Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm của ngành Du lịch 6 tháng cuối năm 2025

Chiều 9/7, Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ trọng tâm của ngành Du lịch 6 tháng cuối năm 2025. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL chủ trì Hội nghị.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịchBộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch09/07/2025

Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại trụ sở Bộ VHTTDL và kết nối trực tuyến đến 34 điểm cầu của 34 địa phương trên cả nước.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm của ngành Du lịch 6 tháng cuối năm 2025 - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm của ngành Du lịch 6 tháng cuối năm 2025

Báo cáo Kết quả hoạt động du lịch 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết, với sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, cùng với sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương trên cả nước, kế thừa những kết quả đạt được năm 2024, ngành Du lịch đã tích cực, chủ động, sáng tạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp và đã đạt được những kết quả nổi bật. Với đà tăng trưởng tốt ngay từ đầu năm, lượng khách du lịch trong nước và quốc tế tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao, nhận thức về tác động lan tỏa của ngành Du lịch trong nền kinh tế có chuyển biến tích cực.

Du lịch tiếp tục là điểm sáng đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong 6 tháng đầu năm 2025.

Trong đó, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt gần 10,7 triệu lượt, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2024; đạt 48,6% so với Kế hoạch năm 2025 (22 – 23 triệu lượt khách); Tổng lượng khách du lịch nội địa trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt 77,5 triệu lượt, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2024; đạt 64,5% so với Kế hoạch năm 2025 (120 – 130 triệu lượt). Tổng thu từ khách du lịch trong 6 tháng đầu năm ước đạt khoảng 518 nghìn tỷ đồng; đạt 52,8% so với Kế hoạch năm 2025 (980.000 – 1.050 nghìn tỷ đồng).

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm của ngành Du lịch 6 tháng cuối năm 2025 - Ảnh 2.

Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh báo cáo Kết quả hoạt động du lịch 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025.

Trong 6 tháng đầu năm, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành và chủ động ban hành nhiều văn bản chỉ đạo ngành Du lịch các địa phương tích cực chuẩn bị các điều kiện đón và phục vụ khách du lịch, tăng cường công tác quản lý, tổ chức các chương trình kích cầu, khuyến mại… trước các mùa cao điểm du lịch.

Hoạt động du lịch trên phạm vi cả nước tiếp tục có những khởi sắc. Số lượng khách du lịch nội địa duy trì tốc độ tăng trưởng; số lượng khách quốc tế tăng cao ở nhiều điểm đến. Giá phòng và các dịch vụ du lịch không có nhiều biến động lớn. Tình hình an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các điểm đến được đảm bảo. Hoạt động du lịch trên địa bàn cả nước diễn ra sôi động, an toàn…

"Kết quả đó là minh chứng cho hướng đi đúng, kịp thời của ngành Du lịch trong cơ cấu lại thị trường khách, định hướng xây dựng sản phẩm, công tác xúc tiến, quảng bá hiệu quả cả trên thực địa và trên các nền tảng số cùng hiệu ứng tích cực từ chính sách thị thực mới, trong đó có vai trò của công tác quản lý nhà nước của cơ quan Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và các Sở quản lý Nhà nước về Du lịch các địa phương", Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh bày tỏ.

Về công tác xây dựng sản phẩm du lịch, với định hướng của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và sự chủ động của các địa phương cùng đồng hành của doanh nghiệp đã tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, thúc đẩy nhu cầu vui chơi giải trí, mua sắm, tham quan của du khách trong cao điểm nghỉ Tết Dương lịch và Nguyên đán Ất Tỵ 2025; nghỉ lễ 30/4 và 01/5 và Hè 2025.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm của ngành Du lịch 6 tháng cuối năm 2025 - Ảnh 3.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Bộ VHTTDL

Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm 2025, công tác xúc tiến, quảng bá tiếp tục có chuyển biến tích cực với nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo, theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ số, gắn với văn hóa - nghệ thuật - điện ảnh, tập trung vào các nước có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Mỹ, Úc, Nga, Pháp… cùng hàng loạt chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại các lễ hội, sự kiện văn hóa, du lịch, hội chợ du lịch quốc tế ở nước ngoài theo đúng tinh thần Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ và Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Việc liên kết hỗ trợ phát triển giữa các địa phương đã được quan tâm triển khai đồng bộ và thiết thực hơn, góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa đối với các địa phương lân cận.

Theo Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh, để tạo sự bứt phá cho ngành Du lịch bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên giàu mạnh, văn minh và thịnh vượng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và toàn ngành Du lịch sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong giai đoạn tới gồm:

Thứ nhất, tham mưu hoàn thiện thể chế theo hướng "kiến tạo phát triển": sửa đổi Luật Du lịch 2017 và các văn bản pháp lý tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động và thuận lợi cho công tác quản lý; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục cấp phép hoạt động cho doanh nghiệp du lịch.

Thứ hai, nghiên cứu, tham mưu ban hành "chính sách, cơ chế đột phá": phối hợp với các ngành Ngoại giao, Công an để tham mưu, đề xuất mở rộng chính sách miễn thị thực, đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh để tạo thuận lợi thu hút khách quốc tế; phối hợp tham mưu xây dựng và ban hành chính sách thuế phù hợp, đặc biệt về thuế đất đối với các khu du lịch, thuế nhập khẩu trang thiết bị khách sạn, vui chơi giải trí, phương tiện vận chuyển khách du lịch; phối hợp ngành Hàng không đề xuất mở rộng kết nối với các thị trường quốc tế; với ngành Nông nghiệp, Đường sắt để khai thác hiệu quả loại hình du lịch nông nghiệp, du lịch đường sắt.

  • Nông thôn Trung Quốc chuyển mình nhờ du lịch xanh

    Nông thôn Trung Quốc chuyển mình nhờ du lịch xanh

Thứ ba, tiếp tục định hướng phát triển du lịch đi vào chiều sâu, chất lượng, chuyên nghiệp, bền vững, thương hiệu: xây dựng các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch nông nghiệp và sản phẩm đặc thù theo vùng, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch chữa bệnh, du lịch ẩm thực… mang tầm của điểm đến thế giới trên cơ sở tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh quốc gia gắn với phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc; nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch đẳng cấp, mang lại những giá trị trải nghiệm thực sự đặc sắc, ấn tượng cho du khách; định hướng phát triển, đa dạng hóa hệ thống doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng du lịch toàn cầu.

Thứ tư, thúc đẩy thực hiện hiệu quả cơ chế điều phối, quy chế hoạt động, kế hoạch hành động vùng, liên vùng trong hoạt động du lịch. Chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với các ngành khác trong chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam gắn với phát triển xanh, bền vững và phương châm "lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trung tâm".

Thứ năm, cơ cấu lại thị trường du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế của Việt Nam, đáp ứng với xu thế toàn cầu và thích ứng với những biến động trên thị trường du lịch thế giới. Rà soát, nhanh chóng phục hồi, củng cố vững chắc các động lực tăng trưởng của Ngành; nghiên cứu tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới, còn nhiều dư địa, phù hợp với bối cảnh mới.

Thứ sáu, đẩy mạnh hợp tác công - tư, huy động các nguồn lực xã hội trong nước và quốc tế để đầu tư phát triển cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng du lịch, cải thiện khả năng cạnh tranh về chi phí logistics, nhân lực.

Thứ bảy, chỉ đạo, định hướng ngành Du lịch các địa phương tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách, chú trọng vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; tạo dựng môi trường du lịch văn hóa, văn minh, thân thiện, mến khách

Thứ tám, tiếp tục đổi mới cả về nội dung, phương thức thực hiện, kết hợp hài hòa nguồn lực nhà nước và nguồn lực xã hội trong quảng bá xúc tiến định vị thương hiệu du lịch quốc gia; tập trung quảng bá theo chiến dịch trọng điểm, phù hợp định hướng phát triển sản phẩm, thương hiệu du lịch.

Thứ chín, phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu, các nền tảng số kết nối hệ thống thông tin phục vụ cho công tác hoạch định chính sách và điều hành, quản lý nhà nước và phục vụ doanh nghiệp, khách du lịch trong nước, quốc tế.

Thứ mười, định hướng phát triển, đa dạng hóa hệ thống doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng du lịch toàn cầu./.


Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/bo-truong-nguyen-van-hung-chu-tri-hoi-nghi-trien-khai-nhiem-vu-trong-tam-cua-nganh-du-lich-6-thang-cuoi-nam-2025-20250709143622921.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hàng nghìn người đội nắng xem bộ đội hợp luyện diễu binh
Khám phá vẻ đẹp nên thơ của vịnh Vĩnh Hy
Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm