Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

50 năm giải phóng Long An: Những dấu ấn không quên (Bài 3)

Chiến tranh đã lùi xa nửa thế kỷ nhưng cứ mỗi độ tháng tư về, hàng triệu con tim người dân Việt Nam nói chung và những người con quê hương Long An nói riêng lại trào dâng xúc cảm đặc biệt về những ký ức, trang sử hào hùng và bi tráng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. 50 năm đã trôi qua nhưng ngày 30/4/1975 vẫn mãi khắc sâu trong tâm khảm biết bao thế hệ người dân, ngày mà cả dân tộc vỡ òa trong niềm vui giải phóng, giang sơn thu về một mối.

Báo Long AnBáo Long An23/04/2025

Bài 3: Long An trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975

Ngày 30/4/1975, hai lá cờ đỏ sao vàng khổ lớn tung bay trên nóc nhà Tòa thị chính tỉnh và Dinh Tỉnh trưởng ngụy, thị xã Tân An (nay là TP.Tân An), toàn tỉnh Long An hoàn toàn giải phóng. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kéo dài 21 năm đầy gian khổ và hy sinh cuối cùng đã giành thắng lợi trong niềm vui hân hoan của toàn miền Nam và cả nước.

Sư đoàn 5 vượt cầu Bến Lức tiến về giải phóng thị xã Tân An ngày 30/4/1975 (Ảnh tư liệu)

“Xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh”

Đầu tháng 4/1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng hạ quyết tâm “Nắm vững thời cơ chiến lược... thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất...”. Quán triệt chỉ thị của cấp trên, Đảng bộ Long An chỉ đạo tập trung lực lượng nhanh chóng mở bàn đạp từ Quơn Long (Chợ Gạo) sang Cần Đước, Cần Giuộc, sẵn sàng phối hợp chủ lực Miền, hình thành mũi tấn công vào Sài Gòn từ hướng Nam.

Từ ngày 03 đến 10/4/1975, quân, dân ta giải phóng một loạt xã thuộc địa bàn Châu Thành (An Lục Long, Thanh Phú Long, Thanh Vĩnh Đông, Thuận Mỹ) mở đường phối hợp Trung đoàn 88, Quân khu 8 tấn công sang Tân Trụ, diệt 20 đồn, bót, giải phóng tiếp 15 xã ở vùng hạ Tân Trụ và thượng Cần Đước, hạ Cần Giuộc.

Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh tiến công giải phóng thành phố Sài Gòn - Gia Định. Tháng 4/1975, cùng với các mũi nhọn của Sư đoàn 5, chủ lực Miền, quân, dân Long An - Kiến Tường được 2 Tỉnh ủy chỉ đạo chính thức bước vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt trong tỉnh với phương châm “xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh”.

Nhân dân các huyện: Đức Hòa, Đức Huệ, Bến Lức, Thủ Thừa huy động tối đa các lực lượng tổ chức các hoạt động cung cấp lượng thực, tải đạn, tải vật liệu làm công sự, dẫn đường,... phục vụ lực lượng chiến đấu của cấp trên; đồng thời, tranh thủ mọi điều kiện, thời cơ chớp lấy tấn công tiêu diệt địch, giải phóng địa phương mình. Ngày 28/4, lực lượng Sư đoàn 3 của Binh đoàn 232 tiến công giải phóng chi khu Hậu Nghĩa, tiếp đó giải phóng hoàn toàn Đức Hòa vào sáng ngày 29/4/1975. Các huyện Đức Huệ, Bến Lức đồng loạt tấn công tiến đến giải phóng hoàn toàn vào ngày 30/4/1975.

Ở phía Nam, Đảng bộ Long An lãnh đạo chỉ huy lực lượng của tỉnh trực tiếp tham gia tấn công Sài Gòn, đồng thời tự giải phóng các khu vực của địa phương. Ở Cần Đước, lực lượng ta tấn công tiêu diệt căn cứ Rạch Kiến làm tan rã địch, tiến tới giải phóng toàn huyện. Lần lượt các huyện: Châu Thành, Cần Giuộc, ta chủ động tấn công các đồn, bót, buộc địch đầu hàng.

Ở Kiến Tường, ta đánh chiếm cứ điểm 75 (vùng 6), Tiểu đoàn 504 đánh chiếm lộ 29 (Tân Hòa) buộc cơ quan đầu não địch ở Mộc Hóa đầu hàng sáng ngày 01/5/1975. Như vậy, với chiến thắng ở Mộc Hóa, quân, dân ta bằng cuộc tổng tấn công và nổi dậy, thần tốc đồng loạt đã buộc địch đầu hàng vô điều kiện, giành toàn thắng cùng với miền Nam và cả nước.

  50 năm giải phóng Long An: Những dấu ấn không quên (Bài 1)

50 năm giải phóng Long An: Những dấu ấn không quên (Bài 1) 

Chiến tranh đã lùi xa nửa thế kỷ nhưng cứ mỗi độ tháng tư về, hàng triệu con tim người dân Việt Nam nói chung và những người con quê hương Long An nói riêng lại trào dâng xúc cảm đặc biệt về những ký ức.

 

Kiểm soát lộ 4, giải phóng Tân An

Trong tháng 4 lịch sử, những người lính từng chiến đấu trên chiến trường Long An bồi hồi nhớ lại những khoảnh khắc chiến đấu anh dũng, góp phần làm nên Đại thắng 30/4/1975, thống nhất đất nước. Trong những trận đánh quyết liệt đó, chiến dịch chiếm giữ lộ 4 (Quốc lộ 1) được xem là có ý nghĩa quan trọng, vừa cắt đứt đường chi viện của các sư đoàn chủ lực địch cho Sài Gòn, đánh sau lưng sào huyệt làm thất bại kế hoạch rút quân lực về cố thủ miền Tây của địch, vừa tiến vào giải phóng thị xã Tân An (nay là TP.Tân An).

Với ý đồ giữ thông tuyến đường huyết mạch để quân từ miền Tây Nam Bộ về ứng cứu Sài Gòn khi cần thiết, hoặc rút chạy về cố thủ ở miền Tây khi tình huống xảy ra, địch bố trí từ ngã ba Nhị Bình đến thị xã Tân An một lực lượng rất lớn, tổ chức thành nhiều tuyến phòng ngự, được hỏa lực pháo binh và không quân chi viện.

Tại khu vực Thủ Thừa (Long An), ngoài 3 tiểu đoàn bảo an, địa phương quân, 22 trung đội dân vệ, nghĩa quân, địch còn tăng thêm sư đoàn 22 ngụy từ miền Trung chạy vào đóng trên khu vực cầu Voi, Sư đoàn 7 và Sư đoàn 9. Thời điểm đó, Sư đoàn 5 Bộ binh nằm trong đội hình Binh đoàn 232 của ta đang chuẩn bị cho kế hoạch giải phóng tỉnh Kiến Tường được lệnh gấp rút hành quân về Thủ Thừa, Long An để thực hiện nhiệm vụ đánh chiếm và chia cắt lộ 4.

Là người trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử cách đây 50 năm, Đại tá, nhà văn Trần Thế Tuyển - nguyên Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng, hồi tưởng: “Đó là ngày 30/4/1975 - ngày mà lúc 11 giờ 30 phút, chiếc xe tăng 390 của Quân đoàn 2 húc tung cánh cửa sắt Dinh Độc Lập để Đại đội trưởng Bùi Quang Thận xông lên cắm lá cờ quyết chiến quyết thắng của quân đội ta trên nóc hang ổ cuối cùng của chế độ cũ. Thời khắc thiêng liêng ấy, chúng tôi có mặt trong cánh quân Tây Nam do tướng Lê Đức Anh chỉ huy”.

Ông kể lại, cách đây đúng nửa thế kỷ, cùng với cánh quân Tây Nam do tướng Lê Đức Anh chỉ huy, Sư đoàn 5 giao cho Trung đoàn 174 (Đoàn Cao Bắc Lạng) làm đơn vị chủ công cắt đứt lộ 4, chớp thời cơ giải phóng thị xã Tân An. Sau nhiều ngày hành quân từ chiến trường biên giới Tây Nam vượt qua “cánh đồng chó ngáp” trong bom pháo của địch, giữa tháng 4/1975, Trung đoàn 174 đã áp sát lộ 4 và thị xã Tân An.

Bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh lúc chiều ngày 26/4/1975, địch ở Tân An, Thủ Thừa, Bến Lức,... kinh hoàng khi nghe tiếng xe thiết giáp gầm rú và tiếng pháo 130 li nòng dài khạc đạn. Ngày ấy, khi hành quân, ông có chiếc radio mang hiệu Phương Đông đeo toòng teng bên hông. Bài hát Đường chúng ta đi của Huy Du do ca sĩ Doãn Tần thể hiện như kèn lệnh thôi thúc ông cùng đồng đội xông tới.

“Sáng 30/4/1975, từ trận địa chốt, chúng tôi xông lên lộ 4 tiến vào thị xã Tân An. Địch chống cự quyết liệt. Nhiều đồng đội của chúng tôi ngã xuống bên chân cầu Tân An, dọc lộ 4,... Và trưa hôm đó, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Trung đoàn phó Vũ Viết Cam, các đơn vị thuộc Tiểu đoàn 5, Tiểu đoàn 6 đã hợp quân cắm cờ của quân đội ta trên nóc Dinh Tỉnh trưởng Long An, góp phần giải phóng toàn tỉnh Long An” - Đại tá, nhà văn Trần Thế Tuyển kể.

Để có thời khắc lịch sử thiêng liêng ấy, dọc đường chiến tranh, từ năm 1972 đến tháng 4/1975, hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 5, trong đó hơn 600 cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 174 đã ngã xuống. Trước giờ toàn thắng trưa ngày 30/4/1975 tại thị xã Tân An và vùng phụ cận, cuộc chiến đấu giữa ta và địch vẫn diễn ra khốc liệt. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta hy sinh. Máu xương của các liệt sĩ và đồng bào thắm đỏ vùng đất địa chiến lược - nơi cửa ngõ miền Tây này.

Để ghi nhớ công lao và sự hy sinh cao cả của quân và dân ta, trong đó có Trung đoàn 174 làm nòng cốt, Ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 174 có tâm nguyện xây dựng ngay chiến trường xưa một công trình văn hóa, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước đối với thế hệ trẻ. Bia ghi nhớ chiến công được xây dựng tại Công viên phường 5, TP.Tân An, dự kiến sẽ khánh thành dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng TP.Tân An, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)./.

50 năm giải phóng Long An: Những dấu ấn không quên (Bài 2)

50 năm giải phóng Long An: Những dấu ấn không quên (Bài 2) 

Thực tiễn đấu tranh của quân và dân Long An qua 9 năm chống Pháp là minh chứng cho sự sáng suốt, chỉ đạo của Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền.

(còn tiếp)

Thanh Nga

Bài 4: Trận đánh cuối cùng

Nguồn: https://baolongan.vn/50-nam-giai-phong-long-an-nhung-dau-an-khong-quen-bai-3--a193969.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tứ đại đỉnh đèo đất Việt
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Khoảnh khắc SVĐ Mỹ Đình ‘vỡ òa’ khi hai xe tăng rầm rập tiến vào
Cờ Tổ quốc, cờ Đảng tung bay giữa trời Nam rực nắng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm