Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Gặp lại kỷ niệm chính mình

Vừa rồi chúng tôi được gặp lại vợ chồng cô Chính, chú Nam - những người có thời gian làm việc ở Đài Phát thanh Đà Nẵng từ những ngày đầu, nhân dịp cô chú ra dự kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng. Với chúng tôi đây là lần gặp lại sau mấy chục năm cô chú xuôi về Nam, vui khi gặp lại cố nhân, mừng khi thấy cô chú mạnh khỏe ở tuổi thất thập cổ lai hy.

Báo Đà NẵngBáo Đà Nẵng12/04/2025

Một số hình ảnh đồng nghiệp thế hệ chú Nam, cô Chính. Ảnh: Tư liệu
Một số hình ảnh đồng nghiệp thế hệ chú Nam, cô Chính. Ảnh tư liệu

Ngày đó, căn biệt thự trên đường Lê Thánh Tôn trưng dụng để trở thành khu tập thể của Đài Phát thanh Đà Nẵng, được phân cho bốn hộ, ba nhà chúng tôi và nhà cô Chính, chú Nam. Có lẽ mỗi nhà chưa tới 30m2 nhưng lại là không gian quần tụ đáng nhớ của một thời sau ngày đất nước thống nhất. Cô Chính, chú Nam là người tại chỗ, còn ba mẹ của chúng tôi là từ ngoài Hà Nội chuyển về. Mỗi nhà mỗi cảnh nhưng đều có điểm chung là có người làm công việc báo chí của thành phố. Mới thoáng mà đã 50 năm.

Cũng lạ, những nhà báo, nhà thơ sau năm 1975 lại có cái kiểu nhà ở giống nhau. Các nhà báo xúm lại các ngôi nhà ở đường Lê Thánh Tôn, còn các nhà văn, nhà thơ thì chung nhau ở một biệt thự bên đường Ba Đình. Lạ hơn là đến nay những chỗ ở trên cũng vẫn những chủ nhân cũ “một tấc không đi, một ly không rời”. Chỉ có thay đổi là ai cũng mênh mông là tuổi.

Chúng tôi lớn lên trong không gian chung ấy. Bốn gia đình, cô Chính và chú Nam ở một gian phía trong. Ngày đó, hầu như nhà nào cũng có chăn nuôi trừ nhà cô Chính, có lẽ bấy giờ cô là người trẻ nhất và lớn lên tại miền Nam nên không có cái hạnh phúc “Mỗi ngày vui một quả trứng hồng”. Khi chúng tôi lớn lên chút, cảm nhận chú và cô là một đôi đẹp và hiền. Chú Nam rất hiền, năm 1973 tốt nghiệp Bách Khoa (Phú Thọ) được bổ về làm việc tại trạm phát sóng An Hải “cái khu rộng 7,2ha”.

Tại buổi gặp mặt hôm đó, tôi được biết, trong thời khắc lịch sử của thành phố, chú Nam là người trực tiếp giao chìa khóa đài phát sóng cho cách mạng, và cùng những người làm công tác kỹ thuật thực hiện buổi phát thanh đầu tiên qua giọng đọc của các cô chú Minh Luận, Anh Trang: “Đây là tiếng nói của Ủy ban Quân quản thành phố Đà Nẵng, phát thanh từ thành phố Đà Nẵng”. Còn cô Chính năm 1976, qua các vòng thi tuyển của Đài, cô được tuyển vào làm phát thanh viên. Tiêu chuẩn “giọng Quảng nhưng không quá nặng” để cho mọi nơi nghe được. Người Nam, kẻ Trung nên duyên cầm sắc và họ giữ nhau cho đến đầu bạc răng long.

Hôm mời cô chú dùng cơm, tôi hỏi cô nhớ gì thời mỗi sớm “Đây là Đài Phát thanh Đà Nẵng”? Cái cảm giác hồi hộp, tự hào khi được lãnh đạo đài giao nhiệm vụ đọc thuyết minh trực tiếp cùng với chú Minh Luận tại lễ kỷ niệm và diễu binh 10 năm ngày giải phóng của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng vào ngày 29-3-1985 diễn ra ở Sân vận động Chi Lăng. Hào sảng, diễn cảm và… được các chú khen.

Cô kể, ngày đó sao mà mỗi lần được khen là nó vui tới mấy ngày, do việc chê khen nó cụ thể và là nguồn thôi thúc có thực cho mỗi nhân viên? Còn chú Nam rất hiền, hơn mười năm ở chung căn nhà tập thể, chưa thấy chú làm ai mất lòng, lúc nào cũng thấy chú cười. Nhà ở chung, chúng tôi hơn nhau chỉ hơn tuổi nên cứ quấn quýt, ngon nhất là sang nhà nhau ăn chực. Cá chuồn xẻ giữa, nén hành giã nhuyễn gập lại dưới bàn tay khéo léo của cô Chính chiên với dầu phụng thơm lừng. Cái kiểu cá chuồn chiên như thế hình như chỉ có trong Nam, chúng tôi dân gia công nên thấy nó lạ và nước miếng cứ nhễu những dòng ngưỡng mộ. Những chén cơm thời bao cấp, không hiểu vì sao nó ngon như miếng kẹo đậu phụng hình tam giác mẹ mua mỗi lần đi chợ.

Trong các thể loại báo chí, phải chăng bây giờ phát thanh ít được chuộng (?). Còn nhớ ngày trước có câu “một người nói vạn người nghe” bây giờ có khi ngược lại, cả ngàn người nói cho một người nghe. Chỉ cần cái điện thoại là đủ, đọc, nghe, xem trực tiếp hầu như tất cả các sự kiện dù nó xảy ra ở chân trời nào. Công nghệ thay đổi, các loại hình báo chí thay đổi, cách làm và cách đọc thay đổi, chỉ có tấm lòng nhớ nhau là không thay đổi. Những người lớp cô Chính, chú Nam giờ còn lại thưa thớt, riêng tôi vẫn còn nhớ như in những buổi cả nhà háo hức “Mỗi tuần một chuyện” trên sóng Đài Phát thanh Đà Nẵng năm nào.
Chúng tôi gặp lại cô Chính, chú Nam mà như gặp lại kỷ niệm chính mình.

NHÃ ĐAN

Nguồn: https://baodanang.vn/channel/5433/202504/gap-lai-ky-niem-chinh-minh-4003530/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

TP Hồ Chí Minh: Những quán cà phê rực rỡ cờ hoa chào mừng đại lễ 30/4
36 khối quân đội, công an hợp luyện diễu binh đại lễ 30/4
Việt Nam không những..., mà còn...!
Victory - Bond in Vietnam: Khi âm nhạc đỉnh cao hòa quyện với kỳ quan thiên nhiên thế giới

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm