Ngành thuế đã quyết liệt tinh giản bộ máy, nỗ lực khắc phục khó khăn đến tạo hiệu quả bứt phá, nhằm hoàn thành tốt các nhiệm vụ do Chính phủ, Bộ Tài chính giao phó - Ảnh: VGP/HT
Ông Dương Văn Hùng -Trưởng ban Ban Tổ chức cán bộ (Cục Thuế) - Bộ Tài chính đã có cuộc trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về những nỗ lực của ngành thuế từ quá trình quyết liệt tinh giản bộ máy, nỗ lực khắc phục khó khăn đến tạo hiệu quả bứt phá, nhằm hoàn thành tốt các nhiệm vụ do Chính phủ, Bộ Tài chính giao phó.
Tinh gọn bộ máy: Cắt giảm 85% đầu mối đi đôi với chuyển đổi mô hình quản lý đột phá
Xin ông chia sẻ về hoạt động sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả của ngành Thuế đã triển khai trong thời gian qua, đồng thời ngành thuế đã khắc phục khó khăn thế nào để bảo đảm công việc không bị gián đoạn, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao?
Ông Dương Văn Hùng: Thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, ngành Thuế đã trải qua hai giai đoạn cải cách tổ chức quy mô lớn. Trong đó, giai đoạn đầu tiên (2017–2021), ngành đã tiên phong tập trung cắt giảm các đầu mối hành chính, giảm từ hàng ngàn đơn vị xuống còn 63 cục thuế, 413 chi cục và gần 2.900 đội thuế.
Tiếp nối thành công đó, bám sát chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước là tinh gọn bộ máy không chỉ là giảm đầu mối, số lượng mà còn nâng cao cơ chế vận hành thực thi nhiệm vụ, từ cuối năm 2024 đến nay, ngành Thuế thực hiện bước chuyển đổi mạnh mẽ hơn với việc xoá bỏ mô hình Tổng cục, thu gọn tối đa các đầu mối, hợp nhất chi cục theo khu vực, sắp xếp lại cấp đội thuế.
Theo mô hình tổ chức, ngành Thuế đã tinh gọn từ hơn 4.000 đầu mối xuống còn hơn 600 đầu mối, chuyển đổi từ mô hình "quản lý thuế theo chức năng, kết hợp với đối tượng" sang "quản lý theo đối tượng, kết hợp quản lý theo chức năng". Kết quả này là minh chứng rõ nét cho quyết tâm chính trị và nỗ lực hành động của toàn ngành trong việc thực hiện hoá chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về tinh giản bộ máy, đổi mới quản trị công.
Không chỉ đơn thuần là việc sáp nhập, tổ chức lại mà là bước chuyển dịch lớn nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống thuế, tạo điều kiện để mỗi cán bộ phát huy năng lực, từng bước hiện đại hoá phương thức phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN). Đây không chỉ là yêu cầu mang tính chiến lược lâu dài mà còn là đòi hỏi cấp bách trong tiến trình cải cách hành chính, cải cách tài chính công và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.
Tuy nhiên, quá trình tổ chức lại bộ máy không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc nhất định. Việc giảm mạnh số lượng đầu mối quản lý - từ đó đặt ra áp lực không nhỏ về tổ chức lại nhân sự, quy trình vận hành, phân bổ khối lượng công việc và quản lý địa bàn rộng lớn hơn. Trong khi đó, nguồn nhân lực không tăng, thậm chí tinh giản; cán bộ, công chức tại nhiều địa phương phải di chuyển, công tác xa nơi cư trú, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và tâm lý làm việc.
Nhận diện đúng thực tiễn, lãnh đạo Cục Thuế đã chỉ đạo quyết liệt, thống nhất toàn ngành quán triệt phương châm: Tinh gọn nhưng không để bộ máy vận hành bị gián đoạn. Tinh giản nhân sự nhưng phải tăng hiệu quả làm việc, thay đổi mô hình tổ chức nhưng vẫn giữ vững kỷ cương, trách nhiệm và chất lượng phục vụ.
Ông Dương Văn Hùng -Trưởng ban Ban Tổ chức cán bộ (Cục Thuế)-Bộ Tài chính - Ảnh: VGP/HT
Để hỗ trợ đội ngũ công chức yên tâm công tác, nhiều cơ quan thuế đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tạo điều kiện về chỗ ở, cải tạo cơ sở vật chất, bố trí nhà công vụ tại nơi làm việc cho những cán bộ công tác xa. Đây là những việc làm thiết thực, thể hiện tinh thần nhân văn và sự quan tâm sâu sát của ngành đối với người lao động.
Song song với tổ chức bộ máy, chúng tôi cũng tiến hành đào tạo, bồi dưỡng lại cán bộ theo vị trí việc làm mới, nâng cao kỹ năng quản lý, sử dụng công nghệ thông tin (CNTT)...Có thể nói, nhờ sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, công cuộc tinh gọn tổ chức của ngành thuế không chỉ đạt mục tiêu về mặt hình thức tổ chức, mà còn tạo chuyển biến tích cực về chất lượng hoạt động, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ tài chính - ngân sách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Thu ngân sách tăng 34%: Đòn bẩy từ cải cách và chính sách linh hoạt
Xin ông cho biết những các kết quả đáng chú ý của ngành Thuế đã đạt được trong thời gian qua, nguyên nhân là gì?
Ông Dương Văn Hùng: Việc tổ chức lại bộ máy ngành Thuế không chỉ là cải cách về hình thức, mà còn tác động tích cực đến chất lượng quản lý và thu ngân sách. Dù nền kinh tế vẫn đang đối mặt với nhiều áp lực, tác động bất lợi từ bên ngoài, ngành thuế đã đạt được kết quả nổi bật trong quý I/2025.
Tính đến hết tháng 3/2025, tổng thu ngân sách do cơ quan Thuế quản lý đạt 656.873 tỷ đồng, bằng 38,2% dự toán và tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, 12/19 khoản thu đạt trên 30% dự toán, 53/63 địa phương có mức tăng trưởng, cho thấy hiệu quả điều hành và quản lý sát sao từ trung ương đến cơ sở.
Kết quả này là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố: sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, chính sách tài khóa linh hoạt từ Bộ Tài chính, sự phục hồi của doanh nghiệp và nỗ lực của chính người dân. Đặc biệt, Công điện số 124/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ các vướng mắc về đầu tư, quy hoạch, giải phóng mặt bằng...
Không dừng lại ở đó, ngành thuế đã đẩy mạnh tự động hóa, cải cách thủ tục hành chính, tăng hiệu quả các dịch vụ điện tử như hoàn thuế, nộp thuế, hóa đơn điện tử. Công tác quản lý thu tiếp tục được tăng cường, đặc biệt là trong các lĩnh vực còn nhiều dư địa như thương mại điện tử (TMĐT), nền tảng số, dịch vụ ăn uống - lưu trú, khai khoáng…
Việc cưỡng chế nợ thuế cũng được triển khai quyết liệt, thu hồi hơn 22.000 tỷ đồng nợ thuế trong quý I. Tổng cộng, đến ngày 9/4/2025, ngành đã thu được 689.694 tỷ đồng – tương đương 40,1% dự toán năm, tạo nền tảng vững chắc cho nhiệm vụ thu ngân sách cả năm.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng thăm và chỉ đạo tại Trung tâm Giám sát công nghệ thông tin của Cục Thuế (Bộ Tài chính)
Quyết tâm triển khai tốt các giải pháp chiến lược phát triển ngành thuế
Trong thời gian tới, ngành Thuế có giải pháp gì để tiếp tục phát huy tốt các kết quả trong công tác tổ chức cán bộ, khắc phục khó khăn để góp phần triển khai tốt các nhiệm vụ được giao?
Ông Dương Văn Hùng: Năm 2025 là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Với mục tiêu đạt tăng trưởng GDP ở mức 8%, nhiệm vụ thu ngân sách, cải cách hành chính và hiện đại hóa ngành thuế đặt ra những yêu cầu ngày càng cao, đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực vượt bậc, hành động quyết liệt, đồng bộ và sáng tạo.
Để mô hình tổ chức mới vận hành thực chất, hiệu quả theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, ngành thuế xác định rõ phương châm hành động "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả", cùng tinh thần đổi mới tư duy quản lý và định hướng chiến lược rõ ràng, trong đó ngành Thuế sẽ tập trung triển khai 7 nhóm giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, nhanh chóng ổn định tổ chức bộ máy theo mô hình mới sau sắp xếp, bảo đảm mọi hoạt động nghiệp vụ được vận hành thông suốt, không gián đoạn, phối hợp nhịp nhàng trong xử lý công việc, nâng cao hiệu quả quản lý thuế trên từng địa bàn.
Thứ hai, tăng cường các biện pháp quản lý thu, chống thất thu, thu hồi nợ đọng và gian lận thuế. Mỗi đơn vị thuế phải chủ động theo sát diễn biến, xử lý nghiêm minh các hành vi trốn thuế, lợi dụng chính sách để chiếm đoạt ngân sách, bảo đảm nguyên tắc: thu đúng, thu đủ, thu kịp thời.
Thứ ba, tiếp tục triển khai hiệu quả các đề án chuyên đề như chống thất thu đối với TMĐT, kinh doanh bất động sản, dịch vụ lưu trú, sân golf... Qua đó, khép kín các khoảng trống chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý rủi ro và tăng thu ngân sách một cách bền vững.
Thứ tư, đẩy nhanh chuyển đổi số ngành Thuế theo hướng hiện đại, tích hợp, đồng bộ và minh bạch. Trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống CNTT, kết nối liên thông với các bộ, ngành và đơn vị liên quan. Song song đó, ngành sẽ nghiên cứu ứng dụng công nghệ AI, dữ liệu lớn (Big Data) để tự động hóa quy trình quản lý, giảm thiểu thủ công, tăng hiệu suất và độ chính xác. Tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện các dịch vụ thuế điện tử phục vụ tốt nhất người dân và DN (như khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, hoá đơn điện tử).
Tại Hội nghị tổng kết công tác thuế năm 2024 và triển khai nhiệm vụ công tác thuế năm 2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã nhấn mạnh việc chuyển đổi số, xử lý dữ liệu tập trung đóng vai trò quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh đối tượng quản lý của hệ thống thuế ngày càng tăng, bộ máy ngày càng tinh gọn. Do đó, trong năm 2025, ngành thuế cần tiếp tục tập trung cao độ để đẩy nhanh thực hiện ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), xử lý cơ sở dữ liệu lớn (Big Data). Đẩy nhanh thực hiện hoàn thuế TNCN tự động; tự động hoá công tác quản lý nợ; ứng dụng AI trong thanh - kiểm tra; phân tích dữ liệu thương mại điện tử (TMĐT) cũng như quản lý hoá đơn đáp ứng yêu cầu của phát triển kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số và hội nhập quốc tế.
Thứ năm, hoàn thiện thể chế quản lý thuế, sửa đổi các quy trình nghiệp vụ, tăng cường minh bạch, giảm thiểu các điểm nghẽn trong quản lý và phục vụ.
Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người nộp thuế, nâng cao sự hài lòng của người dân và DN. Ngành Thuế cam kết đồng hành cùng DN, tạo môi trường thuận lợi, công bằng, minh bạch, từ đó nâng cao niềm tin xã hội và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Thứ bảy, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng đội ngũ cán bộ thuế thực sự "liêm chính - kỷ cương - chuyên nghiệp - hiện đại - thân thiện", chú trọng nâng cao chất lượng nhân sự.
Đáng chú ý, ngành thuế sẽ triển khai cơ chế đánh giá hiệu quả công việc theo tiêu chí định lượng, minh bạch, công bằng; thúc đẩy tinh thần làm chủ, phát huy năng lực, trách nhiệm và sáng tạo trong từng vị trí công tác.
Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng, để hoàn thành trọng trách trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, không thể trông chờ vào những giải pháp ngắn hạn, mà cần một chiến lược phát triển dài hơi, gắn với chuyển đổi thể chế, con người và công nghệ. Với tinh thần đoàn kết, kỷ cương và khát vọng cống hiến, ngành thuế sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, vững bước trên hành trình hiện đại hóa và hội nhập, góp phần củng cố nền tài chính quốc gia vững mạnh, đồng hành cùng đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển hùng cường, thịnh vượng.
Trân trọng cảm ơn ông!
Huy Thắng thực hiện
Nguồn: https://baochinhphu.vn/bai-3-tinh-gon-bo-may-nganh-thue-hanh-trinh-cai-cach-quyet-liet-va-hieu-qua-102250413154423876.htm
Bình luận (0)