Các đối tác cam kết cung ứng sớm các thiết bị hàng không cho nhà ga hành khách Sân bay Long Thành giai đoạn 1. Ảnh: P.Tùng |
Đây là bước tiến quan trọng trong việc rút ngắn thời gian thi công, cơ bản hoàn thành Dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1 vào cuối năm 2025 theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Bàn giao trước ngày 31-12-2025
Đầu tháng 4 vừa qua, ACV đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ báo cáo về kết quả làm việc của đoàn công tác với các đối tác cung cấp thiết bị hàng không cho Dự án Thành phần 3, Dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1.
Theo báo cáo do Chủ tịch HĐQT ACV Vũ Thế Phiệt ký, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu ACV cùng tổng thầu thi công làm việc với các đối tác cung cấp thiết bị, thương thảo, thúc đẩy bàn giao thiết bị sớm, đáp ứng mục tiêu cơ bản hoàn thành dự án trong năm 2025, trong tháng 3, ACV đã thành lập đoàn công tác để triển khai thực hiện.
Theo ACV, trong chuyến công tác, ACV cùng với tổng thầu IC ICTAS và các nhà sản xuất cung cấp thiết bị đã tham gia 5 buổi làm việc cấp cao, 2 chuyến tham quan nhà máy sản xuất và 1 buổi tham quan thực địa công tác thi công tại Sân bay Hong Kong nhằm đánh giá tình hình triển khai thực tế hợp đồng giữa ACV và liên danh Vietur cho gói thầu 5.10. |
Theo ACV, gói thầu 5.10 thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách là “trái tim” và đường gantt tiến độ của toàn bộ Dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1. Nhằm rút ngắn tiến độ hạng mục nhà ga hành khách, IC ICTAS (tổng thầu thiết bị nhà ga hành khách đồng thời là đơn vị đứng đầu liên danh Vietur thi công gói thầu 5.10) đã xây dựng phương án để sớm bàn giao các hệ thống thiết bị nhà ga hành khách. Do đó, IC ICTAS đã đề xuất chương trình làm việc trực tiếp với các nhà cung cấp hệ thống thiết bị hàng không cho nhà ga hành khách bao gồm: Vanderlande (hệ thống xử lý hành lý BHS), M8M (hệ thống băng tải hành lý), Rapiscan Systems (hệ thống máy soi chiếu hành lý ký gửi HBS và hành lý xách tay SSE), Shinmaywa và Honeywell (cầu dẫn hành khách PBB và hệ thống dẫn đỗ tàu bay tự động VDGS).
Theo kết quả đàm phán, đối với hệ thống xử lý hành lý BHS (có kết cấu thép hơn 3 ngàn tấn, hệ thống ICS và băng tải dài hơn 25km), các nhà thầu sẽ hoàn thành sản xuất trong tháng 10-2025, rút ngắn 3 tháng so với hợp đồng đã ký. Việc giao hàng và lắp đặt được tiến hành từ tháng 3 đến tháng 12-2025, rút ngắn 8 tháng so với hợp đồng đã ký. Công tác tích hợp, chạy thử và đưa vào khai thác chính thức thực hiện vào tháng 6-2026, rút ngắn 5 tháng so với hợp đồng.
Đối với hệ thống máy soi hành lý ký gửi HBS, các nhà thầu sẽ hoàn thành sản xuất trong tháng 6-2025, rút ngắn 6 tháng so với hợp đồng; giao hàng và lắp đặt từ tháng 6 đến tháng 12-2025, rút ngắn 8 tháng so với hợp đồng; tích hợp, chạy thử và đưa vào khai thác chính thức vào tháng 6-2026, rút ngắn 5 tháng so với hợp đồng.
Với hệ thống máy soi chiếu xách tay SSE, các nhà thầu hoàn thành sản xuất trong tháng 6-2025, rút ngắn 10 tháng so với hợp đồng; giao hàng và lắp đặt từ tháng 6 đến tháng 12-2025, rút ngắn 8 tháng so với hợp đồng; tích hợp, chạy thử và đưa vào khai thác chính thức vào tháng 6-2026, rút ngắn 5 tháng so với hợp đồng.
Đối với hệ thống cầu dẫn hành khách PBB, có 40/64 cầu hành khách sẽ được hoàn thành sản xuất vào tháng 12-2025, rút ngắn 2 tháng so với hợp đồng; giao hàng và lắp đặt từ tháng 7 đến tháng 12-2025, rút ngắn 6 tháng so với hợp đồng; tích hợp, chạy thử và đưa vào khai thác chính thức vào tháng 6-2026, rút ngắn 5 tháng so với hợp đồng. 24 cầu dẫn hành khách còn lại sẽ được hoàn thành lắp đặt vào quý I-2026.
Đối với hệ thống dẫn đỗ tàu bay tự động VDGS, thiết bị sẽ được hoàn thành sản xuất vào tháng 4-2025; giao hàng và lắp đặt từ tháng 4 đến tháng 12-2025, rút ngắn 8 tháng so với hợp đồng; tích hợp, chạy thử và đưa vào khai thác chính thức vào tháng 6-2026, rút ngắn được 5 tháng so với hợp đồng.
“Như vậy, sau quá trình đàm phán, các đối tác cam kết cung cấp toàn bộ hệ thống thiết bị hàng không trong quý III, IV-2025” - báo cáo của ACV nêu rõ.
Các nhà thầu Việt Nam dành mọi nguồn lực tốt nhất cho Sân bay Long Thành
Trong báo cáo, ACV cho biết, ngay sau chuyến công tác với các mốc tiến độ bàn giao thiết bị hàng không trước ngày 31-12-2025. Cuối tháng 3 vừa qua, ACV đã tổ chức làm việc với các nhà thầu Việt Nam trong liên danh Vietur (gói thầu 5.10); gói thầu 4.7 (hạng mục sân đỗ tàu bay nhà ga hành khách), gói thầu 4.8 (hạng mục hạ tầng giao thông nội cảng và hạ tầng kỹ thuật), gói thầu 4.9 (hạng mục cung cấp nhiên liệu tàu bay) để xây dựng phương án thi công phần xây dựng rút ngắn tiến độ, đảm bảo các mốc bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu và nhà sản xuất cung cấp thiết bị.
Tại buổi làm việc, các liên danh nhà thầu Việt Nam đều quyết tâm, cam kết tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ dự án đảm bảo các mốc tiến độ bàn giao thiết bị hàng không trong quý III, IV-2025.
Về phía ACV, đơn vị sẽ huy động toàn bộ các nhóm chuyên gia, kỹ sư có nhiều năm kinh nghiệm, chuyên môn về thiết bị nhà ga hành khách, đường cất hạ cánh trong hệ thống 21 sân bay để nhanh chóng tham gia vào dự án. Cùng với đó, xây dựng phương án hỗ trợ nhà thầu và nhà sản xuất thiết bị trong công tác thi công, lắp đặt và thử nghiệm hệ thống hành lý BHS và các hệ thống đèn tín hiệu, hệ thống cất hạ cánh chính xác ILS. “Kết quả thương thảo làm việc với đối tác thiết bị nước ngoài, các nhà thầu Việt Nam và nỗ lực dành mọi nguồn lực tốt nhất của 21 sân bay cho dự án, mục tiêu cơ bản hoàn thành Dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1 trong năm 2025, đưa vào vận hành, khai thác thương mại vào nửa đầu năm 2026 là khả thi theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ” - ACV khẳng định.
Với dự kiến tiến độ khai thác thương mại Sân bay Long Thành giai đoạn 1 vào nửa đầu năm 2026, việc triển khai thi công mở rộng đoạn đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành thuộc tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây là rất cấp thiết. Việc mở rộng đoạn cao tốc này nhằm đảm bảo phương án chuyển khai thác các chuyến bay quốc tế từ Sân bay Tân Sơn Nhất về Sân bay Long Thành theo phương án khai thác đã phê duyệt nhằm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư dự án, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, đảm bảo dòng tiền trả nợ lãi vay ngân hàng, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư cũng như tiềm năng khai thác khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng. |
Phạm Tùng
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202504/cac-doi-tac-cam-ket-ban-giao-som-thiet-bi-hang-khong-cho-nha-ga-hanh-khach-b3c3cef/
Bình luận (0)