Reg Mead (trái) và Richard Miles (phải) đang xem xét bản mô phỏng kho báu Le Câtillon II được trưng bày tại bảo tàng La Hougue Bie ở Grouville. Nguồn: archaeologymag.com
Khi 70.000 đồng bạc, 11 chuỗi vòng vàng và đồ trang sức Celtic được khai quật tại một cánh đồng ở Le Câtillon thuộc Jersey - một hòn đảo của Anh ở eo biển Manche, vào năm 2012, các nhà khảo cổ học đã vô cùng bối rối. Họ không hiểu tại sao một kho báu khổng lồ như vậy lại được giấu ở một nơi biệt lập, cách xa các khu định cư và tuyến đường thương mại của người Celtic đã được phát hiện trước đây.
Sau nhiều năm nghiên cứu, các nhà khoa học đã tìm ra câu trả lời. Theo một bài viết được đăng trên trên tạp chí Wreckwatch gần đây, người Celt có thể từng sinh sống ở khu vực này, trái với quan điểm trước đây cho rằng Jersey là vùng đất hẻo lánh và biệt lập vào giữa thế kỷ 1 trước Công nguyên.
Khi phát hiện kho báu này vào năm 2012, hai nhà săn cổ vật nghiệp dư Reg Mead và Richard Miles đã báo ngay cho Jersey Heritage - một tổ chức chịu trách nhiệm quản lý các di tích lịch sử tại Jersey. Nằm trên vùng lãnh thổ phụ thuộc vương quyền, kho báu đã được xử lý theo Đạo luật Kho báu Anh, Xứ Wales và Bắc Ireland năm 1996, được chính quyền Jersey mua lại với giá 4,25 triệu bảng Anh. Sau đó các hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng La Hougue Bie ở Jersey.
Việc tìm ra kho báu ở Jersey không phải là điều tình cờ - Reg Mead và Richard Miles đã tìm kiếm tại khu vực này trong 30 năm. Họ bắt đầu hành trình săn tìm kho báu sau khi nghe một người phụ nữ địa phương kể lại cha cô đã phát hiện ra một vài đồng tiền cổ trên cánh đồng gần nhà. Cô không nhớ chính xác địa điểm, và chủ cánh đồng chỉ cho phép tìm kiếm một lần mỗi năm, sau khi thu hoạch mùa màng. Cuối cùng, sự kiên nhẫn của họ đã được đền đáp.
Theo Jersey Heritage, kho báu này lớn gấp sáu lần so với những kho báu của người Celt đã từng được phát hiện trước đây. Các nhà nghiên cứu cho rằng kho báu bắt nguồn từ vùng Armorica cổ đại của Pháp, tức là vùng Brittany và Normandy ngày nay, vì phần lớn số tiền khai quật được thuộc về bộ tộc người Celt ở Pháp - được gọi là Coriosolitae, tên của bộ tộc này xuất phát từ “corios” trong tiếng Celt, có nghĩa là quân đội hoặc đoàn quân.
Bức tranh vẽ cảnh Vercingetorix, thủ lĩnh người Celt đã bị La Mã đánh bại vào năm 52 TCN, ném vũ khí xuống chân Julius Caesar, do họa sĩ người Pháp Lionel Royer sáng tác năm 1899. Nguồn: archaeologymag.com
Rất có thể, kho báu đã được vận chuyển trong bối cảnh hỗn loạn vào giữa thế kỷ 1 trước Công nguyên, trong giai đoạn chiến tranh Gallic (diễn ra từ năm 58-50 trước Công nguyên do Julius Caesar dẫn đầu quân La Mã tấn công vùng Gaul, nay là Pháp, Bỉ và Thụy Sĩ ), khi sự bành trướng của đế chế La Mã đe dọa đến quyền tự chủ của người Celt ở Galt. Các tài liệu từ năm 57 trước Công nguyên mô tả Coriosolitae nằm trong liên minh cuối cùng chống lại đội quân của Julius Caesar.
Việc vận chuyển kho báu đến Jersey là một nỗ lực tuyệt vọng nhằm bảo vệ số tiền không rơi vào tay quân đội La Mã. “Jersey có lẽ được coi là nơi an toàn hơn so với việc cất giấu những tài sản này trên đất liền Armorica”, TS. Phil de Jersey, một chuyên gia về tiền xu Celtic, cho biết.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành cuộc khảo sát địa vật lý lớn nhất từ trước đến nay ở quần đảo Eo biển (Channel Islands: một lãnh địa vương quyền của Anh tại eo biển Manche, ngoài khơi bờ biển Normandy của Pháp). Thông qua những kỹ thuật địa vật lý tiên tiến, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy các dị thường từ (dị thường từ là sự biến đổi trong từ trường Trái đất, việc lập bản đồ dị thường từ cho một khu vực có thể giúp phát hiện các cấu trúc bên dưới các lớp vật chất) tuyến tính trải dài hàng chục mét, song song và vuông góc với nhau, một số phân chia giống như các khu định cư vùng nông thôn của người Celt vào cuối thời kỳ đồ sắt ở miền bắc nước Pháp.
Những phát hiện này củng cố giả thuyết rằng kho báu được chôn giấu ở một khu vực có sự hiện hữu của con người. Rất có thể, đây là nơi thực hiện nghi lễ hoặc tôn giáo. “Không phải ngẫu nhiên mà người Celt lại chọn địa điểm này”, TS. Hervé Duval-Gatignol, nhà khảo cổ học ở Société Jersiaise (Anh) nhận xét. “Các kho báu kiểu này được cất giấu trong các đền thờ Celtic, kho báu ở Le Câtillon cũng có thể thuộc trường hợp này”. Nỗi sợ bị thần thánh trừng phạt có thể là nguyên nhân khiến những người chôn giấu kho báu không bao giờ tìm lại được kho báu.
TS. Sean Kingsley, tổng biên tập của Wreckwatch và là nhà khảo cổ học đã nghiên cứu hơn 350 vụ đắm tàu trong 30 năm qua, cho biết người Celt là những thủy thủ và thợ đóng tàu rất sáng tạo. Vào thời điểm Caesar tấn công Brittany vào năm 56 trước Công nguyên, người Celt đã quen thuộc với các hoạt động thương mại trên biển. Những kiến thức thực tế về thời gian thủy triều lên xuống, vị trí của các bãi cạn, gió, thời tiết và bến đỗ đã được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác từ lâu. “Họ biết rất rõ cách điều khiển tàu thuyền vượt qua các tảng đá và vùng nước cạn”, TS. Sean Kingsley nói.
“Với những bãi cạn nguy hiểm ở các lối vào Jersey, có thể kho báu này đã được vận chuyển trên một con tàu làm từ da động vật, giống như mô hình chiếc thuyền làm bằng vàng được phát hiện trong kho báu Broighter ở Bắc Ireland, bắt nguồn từ thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên. Những con tàu này có một cánh buồm, mái chèo lái đặt gần đuôi tàu, có chín mái chèo mỗi bên, giúp vượt qua những cơn gió dữ và tránh xa các rạn san hô. Những con tàu này cũng được phủ lớp chống thấm bằng da, gắn chặt vào khung gỗ nhẹ, thoạt nghe có vẻ mỏng manh nhưng thực ra được chế tạo chắc chắn, nhẹ và linh hoạt, phù hợp để lướt trên những con sóng lớn ở vùng biển Đại Tây Dương khó lường, hoặc để đổ bộ vào những vịnh nhỏ”, ông nói.
Những phát hiện mới cũng dẫn đến nhiều câu hỏi: Liệu Le Câtillon có phải là một xưởng đúc tiền bí mật không? Kho báu có phải là lễ vật dâng tặng trong đền thờ? Hay đây là nỗ lực cuối cùng để bảo vệ tài sản của bộ tộc? Việc thực hiện thêm các nghiên cứu là điều cần thiết để làm rõ những nghi vấn này.
“Chúng tôi nghĩ rằng khu vực này có ý nghĩa rất linh thiêng với người Celt, với sức mạnh của tổ tiên từ hàng thiên niên kỷ trước, gắn liền với một ngôi mộ bằng đá to lớn từ thời kỳ đồ đá mới, nằm ở đỉnh đồi phía trên khu vực phát hiện ra kho báu”, TS. Sean Kingsley nói. “Những cánh đồng này có điều gì đó vô cùng đặc biệt. Sức mạnh tâm linh của tổ tiên có thể là lý do chính khiến kho báu được mang đến Jersey”.
Nguồn: The Guardian, Archaeology News Online Magazine
Bài đăng KH&PT số 1336 (số 12/2025)
Ngọc Mai tổng hợp
Nguồn: https://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3099/75301/bi-an-ve-kho-bau-khong-lo-tu-thoi-ky-djo-sat.html
Bình luận (0)