Nhóm họa sĩ đến từ Hà Nội với thành quả những ngày sáng tác ở A Lưới |
Cuối tháng 3 và đầu tháng 4, một nhóm hơn 40 nghệ sĩ đến từ Hà Nội, Huế và chính các nghệ nhân – những người giữ nghề truyền thống ở A Lưới đã có trải nghiệm sáng tác về đề tài nghệ thuật của vùng đất phía tây cách trung tâm TP. Huế chừng 70km này.
A Lưới không còn xa lạ với du khách, cũng không còn là điều gì đó quá bỡ ngỡ với những người nghệ sĩ nói chung, đặc biệt là giới hội họa. Ấy vậy mà mỗi lần đặt chân đến nơi này, những người cầm bút, cầm cọ như bị cuốn hút, mê hoặc bởi cảnh sắc thiên nhiên, những công trình kiến trúc độc đáo, hay đơn giản là nhịp sinh hoạt đời thường của bà con đồng bào dân tộc thiểu số.
Mọi người cùng nhau trực tiếp sáng tác ở những công trình kiến trúc đặc trưng của vùng đất A Lưới, như nhà Moong (nhà sàn dài) của người Pa Cô, nhà Rông của người Tà Ôi, nhà Gươl của người Cơ Tu. Tất cả như ngỡ ngàng với các nghệ sĩ bởi những hoa văn, họa tiết trang trí ở những ngôi nhà ấy với những đặc trưng riêng biệt, vô cùng độc đáo và đặc sắc. Không chỉ vậy, đề tài đời sống, văn hóa ẩm thực vùng đất này cũng cuốn hút người sáng tác… Cứ như thế, tất cả như hớp hồn những người nghệ sĩ, để từ đó họ cho ra đời những tác phẩm độc đáo, mang lại góc nhìn nghệ thuật ấn tượng.
Trong gần 1 tuần sáng tác, các nghệ sĩ có chung cảm nhận về cảnh vật lẫn con người nơi này vô cùng hiền hòa, nên thơ, vì thế khiến họ rung động, dạt dào cảm xúc, như thêm một chất liệu để tác phẩm thêm phần gần gũi hơn. Và hơn 120 tác phẩm hội họa, phần nhiều là ký họa là thành quả trong đợt đi thực tế, sáng tác lần này được Bảo tàng Mỹ thuật Huế tổ chức được xem rất thành công. Mỗi tác phẩm là một câu chuyện, một góc nhìn và tình cảm riêng của người nghệ sĩ dành cho mảnh đất A Lưới.
Đợt sáng tác lần này còn có hàng chục tác phẩm là sản phẩm thủ công mỹ nghệ của làng nghề dệt zèng A Lưới, điêu khắc gỗ, gốm Noq, đan lát… cũng được các nghệ nhân đồng bào dân tộc thiểu số A Lưới thực hiện. Mỗi sản phẩm thủ công mỹ nghệ vừa là tác phẩm nghệ thuật, vừa có giá trị sử dụng, vừa có giá trị thẩm mỹ, thể hiện nét đặc trưng độc đáo trong kho tàng văn hóa các dân tộc. Hơn nữa, đó như một cuộc giao lưu giữa nghệ sĩ vùng cao và nghệ sĩ miền xuôi trong hành trình quảng bá, lưu giữ những giá trị văn hóa của mảnh đất A Lưới.
Bà Đinh Thị Hoài Trai, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế - đơn vị tổ chức đợt sáng tác này cho biết, dù đã tổ chức rất nhiều đợt trải nghiệm, sáng tác cho các nghệ sĩ nhưng A Lưới vẫn là điểm đến ấn tượng, tạo được hứng thú mạnh mẽ cho những ai đam mê hội họa. Vùng đất này không chỉ thơ mộng, hữu tình bởi cảnh sắc mà hơn nữa là tình cảm, sự mến khách của con người. Chọn A Lưới, những người tổ chức mong muốn thông qua hội họa góp tiếng nói chung để bảo tồn, lưu giữ và phát huy nét văn hóa truyền thống vốn đang đối mặt với rất nhiều thách thức của nhiều xu hướng mới cũng như có nguy cơ thay đổi, bị mai một dần theo thời gian.
“Chương trình sáng tác này góp phần bảo tồn, giữ gìn, quảng bá và tôn vinh giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở A Lưới. Những tác phẩm được sáng tác trong dịp này đã thể hiện niềm đam mê, nhiệt huyết của các nghệ sĩ, họa sĩ, nghệ nhân gửi gắm vào chính tác phẩm của mình”, bà Trai khẳng định.
Và, những tác phẩm được sáng tác trong dịp này được xem như tư liệu quý, phục vụ cho việc trưng bày, quảng bá một cách có hiệu quả nhằm góp phần giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa Huế nói chung, văn hóa truyền thống A Lưới nói riêng đến với công chúng, du khách .
Nguồn: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/thong-tin-van-hoa/a-luoi-tho-mong-qua-ky-hoa-152568.html
Bình luận (0)