Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chuyển mình mạnh mẽ dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các trung tâm tài chính quốc tế không chỉ là nơi tập trung vốn, công nghệ và tri thức, mà còn là biểu tượng cho năng lực cạnh tranh, khả năng hội nhập và trình độ phát triển của mỗi quốc gia.
Tại Việt Nam, Việc thành lập trung tâm tài chính khu vực và quốc tế không chỉ là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, mà còn là bước đi chiến lược để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Với nền tảng chính trị vững chắc, hệ thống pháp lý đồng bộ và thực tiễn phát triển đầy tiềm năng, đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu này, góp phần thu hút nguồn vốn, thúc đẩy tăng trưởng và nâng tầm vị thế quốc gia trên bản đồ tài chính quốc tế.
Hiện nay, Việt Nam đã hội tụ đủ điều kiện và cơ hội để xây dựng và phát triển trung tâm tài chính quốc tế. Về mặt chính trị, tháng 11/2024, Ban Chấp hành Trung ương đã thông báo Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Đồng thời, chủ trương này cũng nhận được sự chỉ đạo sát sao từ lãnh đạo cấp cao.
Về mặt pháp lý, Việt Nam đã xây dựng hệ thống luật pháp khá đồng bộ, đặc biệt là các quy định liên quan đến tài chính, đầu tư và ngân hàng. Đây là nền tảng quan trọng để đảm bảo tính thống nhất trong việc thành lập và vận hành trung tâm tài chính. Quan trọng hơn, thực tiễn phát triển kinh tế cho thấy, để thực hiện bằng được mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên trong năm 2025, tạo nền tảng tăng trưởng 2 con số liên tục trong những năm tiếp theo; phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước phát triển công nghiệp hiện đại và thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao, Việt Nam cần có sự đột phá về khoa học công nghệ, con người và đặc biệt là huy động nguồn lực tài chính thông qua các định chế mới. Một thị trường tài chính hoàn chỉnh, có vị thế trong khu vực và quốc tế là điều kiện tiên quyết để hiện thực hóa mục tiêu này.
Trong chuyến công tác gần đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình khẳng định, Việt Nam quyết tâm xây dựng một trung tâm tài chính theo chuẩn mực quốc tế, minh bạch, hiệu quả, có nền tảng pháp lý vững chắc, trình độ nhân lực cao, ứng dụng công nghệ tiên tiến, có môi trường đầu tư an toàn, bền vững, góp phần kết nối ASEAN với các trung tâm tài chính thế giới.
Một trung tâm tài chính quốc tế chỉ có thể thành công nếu có hệ thống hạ tầng tài chính và khung pháp lý đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Vì vậy, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cũng khẳng định, Việt Nam cần học hỏi từ các mô hình tài chính thành công trên thế giới để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng đánh giá cao vai trò của các tổ chức tư vấn, chuyên gia quốc tế trong việc cung cấp các khuyến nghị và chia sẻ các thông lệ quốc tế để Việt Nam có thể xây dựng được một hệ thống tài chính phát triển và bền vững, nhưng đề nghị những góp ý phải gắn với điều kiện của Việt Nam, góp phần vào sự phát triển của Việt Nam. Khi tận dụng được trí tuệ và kinh nghiệm từ những chuyên gia Việt Nam trên thế giới, kết hợp với chiến lược phát triển bài bản, Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên trở thành điểm đến hấp dẫn của dòng vốn toàn cầu, khẳng định vị thế trên bản đồ tài chính quốc tế.
Tuy nhiên, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cũng cho rằng, Việt Nam sẽ không áp dụng các mô hình trung tâm tài chính quốc tế của các quốc gia khác một cách máy móc. Thay vào đó, Việt Nam sẽ chọn lọc những yếu tố phù hợp với điều kiện thực tế của mình để phát triển trung tâm tài chính quốc tế. Điều này không chỉ giúp trung tâm tài chính của Việt Nam phát triển bền vững mà còn tăng cường khả năng cạnh tranh với các trung tâm tài chính quốc tế lớn.
Nhằm trao đổi kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng trung tâm tài chính và làm rõ vai trò của hệ thống ngân hàng trong quá trình này tại Việt Nam, được sự đồng ý của Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, sáng ngày 16/4, Thời báo Ngân hàng sẽ tổ chức Tọa đàm với chủ đề "Kinh nghiệm quốc tế và vai trò hệ thống ngân hàng trong trung tâm tài chính".
Tọa đàm sẽ là nơi hội tụ của những góc nhìn đa chiều, những kiến giải sâu sắc và nhiều sáng kiến trong xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Tọa đàm sẽ làm rõ vai trò và sứ mệnh của hệ thống ngân hàng trong tiến trình xây dựng trung tâm tài chính tại Việt Nam; gợi ý những giải pháp thiết thực, có tính khả thi cao nhằm đưa Trung tâm tài chính Việt Nam sớm trở thành một phần gắn kết hữu cơ của nền kinh tế toàn cầu. Đồng thời, phát huy vai trò dẫn dắt của hệ thống ngân hàng trong việc nâng cao năng lực giao dịch quốc tế, hỗ trợ các dòng vốn và tài sản vận hành thông suốt, minh bạch và an toàn.
Tọa đàm sẽ có bài tham luận và thảo luận chuyên sâu của các diễn giả: - Ông Nguyễn Đức Long - Cục trưởng Cục An toàn các tổ chức tín dụng, NHNN; - TS. Lê Thị Thùy Vân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách kinh tế - tài chính, Bộ Tài chính; - PGS.TS. Hoàng Công Gia Khánh - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; - PGS.TS. Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Công nghệ Tài chính, kiêm Giám đốc Trung tâm Phát triển Fintech và Đổi mới sáng tạo, Trường Đại học Đại Nam; - Mr. Richard D. McClellan, Chuyên gia kinh tế, Cố vấn độc lập chuyên về chính sách kinh tế, phát triển khu vực tài chính và chiến lược đầu tư; - Ông. Ryu Je Eun - Phó Tổng Giám Đốc - Ngân hàng Shinhan Việt Nam; Ngoài ra, Tọa đàm còn có sự góp mặt của gần 100 chuyên gia, nhà hoạch định chính sách, đại diện tổ chức tài chính uy tín trong và ngoài nước; đại diện Lãnh đạo các bộ, ngành liên quan... cùng đại diện Lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị thuộc NHNN; đại diện một số NHNN chi nhánh khu vực, Hiệp hội Ngân hàng, các tổ chức tín dụng, tổ chức quốc tế, ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. |
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/co-hoi-luan-ban-kinh-nghiem-quoc-te-va-vai-tro-he-thong-ngan-hang-trong-trung-tam-tai-chinh-162796.html
Bình luận (0)