Không chỉ tối ưu hóa vận hành, AI đang tạo ra những cách thức tương tác mới với khách hàng, cải thiện trải nghiệm người dùng, tối ưu quy trình quản lý chuỗi cung ứng, tối ưu hóa chiến lược marketing, hỗ trợ khách hàng tốt hơn... Từ đó, doanh nghiệp có sự tăng trưởng vượt trội về kinh doanh.
Hỗ trợ tối ưu hoá các tính năng mua sắm

Theo báo cáo về ứng dụng AI trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Đông Nam Á, mà Lazada và Công ty nghiên cứu Kantar công bố mới đây, có khoảng 92% người Việt sử dụng các tính năng AI trên sàn thương mại điện tử ít nhất 1 lần/tuần, cao hơn mức trung bình khu vực Đông Nam Á (ASEAN).
88% người được khảo sát ở ASEAN đưa ra quyết định mua hàng dựa trên nội dung và gợi ý sản phẩm của AI và 51% cho rằng đánh giá sản phẩm và người bán là yếu tố quan trọng khi mua sắm trực tuyến.
Báo cáo cũng phân tích hành vi mua sắm của người tiêu dùng để tìm hiểu cách các nền tảng thương mại điện tử có thể tận dụng AI tốt hơn. Theo đó, mức độ tin tưởng đối với các nền tảng tích hợp AI đang rất cao, khi có đến 92% người tin dùng gợi ý mua sắm cá nhân hóa từ AI và 90% dựa vào AI để tóm tắt thông tin sản phẩm.
Ngoài ra, khoảng 51% người dùng đề cao tính năng đánh giá sản phẩm và người bán của AI, cho thấy cơ hội ứng dụng công nghệ AI để cung cấp những đánh giá có chiều sâu, phù hợp và chân thực hơn. Với những lợi ích mà AI mang lại, 83% người tiêu dùng sẵn sàng chi trả thêm cho trải nghiệm mua sắm có tích hợp AI.
Theo ông Đỗ Hữu Hưng, Giám đốc điều hành ACCESSTRADE, 5 xu hướng đang dẫn dắt thương mại điện tử Việt Nam là Chatbot AI (trợ lý ảo), Apps (ứng dụng điện thoại), Multi-Channel (đa kênh), Customer Experience (trải nghiệm người dùng) và D2C (Direct-to-Customer, hiểu là bán hàng trực tiếp từ người bán đến người tiêu dùng thông qua website, cửa hàng chính hãng mà không qua các kênh trung gian như nhà phân phối, đại lý). “Cốt lõi của 5 xu hướng nói trên đến từ 2 động lực: Lấy công nghệ và lấy người tiêu dùng làm trung tâm”, ông Đỗ Hữu Hưng nêu.
Trong bối cảnh thế giới đang biến đổi từng ngày với sự xuất hiện liên tục của tiến bộ khoa học - công nghệ mới, nền tảng thương mại điện tử hoạt động trên cơ sở kỹ thuật số đã trở thành trọng tâm trong mọi định hướng, kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp.
Cũng trong xu thế ấy, có thể thấy chưa bao giờ người tiêu dùng, hay khách hàng, lại đóng vai trò trung tâm và có tiếng nói quan trọng trong nền kinh tế số như hiện nay.
Mỗi trải nghiệm, đánh giá, phản hồi tích cực hay tiêu cực của người dùng đều ảnh hưởng mạnh mẽ tới hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp thương mại điện tử, đặc biệt khi thị trường Việt Nam đang chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt đến từ nhiều thương hiệu tầm cỡ.
Ứng dụng AI cho các mục tiêu kinh doanh – yếu tố then chốt
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng ở mức 18-25% mỗi năm. Năm 2024, quy mô thị trường đạt trên 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm khoảng 9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Điều này cho thấy, người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các phương thức mua sắm trực tuyến.
Đánh giá của Fortune Business Insights cũng chỉ ra, quy mô thị trường AI trong ngành bán lẻ toàn cầu dự kiến sẽ tăng từ 9,36 tỷ USD vào năm 2024 lên 85,07 tỷ USD vào năm 2032, với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm là 31,8%. Có nhiều yếu tố góp phần vào sự tăng trưởng ấn tượng này và ứng dụng AI cho các mục tiêu kinh doanh là một trong những yếu tố then chốt.
Theo bà Lê Minh Trang, Phó Giám đốc bộ phận nghiên cứu bán lẻ (Công ty NielsenIQ Việt Nam), AI có khả năng gợi ý sản phẩm phù hợp với nhu cầu, sở thích của khách hàng nhờ việc phân tích dữ liệu lớn từ hành vi mua sắm trước đây của họ, bao gồm cả lịch sử mua hàng, sản phẩm đã xem, phản hồi hoặc đánh giá sản phẩm...
Từ đó, doanh nghiệp có thể điều chỉnh sản phẩm, dịch vụ hoặc chiến lược tiếp thị phù hợp hơn với nhu cầu của khách hàng. Thêm vào đó, từ dữ liệu thị trường và dữ liệu khách hàng, AI có thể dự báo xu hướng và nhu cầu sản phẩm trong tương lai. Điều này giúp doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược sản phẩm và marketing để đáp ứng nhu cầu thị trường, giữ vững lợi thế cạnh tranh.
Mặt khác, sự kết hợp giữa AI và các công nghệ tiên tiến khác đã, đang mở ra những cơ hội mới để tăng hiệu quả, giảm chi phí, cải thiện và tối ưu hóa quản lý kho hàng và chuỗi cung ứng trong thương mại điện tử.
Trên thực tế, Alibaba, gã khổng lồ thương mại điện tử của Trung Quốc, đã triển khai hệ thống kho hàng tự động với sự hỗ trợ của robot và AI. Robot có thể tự động chọn và đóng gói hàng hóa, sắp xếp vào vị trí lưu trữ tối ưu và thậm chí chuẩn bị đơn hàng cho việc vận chuyển. Điều này giúp giảm đáng kể thời gian xử lý đơn hàng và tăng hiệu quả hoạt động của kho hàng.
Theo ông Đỗ Hữu Hưng, Giám đốc điều hành ACCESSTRADE, trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển, livestream đã trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược marketing của doanh nghiệp. Livestream không chỉ là công cụ bán hàng mà còn giúp kết nối cảm xúc với người tiêu dùng.
Không chỉ các doanh nghiệp lớn, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng đang tận dụng phương thức tiếp thị liên kết để tiếp cận khách hàng với chi phí tối ưu. Các nền tảng như ACCESSTRADE và TikTok Shop giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia cuộc chơi mà không cần ngân sách quá lớn, thay đổi hoàn toàn cục diện thị trường.
Theo các chuyên gia, các nền tảng thương mại điện tử sẽ không chỉ là nơi mua bán mà còn là không gian kết hợp các yếu tố như tìm kiếm, khám phá, đánh giá và bán hàng. Trong năm 2025, việc xây dựng thương hiệu sẽ không chỉ đơn thuần là bán hàng mà cần kết hợp hài hòa giữa việc truyền tải thông điệp thương hiệu và mang lại giá trị sử dụng cho khách hàng.
Các doanh nghiệp sẽ phải lựa chọn chiến lược triển khai nhanh chóng và trực tiếp, đồng thời giải quyết cả hai yếu tố: Mang đến giá trị thực sự cho khách hàng và xây dựng giá trị thương hiệu bền vững. Trong đó, AI là công cụ hỗ trợ đắc lực, hiệu quả.
Sáng 25-4, Diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2025 đã diễn ra tại Hà Nội với chủ đề “Chiến thắng trong kỷ nguyên AI”.
Tại diễn đàn, các doanh nghiệp và chuyên gia đã cùng nhau thảo luận về AI, xuất khẩu số và thương mại điện tử xuyên biên giới.
Đây là những yếu tố then chốt, được đánh giá sẽ dẫn dắt sự phát triển của ngành thương mại điện tử trong thời gian tới. Trong đó, AI hỗ trợ quản trị, vận hành doanh nghiệp và triển khai tiếp thị trực tuyến; các công cụ AI hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử…
Bên cạnh các phần trình bày tham luận, thảo luận, tọa đàm, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đã công bố Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam (EBI) năm 2025 vào dịp này.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/ai-lam-thay-doi-manh-me-thuong-mai-dien-tu-700321.html
Bình luận (0)