Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chuyên gia: Mỹ áp thuế 46% với Việt Nam là thiếu khách quan, công bằng

Nhiều chuyên gia cho rằng cách tính thuế của Mỹ đối với hàng hóa Việt Nam là thiếu khách quan, công bằng.

VTC NewsVTC News03/04/2025

Mỹ tính thuế thế nào?

Nói về các mức thuế khác nhau mà Mỹ áp cho các nước, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long, nhận xét Mỹ có công thức thuế đối ứng áp lên các nước là 1/2 x thâm hụt thương mại/giá trị xuất khẩu của nước đó sang Mỹ.

Ví dụ, theo công bố của Mỹ, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang nước này là 136,6 tỷ USD và ngược lại Việt Nam mua hàng hóa từ Mỹ là 13,1 tỷ USD. Mỹ bị thâm hụt thương mại 123,5 tỷ USD, tương ứng tỷ lệ 90%. Như vậy Mỹ chọn mức thuế đối ứng khoảng 1/2 của tỷ lệ nói trên nhưng chọn cao hơn là 46% (thay vì 45%).

Hay như Campuchia xuất khẩu vào Mỹ 12 tỷ USD và nhập khẩu từ Mỹ 0,3 tỷ USD. Thâm hụt thương mại của Mỹ với Campuchia là 11,7 tỷ USD, tương ứng 97,5% và Mỹ áp thuế đối ứng cho Campuchia ở mức 49%.

Indonesia xuất khẩu vào Mỹ có trị giá 28 tỷ USD, nhập khẩu ngược lại 10,1 tỷ USD nên thâm hụt thương mại 17,9 tỷ USD, tương ứng 64% nên Mỹ áp thuế đối ứng với nước này là 34%...

Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố thuế quan có đi có lại vào ngày 2/4 tại Nhà Trắng (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố thuế quan có đi có lại vào ngày 2/4 tại Nhà Trắng (Ảnh: Reuters)

Thiếu công bằng với Việt Nam

Nhận xét về cách tính thuế này, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (Hanoisme) cho rằng Mỹ hiện đang dựa trên phương pháp suy luận bất lợi, thiếu khách quan, không phản ánh đúng thực tế sản xuất - kinh doanh tại Việt Nam.

Theo đó, phương pháp này bỏ qua các nỗ lực minh bạch và hợp tác đầy đủ từ phía Việt Nam, khiến mức thuế bị đẩy lên rất cao một cách bất hợp lý.

Thời gian qua, Việt Nam luôn thể hiện thiện chí và tinh thần hợp tác cao trong quan hệ thương mại song phương. Việt Nam đã chủ động rà soát và cắt giảm thuế đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Mỹ tiếp cận thị trường Việt Nam thuận lợi.

Điều này cho thấy Việt Nam không chỉ tuân thủ các cam kết quốc tế mà còn tích cực thúc đẩy thương mại công bằng và cân bằng.

Việt Nam cũng đã chủ động ứng phó với chính sách thuế đối ứng từ chính quyền Tổng thống Donald Trump bằng việc giảm thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng từ Mỹ. Một loạt mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ đã được giảm thuế về mức thấp, thậm chí bằng 0% theo nghị định của Chính phủ vừa ban hành.

Ví dụ gỗ và các sản phẩm gỗ thuộc nhóm 44.21, 94.01 và 94.03 (bao gồm mắc treo quần áo, ghế ngồi và đồ nội thất bằng gỗ) giảm thuế từ 20% và 25% xuống 0% từ ngày 31/3.

Ngô hạt cũng giảm từ 2% xuống 0%; khô dầu đậu tương từ 1%, 2% xuống 0%, khí tự nhiên dạng hóa lỏng (LNG) từ 5% xuống 2%, ethanol từ 10% xuống 5%. Riêng ethane được bổ sung mã HS 2711.19.00 với mức thuế 0%...

“Vì vậy, việc Mỹ áp đặt thuế cao một chiều là không phù hợp với thực tiễn hợp tác và có thể gây tổn hại đến niềm tin giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước”, ông Quốc Anh nhận định.

Ông Quốc Anh phân tích thêm, động thái của Mỹ là một trong những biện pháp phòng vệ thương mại có tính chất bao trùm, đồng loạt và đột ngột nhất trong nhiều năm gần đây.

“Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt khoảng 96,8 tỷ USD, chiếm gần 28% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong đó, các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực gồm: dệt may (18,5 tỷ USD), đồ gỗ (10,6 tỷ USD), máy móc thiết bị (17,2 tỷ USD), điện tử (15,8 tỷ USD)...

Như vậy, nếu 90% tổng lượng hàng hóa bị áp thuế 46%, sẽ có tới hơn 87 tỷ USD kim ngạch bị ảnh hưởng trực tiếp, gây thiệt hại tiềm tàng hàng chục tỷ USD cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2025 nếu không có điều chỉnh kịp thời”, ông Quốc Anh nói.

Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc SSI Research -Công ty CP Chứng khoán SSI cũng cho rằng việc chính quyền Tổng thống Trump áp mức thuế 46% lên hàng hóa của Việt Nam như một “cú sốc” đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân.

Theo ông Hưng, nếu nhẩm tính nhanh thì xuất khẩu của Việt Nam qua Mỹ khoảng 120 tỷ USD, nếu giá trị gia tăng tạo ra khoảng 30% thì sẽ có con số khoảng 36 tỷ USD. 36 tỷ USD chia cho tổng GDP của Việt Nam thì ra khoảng 7,5%.

“Trước đây, khi dự báo mức áp thuế của Hoa Kỳ là 10 - 15% thì ảnh hưởng đến GDP chỉ là 1 - 1,5%. Tuy nhiên, trong trường hợp này thì mức ảnh hưởng sẽ cao hơn nhiều”, ông Hưng nói.

5 nhóm chịu tác động mạnh nhất

Theo ông Mạc Quốc Anh, tác động của việc Mỹ áp thuế 46% với 90% hàng hóa là cực kỳ nghiêm trọng và lan rộng đến tất cả các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Trong đó, có 5 nhóm chịu tác động chính. Nhóm đầu tiên là doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa (chiếm hơn 95% tổng số doanh nghiệp Việt Nam). Các doanh nghiệp này có tiềm lực tài chính yếu, năng lực pháp lý, phản ứng thị trường hạn chế, sẽ chịu tổn thất nặng nề nhất.

“Việc bị nâng thuế 0 - 10% (trong điều kiện thông thường) lên tới 46% đồng nghĩa với giá hàng hóa của Việt Nam tại Mỹ sẽ tăng thêm 30 -40%, dẫn tới mất sức cạnh tranh ngay lập tức”, ông Quốc Anh dẫn chứng.

Nhóm chịu tác động thứ 2 là ngành dệt may và da giày. Đây là các đối tác lớn thứ ba của Mỹ về dệt may, chỉ sau Trung Quốc và Bangladesh.

Với mức kim ngạch trên 18 tỷ USD, việc bị áp thuế 46% có thể khiến 80 - 90% hợp đồng hiện tại bị đàm phán lại hoặc hủy bỏ, gây ra nguy cơ mất việc làm cho hàng trăm nghìn lao động.

Dệt may là một trong những ngành chịu tác động mạnh nhất từ chính sách thuế của Mỹ. (Ảnh minh họa: Báo Công Thương)

Dệt may là một trong những ngành chịu tác động mạnh nhất từ chính sách thuế của Mỹ. (Ảnh minh họa: Báo Công Thương)

Tiếp theo là ngành gỗ và nội thất, với giá trị xuất khẩu hơn 10 tỷ USD sang Mỹ mỗi năm. Gỗ là ngành bị tổn thất trực tiếp hàng tỷ USD, vì hơn 70% khách hàng nhập khẩu gỗ của Việt Nam là các nhà bán lẻ trung và cao cấp của Mỹ như IKEA, Walmart, Home Depot… Họ không chấp nhận việc giá đội lên gần 50%.

Với ngành điện tử, linh kiện, Việt Nam đang là điểm đến FDI lớn cho các tập đoàn công nghệ (Samsung, LG, Intel…). Khi bị áp thuế cao, các tập đoàn này có thể sẽ xem xét lại chiến lược sản xuất tại Việt Nam, hoặc điều chỉnh chuỗi cung ứng, dẫn đến rủi ro dịch chuyển đơn hàng, giảm sản lượng, kéo theo mất việc làm và giảm đầu tư.

Cuối cùng là về nhóm ngành thủy sản, nông sản, thực phẩm chế biến Các ngành này chiếm hàng tỷ USD kim ngạch. Việc tăng thuế khiến chi phí logistics - bảo quản - phân phối bị đội lên, nhiều sản phẩm như cá tra, tôm, điều…có thể bị loại khỏi thị trường Mỹ.

Thành Lâm - Phạm Duy - Đại Việt

Nguồn: https://vtcnews.vn/chuyen-gia-my-ap-thue-46-voi-viet-nam-la-thieu-khach-quan-cong-bang-ar933555.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm