Trong không khí thân mật, Thứ trưởng Thường trực Lê Hải Bình chia sẻ những thành công của Liên hoan phim Quốc tế Đà Nẵng (DNIFF) lần thứ III vừa qua, nhấn mạnh sự phát triển và uy tín ngày càng tăng của sự kiện này ở cả tầm vóc, chất lượng và ý nghĩa thông tin đối ngoại.
Thứ trưởng Thường trực Bộ VHTTDL Lê Hải Bình đã tiếp đoàn lãnh đạo cấp cao của Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPA) do bà Urmila Venugopalan, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành khu vực châu Á – Thái Bình Dương dẫn đầu.
Bà Urmila Venugopalan, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành khu vực châu Á – Thái Bình Dương bày tỏ sự bất ngờ và hứng thú về nguồn năng lượng sáng tạo, sự mới mẻ trong cách kể chuyện của các nhà làm phim Việt Nam được thể hiện tại DNIFF, đặc biệt là ở các thể loại mới như phim kinh dị và giả tưởng.
Tiếp nối những thảo luận hiệu quả trước đó, Bà Urmila Venugopalan cho biết Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ đang tích cực hoàn thiện các nội dung của một Bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác điện ảnh giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ và bày tỏ mong muốn MOU sẽ sớm được ký kết trong thời gian tới.
Đây sẽ là dấu mốc khẳng định cam kết mạnh mẽ của cả Việt Nam và Hoa Kỳ trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh, tạo đột phá từ khuôn khổ hợp tác truyền thống, tạo cơ sở pháp lý cho hợp tác điện ảnh giữa hai nước đi vào thực chất và hiệu quả.
Bà Urmila Venugopalan, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành khu vực châu Á – Thái Bình Dương
Bản ghi nhớ này dự kiến sẽ tập trung vào các trụ cột chính về hợp tác giữa hai bên như đa dạng hóa và nâng cao chất lượng nội dung, đầu tư mạnh mẽ vào tài năng và câu chuyện địa phương, chia sẻ kinh nghiệm quản lý và phân phối chuyên nghiệp và phát triển thương mại điện tử và bảo vệ bản quyền.
Trong khuôn khổ Bản ghi nhớ và các thỏa thuận thương mại rộng hơn, hai bên sẽ thảo luận sâu về các nền tảng xuyên biên giới, thương mại kỹ thuật số và đặc biệt là vấn đề bản quyền. MPA đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc chống vi phạm bản quyền và sẽ tiếp tục hợp tác để củng cố khung pháp lý, nâng cao hiệu quả thực thi, tạo môi trường kinh doanh minh bạch và lành mạnh cho ngành điện ảnh.
Thứ trưởng Thường trực Bộ VHTTDL Lê Hải Bình
Thứ trưởng Thường trực Lê Hải Bình mong muốn với kinh nghiệm dày dặn và công nghệ làm phim tiên tiến của Hollywood sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Việt Nam phát triển các thể loại phim phong phú. Từ những bộ phim lãng mạn nhẹ nhàng, phim sử thi hoành tráng cho đến các thể loại mới nổi như giả tưởng v.v…, sự hợp tác này sẽ giúp các nhà làm phim Việt Nam tiếp cận những kỹ thuật kể chuyện, sản xuất và hậu kỳ đẳng cấp quốc tế. Các nhà làm phim Việt Nam đang ngày càng thể hiện sự sáng tạo trong cách tiếp cận nội dung, và sự hỗ trợ từ MPA sẽ giúp họ biến những ý tưởng độc đáo thành các tác phẩm chất lượng cao, thu hút khán giả toàn cầu.
Bà Urmila Venugopalan cho biết ưu tiên hàng đầu của MPA đối với Việt Nam là khuyến khích các thành viên của mình, đặc biệt là các dịch vụ phát trực tuyến như Netflix, tăng cường đầu tư vào các câu chuyện và nội dung thuần Việt. Điều này không chỉ tạo ra cơ hội vàng cho các nhà làm phim, diễn viên và đội ngũ sản xuất Việt Nam mà còn là kênh hiệu quả để quảng bá văn hóa, con người và cảnh quan độc đáo của Việt Nam đến với khán giả trên toàn thế giới thông qua mạng lưới phân phối rộng khắp của MPA. Việc đầu tư này sẽ bao gồm cả việc đồng sản xuất, cấp phép và hỗ trợ tài chính cho các dự án tiềm năng.
Bên cạnh đó, MPA sẽ hỗ trợ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc nâng cao năng lực quản lý ngành điện ảnh, bao gồm việc xây dựng các chính sách hiệu quả, tinh gọn quy trình cấp phép và quản lý, cũng như tối ưu hóa các phương thức phân phối phim trong kỷ nguyên số.
Thứ trưởng Thường trực Lê Hải Bình cho biết sự hợp tác sâu rộng giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và MPA được kỳ vọng sẽ tạo ra một chu trình phát triển tích cực cho toàn bộ hệ sinh thái điện ảnh Việt Nam.
Cụ thể, việc hợp tác giữa hai Bên sẽ tăng cường đầu tư trực tiếp, khuyến khích sản xuất quốc tế tại Việt Nam; giảm thiểu nạn vi phạm bản quyền và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Khi Việt Nam có môi trường pháp lý và chính sách thuận lợi, các hãng phim và dịch vụ phát trực tuyến của Hoa Kỳ sẽ sẵn lòng đầu tư trực tiếp vào thị trường Việt Nam.
Điều này không chỉ mang lại nguồn vốn đáng kể mà còn chuyển giao công nghệ, kỹ thuật sản xuất tiên tiến, giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các dự án phim quốc tế, từ đó quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam ra thế giới, đồng thời thúc đẩy ngành du lịch.
Sự phong phú và dễ dàng tiếp cận các nội dung hợp pháp, chất lượng cao sẽ dần làm giảm nhu cầu và động lực đối với các hoạt động vi phạm bản quyền, giúp bảo vệ quyền lợi của người sáng tạo và nhà sản xuất và tạo môi trường kinh doanh minh bạch và cạnh tranh công bằng.
Ngoài ra, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ mở ra các chương trình đào tạo, trao đổi chuyên gia, giúp đội ngũ làm phim Việt Nam nâng cao kỹ năng chuyên môn, bắt kịp xu hướng toàn cầu, từ biên kịch, đạo diễn, diễn viên đến kỹ thuật viên hậu kỳ.
Quang cảnh buổi làm việc.
Thứ trưởng cũng cho biết Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tích cực rà soát và xem xét các quy định hiện hành, đặc biệt là Nghị định 71, nhằm giảm bớt rào cản tiếp cận thị trường và cải thiện khả năng tiếp cận nội dung chất lượng cao. Các vấn đề liên quan đến xác định khái niệm phim và không phải phim, cũng như việc tinh giản các thủ tục liên quan đến cấp phép và liên doanh, đang được ưu tiên xem xét để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, linh hoạt hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh ký kết Bản ghi nhớ, hai bên còn thảo luận về kế hoạch tổ chức Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Washington D.C. và New York vào tháng 10 năm nay nhân dịp kỷ niệm 30 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ, bao gồm biểu diễn nghệ thuật truyền thống, triển lãm và đặc biệt là chiếu phim Việt Nam. Đây là cơ hội tuyệt vời để văn hóa Việt Nam được giới thiệu rộng rãi hơn tại Hoa Kỳ, qua đó củng cố mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai quốc gia.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.
Bà Urmila Venugopalan chia sẻ mặc dù Hoa Kỳ không có Bộ Văn hóa riêng biệt, nhưng tự xem mình như một "Bộ Văn hóa trên thực tế" của ngành điện ảnh Hoa Kỳ và cam kết sẽ làm việc chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để biến các ý tưởng nói trên thành hiện thực.
Sự hợp tác giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và MPA không chỉ là một bước đi chiến lược cho ngành điện ảnh Việt Nam mà còn là minh chứng cho mối quan hệ ngày càng sâu sắc và toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Với những cam kết và kế hoạch cụ thể, điện ảnh Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa của một giai đoạn phát triển bùng nổ, sẵn sàng chinh phục khán giả toàn cầu và khẳng định vị thế của mình trên bản đồ điện ảnh thế giới./.
Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/day-manh-hop-tac-giua-bo-vhttdl-voi-hiep-hoi-dien-anh-hoa-ky-20250708203321631.htm
Bình luận (0)