Liên quan đến việc hàng loạt nhà thuốc trên địa bàn TPHCM và "chợ mạng" bán thuốc kê đơn, thuốc kiểm soát đặc biệt bất chấp quy định pháp luật mà chúng tôi phản ánh mới đây, một đại diện Sở Y tế TPHCM cho biết, tình trạng trên vẫn còn diễn biến phức tạp ở địa phương.
Cơ quan chức năng đã và đang tiến hành các biện pháp kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình bán thuốc kiểm soát đặc biệt trái phép.
Phóng viên Dân trí đã liên hệ Phó giáo sư Phạm Khánh Phong Lan, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội Dược học TPHCM, để đi tìm biện pháp giải quyết dứt điểm vấn đề trên và bảo vệ sức khỏe người dân một cách bền vững.
Chủ tịch Hội Dược học: Việc phân phối dược phẩm đã "đi lùi"
Từ cuối năm 2024, Quốc hội đã thông qua Luật Dược sửa đổi, với nhiều điều chỉnh cần thiết giúp thúc đẩy ngành Dược phát triển, nhưng đồng thời cũng tăng cường hành lang pháp lý trong việc kiểm soát các hành vi buôn bán thuốc trái phép gây nguy hại đến cộng đồng.
Tuy nhiên mới đây, báo Dân trí đã ghi nhận tình trạng bán thuốc kiểm soát đặc biệt bất chấp quy định đang diễn ra ở nhiều khu vực trên địa bàn TPHCM. Bà có nhận định gì về việc này?
- Khi Quốc hội tiến hành sửa đổi luật Dược 2015 vừa qua đã có phân tích tình hình. Nếu chúng ta nhìn về góc độ xã hội, về điều kiện sản xuất, nhà máy, hay các phương tiện kỹ thuật sẽ thấy có sự phát triển, ngày một hiện đại hơn. Nhưng về mặt phân phối dược phẩm, chúng ta đã đi lùi.
Bà Phạm Khánh Phong Lan (Ảnh: Hoàng Lê).
Chúng ta đã có những nỗ lực, như xây dựng tiêu chuẩn "Thực hành tốt nhà thuốc" (GPP). Tiêu chuẩn này bảo đảm một điều, rằng lúc đi thẩm định thì ai cũng đạt. Nhưng sau đó, trong quá trình, diễn tiến hoạt động của nhà thuốc, chúng ta làm thế nào để duy trì trật tự?
Bản chất của việc quy định thuốc kê đơn, thuốc kiểm soát đặc biệt nhằm bảo vệ quyền lợi bệnh nhân, bởi thuốc muốn sử dụng cho đúng cần có ý kiến chuyên môn. Trên toàn thế giới đều như vậy. Chúng tôi - những dược sĩ được đào tạo - cũng phải theo nguyên tắc đó. Thuốc không phải món hàng bất kỳ ai muốn mua bán gì cũng được.
Ở đây, phải nói thẳng rằng chúng ta có sự buông lỏng, và thực trạng này không phải "ngày một, ngày hai" mà đã kéo dài. Người bán chạy theo lợi nhuận, vì áp dụng theo tiêu chuẩn GPP phải từ chối nhiều người mua. Ở chiều ngược lại, người dân cũng có tâm lý thích tiện lợi, cứ muốn vô ngay nhà thuốc mua cho nhanh.
So sánh với trường hợp tương tự ở nước ngoài, dù người dân có bệnh nhưng vô nhà thuốc sẽ không ai bán cho ngay, mà cần phải đi bác sĩ. Bác sĩ khám, kê toa xong, anh mới được dùng toa đó mua thuốc. Chúng ta có thể than phiền rằng điều này không tiện lợi, nhưng nó đảm bảo tính an toàn và hiệu quả của thuốc và các phương pháp điều trị.
Đó là chưa kể việc bán thuốc tự do sẽ không thể kiểm soát được nguồn gốc thuốc. Chúng ta phải xem lại về cách quản lý. Một nơi để được bán thuốc, đầu tiên cần có sự thẩm định của cơ quan chức năng, từ cách tích trữ, trưng bày cho đến việc theo dõi sổ sách thế nào, nhiệt độ bảo quản thuốc có đáp ứng ra sao, có dược sĩ hay không…
Sau khi cấp phép, nhà thuốc cần được tiếp tục giám sát hoạt động từ thanh tra. Nhưng lực lượng thanh tra dược hiện nay cực kỳ mỏng. Cách đây hơn 10 năm, TPHCM có hơn 5.000 nhà thuốc. Bây giờ đã hơn 8.000 nhà thuốc, trong khi thanh tra chỉ đếm trên đầu ngón tay, "lực bất tòng tâm" để có thể kiểm tra, kiểm soát toàn diện.
TPHCM hiện có hơn 8.000 nhà thuốc (Ảnh: Hoàng Lê).
Trong thời buổi phát triển của khoa học công nghệ, việc buôn bán thuốc online cũng xuất hiện. Hiện nay luật đã cho bán thuốc không kê đơn qua mạng, nhưng lấy cơ chế nào để bảo đảm việc họ chỉ bán thuốc kê đơn?
Rõ ràng, có việc mua bán thuốc kê đơn, thuốc kiểm soát đặc biệt trong nhà thuốc một cách tự do. Phóng viên Dân trí ghi nhận tình trạng nêu trên rất chính xác.
Những hậu quả nặng nề
Khi bán thuốc kê toa, thuốc kiểm soát đặc biệt mà "không có sự kiểm soát" có thể gây ra những hậu quả gì, thưa bà?
- Tác hại đầu tiên và rõ nhất là điều trị không hiệu quả, sai cách, thậm chí gây tử vong.
Thứ hai, tạo ra thói quen xấu là khiến người dân coi thường thuốc. Đó là chưa kể việc dùng kháng sinh vô tội vạ gây đề kháng kháng sinh, dẫn đến thuốc dần giảm sự hiệu quả.
Tôi cực kỳ lo ngại việc phụ huynh cứ đến khai con bị đau họng và sốt, rồi nhà thuốc bán cho 1 bịch kháng sinh tấn công. Có thể 2-3 ngày hết triệu chứng nhưng dần dà sẽ gây lờn thuốc. Nếu bạn có người quen làm ở bệnh viện sẽ nghe về chuyện nhiễm trùng bệnh viện mà vô phương cứu chữa, bác sĩ nhìn bệnh nhân tử vong vì không kháng sinh nào giải quyết được.
Bên cạnh việc các nhà thuốc bán thuốc kê toa, thuốc kiểm soát đặc biệt bất chấp quy định, cũng phải nói thêm tình trạng một số phòng mạch sau khi bác sĩ khám bệnh kiêm luôn bán thuốc cho bệnh nhân. Lấy ai bảo đảm quy chế về chuyên môn, bảo đảm đây là thuốc thật?
Đó là chưa kể việc trốn thuế, thuốc giả, thuốc lậu, thuốc kém chất lượng trà trộn vào. Phải nói đây là vấn nạn mà nhiều năm qua, ngành y tế chúng ta vẫn chưa giải quyết được.
Khu vực để thuốc kê đơn tại một nhà thuốc trên địa bàn TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).
Bên cạnh tình trạng bán buôn dễ dãi, theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều nơi, kể cả các khu vực "chợ sỉ" bán thuốc tập trung còn có tình trạng bày các rổ thuốc ngoài cửa mà không có sự che chắn trong tủ chuyên dụng. Theo bà, điều này có làm ảnh hưởng chất lượng thuốc không?
- Những năm qua, tôi thấy chúng ta thiên về tập trung quản lý giá là chủ yếu, trong khi còn nhiều vấn đề về kiểm soát chất lượng thuốc lưu thông trên thị trường.
Thuốc phải được bảo quản kỹ lưỡng với môi trường, nhiệt độ kiểm soát nghiêm ngặt, theo từng lô và tính chất từng loại thuốc. Việc để thuốc trên rổ, bày ra đường là không thể chấp nhận được. Ở đây ngoài sự lơi lỏng trong khâu quản lý, người bệnh cũng quá dễ tính.
Không chỉ có thực trạng để thuốc trên rổ bán, nếu bạn về miền Tây sẽ thấy tại một số nơi, thuốc được bày ra bán luôn trên ghe tàu của người dân. Kể cả thực phẩm bày bán trên rổ mang đi khắp nơi đã không an toàn, huống chi thuốc là mặt hàng kiểm soát đặc biệt.
Tại các khu vực bán thuốc tập trung, hay từ ngữ bình dân gọi là "chợ sỉ", chúng ta hoàn toàn kiểm soát được, bằng các phần mềm theo dõi viên thuốc, truy xuất được nguồn gốc từ số lô đăng ký, nhà sản xuất, kiểm nghiệm thuốc...
Việt Nam có 2 viện kiểm nghiệm quốc gia lớn ở Hà Nội và TPHCM, trong khi các tỉnh đều có những trung tâm kiểm nghiệm thuốc và mỹ phẩm.
Nhưng chúng ta cũng cần lưu ý tăng cường lấy mẫu ở cuối nguồn, khi sản phẩm đã ở nhà thuốc và khoa Dược của bệnh viện, để xem thuốc còn đáp ứng các tiêu chí chất lượng theo thời gian lưu hành trên thị trường và quá trình bảo quản không.
Việc bảo quản không tốt có thể khiến các hoạt chất, tá dược của thuốc bị thay đổi tính chất, hư hỏng.
Hoạt động tại một khu vực bán thuốc tập trung ở quận 10, TPHCM (Ảnh: Diệu Linh).
Và vấn đề ở đây là có những kẻ luồn lách luật để thu lợi nhuận bất chấp sinh mạng người dân. Chỉ vì lý do sinh kế hay quản lý yếu kém mà gây ra chuyện này là không thể chấp nhận.
Cần tăng cường vai trò của hội nghề nghiệp?
Trong vai trò là Chủ tịch Hội Dược học TPHCM lẫn đại biểu Quốc hội, theo bà có những giải pháp nào từ cộng đồng, hội nghề nghiệp lẫn cơ quan chức năng để kiểm soát việc buôn bán, sử dụng thuốc kiểm soát đặc biệt một cách bền vững và tránh tình trạng thuốc lậu, thuốc kém chất lượng len lỏi gây hại đến sức khỏe người dân?
- Giải pháp trước mắt là phải thanh tra đúng nghĩa. Thanh tra có thể dùng nghiệp vụ, trong vai người dân đi mua thuốc để bắt quả tang, phát hiện sai phạm và lập biên bản xử phạt nghiêm khắc để răn đe, làm gương.
Đã có những trường hợp công an phát hiện những cơ sở bán thuốc hướng thần, thuốc gây nghiện trái phép, dù dược sĩ để cho dược tá bán, nhưng là người chịu trách nhiệm trực tiếp tại nhà thuốc vẫn bị tước chứng chỉ hành nghề. Còn nếu trực tiếp bán sẽ bị xử lý hình sự, đi tù chứ không có con đường nào khác.
Ngoài ra, phải ứng dụng công nghệ để tăng cường được tính giám sát trong việc bảo đảm kê toa.
Giải pháp lâu dài, tôi cho rằng phải dựa vào hội nghề nghiệp, mà trước đây là "Dược sĩ đoàn". Tất cả các dược sĩ, chủ nhà thuốc phải tham gia vào Dược sĩ đoàn, và phải tự giám sát lẫn nhau.
Hiện nay, những thông tin phản ánh, khiếu nại để chúng ta lấy căn cứ đi kiểm tra hầu như đều từ người trong cuộc, từ những nhà thuốc do cạnh tranh mà phát hiện ra sai phạm của nhau.
Hoạt động tại một nhà thuốc trong bệnh viện ở TPHCM
Nếu tổ chức hội nghề nghiệp làm đủ mạnh, yếu tố chuyên môn không thiếu thì sẽ bổ sung một lực lượng rất mạnh để tham gia vào quá trình giám sát. Nhưng sau nhiều lần chỉnh sửa quy định, vai trò của hội nghề nghiệp ở nước ta hiện nay vẫn rất mờ mịt, khi chỉ được tham gia vào tập huấn bổ sung kiến thức dược sĩ, tham gia hội đồng thẩm định của Sở Y tế với 1 đại diện.
Ngày nào chúng ta chưa xây dựng tốt hệ thống kiểm tra giám sát, mà chỉ trông chờ vào sự tự nguyện, tự giác của từng nhà thuốc thì rất khó. Đó là chưa kể hiện nay ở nhà thuốc rất ít dược sĩ có mặt, chủ yếu là trình dược viên bán thuốc. Chính vai trò chuyên môn, tư vấn của dược sĩ cũng đã bị xem nhẹ.
Ở phía người dân, cần phải cảnh giác, tìm hiểu rõ về thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện nay việc khám chữa bệnh đã thuận lợi rất nhiều, vì quyền lợi của bản thân mình, chúng ta nên tham vấn ý kiến bác sĩ ở bệnh viện hoặc đến phòng khám.
Nhiều người vẫn còn mang tâm lý "tôi có tiền, muốn mua thuốc gì thì mua". Nếu thuốc nào cũng mua được ở mọi nơi thì chết.
Xin cảm ơn những chia sẻ tâm huyết từ bà!
Nguồn: https://dantri.com.vn/suc-khoe/chu-tich-hoi-duoc-hoc-tphcm-phong-vien-dan-tri-ghi-nhan-rat-chinh-xac-20250414130729232.htm
Bình luận (0)