Thành phố Huế được định hướng phát triển thông minh, xanh và bền vững |
Tham dự và phát biểu tại hội thảo có UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn ĐBQH TP. Huế Lê Trường Lưu; lãnh đạo các sở ngành liên quan; lãnh đạo Đại học Huế; các trường thành viên Đại học Huế và gần 200 đại biểu là các nhà khoa học, chuyên gia, nhà nghiên cứu trong cả nước.
Thách thức của đô thị Huế
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Trương Tấn Quân, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế đánh giá, chúng ta đang sống trong một giai đoạn nhiều biến động, nơi mà các yếu tố kinh tế, xã hội, công nghệ và môi trường không ngừng thay đổi, buộc phải có những chính sách thích ứng, có chiến lược phát triển phù hợp. Trong bối cảnh đó, bài toán đặt ra cho Huế không chỉ là duy trì tăng trưởng, mà còn là tìm kiếm một mô hình phát triển bền vững, hài hòa giữa bảo tồn và đổi mới, giữa bản sắc và hội nhập.
Với vị thế là đô thị di sản Quốc gia, trung tâm văn hóa đặc sắc, nơi có 8 di sản được UNESCO công nhận…, TP. Huế vừa chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương từ tháng 1/2025 và đang đứng trước nhiều cơ hội cũng như thách thức mới. Làm thế nào để phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa trong khi vẫn thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng, nâng cao chất lượng sống và gia tăng năng lực cạnh tranh kinh tế là yêu cầu đặt ra.
Tại hội thảo, UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy Lê Trường Lưu chia sẻ, Hội nghị lần thứ 11 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa kết thúc và ban hành nghị quyết thông qua nhiều nội dung quan trọng; trong đó, xác định số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sáp nhập. Theo đó, TP. Huế là một trong các địa phương được giữ nguyên, không sáp nhập. Điều này khẳng định, Trung ương đánh giá rất cao về mô hình đô thị di sản có tính riêng biệt như Huế và mong muốn sẽ tiếp tục xây dựng, phát triển trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy Lê Trường Lưu phát biểu tại hội thảo |
Có nền tảng vững chắc để phát triển TP. Huế theo hướng đô thị di sản thông minh, xanh và bền vững, tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra không ít thách thức mà TP. Huế đang gặp phải trong quá trình phát triển. Với sự phát triển của kinh tế - xã hội, nhất là áp lực về tăng trưởng, tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng, khiến đô thị nghiêng về cảnh quan thiên nhiên, mật độ hạ tầng thấp như Huế ngày càng bị ảnh hưởng. Hạ tầng giao thông và đô thị chưa đồng bộ, các tuyến đường nội thành thường xuyên ùn tắc, hệ thống giao thông công cộng chưa phát triển. Tình trạng bê tông hóa, chuyển đổi đất nông nghiệp ven đô thành khu dân cư làm giảm dần diện tích thấm nước tự nhiên. Ô nhiễm môi trường cũng là thách thức, khi nồng độ bụi mịn PM2.5 tại khu vực nội đô vào năm 2023 tăng 20% so với năm 2015, chủ yếu do phương tiện cá nhân và công trình xây dựng gia tăng.
Thời gian qua, việc nhân rộng các mô hình phát triển thành công từ quốc tế tại Huế được triển khai, nhưng vấp phải những rào cản, bao gồm vấn đề về nguồn lực và đầu tư. Trong đó, hạn chế về ngân sách công cho các dự án hạ tầng số quy mô lớn và chi phí duy trì dài hạn chưa nhiều là thách thức hàng đầu.
Tìm giải pháp phù hợp
Cùng với định hướng phát triển đô thị có tính đặc thù, thông minh và bền vững cho tương lai, Bí thư Thành ủy Lê Trường Lưu kỳ vọng, thông qua những nghiên cứu, phân tích, đánh giá và góp ý của các nhà khoa học sẽ đóng góp cho TP. Huế có những giải pháp cụ thể, phù hợp, đưa TP. Huế phát triển đúng định hướng trong thời gian tới. Làm thế nào để có những giải pháp mang tính đột phá giúp kinh tế TP. Huế phát triển nhanh hơn, nhưng vẫn giữ được môi trường đô thị, gìn giữ và phát huy được được bản sắc trong giai đoạn chuyển mình quan trọng như hiện nay.
Tại hội thảo, nhiều trao đổi về các bài học kinh nghiệm về phát triển kinh tế đô thị của các thành phố di sản trên thế giới, các xu hướng mới trong phát triển đô thị, từ chuyển đổi số, đô thị thông minh, kinh tế tuần hoàn đến các chiến lược tích hợp “Văn hóa – du lịch – công nghiệp sáng tạo”. Đồng thời đề xuất những giải pháp cụ thể nhằm nâng cao năng lực nội sinh của Huế.
Nhiều đề xuất áp dụng tốt hơn nữa công nghệ số trong khai thác du lịch |
TS. Nguyễn Hồ Minh Trang, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế cho rằng, để phát triển đô thị Huế thông minh, bền vững, cần tập trung cải thiện môi trường đô thị, nâng cao các trải nghiệm du lịch và phát triển giao thông bền vững cho khu vực TP. Huế mở rộng. Đối với các dự án bất động sản, mật độ xây dựng sẽ được định hướng thấp lại, kèm với đó là xây dựng nhiều công viên, công trình công cộng và mật độ cây xanh tăng lên. Đối với lĩnh vực công nghiệp, sẽ hạn chế các ngành nghề sản xuất có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.
TS. Hà Ngọc Long, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế góp ý thêm, hạ tầng số là nền tảng thiết yếu giúp các đô thị di sản như Huế cân bằng giữa bảo tồn và thúc đẩy kinh tế bền vững, vượt qua giới hạn của phương pháp truyền thống. Kinh nghiệm quốc tế đã chứng minh lợi ích kinh tế rõ rệt từ việc đầu tư hạ tầng số chiến lược, tích hợp dữ liệu, ứng dụng công nghệ phù hợp (DT, AI), triển khai thí điểm và hợp tác đa bên. Dù đối mặt với các thách thức về nguồn lực, dữ liệu, công nghệ, năng lực và thể chế, Huế có cơ hội lớn phát triển du lịch thông minh, công nghiệp văn hóa số, nâng cao hiệu quả quản lý đô thị và thu hút đầu tư nhờ hạ tầng số.
“Để khai thác thành công tiềm năng này, Huế cần tập trung vào các giải pháp trọng tâm như : Xây dựng và thực thi lộ trình hạ tầng số tổng thể, tích hợp với các quy hoạch khác; ưu tiên đầu tư và đa dạng hóa nguồn lực, đặc biệt là thúc đẩy hợp tác PPP; xây dựng khung quản trị và chính sách dữ liệu mạnh mẽ, bao gồm lộ trình dữ liệu mở và số hóa di sản; đầu tư chiến lược vào phát triển nguồn nhân lực số chất lượng cao; tăng cường cơ chế hợp tác và điều phối liên ngành; tập trung vào các ứng dụng công nghệ đòn bẩy giải quyết vấn đề cấp thiết…”, TS. Hà Ngọc Long chia sẻ.
Nguồn: https://huengaynay.vn/kinh-te/xay-dung-giao-thong/gop-y-xay-dung-tp-hue-tro-thanh-do-thi-di-san-thong-minh-xanh-va-ben-vung-152617.html
Bình luận (0)