Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

- Bảo tàng Phụ Nữ Nam Bộ

Ký ức về tình yêu trong thời chiến qua câu chuyện về chiếc áo dài cưới Áo dài không đơn thuần là một trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam, mà còn được xem là biểu tượng văn hóa, biểu tượng của vẻ đẹp dịu dàng, mang đậm bản sắc văn hóa dân [...]

Việt NamViệt Nam28/04/2025

Ký ức về tình yêu trong thời chiến qua câu chuyện về chiếc áo dài cưới

Áo dài không đơn thuần là một trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam, mà còn được xem là biểu tượng văn hóa, biểu tượng của vẻ đẹp dịu dàng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Không có bộ trang phục nào khác vừa tôn vinh hình thể người phụ nữ, vừa chứa đựng chiều sâu tinh thần như áo dài – trong những buổi lễ trọng đại, những ngày cưới hỏi, đến cả những khoảnh khắc đời thường. Có thể thấy, áo dài là trang phục quan trọng luôn được lựa chọn để xuất hiện trong những khoảnh khắc thiêng liêng của cuộc đời.

Áo dài không chỉ là một kỷ vật cá nhân, mà là chứng nhân của cả một giai đoạn lịch sử, của tình yêu, lòng son sắt và khát vọng tự do. Đó là chiếc áo dài cưới của bà Phan Thị Quyên – người vợ trẻ của anh hùng Liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, là một trong những hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ.

Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi sinh năm 1940 tại Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Từ một người thợ điện bình dị, anh đã trở thành “chiến sĩ biệt động thành Sài Gòn”, mang trong mình khát vọng giải phóng dân tộc. Năm 1964, anh được giao nhiệm vụ đánh bom ám sát Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara – một trong những kế hoạch táo bạo nhất của lực lượng kháng chiến miền Nam thời kỳ đó. Mặc dù nhiệm vụ chưa kịp hoàn tất, anh đã bị địch bắt nhưng chính trong những ngày bị giam cầm, anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã thể hiện bản lĩnh của một người hùng– với sự hiên ngang, lòng quả cảm và bản lĩnh sắt đá, anh không khai báo, không run sợ trước cực hình, và ra đi với nụ cười chiến thắng trên môi.

Trước ngày nhận nhiệm vụ lịch sử, anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã tổ chức một đám cưới giản dị với người bạn gái tên Phan Thị Quyên – một nữ sinh viên dược trẻ trung, yêu nước, thông minh và đầy nghị lực. Bà Phan Thị Quyên sinh năm 1944, lúc này vừa tròn 16 tuổi, chị đi làm cho Hãng bông Bạch Tuyết. Tới năm 1963, gặp anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, 2 người yêu nhau và đám cưới được tổ chức vào ngày 21/4/1964 (tức ngày 10 tháng 3 âm lịch). Vợ chồng nhưng bà không hề biết chồng mình là chiến sĩ biệt động.

Hai người đã có một lễ cưới vội vàng nhưng đầy cảm xúc, không có nhẫn cưới, không bàn tiệc linh đình, chỉ có tình yêu chân thành và sự đồng hành trong lý tưởng. Trong lễ cưới ấy, bà Quyên mặc một chiếc áo dài trắng – chiếc áo giản dị nhưng tinh khôi, trong sáng như tình yêu tuổi trẻ. Và chính chiếc áo ấy đã gắn bó với bà không chỉ trong ngày cưới, mà còn trong những lần hiếm hoi bà được vào thăm Anh hùng Liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi trong trại giam Chí Hòa. “Tôi mặc lại chiếc áo dài cưới, để anh biết tôi vẫn là người vợ của anh, và mãi mãi là người vợ ấy, cho dù có chuyện gì xảy ra.”  – bà Phan Thị Quyên kể lại.

Ảnh 1: Đám cưới của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi và chị Phan Thị Quyên (ảnh sưu tầm)

Mỗi lần đến thăm chồng, bà Phan Thị Quyên Quyên đều mặc lại chiếc áo ấy. Không phải để làm đẹp, mà như một cách giữ gìn ký ức hôn nhân, một lời nhắn nhủ thầm lặng rằng bà vẫn đợi, vẫn tin vào một người chồng, một người chiến sĩ bản lĩnh và bất khuất.

Ngày 15/10/1964 (10/9 âm lịch), anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi bị Tòa án quân sự Sài Gòn hành quyết. Trước khi ra pháp trường, anh vẫn dũng cảm hô vang :“Còn những người như tôi thì đế quốc Mỹ không thể nào thắng được”.

Trên miệng anh là nụ cười, còn trong tim hẳn là hình ảnh người vợ trẻ mặc chiếc áo dài trắng đứng bên song sắt, dõi theo từng bước chân cuối cùng.

Sau ngày anh hùng liệt sĩ hy sinh, bà Quyên tiếp tục con đường cách mạng. Dù tuổi đời còn rất trẻ, bà đã mang trong mình một nỗi đau riêng không thể nguôi ngoai. Chiếc áo dài cưới ấy – bà không mặc lại nữa. Nó trở thành vật thiêng liêng, được gấp lại cẩn thận, lưu giữ như một phần ký ức không thể phai.

Nhiều năm sau, chiếc áo dài trắng ấy đã được bà Phan Thị Quyên trao tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ. Hiện nay, chiếc áo được trưng bày trong phòng chuyên đề Lịch sử chiếc Áo dài Việt Nam, với đầy đủ thông tin về bối cảnh, nhân vật và giá trị hiện vật. Điều đó như thể hiện lòng biết ơn sâu sắc và tri ân tình yêu bất diệt đối với người anh hùng ấy cùng người phụ nữ mà anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi yêu thương. Bên cạnh đó, chiếc áo như nhắc nhớ lại cho các thế hệ mai sau về một tình yêu son sắt đã thầm lặng hy sinh vì một tình yêu lớn hơn đó là “Tổ quốc”.

Ảnh 2: Chiếc áo dài cưới của chị Phan Thị Quyên (ảnh sưu tầm)

Giờ đây, chiếc áo dài cưới đã ngả màu theo thời gian, không còn trắng tinh như thuở mới, nhưng lại sáng hơn bao giờ hết trong lòng người xem – vì nó sáng lên bằng ký ức, bằng lòng thủy chung, bằng tình yêu son sắt giữa khói lửa chiến tranh. Chiếc áo dài ấy là đại diện cho một biểu tượng về một câu chuyện tình yêu trong khói lửa chiến tranh,  một giai đoạn không thể lãng quên của lịch sử dân tộc.

Chiếc áo dài cưới của bà Phan Thị Quyên không còn chỉ là của riêng bà, mà là của cả dân tộc. Đó là biểu tượng của tình yêu, niềm tin và hy sinh âm thầm của người phụ nữ Việt Nam, trong thời đại mà lý tưởng đặt lên trên cả bản thân, hạnh phúc cá nhân sẵn sàng lùi lại để nhường chỗ cho tự do dân tộc.

Trong thời bình hôm nay, giữa nhịp sống hối hả và hiện đại, những hiện vật như vậy là cầu nối để thế hệ trẻ hiểu hơn về giá trị lịch sử, về lòng trung hậu, và trên hết – về một tình yêu cao cả, vượt lên cả sự cách biệt âm – dương. Chiếc áo dài trắng – không chỉ là ký ức, mà là lời kể bằng vải vóc về một tình yêu giữa một thời đại không thể nào quên.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 04 năm 2025

Dương Kim Ngọc

Phòng Truyền thông – Giáo dục – Quan hệ Quốc tế

 

Tài liệu tham khảo

  1. Chuyện ít biết về chị Quyên https://daidoanket.vn/chuyen-it-biet-ve-chi-quyen-10138907.html (Truy cập ngày 19/04/2025)
  2. Sống như Anh, Trần Đình Vân (năm 1965), Nhà xuất bản Văn học.

Nguồn: https://baotangphunu.com/4626/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

"Đường quê" trong tâm thức người Việt
Góc nhìn đặc biệt từ tiêm kích Su30-MK2 nhào lộn thả bẫy nhiệt
Pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TP.HCM trong tiếng reo hò của người dân, du khách
Người dân chờ đợi 5 tiếng để chiêm ngưỡng pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TPHCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm