo.

Trong giai đoạn mới, Chương trình phải tổ chức các tiêu chí mới để cho phù hợp. Bộ Tiêu chí mới cần thực tế và có định hướng rõ ràng, cần có sự sáng tạo, linh hoạt. Tỉnh rất mong thông qua hội thảo, Trung ương sẽ ghi nhận kinh nghiệm rằng, Chương trình phải phù hợp theo từng giai đoạn, địa phương và khu vực, tránh máy móc. Cần xác định rõ mục tiêu nhiệm vụ và điều kiện thực hiện Chương trình.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&MT Trần Thanh Nam yêu cầu Văn phòng Điều phối Chương trình Trung ương ghi nhận tất cả ý kiến của các địa phương để làm cơ sở xây dựng định hướng tới đây. Cùng với đó, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng tên của Chương trình trong giai đoạn mới nên có thay đổi sao cho phù hợp với sự phát triển của đất nước. Chương trình phải có chuyển giao ở giai đoạn ở bậc cao hơn, hiện đại hơn, hướng tới xây dựng nông thôn hiện đại, nhưng vẫn bảo tồn các giá trị truyền thống. Các vấn đề cần chú trọng như đảm bảo an ninh, chú trọng phát triển văn hóa, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số...

Ngành chuyên môn nghiên cứu xây dựng bộ khung mới về các tiêu chí, theo hướng đảm bảo 3 vùng núi, vùng tiếp cận đô thị và vùng nông thôn phù hợp sản xuất nông nghiệp để xây dựng quy hoạch cho phù hợp đặc trưng từng vùng phát triển.

C.THẮNG

 

Nguồn: https://baoapbac.vn/kinh-te/202504/23-tinh-thanh-pho-co-100-so-xa-dat-chuan-nong-thon-moi-1038814/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Địa đạo: Phim chiến tranh Việt Nam tầm cỡ quốc tế
Những làng quê đáng sống
Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm