Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, song nguyên nhân chính là do tính chất đặc thù của ngành logistics với các hoạt động trải dài từ vận tải, kho bãi, giao nhận, thông quan cho đến phân phối thường diễn ra tại hiện trường, liên quan tới nhiều đối tác, khách hàng và đơn vị trung gian. Điều đó khiến quá trình số hóa không thể thực hiện một cách đơn lẻ, mà cần sự phối hợp đồng bộ từ hạ tầng công nghệ, nguồn lực con người đến quy trình quản trị.
Tìm hiểu thực tế các DN Bình Dương cho thấy, thách thức lớn nhất là chi phí đầu tư và khả năng lựa chọn giải pháp công nghệ phù hợp. Việc chuyển đổi số trong ngành logistics không chỉ là mua một phần mềm hay thiết bị công nghệ về là xong, mà đó là quá trình tái cấu trúc tổng thể từ quản trị, quy trình, nhân sự đến văn hóa DN. Phía Hiệp hội Logistics Bình Dương tổ chức thường xuyên các hội thảo, tọa đàm chuyên đề, mời các chuyên gia công nghệ, đại diện các công ty giải pháp số chia sẻ trực tiếp với DN về kinh nghiệm triển khai, bài học thực tiễn, mô hình thành công trong nước và quốc tế. Đồng thời, hiệp hội xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về các giải pháp chuyển đổi số đã được kiểm chứng trong ngành logistics, từ đó tư vấn và giới thiệu cho hội viên theo từng nhu cầu cụ thể.
Hiệp hội Logistics Bình Dương cũng chủ động kết nối các DN hội viên với các công ty công nghệ để hỗ trợ khảo sát, phân tích và triển khai giải pháp số phù hợp với từng DN. Việc kết nối này không chỉ giúp DN tiết kiệm thời gian và chi phí mà còn tạo điều kiện hình thành các “hệ sinh thái số” trong ngành logistics; bên cạnh đó còn tranh thủ hợp tác quốc tế để học hỏi mô hình, tiêu chuẩn và công nghệ tiên tiến từ những quốc gia, tập đoàn có hệ thống logistics hiện đại hàng đầu thế giới.
KHẢI ANH
Nguồn: https://baobinhduong.vn/chuyen-doi-so-de-khong-lac-nhip--a345986.html
Bình luận (0)