Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bảo tồn giá trị di sản văn hóa phi vật thể để phát triển du lịch ở Vĩnh Linh

QTO - Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Vĩnh Linh - mảnh đất địa đầu giới tuyến đã vang danh trong lịch sử, vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý của Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ; được cả nước tin yêu, bạn bè quốc tế mến phục tặng nhiều danh hiệu vẻ vang: “Tiền đồn miền Bắc xã hội chủ nghĩa”, “Mảnh đất kim cương”, “Tuyến lửa anh hùng”, “Vĩnh Linh lũy thép”... Trong công cuộc đổi mới, Vĩnh Linh cũng đã thu được những thành tựu hết sức to lớn, được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; là một trong những “miền quê đáng sống” của tỉnh Quảng Trị, “nơi muốn đến, chốn mong về” của du khách trong và ngoài nước. Đây chính là cơ sở quan trọng để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, nhất là trong lĩnh vực du lịch.

Báo Quảng TrịBáo Quảng Trị09/04/2025

Bảo tồn giá trị di sản văn hóa phi vật thể để phát triển du lịch ở Vĩnh LinhBảo tồn giá trị di sản văn hóa phi vật thể để phát triển du lịch ở Vĩnh Linh114d2203605t895l3-z6484540509709-a9bfc.jpg


Bảo tồn giá trị di sản văn hóa phi vật thể để phát triển du lịch ở Vĩnh LinhBiểu diễn văn nghệ tại Hội báo Xuân tổ chức ở huyện Vĩnh Linh thu hút đông đảo người dân đến thưởng thức, cổ vũ - Ảnh: Đ.T

Có thể thấy trong những năm qua, huyện Vĩnh Linh đã chú trọng tổ chức bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của những di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu trên địa bàn để nhân lên truyền thống yêu quê hương, đất nước trong công cuộc đổi mới.

Đồng thời với đó là giữ gìn các giá trị văn hóa, đầu tư, khai thác hiệu quả các thiết chế văn hóa để thúc đẩy du lịch phát triển. Hệ thống di tích lịch sử văn hóa như: Cụm di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Cửa Tùng, địa đạo Vịnh Mốc, Rú Lịnh... đang từng bước được kết nối, đầu tư hình thành các tour, tuyến du lịch quan trọng của huyện và của tỉnh, hướng tới xây dựng mô hình du lịch thông minh, du lịch nông nghiệp.

Tháng 12/2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị, Hội Truyền thông Thành phố Hà Nội và UBND huyện Vĩnh Linh ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, thiết lập quan hệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch tại huyện Vĩnh Linh.

Xác định tuyến du lịch phía Đông huyện Vĩnh Linh bao gồm kết nối giữa Hiền Lương - Cửa Tùng - Vịnh Mốc - Rú Lịnh - Làng Dân ca Tùng Luật - Bến đò A - Mộ 61. Tuyến du lịch dọc sông Bến Hải gồm kết nối Hiền Lương - Cầu Treo Bến Tắt - Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn - Nhà Bom - Giếng cổ Gio An. Tuyến du lịch bàu Thủy Ứ - Làng trạng Vĩnh Hoàng - Truông Nhà Hồ - bãi biển Vĩnh Thái. Tuyến du lịch miền Tây Quảng Trị gồm Di tích nơi bắn rơi chiếc máy bay B52 đầu tiên - Khe Hó - Bản nhà sàn Vân Kiều - đi Vĩnh Ô kết nối với động Brai và thác Chênh Vênh. Tuyến dọc sông Sa Lung kết nối miếu thờ Bà Chúa Vương Phi họ Lê - Đồi 74 (động Lòi Reng) - Trận địa ngày 11/11/1966 và chiến khu Thủy Ba (cũ)...

Trong bề dày lịch sử văn hóa truyền thống, bên cạnh những di sản văn hóa vật thể, những nét văn hóa truyền thống phi vật thể ở Vĩnh Linh cũng rất phong phú và đa dạng. Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền trong huyện đã quan tâm khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể.

Hiện nay, huyện Vĩnh Linh có 45 di sản văn hóa phi vật thể đã đưa vào danh mục văn hóa phi vật thể của tỉnh Quảng Trị, trong đó gồm có các nhóm như sau: Tri thức dân gian (6), Tập quán xã hội (6), Nghề thủ công truyền thống (11), Nghệ thuật trình diễn dân gian (12), Lễ hội cách mạng, lễ hội truyền thống (4), Ngữ văn dân gian, tiếng nói chữ viết (5).

Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, hiện nay một số nét văn hóa phi vật thể truyền thống trên địa bàn huyện do những tác động của các yếu tố khách quan, đặc biệt là do tác động của sự phát triển khoa học kỹ thuật nên đã dần mai một như: nghề ép dầu sở ở Đông Trường (xã Vĩnh Tú); lễ cầu ngư làng Thái Lai, tục hát sắc bùa làng Thái Lai, hội xuân làng Thử Luật (xã Vĩnh Thái); nghề đan lát, nghề làm hương làng Thủy Trung (xã Trung Nam); hội đu thôn Hương Nam (xã Kim Thạch); nghề chằm nón, đan lát An Du Nam (thị trấn Cửa Tùng)...

Trước tình hình này, huyện Vĩnh Linh đã chú trọng đầu tư nguồn lực cùng với nhiều chính sách phù hợp để khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể trên địa bàn huyện và đem lại kết quả đáng ghi nhận.

Tiêu biểu như ở xã Vĩnh Tú với ngày hội kể chuyện trạng Vĩnh Hoàng (ngày mồng 4 đến mồng 6 tháng Giêng); hội bài chòi ở thị trấn Hồ Xá, các xã: Vĩnh Hòa, Vĩnh Lâm, Trung Nam, Vĩnh Giang (ngày mồng 2 Tết đến mồng 6 tháng Giêng); lễ hội rằm tháng Hai gồm các hoạt động: đua thuyền truyền thống múa chèo cạn (thôn Tùng Luật, xã Vĩnh Giang); lễ hội cầu ngư rằm tháng Năm (thôn Vịnh Mốc, xã Kim Thạch); hội đua thuyền truyền thống thị trấn Cửa Tùng (ngày mồng 4 tháng Giêng); lễ hội rằm tháng Giêng gồm các hoạt động: lễ hội đua thuyền, liên hoan văn hóa- văn nghệ (thôn Huỳnh Thượng, xã Vĩnh Sơn); lễ giỗ Bà Chúa Vương Phi họ Lê (xã Vĩnh Long); phiên chợ vùng cao Vĩnh Ô (ngày 19 hằng tháng); lễ hội cồng chiêng (xã Vĩnh Ô)...Đặc biệt, huyện tổ chức ngày hội văn hóa định kỳ 5 năm/lần nhân kỷ niệm ngày truyền thống Vĩnh Linh (25/8) nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa của địa phương.

Cùng với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, các làng nghề truyền thống, các sản phẩm văn hóa ẩm thực trên địa bàn huyện cũng được quan tâm khôi phục, hình thành và phát triển với những sản phẩm có thương hiệu được du khách trong và ngoài tỉnh đánh giá cao như: bánh đúc rau câu, canh rau mứt (thị trấn Cửa Tùng, xã Kim Thạch); nghề làm nước mắm, nghề làm ruốc (thị trấn Cửa Tùng, xã Vĩnh Thái), ẩm thực, gỏi nuốt hoa bần (thôn Phúc Lâm, xã Vĩnh Long); gỏi tép nhảy (bàu Trạng, bàu Thủy Ứ, xã Vĩnh Tú)...

10 câu lạc bộ (CLB) văn hóa dân gian truyền thống cũng đã được thành lập trong thời gian qua với gần 200 nghệ nhân, những người có năng khiếu, đam mê văn hóa- văn nghệ dân gian tham gia. Tiêu biểu như: CLB Dân ca Sông Hiền; CLB kể chuyện trạng Vĩnh Hoàng; các CLB Bài chòi Đơn Duệ, Hồ Xá, Trung Nam; CLB Dân ca Làng Tùng (Tùng Luật, Vĩnh Giang), CLB Dân ca Hiền Thành; CLB Cồng chiêng 3 xã Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà...

Sau thành lập, các CLB tổ chức tập luyện định kỳ hằng tháng theo quy chế đề ra, đồng thời tham gia vào các hoạt động trình diễn phục vụ Nhân dân vào các dịp lễ, tết và các hoạt động lễ hội do các cấp chính quyền tổ chức. Qua quá trình biểu diễn, truyền dạy, cống hiến cho hoạt dộng văn hóa dân gian truyền thống, trên địa bàn huyện đã có 10 người được Chủ tịch nước phong tặng nghệ nhân ưu tú.

Để công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu trên địa bàn huyện Vĩnh Linh triển khai thuận lợi, góp phần thúc đẩy lĩnh vực du lịch phát triển, huyện đã đề ra nhiều giải pháp thích ứng, hiệu quả.

Trước hết, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội, sự tham gia của các tầng lớp nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, trong đó có văn hóa của đồng bào dân tộc Vân Kiều. Chú trọng gắn kết nhiệm vụ bảo tồn văn hóa với nhiệm vụ phát triển du lịch. Đẩy mạnh phục dựng, lưu giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể.

Xây dựng cơ chế, chính sách, tập trung các nguồn lực cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể. Nâng cao chất lượng công tác cán bộ, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể.

Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, huy động sự tham gia của cộng đồng người dân, nhất là đội ngũ đoàn viên thanh niên, tổ quản lý du lịch cộng đồng, cá nhân làm du lịch cộng đồng người đồng bào dân tộc thiểu số... là những yếu tố quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo tồn văn hóa dân tộc gắn kết thúc đẩy phát triển du lịch tại địa phương.

Nguồn: https://baoquangtri.vn/bao-ton-gia-tri-di-san-van-hoa-phi-vat-the-de-phat-trien-du-lich-o-vinh-linh-192801.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cận cảnh những giờ tập bền bỉ của các chiến sĩ trước đại lễ 30/4
TP Hồ Chí Minh: Những quán cà phê rực rỡ cờ hoa chào mừng đại lễ 30/4
36 khối quân đội, công an hợp luyện diễu binh đại lễ 30/4
Việt Nam không những..., mà còn...!

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm