Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Câu chuyện làm nông nghiệp sạch của cô gái mắc bệnh hiểm nghèo

Giữa vùng đất cằn cỗi ở xã Ea Súp có một khu vườn xanh mướt, tràn đầy sức sống với nhiều loại cây trái. Khách đến nông trại đều tỏ ra thích thú, nhưng ít ai biết đằng sau đó là hành trình đầy nỗ lực của một cô gái nhỏ đã chiến thắng căn bệnh ung thư và chinh phục vùng đất khó.

Báo Đắk LắkBáo Đắk Lắk13/07/2025

Nguyễn Thị Bích – chủ nhân trang trại tiếp chúng tôi giữa khu vườn được kiến thiết bài bản, hoa trái sum suê. Ngoại hình trắng trẻo, xinh xắn như một cô gái thành phố, chúng tôi cứ ngỡ đó là khách đến thăm vườn. Cắt mấy quả ổi vừa hái để mời khách, Bích xởi lởi: “Ổi sạch, em ăn trái, uống nước lá ổi hằng ngày, khỏe mạnh như hôm nay là nhờ nó”. Lời nói nửa đùa nửa thật ấy cũng chính là câu chuyện về cuộc đời của cô gái giàu nghị lực này.

Nguyễn Thị Bích sinh năm 1989, quê ở tỉnh Nam Định (cũ). Năm 2011, cô tốt nghiệp Trường Đại học Lạc Hồng và có công việc với thu nhập tốt ở tỉnh Đồng Nai. Làm kế toán, kinh doanh thêm một số nông sản, nhưng cô luôn mơ ước có vườn trái cây của mình, nên chăm chỉ làm việc, tích lũy vốn để theo đuổi đam mê. Thế rồi, biến cố nghiệt ngã ập đến khi Bích phát hiện mình mắc ung thư cổ tử cung vào năm 2019. Không gục ngã, bi lụy, Bích vẫn lạc quan sống và tìm một nơi yên tĩnh, không ô nhiễm để chữa bệnh. Đó là vùng đất tại xã Cư M’lan (huyện Ea Súp cũ), nơi cô có dịp đến vào một năm trước đó và ấn tượng với không khí trong lành, trái cây ngon, vị đặc biệt. Bích quyết định mua 2 ha đất ở đây và khởi đầu cho một hành trình mới.

Nguyễn Thị Bích chăm sóc vườn ổi ruby.

Những ngày đầu, mọi thứ đều bỡ ngỡ, thiếu thốn trăm bề. Khu vực này còn hoang vu, ít dân, đường sá sình lầy. Bích cho múc hết cây điều cũ trong vườn, phơi đất 6 tháng, thả phân chuồng cho cỏ mọc rồi mới phát dọn và cày đất trồng ổi ruby và bưởi da xanh. Thấy con gái đang bị bệnh, lại một mình vất vả ở xứ lạ, bố mẹ cô rất lo lắng và hết lời khuyên can, nhưng Bích vẫn kiên định với lựa chọn của mình. Cô canh tác theo hướng hữu cơ, tìm gom vỏ bắp khô người dân bỏ đi để ủ gốc cây nhằm giữ ẩm và tạo mùn, chất khoáng cho đất. Quá trình chăm sóc hạn chế tối đa phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật mà chủ yếu sử dụng chế phẩm sinh học như phân gà, phân bò ủ hoai, dịch chuối, đậu tương. Cây bị dịch hại thì sử dụng thuốc sinh học, rượu ủ với gừng, tỏi, ớt để phòng trị bệnh.

 

"Chính đam mê nông nghiệp và cái duyên với cây ổi ruby đã giúp em chiến thắng bệnh tật và vượt qua chính mình".

  chia sẻ

Hành trình làm nông nghiệp của cô gái bỏ phố về quê đầy rẫy gian nan. Vùng này khí hậu khắc nghiệt, đất khô cằn, bạc màu, bị phèn, nên cây khó thích nghi; trong khi Bích chưa có nhiều kinh nghiệm nên cây còi cọc mãi. Khi ổi cho trái thì chất lượng kém, không thu hoạch được. Có khi cô xót xa nhìn hàng chục tấn ổi bị mềm, nhạt, không ai mua, rụng đầy gốc.

Không bỏ cuộc, Bích vẫn kiên trì theo phương pháp của mình và cần mẫn ngoài vườn như một niềm vui hằng ngày. Cô nghiên cứu, tìm hiểu để xác định nguyên nhân khiến cây chậm lớn, khó đậu trái; đồng thời, điều chỉnh việc chăm sóc, tưới nước phù hợp với điều kiện thời tiết và đặc tính thổ nhưỡng ở đây. Nhờ vậy, vườn cây dần ổn định, phát triển tốt và bắt đầu đơm hoa, kết trái trả ơn người vun trồng. Bên cạnh chăm vườn, cô gái cũng chú ý cải thiện sức khỏe. Đặc biệt, theo lời khuyên của bác sĩ, cùng với phác đồ điều trị, cô lấy lá ổi non để uống nhằm hỗ trợ kháng bệnh, kết quả hơn một năm sau thì cơ thể tiêu diệt hết tế bào ung thư. “Chính đam mê nông nghiệp và cái duyên với cây ổi ruby đã giúp em chiến thắng bệnh tật và vượt qua chính mình”, Nguyễn Thị Bích chia sẻ.

Bích cho biết, đến nay, vườn của cô có 1.300 cây ổi ruby, 300 cây bưởi da xanh và hàng trăm cây ăn trái các loại khác. Khi trồng xen ổi và bưởi sẽ giảm đáng kể nguy cơ sâu bệnh, vì tinh dầu từ lá và quả bưởi giúp giảm rệp sáp, còn lá ổi chứa tinh chất ngăn ngừa sâu ăn lá. Khi ổi cho thu hoạch, tạo ra nguồn thu nhập để đầu tư cho cây bưởi.

Hiện vườn ổi đã cho thu hoạch ổn định. Cô có thể can thiệp kỹ thuật, điều chỉnh để vườn cây cho trái quanh năm, sản lượng năm nay khoảng 70 tấn. Ổi trồng hữu cơ tuy sản lượng thấp nhưng giá bán cao hơn do có vị ngọt, thơm và ít hạt. Sản phẩm được tiêu thụ chủ yếu ở TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai (cũ), cho thu nhập 500 triệu đồng/ha. Mô hình này tạo việc làm cho 10 lao động địa phương. Cô còn liên kết với 5 hộ dân thành lập Tổ hợp tác trồng ổi Ea Súp với diện tích 10 ha nhằm hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm và tiêu thụ sản phẩm.

Nghị lực và câu chuyện làm nông nghiệp sạch của Nguyễn Thị Bích đã lan tỏa, thu hút nhiều người trẻ đến trang trại tìm hiểu, trải nghiệm.

Bên cạnh đó, bằng tâm huyết với cây ổi ruby, Bích nghiên cứu và tận dụng lá non, búp ổi để làm trà. Sau khi vượt qua bệnh tật, cô càng có thêm động lực để phát triển sản phẩm này.

Để phát triển loại trà vì sức khỏe, cô liên kết với Hợp tác xã Giảm nghèo Ea Súp sản xuất sản phẩm mang nhãn hiệu trà Briêt. Trà này kết hợp gạo lứt đen Briêt đã được cấp chứng nhận hữu cơ và lá ổi. Trong đó, gạo Briêt được biết đến với nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe như chất xơ, chất sắt, vitamin, omega 3 và chất chống oxy hóa; còn lá ổi ruby có nhiều dinh dưỡng và hàm lượng chất tannin hỗ trợ điều trị tiểu đường type 2.

Sản phẩm này đã được công bố, ngoài bán ở thị trường trong tỉnh còn được tiêu thụ nhiều ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Bích đang đăng ký hồ sơ sản phẩm OCOP 3 sao cho trà Briêt. Ngoài ra, cô gái trẻ còn tận dụng những quả chín mềm làm rượu ổi, nước cốt ổi, đang bán thử nghiệm online trên các nền tảng mạng xã hội, các cửa hàng nông sản sạch và được đánh giá tích cực.

Bích cho biết, trồng ổi ruby cho thu lợi kép từ lá và quả. Tuy nhiên, trồng lấy lá sẽ có chi phí thấp, lợi nhuận cao hơn và tạo nhiều việc làm hơn cho người dân. Do đó, thời gian tới, bên cạnh trồng ổi lấy quả, cô sẽ liên kết với người dân để mở rộng diện tích, trồng đại trà lấy nguyên liệu sản xuất trà nhằm cung cấp những sản phẩm tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Nguyễn Thị Bích chia sẻ: "Tôi mong muốn phát triển nhiều sản phẩm để tạo thêm việc làm cho người dân, góp phần phát triển kinh tế vùng đất này. Đồng thời, lan tỏa cảm hứng cho cộng đồng cùng nhau làm nông nghiệp sạch và nâng cao giá trị nông sản địa phương".

Nguồn: https://baodaklak.vn/kinh-te/202507/cau-chuyen-lam-nong-nghiep-sach-cua-co-gai-mac-benh-hiem-ngheo-053131e/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy
Nhà máy Z121 sẵn sàng cho đêm Chung kết Pháo hoa Quốc tế
Tạp chí du lịch danh tiếng ca ngợi hang Sơn Đoòng 'kỳ vĩ nhất hành tinh'

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm