Em Phạm Nguyễn Thanh Lam (hàng trước, đầu tiên từ phải qua) cùng bà ngoại sống trong căn phòng ở ký túc xá Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng. Căn phòng được nhà trường miễn phí tiền thuê. Ảnh: T.D |
Ánh sáng từ tình yêu thương
Sinh ra với đôi mắt bình thường, nhưng khoảng năm 2019, một biến cố bất ngờ ập đến làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời Phạm Nguyễn Thanh Lam, khi đang học lớp 8, Lam đột nhiên phát bệnh. Chỉ trong 10 ngày ngắn ngủi, mắt phải của em mất hoàn toàn thị lực, trong khi mắt trái chỉ còn 2/10. Đến nửa năm lớp 9, đôi mắt của em hoàn toàn không nhìn thấy gì. Bác sĩ chẩn đoán Lam mắc bệnh glaucoma, một căn bệnh thường gặp ở người già, và trường hợp của em là vô cùng hiếm ở độ tuổi này.
Nỗi đau đến bất ngờ khiến Lam và cả gia đình không khỏi bàng hoàng. Từ một cô gái hoạt bát, Lam dần trở nên tự ti, thu mình lại với thế giới xung quanh. Em phải đối mặt với bóng tối và học cách thích nghi với cuộc sống khiếm thị. Nhưng trong hành trình đầy gian nan ấy, Lam không hề đơn độc. Gia đình, thầy cô, bạn bè trở thành chỗ dựa vững chắc giúp em từng bước vượt qua nghịch cảnh.
Trong những ngày tháng khó khăn nhất, chị Nguyễn Thị Thanh Tường (SN 1977, mẹ Lam) không chỉ là người mẹ, mà còn là người bạn, là chỗ dựa tinh thần cho con gái. Hè lớp 9, mỗi dịp cuối tuần, chị Tường chở Lam từ Quảng Nam ra Đà Nẵng học chữ nổi. Hai năm ròng rã, chị kiên nhẫn đồng hành cùng con, vượt qua quãng đường dài đầy mệt mỏi. Trên những chuyến xe ngược xuôi ấy, chị luôn thì thầm động viên con mình: "Mất ánh sáng chưa phải là mất tất cả". Những lời nói giản dị nhưng đầy yêu thương ấy đã tiếp thêm sức mạnh để Lam không gục ngã.
Ngày nhận tin Lam thi đỗ vào Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), gia đình vỡ òa trong hạnh phúc. Nhưng niềm vui ấy cũng kéo theo nỗi lo canh cánh: "Làm sao con có thể tự lo cho bản thân ở một thành phố xa lạ khi không thể nhìn thấy?". Không nỡ để cháu gái một mình chống chọi với khó khăn, bà Huỳnh Thị Bích Hồng (SN 1937, bà ngoại của Lam, quê xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước), người chưa từng rời xa mảnh đất quê hương, đã quyết định khăn gói cùng Lam ra Đà Nẵng ở trọ. Mỗi ngày, bà dắt Lam từ nhà trọ đến giảng đường, rồi lại từ giảng đường trở về. Người bà tóc đã bạc, dáng người gầy gò ấy trở thành đôi mắt và chỗ dựa tinh thần cho cháu gái.
Hình ảnh hai bà cháu lặng lẽ dắt tay nhau đến trường đã lay động trái tim nhiều người. Cảm thông trước hoàn cảnh của Lam, Trường Đại học Sư phạm đã đặc cách cho hai bà cháu được ở miễn phí tại ký túc xá. Căn phòng rộng rãi, đầy đủ tiện nghi không chỉ là nơi ở mà còn là minh chứng cho sự quan tâm, sẻ chia của cộng đồng dành cho hai bà cháu. PGS.TS Võ Văn Minh, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Câu chuyện của Lam là nguồn cảm hứng mạnh mẽ về ý chí và nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Chúng tôi mong muốn thông qua câu chuyện này, các bạn trẻ sẽ nhận ra rằng không phải hoàn cảnh quyết định thành công, mà chính sự nỗ lực và tinh thần vượt khó sẽ mở ra cánh cửa tương lai".
Ánh sáng từ nghị lực vươn lên
Trong hành trình đầy thử thách, Lam chưa bao giờ để bóng tối đánh gục mình. Em hiểu rằng chỉ có học tập mới giúp bản thân tự lập và mở ra tương lai tốt đẹp hơn. Vì vậy, cô sinh viên khiếm thị vẫn kiên trì theo đuổi ước mơ. Chị Tường vẫn nhớ như in lời con gái nói trong những ngày khó khăn nhất: "Mẹ đừng buồn, tuy con mù nhưng con vẫn còn sống với bố mẹ". Chính sự lạc quan và mạnh mẽ của Lam đã trở thành động lực để cả gia đình vững vàng bước tiếp.
Lam chọn theo học ngành Tâm lý học vì muốn sau này có thể giúp đỡ người có hoàn cảnh giống mình. Em nói, trải nghiệm của bản thân giúp em thấu hiểu những tổn thương tinh thần mà người khiếm thị đang gặp phải và mong muốn chia sẻ với họ về điều đó. Thời gian đầu bước chân vào giảng đường, Lam không khỏi lo lắng nhưng nhờ sự quan tâm từ bạn bè, thầy cô đã giúp em tự tin hơn. Nguyễn Thị Khánh Linh, bạn cùng lớp, cùng ký túc xá với Lam chia sẻ: "Lam rất chăm chỉ và thông minh. Mỗi khi làm bài tập nhóm, bạn ấy luôn đóng góp nhiều ý tưởng hay. Lam là một tấm gương để tụi em trân quý những gì mình đang có và nỗ lực hơn cho tương lai".
Dù phía trước vẫn còn nhiều thử thách, song Lam chưa bao giờ ngừng cố gắng. Lam tâm sự: "Em thấy mình may mắn vì dù đôi mắt đã mất đi ánh sáng nhưng vẫn còn một cơ thể khỏe mạnh. Em vẫn có thể đến trường và quan trọng nhất là luôn nhận được tình yêu thương từ gia đình, thầy cô, bạn bè và cả những người xa lạ. Chính những điều đó giúp em không bao giờ từ bỏ".
Ánh sáng đã mãi khép lại trên đôi mắt của Lam, nhưng có một thứ ánh sáng khác chưa bao giờ bị dập tắt. Đó là ánh sáng của nghị lực phi thường, của niềm tin vào tương lai. Và hơn thế, đó là ánh sáng của tình yêu thương - thứ ánh sáng ấm áp đã soi rọi con đường em đi, giúp Lam vững bước tiến tới ngày mai tươi sáng hơn.
THU DUYÊN
Nguồn: https://baodanang.vn/channel/5433/202504/anh-sang-cua-lam-4003535/
Bình luận (0)