Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

“Cây đại thụ” nơi vùng cao biên giới Sơn La

NDO - Tại những bản vùng cao, vùng biên giới của tỉnh Sơn La trong nhiều năm qua, những già bản, trưởng bản và người có uy tín luôn là những người có tiếng nói, chỗ dựa về tinh thần cho đồng bào các dân tộc nơi đây. Không chỉ vậy, họ còn là những người tiên phong trong những việc khó, được coi là những “cây đại thụ” trong cộng đồng dân cư và cánh tay nối dài của cấp ủy, chính quyền…

Báo Nhân dânBáo Nhân dân21/04/2025

Một ngày trung tuần tháng 4, cái nắng như đổ lửa kèm những cơn gió mang hơi nóng kéo về khắp bản biên giới Đin Chí, xã Chiềng Tương, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La.

Từ Quốc lộ 6 hướng từ thành phố Sơn La về Hà Nội, đến ngã ba Tà Làng rẽ phải men theo con đường đã được trải nhựa, đổ bê tông, chúng tôi vẫn bắt gặp sắc trắng hoa ban cuối mùa và hoa trẩu nở rực hai bên đường dẫn vào bản Đin Chí.

Chặng đường hơn 100km từ thành phố Sơn La đến trung tâm xã Chiềng Tương, huyện Yên Châu, dừng chân hỏi người dân về ông Mùa Lao Ư, dân tộc H’Mông, bản Đin Chí, ai cũng đều biết tới ông.

Đảng viên gương mẫu

Có mặt trước một ngôi nhà bằng gỗ cây thồ lộ kiểu truyền thống của đồng bào dân tộc H’Mông, lợp fibro xi-măng rộng chừng 130m2, chúng tôi thấy một người đàn ông trong trang phục đồng bào H’Mông đang đứng trước cửa chờ sẵn.

“Cây đại thụ” nơi vùng cao biên giới Sơn La ảnh 1

Hiện gia đình ông Mùa Lao Ư có 300 gốc mận hậu đã cho thu hoạch quả.

Sau cái bắt tay thật chặt với nụ cười dễ gần và giọng nói chắc nịch của chủ nhà, chúng tôi được ông Mùa Lao Ư dẫn vào gian phòng khách nổi bật là khung ảnh Bác Hồ được treo trang trọng chính giữa của bức tường hướng ra cửa.

Phía bức tường bên trái đi từ ngoài vào và một phần của bức tường treo ảnh Bác Hồ thấy treo rất nhiều bằng khen, giấy khen. Trong đó, có rất nhiều tấm bằng, giấy khen từ thế kỷ trước đã phủ lên lên mình màu thời gian, như: Huy chương kháng chiến hạng Nhất trong cuộc chiến kháng chiến chống Mỹ cứu nước và Bằng khen của Bộ Nội vụ năm 1989 về thành tích xuất sắc trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc...

“Cây đại thụ” nơi vùng cao biên giới Sơn La ảnh 2

Từ khi ông Mùa Lao Ư tiên phong sang canh tác lúa nước, gia đình ông không còn lo thiếu lương thực như trước đó nữa.

Mở chiếc tủ lạnh, lấy chai nước lọc ở ngăn mát ra mời khách uống, ông Mùa Lao Ư, khoe: "Nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bản Đin Chí đã có đường giao thông, điện, trường học và nước sinh hoạt, nên giờ việc sử dụng các thiết bị điện như tủ lạnh, điều hòa, máy xay xát… không còn xa lạ với đồng bào H’Mông nơi đây nữa".

Chỉ tay về phía bức tường giữa nhà, nơi để chiếc tủ lạnh, ông Mùa Lao Ư, bảo: "Kia là gần 60 bao thóc của vụ trước, chưa ăn hết giờ lại chuẩn bị thu vụ mới rồi. Đồng bào H’Mông ở bản Đin Chí và xã Chiềng Tương nhiều năm nay đã ổn định cuộc sống, không còn du canh, du cư, tái trồng cây thuốc phiện và không nghe theo lời kẻ xấu. Các hủ tục lạc hậu trong việc hiếu, việc hỷ hay các ngày lễ, Tết cũng đã được xóa bỏ…".

“Cây đại thụ” nơi vùng cao biên giới Sơn La ảnh 3

Gia đình ông Mùa Lao Ư còn mua sắm thêm các thiết bị chạy bằng điện về phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày.

Trong câu chuyện với một trong những người được coi là “cây đại thụ” nơi vùng cao biên giới Sơn La, được biết, ông Mùa Lao Ư, sinh ngày 15/1/1945, có 51 năm tuổi Đảng, ông từng giữ rất nhiều chức vụ ở huyện cho đến xã và bản, như: Phó Trưởng Ban Dân Vận huyện ủy Yên Châu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, Trưởng Công an xã Chiềng Tương và Bí thư chi bộ bản Đin Chí…

Thời kỳ còn công tác ở xã vào những năm 90 của thế kỷ trước, ông Mùa Lao Ư còn được nhắc đến là một trong số những cán bộ vùng cao tích cực trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào phá bỏ cây thuốc phiện, chuyển đổi cây trồng và vận động thành công nhiều người nghiện thuốc phiện đi cai nghiện...

Trầm ngâm giây lát, ông Mùa Lao Ư, bảo: "Thời điểm năm 1992, vùng này thuốc phiện được trồng nhiều lắm. Các bản vùng cao đâu cũng thấy cây thuốc phiện và người nghiện. Có thời điểm tôi cùng đoàn liên ngành đi bộ mấy tuần liên tục đến từng hộ tuyên truyền, vận động bà con bỏ trồng cây thuốc phiện".

“Cây đại thụ” nơi vùng cao biên giới Sơn La ảnh 5

Ông Mùa Lao Ư được đánh giá là một trong những nông dân tiêu biểu trong phát triển kinh tế hộ tại xã biên giới Chiềng Tương.

Có nhiều người dân chưa hiểu nên họ giận đoàn công tác lắm, thậm chí còn có những hành động gây nguy hiểm cho các thành viên trong đoàn công tác. Lúc đó, mình không kiên quyết làm, thì sai với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Đổi lại giờ đây bản Đin Chí và các bản vùng cao trong xã không còn người nghiện thuốc phiện, không có ai vi phạm pháp luật hay phải đi cải tạo vì liên quan đến ma túy…

Đồng chí Tếnh Lao Tềnh, Bí thư kiêm Trưởng bản Đin Chí, thông tin, ông Mùa Lao Ư là đảng viên cao tuổi rất gương mẫu. Gia đình ông Ư có 14 người con, trong đó có 8 người con là đảng viên và là những người gương mẫu trong công việc, tiêu biểu trong phát triển kinh tế của xã, bản. Trong bản có việc gì khó đều nhờ đến ông Mùa Lao Ư đứng ra tuyên truyền, vận động bà con là được giải quyết ổn thỏa.

Tấm gương sáng vùng cao

Trong câu chuyện từ lãnh đạo xã Chiềng Tương và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Chiềng Tương, được biết, ông Mùa Lao Ư không chỉ là người có uy tín với đồng bào nơi đây, ông Ư còn là tấm gương tiêu biểu và tiên phong trong phát triển kinh tế.

“Cây đại thụ” nơi vùng cao biên giới Sơn La ảnh 6

Ông Mùa Lao Ư cũng là người tiên phong trong việc xây dựng chuồng trại để nuôi gia súc, gia cầm, không thả rông gia súc, gia cầm như trước nữa.

Thời điểm năm 1981, khi đó ở xã Chiềng Tương nói chung, bản Đin Chí nói riêng, người H’Mông chỉ biết canh tác cây trồng trên nương thì ông Mùa Lao Ư là người đầu tiên khai hoang ruộng nước 1 vụ. Thậm chí thời điểm đó, ông phải rào ruộng của gia đình mình lại để tránh gia súc phá. Làm lúa nước, gia đình ông thu hơn 80 bao thóc/vụ, không lo thiếu gạo ăn như trước. Đến nay, trong bản Đin Chí đã có hơn 30 hộ đồng bào H'Mông học theo ông Mùa Lao Ư để canh tác ruộng nước.

Ngoài tiên phong trong làm ruộng nước, ông Mùa Lao Ư còn là người đầu tiên trong vùng đào ao nuôi cá. Ngoài số ao cá ông đã cho con, cháu, hiện ông Ư vẫn còn 3 ao cá rộng hơn 1.000m2, mỗi năm thả khoảng 6.000 con cá giống trắm, rô phi, trôi và cá diếc. Bà con trong bản cũng học từ mô hình của ông Ư đào được 34 ao để nuôi cá.

“Cây đại thụ” nơi vùng cao biên giới Sơn La ảnh 7

Trong trồng trọt, ông Mùa Lao Ư còn là người đầu tiên đầu tư hệ thống nước tưới phun mưa hiện đại cho khu trồng hoa màu của gia đình mình.

Cùng với làm ruộng nước, nuôi cá, ông Mùa Lao Ư còn là người “mát tay” trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và là người tiêu biểu trong trồng cây ăn quả, hoa màu các loại. Hiện ông Mùa Lao Ư có hơn 400 gốc mận hậu, nhãn; gieo trồng hơn 1 tạ ngô giống mỗi vụ, hơn 2ha cây dong riềng, gần 1ha trồng rừng và mô hình trồng rau màu các loại với hệ thống tưới phun mưa hiện đại.

Theo chân ông Mùa Lao Ư ra thăm khu chăn nuôi gia súc, gia cầm và khu trồng cây ăn quả, rau màu, ông Ư bảo, mấy năm nay có tuổi nên bán hết trâu bò, chỉ nuôi lợn và gia cầm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hoặc bán khi khách có nhu cầu. Bởi thời gian cho cây ăn quả, hoa màu, ao cá cũng mất nhiều thời gian, công sức rồi.

Sau khi cắt một ít cỏ voi trồng quanh bờ ao, rồi ném xuống ao cá để khoe với tôi những con trắm cỏ to chừng 5kg nổi lên mặt nước khi thấy thức ăn, ông Mùa Lao Ư nói, với mô hình trồng trọt và chăn nuôi, mỗi năm gia đình tôi thu về gần 500 triệu đồng, không phải lo vấn đề lương thực, thực phẩm trong sinh hoạt hằng ngày.

“Cây đại thụ” nơi vùng cao biên giới Sơn La ảnh 8

Bản biên giới Đin Chí, xã Chiềng Tương, huyện Yên Châu đã được đầu tư đường bê-tông, trường học, điện sinh hoạt...

Trao đổi thêm với đồng chí Lê Văn Mạnh, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Chiềng Tương, được biết: Trong nhiều năm qua, từ huyện cho đến xã luôn tranh thủ vai trò của những người có uy tín như ông Mùa Lao Ư để đưa những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào nơi đây.

Trong nhiều năm qua, ông Mùa Lao Ư luôn là tấm gương đầu tàu và “cánh tay nối dài” của cấp ủy đảng, chính quyền nơi đây trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, đoàn kết giúp nhau trong phát triển kinh tế và hỗ trợ nhau trong công tác xóa nghèo.

“Cây đại thụ” nơi vùng cao biên giới Sơn La ảnh 9

Ông Mùa Lao Ư là người H'Mông đầu tiên ở Đin Chí biết đào ao để nuôi cá.

Cùng với đó, ông Ư còn là người có uy tín khi thường xuyên phối hợp cùng với cấp ủy, chính quyền và lực lượng Bộ đội Biên phòng tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt quy chế biên giới, không chăn thả gia súc, canh tác và làm nhà gần đường biên giới.

Đồng chí Lê Văn Mạnh, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Chiềng Tương, thông tin thêm: Kể về thành tích của ông Ư thì nhiều lắm, nhưng gần đây nhất là ông Mùa Lao Ư đã giúp xã tuyên truyền, vận động đồng bào H'Mông trong bản Đin Chí hiểu và ủng hộ việc huyện và xã triển khai xây dựng công trình nước sinh hoạt phục vụ cho bà con bản Đin Chí và Pa Kham 1.

Lúc đầu triển khai công trình nước sinh hoạt, có không ít người dân trong bản Đin Chí đã không ủng hộ, ảnh hưởng tới tiến độ triển khai dự án. Sau khi ông Mùa Lao Ư tuyên truyền, giải thích, các hộ đã đồng tình ủng hộ, thậm chí là tự nguyện hiến đất. Công trình nước sinh hoạt đã đưa vào sử dụng được hơn 3 tháng và phát huy rất hiệu quả.

“Cây đại thụ” nơi vùng cao biên giới Sơn La ảnh 11

Nhiều hộ đồng bào H'Mông ở xã Chiềng Tương, huyện Yên Châu đã học theo ông Mùa Lao Ư đào ao thả cá.

“Vừa rồi, ông Mùa Lao Ư còn là người tích cực tuyên truyền, vận động bà con trong bản tham gia họp đông đủ vào ngày 19/4, tạo điều kiện thuận lợi cho xã lấy ý kiến bà con trong bản Đin Chí về phương án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã với sự đồng thuận cao”. Đồng chí Lê Văn Mạnh, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Chiềng Tương, thông tin thêm.

Trên đường trở ra, tôi chợt nhớ lúc trò chuyện với lãnh đạo xã và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng nơi đây khi nhận xét và đánh giá về ông Mùa Lao Ư không chỉ là đầu tàu gương mẫu trong phát triển kinh tế, vận động đồng bào vùng cao chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật mà còn là người tiên phong vận động đồng bào vươn lên làm giàu chính đáng. Ông Ư chính là “cây đại thụ” vững chắc, là điểm tựa góp phần cho thế trận lòng dân nơi vùng cao biên giới Đin Chí thêm vững chắc, để xã, bản nơi đây bình yên và giàu mạnh hơn…

Nguồn: https://nhandan.vn/cay-dai-thu-noi-vung-cao-bien-gioi-son-la-post874036.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tứ đại đỉnh đèo đất Việt
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Khoảnh khắc SVĐ Mỹ Đình ‘vỡ òa’ khi hai xe tăng rầm rập tiến vào
Cờ Tổ quốc, cờ Đảng tung bay giữa trời Nam rực nắng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm