Đến với The Little Forest chắc chắn du khách sẽ có thêm trải nghiệm mới. Ảnh: NVCC |
Bắt đầu hoạt động từ năm 2023, The Little Forest của gia đình thầy Lượng ẩn mình trong một thung lũng đầy khoảng xanh của vườn keo lá tràm, bạch đàn, có dòng suối trong vắt chảy ngang qua. Việc xây dựng một nơi chốn an bình để mọi người có dịp cuối tuần từ dưới phố lên đây đổi không khí, thôi thúc họ phải tích cực lao động và sáng tạo.
Bằng những kinh nghiệm có được cộng với quá trình học hỏi, vợ chồng giáo viên này đã gây dựng một nơi khá tươm tất, với gian nhà trung tâm, giữa bãi cỏ xanh mát là một sân khấu nhỏ, chiếc xích đu tự tạo và một khu rừng nhỏ rộng chừng 2 hecta. Gian nhà chung không có cửa, chỉ để hai bộ bàn ghế, khách ngồi tạm uống nước nghỉ ngơi.
Ở vách tường có chiếc kệ sách xinh xắn, du khách có thể mượn sách tùy ý khi có nhã thú đọc giữa rừng cây hay ngả mình giữa màu xanh của cỏ. Theo chân chủ nhà, chúng tôi men theo con đường nhỏ đi giữa rừng sim đang ra lá, chỉ có vài bụi mua nở những bông hoa màu tím rập rờn đôi cánh ong tìm mật. Xa hơn nữa là cánh rừng keo lá tràm đang mùa thu hoạch, thấp thoáng bóng người đang cưa xẻ, những thân cây keo có màu trắng ngà, thoảng hương nhè nhẹ. Cô My khoe với chúng tôi, nơi đây đã từng đón tiếp đến 230 sinh viên của Đại học Đà Nẵng lên thuê đất dựng trại, tổ chức team building.
Đó là một kỷ niệm vui, không thể nào quên của gia đình cô. Cô My còn kể rằng, mùa sim vừa rồi, thu hoạch trái sim kha khá, cô ngâm hũ rượu đãi thực khách, có nhiều khách nước ngoài lên đây trải nghiệm hái sim cùng gia đình. Đêm ở giữa núi rừng, bên đống lửa trại, thưởng thức món ăn “cây nhà lá vườn” với rau vườn trồng, thịt heo rừng, gà quê, cá suối nướng… lại có thêm ly rượu sim ngòn ngọt khai vị, chắc chắn du khách sẽ có thêm một trải nghiệm mới.
Phía trước gian nhà trung tâm là chiếc cổng bằng phên tre có hai trụ đá, khoảng sân rộng được ngăn nhiều khoảng, có vạt trồng xà lách, cải, rau thơm; bên hiên là những khóm cúc dại với sắc tím đậm nổi bật giữa những vùng xanh. Để có được đám la-ghim giữa đất đồi là cả một kho công sức; thầy Lượng phải dùng xe rùa đẩy cát phủ lên trên đám đất vừa cuốc, trộn phân tro rồi gieo hạt; khi cây lớn chừng vài phân, cả nhà mới nhổ sang cấy ở vạt đất bên cạnh; cuối tuần các bé lên nhổ cỏ, tưới cây.
Luống cải, vạt rau lên xanh kết tinh công sức chăm bón của cả nhà, và qua đó thầy cô muốn dạy cho các con biết sống hòa mình với thiên nhiên sau một tuần học tập căng thẳng. Sau khi cùng chủ nhà dạo trong khuôn viên của The Little Forest, chúng tôi đi bộ theo đường bê-tông 3m, những ngôi nhà thâm thấp nằm ven đồi ẩn mình trong những lùm cây yên bình đến lạ. Dưới chân đồi, những thửa ruộng xanh mượt trải dài, nước từ con suối nhỏ đem đến mùa vàng cho miền đất trung du. Tôi mong mình có thời gian để trở lại, để ngắm sắc vàng của những đồng lúa chín, xen giữa bức thảm xanh của rừng, được lội chân trần dưới dòng suối cạn, nhặt những hòn sỏi đầy màu sắc, sạch sẽ, láng mịn bởi được nước bào mòn, rửa trôi.
Có đến vùng đất này, chúng tôi mới được biết câu chuyện về những người thầy, người cô ngoài việc đứng lớp, đem con chữ gieo trồng cho bao thế hệ; về với đời thường, họ là thực sự những người lao động chân tay. Những đóng góp của đôi vợ chồng giáo viên ở vùng đất đồi thôn Trung Nghĩa tuy nhỏ bé nhưng gợi cho tôi nhiều ấn tượng. Và tôi lại nhớ đến câu nói của Frank KA. Clark: “Ai cũng muốn làm điều gì đó lớn lao, nhưng lại không nhận ra rằng cuộc sống tạo thành từ những điều rất nhỏ”.
NGUYỄN THỊ THU THỦY
Nguồn: https://baodanang.vn/channel/5433/202504/noi-tim-ve-binh-yen-4003538/
Bình luận (0)