Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cân nhắc thời điểm áp thuế tiêu thụ đặc biệt nước ngọt

Các loại nước uống có đường phổ biến sẽ bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10% theo đề xuất của Bộ Tài chính đưa ra trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi và có thể sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5 tới.

Báo Tuổi TrẻBáo Tuổi Trẻ25/04/2025

thuế tiêu thụ đặc biệt - Ảnh 1.

Bộ Tài chính đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt các loại nước uống có đường - Ảnh: THANH HIỆP

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với các loại nước giải khát theo tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml (nước ngọt) vì lo ngại các loại nước uống có đường sẽ làm tăng cân, gây béo phì, góp phần làm tăng nguy cơ bệnh đái tháo đường đối với người sử dụng.

Doanh nghiệp kêu khó

Với đề xuất trên, hàng loạt các loại nước giải khát đóng chai trên thị trường như Coca-Cola, Pepsi, trà xanh không độ, trà thảo mộc, trà ô long đóng chai... có đường sẽ phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt trong thời gian tới. 

Tuy nhiên, một số chuyên gia, đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với các loại nước giải khát đóng chai có đường sẽ không đạt được mục tiêu chính sách là thay đổi hành vi tiêu dùng, ngược lại có thể gây khó cho doanh nghiệp sản xuất đồ uống.

Ông Nguyễn Văn Việt, chủ tịch Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát Việt Nam (VBA), cho biết trong mấy năm gần đây doanh nghiệp ngành đồ uống gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh, các cuộc xung đột trên thế giới. 

Nhiều doanh nghiệp gặp khó khi chuỗi cung ứng bế tắc, giá nguyên vật liệu tăng từ 30 - 40%, phải cắt giảm lao động. Để hỗ trợ doanh nghiệp đồ uống duy trì sản xuất, ông Việt kiến nghị các cơ quan quản lý cân nhắc kỹ lưỡng, chưa nên bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt trong thời gian tới.

Còn theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp), việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt là cần thiết nhưng phải xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng các đề xuất tăng thuế, mở rộng đối tượng thu thuế như trường hợp nước giải khát có đường. 

Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang phải ứng phó với thuế đối ứng từ Mỹ và Chính phủ kiên định với mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm nay, ông Hòa cho rằng cần đánh giá toàn diện việc áp thuế. Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy việc áp thuế đối với nước giải khát có đường không hiệu quả đối với mục tiêu ngăn ngừa và giảm tình trạng thừa cân, béo phì và không đảm bảo tính công bằng.

thuế tiêu thụ đặc biệt - Ảnh 2.

Nguồn: Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Tính toán kỹ trước khi áp thuế

Nhiều chuyên gia cũng nhận định nước giải khát không phải là nguyên nhân chính và duy nhất làm tăng cân, béo phì; nếu tăng thuế, tăng giá bán với nước giải khát đóng chai có đường thì 49% người tiêu dùng sẽ chuyển sang thức uống đường phố có chứa đường, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ lưu ý khi áp thuế nước giải khát có đường, cần nghiên cứu kỹ lưỡng để không ảnh hưởng tới quyền của trẻ em. Một mặt chúng ta cần bảo vệ quyền của trẻ em được tiếp cận các sản phẩm có chứa đường, mặt khác cũng cần lưu tâm tới tỉ lệ thừa cân béo phì của trẻ em đang có dấu hiệu gia tăng. 

Vấn đề là cần phải tìm hiểu nguyên nhân vì nhiều chuyên gia y tế dinh dưỡng chia sẻ thừa cân béo phì có rất nhiều nguyên nhân. Nếu đường là nguyên nhân thì đánh thuế vào đường hay đánh thuế vào tất các sản phẩm chứa đường thay vì chỉ có nước giải khát để đảm bảo tính công bằng.

Ông Hạ ủng hộ việc tìm kiếm giải pháp hài hòa, công bằng, thời điểm nào thì áp thuế, thuế suất bao nhiêu là hợp lý. Cần có cái nhìn công bằng, công tâm khi xây dựng thuế tiêu thụ đặc biệt. Cần đặt trong tổng hòa nhiều mục tiêu, bao gồm cả mục tiêu tăng trưởng trong giai đoạn hiện nay.

Tương tự, TS Võ Trí Thành, viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cũng khẳng định đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, mở rộng đối tượng đánh thuế sẽ gây nhiều khó khăn cho ngành sản xuất đồ uống. Đây là giai đoạn chúng ta cần bứt tốc về tăng trưởng, việc áp thuế có thể gây tác dụng ngược.

Góp ý với đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với các loại nước giải khát có đường, đại diện Amcham Việt Nam cũng nêu vấn đề Việt Nam đang đàm phán với Mỹ để cắt giảm thuế quan nên đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cần cân nhắc vì có thể làm mất đi ý nghĩa của việc cắt giảm thuế quan.

Cùng chung ý kiến, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, cũng lưu ý những mặt hàng đưa vào đối tượng chịu thuế như nước giải khát có đường cần làm rõ cơ sở khoa học, thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế và đặc thù của Việt Nam. Việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường lúc này sẽ tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp trong ngành và doanh nghiệp khác trong chuỗi cung ứng.

Hơn nữa, hiện Chính phủ, các bộ ngành đang nỗ lực đưa ra các giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa thông qua giải pháp hỗ trợ như giảm thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2026, đồng thời giảm, giãn một số loại thuế, phí thì đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát vào lúc này theo một số chuyên gia là chưa thuyết phục, ảnh hưởng tới kích cầu tiêu dùng nội địa.

thuế tiêu thụ đặc biệt - Ảnh 3.

Chuyên gia, đại biểu Quốc hội lo ngại đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt có thể gây khó cho doanh nghiệp sản xuất đồ uống - Ảnh: Q.ĐỊNH

* TS Nguyễn Minh Thảo (Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược - Ban Chính sách, chiến lược trung ương):

Thuế tiêu thụ đặc biệt có làm giảm tiêu thụ nước giải khát có đường?

Theo tôi, thuyết minh dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) chưa chỉ rõ việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với nước giải khát có đường đã bảo đảm tính công bằng hay chưa, liệu có giảm được việc tiêu thụ nước giải khát có đường hay không. Cơ quan soạn thảo cũng chưa chỉ rõ được tác động khi áp thuế với nước giải khát có đường. Tất cả lập luận của cơ quan soạn thảo chỉ dẫn chiếu khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới về nguy cơ thừa cân, béo phì khi sử dụng nước giải khát có đường. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo không chỉ rõ được bao nhiêu phần trăm trẻ em thừa cân, béo phì do sử dụng nước giải khát có đường.

Về nguyên tắc khi chưa có đánh giá tác động toàn diện thì nên chăng chưa đề xuất áp thuế. Còn nếu có những bằng chứng rõ ràng thì đề xuất thuế ở mức phù hợp, bảo đảm hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và hiệu quả điều tiết hành vi tiêu dùng. Với bối cảnh doanh nghiệp khó khăn hiện nay thì thời hạn đề xuất áp thuế nên từ năm 2028 để hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nước giải khát có rất nhiều loại chứa đường nhưng lập luận của cơ quan soạn thảo là chưa đủ thuyết phục để thực hiện áp thuế theo tiêu chuẩn Việt Nam. Trên thị trường có nhiều sản phẩm nước giải khát có đường khác không theo tiêu chuẩn Việt Nam nhưng chứa rất nhiều đường. Vì thế, việc áp thuế có khả năng tạo ra sự không công bằng, gây hệ lụy nhất định với chuỗi sản xuất doanh nghiệp ngành đồ uống.

Đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp chịu ảnh hưởng thuế quan thương mại hiện nay cần có sự cân nhắc kỹ khi ban hành văn bản pháp luật có tác động lớn đến doanh nghiệp.

Cân nhắc thời điểm áp thuế tiêu thụ đặc biệt nước ngọt - Ảnh 4.

Người dân mua nước ngọt tại một siêu thị ở TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

* Ông Nguyễn Văn Việt (chủ tịch Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát Việt Nam):

Nên quan tâm tới sức khỏe doanh nghiệp

Mỗi năm ngành đồ uống trong đó có doanh nghiệp nước giải khát đóng góp trên 60.000 tỉ đồng tiền thuế, tương đương khoảng 3% tổng thu ngân sách và tạo ra hàng triệu việc làm. Vì thế cần quan tâm tới sức khỏe doanh nghiệp, nuôi dưỡng nguồn thu và sức cầu tiêu dùng nội địa. Khi doanh nghiệp suy yếu, việc làm giảm, thu nhập lao động bị ảnh hưởng, sức mua suy giảm, đà phục hồi kinh tế sẽ chậm lại.

* Ông Nguyễn Duy Hưng (chủ tịch Ủy ban Quan hệ doanh nghiệp và pháp chế, Tập đoàn Tân Hiệp Phát):

Cần tính tới hiệu quả tổng thể

Các doanh nghiệp trong ngành nước giải khát đồng ý với chủ trương bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, hạn chế các bệnh không lây nhiễm, giảm tăng cân, béo phì. Tuy nhiên các chính sách thuế cần lưu ý các hiệu quả tổng thể.

Mục tiêu chính của chính sách là giảm tăng cân, béo phì thì chưa xác định được nước giải khát có đường là nguyên nhân chính, chủ yếu, duy nhất. Đường là một trong những nguyên nhân gây tăng cân, béo phì và nước giải khát có đường có một phần nhỏ chứa đường. Không có số liệu, kết luận nào về mối quan hệ giữa người bị bệnh tăng cân, béo phì với việc sử dụng nước giải khát có đường. Do đó nếu ban hành chính sách áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường sẽ dẫn đến tăng giá, làm xáo trộn hành vi người tiêu dùng, tác động đến cả chuỗi lợi ích liên quan như nông dân trồng trà, logistics, xây dựng...

* Ông Bùi Khánh Nguyên (phó tổng giám đốc đối ngoại truyền thông & phát triển bền vững, Công ty TNHH nước giải khát Coca-Cola Việt Nam):

Chính sách thuế nên công bằng

Chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường cần dựa trên sự công bằng theo hai tiêu chí. Thứ nhất chính sách thuế phải dựa trên cơ sở khoa học, cần lưu ý nghiên cứu về mối quan hệ nhân quả. Nhóm sử dụng và nhóm đối chứng, cần có thêm nghiên cứu quy mô lớn hơn, độ tin cậy cao hơn. Thứ hai nếu đánh thuế thì cần áp dụng toàn diện, không nên chỉ nhắm vào một sản phẩm mà bỏ qua các sản phẩm có đường khác.

* Bà Nguyễn Minh Tâm (giám đốc đối ngoại, quan hệ chính phủ, Công ty Suntory Pepsico Việt Nam):

Sẽ ảnh hưởng đến nhiều ngành liên quan

Việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ không chỉ tác động tới ngành đồ uống mà còn ảnh hưởng tới những ngành liên quan, như bán lẻ, bao bì, mía đường, vận chuyển, du lịch. Tăng thuế đột ngột sẽ làm giảm sức mua của người tiêu dùng, gián đoạn hoạt động kinh doanh và ảnh hưởng hoạt động đầu tư của doanh nghiệp trong nhiều ngành. Điều này làm trầm trọng hơn những bất lợi và thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhất là khi Mỹ vừa áp thuế đối ứng.

Đề nghị giãn lộ trình áp thuế với nước giải khát sang năm 2027

Cân nhắc thời điểm áp thuế tiêu thụ đặc biệt nước ngọt - Ảnh 5.

Bộ Tài chính đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với các loại nước giải khát theo tiêu chuẩn Việt Nam - Ảnh: THANH HIỆP

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 24-4, đại diện Bộ Tài chính cho biết đã có đề xuất lùi thời hạn áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm đồ uống gồm nước giải khát có đường, rượu, bia... như kiến nghị trước đó.

Cơ sở để đưa ra đề xuất này, theo Bộ Tài chính, là việc Mỹ tuyên bố áp thuế đối ứng sẽ tác động mạnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như tâm lý của doanh nghiệp. Nên Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu báo cáo Chính phủ xem xét một số vấn đề về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi.

"Sau khi báo cáo và được Chính phủ đồng ý, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi sang Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội đề nghị giãn lộ trình thực hiện áp dụng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng rượu, bia, nước giải khát có đường... sang từ năm 2027 thay vì từ năm 2026 như phương án trước đó.

Đồng thời, mức thuế suất cho nhóm mặt hàng này cũng nhẹ hơn so với đề xuất dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10-2024. Theo đó, đối với nước giải khát có đường, Bộ Tài chính đề xuất mức thuế 8% áp dụng từ năm 2027 và tăng lên 10% từ năm 2028. Còn đối với rượu và bia, thời gian áp dụng cũng từ 2027 với mức thuế tăng thêm 5% mỗi năm", đại diện Bộ Tài chính thông tin.

Phía Bộ Tài chính cũng cho biết theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tại kỳ họp Quốc hội diễn ra vào tháng 5 tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp thu giải trình và chỉnh lý dự luật này để trình Quốc hội bấm nút thông qua.

Thái Lan đánh thuế để giảm lượng đường trong đồ uống

Cân nhắc thời điểm áp thuế tiêu thụ đặc biệt nước ngọt - Ảnh 6.

Nhiều loại đồ uống tại một cửa hàng tiện lợi ở Bangkok, Thái Lan - Ảnh: Patipat Janthong

Vào ngày 1-4, mức thuế mới dựa trên hàm lượng đường có trong các sản phẩm có đường và đồ uống tại Thái Lan chính thức có hiệu lực. Bộ Tài chính Thái Lan nhấn mạnh các nhà sản xuất đồ uống và sản phẩm có đường nếu không cải tiến công thức để giảm lượng đường, sẽ phải chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt cao hơn so với giai đoạn trước.

Kể từ năm 2017, Thái Lan đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàm lượng đường có trong sản phẩm, bên cạnh khoản thuế trước đó đã đánh vào đồ uống nhằm giảm việc tiêu thụ đồ uống có đường của người dân. Mức thuế mới vào ngày 1-4 là đợt tăng thuế lần thứ 4 của loại thuế này, với mức tăng 2 năm 1 lần kể từ năm 2017.

Mục tiêu của loại thuế này là nhằm khuyến khích các nhà sản xuất giảm hàm lượng đường trong sản phẩm, từ đó nâng cao sức khỏe cộng đồng, nhờ việc giảm các nguy cơ béo phì, tiểu đường, tăng huyết áp và nhiều bệnh khác. Trong lần tăng thứ 4, đồ uống có hàm lượng đường từ 10 - 14g/l sẽ chịu mức thuế tiêu thụ tăng từ 3 baht lên 5 baht (khoảng 3.800 đồng). Sản phẩm đồ uống có hàm lượng đường dưới 6g/l sẽ được miễn thuế.

Đồ uống có lượng đường từ 6 - 8g/l sẽ chịu thuế 1 baht (khoảng 778,48 đồng). Đối với đồ uống có hàm lượng đường từ 8 - 10g/l, mức thuế này sẽ là 3 baht (hơn 2.330 đồng). Đồ uống có hàm lượng đường từ 14 - 18g/l, cũng như có lượng đường từ 18g/l trở lên, vẫn sẽ chịu mức thuế không đổi ở mức 5 baht.

Cục Thuế tiêu thụ đặc biệt Thái Lan tin tưởng đợt tăng thuế cuối cùng này sẽ không làm tăng đáng kể giá đồ uống, cũng như sẽ không gây gánh nặng quá mức lên người tiêu dùng. Cục này cho biết các nhà sản xuất đã đáp ứng tốt với các mức thuế bằng cách giảm hàm lượng đường, chuyển sang sử dụng chất tạo ngọt nhân tạo, hoặc các chất thay thế đường khác trộn với đường tự nhiên. Đây là giải pháp được cho là ít gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng hơn.

Theo số liệu thống kê từ năm 2018 - 2023, nhiều nhà sản xuất đồ uống có đường tại Thái Lan đã điều chỉnh công thức để được hưởng mức thuế suất thấp. Biểu hiện của việc này là số lượng đồ uống có chứa 6g/l đường trở xuống (mức được miễn thuế) đã tăng từ 90 sản phẩm vào năm 2018 lên 4.736 sản phẩm vào năm 2023. Số lượng sản phẩm có lượng đường trong mức được hưởng thuế suất thấp cũng ghi nhận tăng trong giai đoạn này. Trong khi đó, số lượng sản phẩm có lượng đường cao và phải chịu mức thuế cao ghi nhận giảm. Như lượng đồ uống có hàm lượng đường vượt quá 14g/l đã giảm từ 819 sản phẩm xuống không còn sản phẩm nào trên thị trường Thái Lan hiện nay.

Đọc tiếp Về trang Chủ đề
Trở lại chủ đề
BẢO NGỌC - LÊ THANH - NGHI VŨ

Nguồn: https://tuoitre.vn/can-nhac-thoi-diem-ap-thue-tieu-thu-dac-biet-nuoc-ngot-20250425093520422.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Sài Gòn - Ký ức về đô thị 300 năm tuổi
Chênh vênh Sa Mù
Hồn Việt
Người dân tranh thủ lưu lại những khoảnh khắc mừng ngày 30/4 lịch sử

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm