Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ngành Ngân hàng nỗ lực hỗ trợ tăng trưởng và chuyển đổi số

Sáng ngày 15/4, tại trụ sở Chính phủ, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với các Chủ tịch, Tổng giám đốc một số Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước được tổ chức với chủ đề: Doanh nghiệp Nhà nước tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng.

Thời báo Ngân hàngThời báo Ngân hàng15/04/2025

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với các Doanh nghiệp Nhà nước ngày 15/4
Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với các Doanh nghiệp Nhà nước ngày 15/4

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị. Cùng dự có Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, lãnh đạo các bộ, ngành và 68 doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) tiêu biểu, hoạt động trong các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế.

Sẽ đánh giá mức độ chuyển đổi số của DNNN vào cuối năm

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đức Long cho biết thời gian qua, các DNNN hoạt động trong nhiều lĩnh vực như năng lượng, viễn thông, tài chính… đã đạt được một số thành công trong chuyển đổi số và đạt được mức tăng trưởng ấn tượng. Tuy nhiên, nhiều DNNN hiện nay năng suất lao động, hiệu quả sản xuất còn thấp, chuyển đổi số manh mún.

Thứ trưởng Bộ Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đức Long phát biểu - Ảnh VGP/Nhật Bắc
Thứ trưởng Bộ Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đức Long phát biểu - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Để đẩy nhanh chuyển đổi số, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nêu ra 5 vấn đề: Thứ nhất, chuyển đổi số rất cần vai trò của người đứng đầu. Công thức chuyển đổi số gồm 70% là thay đổi, 30% là công nghệ. Ứng dụng công nghệ thông tin thì phổ biến, ai cũng có thể làm nhưng chuyển đổi số thì phụ thuộc rất lớn vào ý chí của người đứng đầu, vì chỉ có người đứng đầu mới quyết định chuyển đổi. Tuy nhiên, người đứng đầu ngoài chỉ đạo còn phải trực tiếp làm, trực tiếp phụ trách. Đây là tinh thần của Nghị quyết 57.

Thời gian vừa qua, các tập đoàn, công ty nhà nước thực hiện chuyển đổi số nhưng đôi khi vẫn là trào lưu, chưa đi vào thực chất. Chuyển đổi số là đổi mới sáng tạo, tạo ra những mô hình mới, có những rủi ro, người đứng đầu nếu không trực tiếp làm thì sẽ không thành công.

Thứ hai, chuyển đổi số thể hiện trên dữ liệu. Dữ liệu rất quan trọng, nếu không có dữ liệu thì tất cả công nghệ đều vô nghĩa. Tuy nhiên, hiện nay ý thức xây dựng dữ liệu trong các doanh nghiệp còn thiếu, đặc biệt là các DNNN. Một số doanh nghiệp đã có ý thức xây dựng dữ liệu, qua đó đã áp dụng được trí tuệ nhân tạo, nâng cao được hiệu suất lao động.

Thứ ba, chuyển đổi số cần một doanh nghiệp công nghệ số đồng hành. Vì chuyển đổi số là một quá trình chứ không phải là một công đoạn. Chuyển đổi số là sự thay đổi sự cải tiến liên tục quy trình và ứng dụng các công nghệ tạo ra các mô hình kinh doanh mới, các sản phẩm mới. Hiện nay cơ bản các doanh nghiệp lập đề án đầu tư, đầu tư là một bài toán cố định, khi đầu tư xong rồi nếu muốn thay đổi, sửa đổi thì chúng ta lại phải lập dự án để điều chỉnh chuyển đổi. Do vậy không có sự linh hoạt.

Vì vậy, các DNNN nên chọn một doanh nghiệp công nghệ số đồng hành. DNNN thuê doanh nghiệp công nghệ số đầu tư hệ thống vận hành liên tục cải tiến, để đáp ứng yêu cầu đổi mới của doanh nghiệp, thuận tiện cho người dùng và cho khách hàng. Toàn bộ các vấn đề về công nghệ, vận hành, cải tiến… giao cho doanh nghiệp chuyển đổi số; còn DNNN chỉ tập trung vào đổi mới sáng tạo để tạo ra sản phẩm mới, dịch vụ mới, mô hình mới.

Thứ tư là chuyển đổi số là chuyển đổi mô hình kinh doanh để tạo ra tăng trưởng mới. Tăng trưởng trên 10% không thể đến từ mở rộng quy mô, mà cơ bản phải đến từ đột phá mô hình kinh doanh. DNNN cần chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang doanh nghiệp số, dựa trên khoa học công nghệ. Các doanh nghiệp hãy nghĩ ra các mô hình để đột phá và đặt ra các bài toán để doanh nghiệp chuyển đổi số giải quyết những vấn đề đó. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ đóng vai trò là trung tâm kết nối giữa DNNN có nhu cầu chuyển đổi, nhu cầu giải quyết các bài toán với chuyển đổi số.

Thứ năm, ngày 20/9/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1012/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động chuyển đổi số hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trực tuyến và dựa trên dữ liệu giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Các doanh nghiệp dự Hội nghị - Ảnh VGP/Nhật Bắc
Các doanh nghiệp dự Hội nghị - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tổ chức đánh giá mức độ chuyển đổi số của DNNN vào cuối năm. Bên cạnh đó, là cơ quan thường trực của Chính phủ triển khai Nghị quyết 57, Bộ Khoa học và Công nghệ cam kết đồng hành cùng DNNN trong chuyển đổi số. Thông qua việc sẽ tiếp tục kiến tạo thể chế và các chính sách cho các DNNN và bảo đảm lợi thế cạnh tranh, kết nối hệ sinh thái đổi mới, tạo cung - cầu giữa DNNN và các doanh nghiệp, trường, viện thực hiện chuyển đổi số. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ hỗ trợ các DNNN trong việc ứng dụng và thương mại hóa các kết quả đổi mới sáng tạo.

Đáp ứng nhu cầu vốn, đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ, tỷ giá

Phát biểu tại Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết: Muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao thì yêu cầu về vốn là rất quan trọng. Với đặc thù ở Việt Nam, nhu cầu vốn đầu tư của doanh nghiệp dựa khá lớn vào vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng. Cho nên, ngay từ đầu năm, NHNN đã đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 16% của năm nay. Đây là mức cao so với những năm gần đây và cũng thông báo ngay cho các tổ chức tín dụng từ đầu năm để họ chủ động trong triển khai kế hoạch hoạt động, kinh doanh. Đến hết quý I/2025, tăng trưởng tín dụng là 3,93% so với cuối năm 2024 và tăng 18% so với cùng kỳ. Đây là mức cao so với cùng kỳ năm ngoái (chỉ tăng 1,34%).

Thống đốc cho biết, NHNN sẽ theo dõi sát và có thể điều chỉnh mức tăng trưởng tín dụng nếu như lạm phát được kiểm soát tốt. Đặc biệt là gần đây, Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo ngành Ngân hàng xây dựng gói 500.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ số.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh VGP/Nhật Bắc
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh VGP/Nhật Bắc

“Chúng tôi đã làm việc với các ngân hàng và đã có văn bản gửi Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng và Bộ Công Thương lập danh sách các dự án trọng điểm để tổng hợp và có những bước tiếp theo. Chúng tôi mong các bộ, ngành quan tâm và có ý kiến sớm cho NHNN”, Thống đốc thông tin.

Theo Tư lệnh ngành Ngân hàng, nền kinh tế muốn tăng trưởng cao trong khi nguồn lực tài chính còn hạn chế thì việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính. Đây là tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 57. NHNN cũng quán triệt rất sâu sắc Nghị quyết này. Trong suốt thời gian qua, hệ thống ngân hàng là một trong những bộ, ngành đi đầu trong chuyển đổi số. Song song với việc thúc đẩy chuyển đổi số là triển khai giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật thông tin.

“Muốn thúc đẩy chuyển đổi số, chúng tôi nhất trí với ý kiến của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ là phải có hệ sinh thái về dữ liệu. Vừa rồi, Bộ Công an đã xây dựng Đề án 06 dữ liệu về dân cư. Tôi cho rằng thời gian tới, cơ sở dữ liệu này được làm giàu thêm thì sẽ rất tốt cho quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế nói chung và ngành Ngân hàng. Đặc biệt là phải xây dựng hệ sinh thái về số liệu của doanh nghiệp mới có thể thúc đẩy chuyển đổi số”, Thống đốc nói.

Để tạo môi trường hoạt động kinh doanh ổn định cho doanh nghiệp và người dân, trong đó có DNNN, thì vấn đề điều hành chính sách tiền tệ góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối trong bối cảnh hiện nay là vô cùng thách thức. NHNN quyết tâm và theo dõi sát tình hình thế giới và trong nước để có thể điều hành các giải pháp phù hợp với liều lượng và thời điểm hợp lý, giúp ổn định được tình hình.

Đối với nhu cầu ngoại tệ của các dự án lớn, trọng điểm NHNN cũng rất quan tâm. Ví dụ, năm ngoái, các ngân hàng thương mại nhà nước cũng đã tài trợ cho dự án Sân bay Long Thành 1,8 tỷ USD. “Chúng tôi sẽ cân đối tổng thể trên khả năng về cân đối nguồn ngoại tệ của hệ thống, làm sao vừa đáp ứng được nhu cầu vốn nhưng cũng đảm bảo được việc điều hành tỷ giá và ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối”, Thống đốc cho biết.

Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/nganh-ngan-hang-no-luc-ho-tro-tang-truong-va-chuyen-doi-so-162800.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khoảnh khắc nữ phi hành gia gốc Việt nói "Xin chào Việt Nam" ngoài Trái đất
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu thăm Việt Nam
Chủ tịch Lương Cường đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại sân bay Nội Bài
Những người trẻ làm "sống dậy" hình ảnh lịch sử

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm