Mệnh lệnh hành quân
Sư đoàn 341 (Đoàn Sông Lam) anh hùng được thành lập ngày 23.11.1972 tại H.Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Lực lượng của sư đoàn từ ngày thành lập gồm có 3 trung đoàn bộ binh là E266, E270, E273, 1 trung đoàn pháo binh E55 cùng các đơn vị cấp tiểu đoàn và đại đội trực thuộc sư đoàn như trinh sát, công binh, thông tin, vận tải, tăng thiết giáp, quân y, phòng hóa, hậu cần, vệ binh…
Từ tháng 12.1972 đến ngày 23.11.1975, Sư đoàn 341 đóng quân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình và đặc khu Vĩnh Linh, trong đó sở chỉ huy sư đoàn đóng tại làng Mỹ Hà, xã Mỹ Thủy - nơi có con sông Kiến Giang hiền hòa xinh đẹp chảy qua. Vừa huấn luyện, sư đoàn vừa làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ địa bàn phía nam Quân khu 4, là lực lượng dự bị chiến lược của Bộ Quốc phòng.
Ngày 3.2.1975, nhận mệnh lệnh từ Tổng hành dinh Bộ Quốc phòng, dưới sự chỉ huy của đại tá - Tư lệnh sư đoàn Trần Văn Trân, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 341 đã lên đường hành quân ra mặt trận. Khởi đầu của cuộc hành quân là hữu ngạn sông Kiến Giang và điểm đến của sư đoàn là mặt trận miền Đông Nam bộ (B2).
Khai mạc lễ kỷ niệm 50 năm ngày Sư đoàn 341 xuất quân ra trận tại Khu di tích lịch sử Sư đoàn 341
ẢNH: HUY THANH
Ngày lên đường, thiếu tướng - Tư lệnh Quân khu 4 Đàm Quang Trung đi trực thăng từ Nghệ An vào, ra mệnh lệnh hành quân và tiễn sư đoàn ra mặt trận.
Phát biểu với toàn sư đoàn, Tư lệnh Đàm Quang Trung nói: “Thay mặt Bộ Tư lệnh quân khu, tôi ra lệnh toàn thể cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 341 ngay lập tức hành quân vào chiến trường miền Nam tham gia chiến đấu cứu nước. Các đồng chí sẽ đi sâu, đi lâu, đi đến ngày toàn thắng”.
Đúng là “nuôi quân 3 năm, dụng quân 1 giờ”. F341 đã miệt mài huấn luyện ở vùng đất Quảng Bình và Vĩnh Linh trong suốt 3 năm trời và bây giờ cả sư đoàn lên đường ra mặt trận với mục tiêu là đánh những trận lớn cuối cùng để kết thúc cuộc chiến.
Khu di tích lịch sử Nơi Sư đoàn 341 xuất quân vào chiến trường chiến đấu năm 1975
ẢNH: TRẦN KHỞI
Cuộc hành quân mang tầm chiến lược
Cuộc hành quân của Sư đoàn 341 hoàn toàn bằng xe vận tải do Binh đoàn vận tải quân sự Trường Sơn (Đoàn 559) chịu trách nhiệm.
Đoàn xe tải khoảng 800 chiếc bí mật hành quân, mỗi xe chở từ 20 đến 30 người lính đêm đi ngày nghỉ để tránh bị quân địch phục kích và tránh những trận bom từ máy bay địch thả xuống. Đường hành quân của sư đoàn đi dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh trong những cánh rừng già của dãy Trường Sơn, đi xuyên qua biên giới vòng sang cả đất của nước bạn Lào và Campuchia, sau đó trở lại miền Nam ở vùng đất Tây nguyên.
Sau 35 ngày hành quân đêm đi ngày nghỉ, F341 đổ bộ xuống miền Đông Nam bộ thuộc địa bàn tỉnh Phước Long ngày ấy. Đó là vùng đất có con sông Bé chảy qua với những cánh rừng cao su xanh tươi ngút ngàn.
Đông đảo cựu chiến binh và lãnh đạo địa phương đến dự lễ kỷ niệm
ẢNH: HUY THANH
Ra trận là chiến thắng
Ngay sau khi đặt chân đến mặt trận B2, Sư đoàn 341 đã nhận lệnh đánh trận đầu tiên trên trục đường 13 Chơn Thành - Bàu Bàng, giải phóng quận lỵ Chơn Thành. Sau đó phối hợp Sư đoàn 9 đánh địch ở Dầu Tiếng. Rồi theo đường 20 tiến về chốt giữ Định Quán, vượt sông La Ngà tiến về Đồng Nai đánh trận Xuân Lộc lịch sử kéo dài suốt 12 ngày đêm.
Với những chiến tích vang dội ấy, F341 đã được chỉ huy Quân đoàn 4 tin tưởng giao nhiệm vụ đánh trận mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh (26 - 30.4.1975) trên mặt trận hướng Đông của Sài Gòn.
Đó là trận đánh vào Chi khu quân sự Trảng Bom vào ngày 27.4.1975. Chỉ trong một ngày, Sư đoàn 341 đã hoàn thành nhiệm vụ giải phóng Trảng Bom. Chiến thắng Trảng Bom là thắng lợi vang dội đầu tiên của Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Tiếp đến, Sư đoàn 341 vừa hành tiến vừa đánh địch dọc theo quốc lộ 1, đi đến đâu đánh địch và giải phóng đến đó. Bắt đầu từ đánh chiếm các căn cứ địch ở Hố Nai, Biên Hòa và tiến vào giải phóng Sài Gòn theo hướng xa lộ Biên Hòa, đi qua cầu Rạch Chiếc, cầu Sài Gòn để rồi có mặt tại Dinh Độc Lập đúng vào buổi trưa lịch sử ngày 30.4.1975.
Sau Chiến dịch Hồ Chí Minh, Sư đoàn 341 đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Để có được vinh quang đó, hàng ngàn sĩ quan và chiến sĩ Sư đoàn 341 đã ngã xuống trong các trận đánh cuối cùng mang ý nghĩa quyết định của cuộc chiến tranh cứu nước. Xương máu họ đã thấm đỏ đất miền Đông để đất nước có ngày đại thắng 30.4, thống nhất và hòa bình như hôm nay.
Cựu chiến binh tham quan Khu di tích lịch sử ‘Nơi Sư đoàn 341 xuất quân vào chiến trường chiến đấu năm 1975’
ẢNH: NGUYỄN VĂN TÀI
Vinh quang và bất diệt
Tròn nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ cuộc hành quân lịch sử ra mặt trận khởi đầu từ dòng sông Kiến Giang và kết thúc đại thắng ở Dinh Độc Lập, ký ức sâu đậm về cuộc hành quân ra trận ấy vẫn sống mãi với những cựu chiến binh Sư đoàn 341 như một bài ca về lòng yêu nước và vô cùng tự hào của những người lính trong đoàn quân thống nhất đất nước.
Nhân dịp này, chỉ huy và cựu chiến binh Sư đoàn 341 đã cắt băng khánh thành Khu di tích lịch sử "Nơi Sư đoàn 341 tổ chức lễ xuất quân vào chiến trường chiến đấu năm 1975".
Khu di tích lịch sử "Nơi Sư đoàn 341 tổ chức lễ xuất quân vào chiến trường chiến đấu năm 1975" được khởi công xây dựng ngày 31.7.2024 trên diện tích 1.000 m2 trong đó nhà bia có diện tích 64 m2. Tổng mức đầu tư hơn 5 tỉ đồng từ nguồn kinh phí đóng góp của các cựu chiến binh, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 341 và sự ủng hộ của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 4, tỉnh Quảng Bình, huyện Lệ Thủy và các tổ chức xã hội, doanh nghiệp...
Cựu chiến binh Sư đoàn 341 dâng hương tại Khu di tích lịch sử của sư đoàn để tưởng nhớ đồng đội đã hy trong các cuộc chiến tranh cứu nước
ẢNH: NGUYỄN VĂN TÀI
Khu di tích lịch sử "Nơi Sư đoàn 341 tổ chức lễ xuất quân vào chiến trường chiến đấu năm 1975" là công trình văn hóa tâm linh, thể hiện sự tri ân sâu sắc đối với các anh hùng, liệt sĩ, thương binh và các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 341.
Đồng thời bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Đảng bộ, quân và dân tỉnh Quảng Bình, đặc khu Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) đã sẻ chia, giúp đỡ Sư đoàn 341 trong những năm chiến tranh ác liệt.
Công trình còn là mốc son lịch sử và biểu tượng cao đẹp của tình đoàn kết quân dân và là "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ.
Nguồn: https://thanhnien.vn/50-nam-su-doan-341-voi-cuoc-hanh-quan-lich-su-185250413153516696.htm
Bình luận (0)