- Cà Mau trình đề án xuất khẩu năng lượng tái tạo
- Chính sách ưu đãi phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới
- Thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo
Tiềm năng về nguồn năng lượng, trong đó năng lượng dầu khí, năng lượng tái tạo đã và đang phát triển khá mạnh tại Cà Mau, cũng như còn nhiều dư địa khá lớn, tạo nền tảng và tầm nhìn quan trọng để địa phương tăng trưởng đạt hai con số thời gian tới.
Ðảm bảo nguồn cung năng lượng khí
Ðối với phân ngành dầu khí, ông Nguyễn Chí Thiện, Giám đốc Sở Công thương, cho biết: "Theo Quy hoạch và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh có các dự án đường ống dẫn khí ngoài khơi. Trong đó, dự án đường ống từ mỏ Nam Du, U Minh về đường ống PM3-Cà Mau có chiều dài dự kiến 30-40 km, công suất khoảng 0,5 tỷ mét khối/năm, vận hành giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030; tuy nhiên, hiện Tập đoàn Công nghiệp và Năng lượng Quốc gia (PVN) mới đang trong quá trình thăm dò, đánh giá trữ lượng mỏ Nam Du, U Minh và nhu cầu các hộ tiêu thụ khí làm cơ sở lập dự án. Với dự án đường ống cấp bù khí PM3-Cà Mau (từ KP209 của đường ống Lô B) chiều dài dự kiến 37 km, công suất khoảng 2,4 tỷ mét khối/năm, vận hành giai đoạn 2026-2030, PVN đang đánh giá nhu cầu các hộ tiêu thụ khí làm cơ sở lập dự án.
Một bồn chứa tại Công ty Khí Cà Mau thuộc Cụm công nghiệp Khí - Ðiện - Ðạm Cà Mau (xã Khánh An, huyện U Minh).
Cùng với đó, đường ống thu gom khí từ các mỏ tiềm năng (Ðầm Dơi, Khánh Mỹ) thuộc Lô 46/13 kết nối với đường ống Nam Du, U Minh về PM3-Cà Mau chiều dài dự kiến 40-60 km với công suất khoảng 2,2 tỷ mét khối/năm, vận hành giai đoạn 2026-2030. Hợp đồng Dự án phát triển khai thác dầu khí Lô 46/13 đã được ký giữa PVN và nhà thầu là Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP); Dự án khai thác mỏ Khánh Mỹ - Ðầm Dơi được nhà thầu giao Chi nhánh điều hành dầu khí Khánh Mỹ điều hành hoạt động, đang tiến hành khảo sát để lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Mỏ Khánh Mỹ - Ðầm Dơi dự kiến bắt đầu có nguồn khí đầu tiên vào quý II năm 2027, ước tính sẽ bổ sung khoảng 4,03 tỷ mét khối. “Toàn bộ nguồn khí tại mỏ sẽ được đưa vào hệ thống đường ống PM3-CAA hiện hữu, cung cấp cho Cụm Khí - Ðiện - Ðạm tại Cà Mau, nhằm đảm bảo nguồn cung năng lượng khí cho Cà Mau nói riêng và khu vực Tây Nam Bộ nói chung”, ông Nguyễn Chí Thiện thông tin.
Ông Nguyễn Chí Thiện cho biết thêm, trong quy hoạch còn có dự án đầu tư hệ thống trạm, kho nổi chứa khí và đường ống tái hoá khí nhập khẩu (hệ thống FSRU) đồng bộ, đủ năng lực nhập khẩu khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) cấp khí cho các hộ tiêu thụ khí khu vực Cà Mau, công suất khoảng 1-3 triệu tấn/năm, giai đoạn 2026-2030. Tỉnh đang hoàn thiện các thủ tục đưa dự án vào danh mục mời gọi đầu tư.
Ðối với phân ngành năng lượng mới, thực hiện Quyết định số 48/QÐ-TTg, ngày 3/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ, UBND trình Ðề án Xuất khẩu điện, với lộ trình đến năm 2031, tỉnh Cà Mau xuất khẩu điện từ năng lượng tái tạo khoảng 2.000 MW, đến năm 2035 là 3.000 MW, đến năm 2040 là 5.000 MW. Về năng lượng mới, đã có nhà đầu tư đề xuất nghiên cứu dự án sản xuất Hydro từ năng lượng tái tạo, cập nhật vào danh mục dự án năng lượng tiềm năng trong Quy hoạch tỉnh, vị trí tiềm năng được xác định tại huyện Ðầm Dơi, huyện Ngọc Hiển, tiềm năng phát triển với tổng công suất khoảng 86.248 tấn/năm.
Hướng đến xuất khẩu điện
Cà Mau có tiềm năng và lợi thế rất lớn về năng lượng tái tạo, đây được xem là lĩnh vực sẽ góp phần tạo đột phá để địa phương tăng trưởng 2 con số sau năm 2025. Tuy nhiên, đối với Ðề án Xuất khẩu điện của tỉnh, Bộ Công thương cho rằng đây là nội dung khó, phức tạp, cần giao đơn vị tư vấn chuyên sâu thực hiện, có sự tham gia góp ý của các chuyên gia, bởi cần có dự báo nhu cầu điện trong nước dài hạn, đánh giá khả năng cấp điện trong nước, tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo để phát triển đáp ứng nhu cầu trong nước với tầm nhìn dài hạn, rồi mới xem xét đến xuất khẩu. Bộ này cũng đã báo cáo đồng chí Tổng bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc cần xem xét chủ trương này một cách tổng thể quốc gia, không xem xét rời rạc để giải quyết kiến nghị của từng địa phương, bởi dự kiến cáp ngầm siêu cao áp 500-650 kV xuyên biển từ Việt Nam sang Singapore dài khoảng hơn 1.000 km với sơ bộ tổng mức đầu tư rất lớn. Ðến nay, vẫn chưa có ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền theo báo cáo của Bộ Công thương.
Cánh đồng điện gió Tân Thuận (xã Tân Thuận, huyện Ðầm Dơi) là nơi sản xuất năng lượng tái tạo đầu tiên của tỉnh đưa vào vận hành thương mại, khai thác từ tháng 4/2022.
Ðối với Dự án sản xuất Hydro từ năng lượng tái tạo, hiện cũng chưa có quy định, hướng dẫn để thực hiện; quy hoạch chỉ thể hiện công suất phát triển cho miền, chưa cụ thể tỉnh, thành phố, nên chưa có cơ sở để mời gọi đầu tư; chưa có quy định về lựa chọn nhà đầu tư cũng như chưa có quy định về giá, thị trường Hydro làm cơ sở lựa chọn nhà đầu tư và lập dự án đầu tư.
Thực hiện Luật Quy hoạch, phương án phát triển hạ tầng năng lượng được tích hợp trong Quy hoạch tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có bao gồm danh mục các dự án nguồn và lưới điện. Tuy nhiên, tại Quyết định số 1386/QÐ-TTg, ngày 16/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh, nguồn điện chỉ thể hiện khu vực phát triển, không cụ thể dự án và không có danh mục lưới điện đấu nối nguồn điện nên các dự án nguồn điện gặp khó khăn, chưa thực hiện được thủ tục thoả thuận đấu nối với ngành điện nên chưa có cơ sở lập và thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi.
Trên thực tế, từ đầu năm 2022 đến nay, có nhiều nhà đầu tư đến tỉnh đề xuất tiếp cận nghiên cứu để phát triển các dự án sản xuất khí Hydro từ điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối), với tổng quy mô 3.000 MW điện năng lượng tái tạo để sản xuất 86.248 tấn khí Hydro/năm. Ðây là hình thức đầu tư mới, chưa có cơ chế để thực hiện. Cùng với đó, qua khảo sát của tỉnh, các nước khu vực: Singapore, Malaysia, Thái Lan... dự báo thiếu điện nên có nhu cầu nhập khẩu điện rất cao, đặc biệt từ nguồn năng lượng tái tạo, trong khi đó Cà Mau có vị trí chiến lược gần với các đối tác, việc xuất khẩu điện từ đây sẽ rất thuận lợi.
Từ thực tế trên, tỉnh kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, có văn bản thống nhất chủ trương xuất khẩu điện; chọn Cà Mau là điểm tiếp bờ, gom công suất năng lượng tái tạo từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để xuất khẩu điện sang các nước lân cận: Singapore, Malaysia, Thái Lan... Với Chính phủ, kiến nghị xem xét, ban hành hoặc chỉ đạo ban hành cơ chế hướng dẫn thực hiện dự án năng lượng tái tạo không nối lưới mà cung cấp trực tiếp để sản xuất ra các dạng năng lượng mới (Hydro, Amoniac). Ðể chủ động nguồn cấp khí cho Nhà máy Nhiệt điện Cà Mau 1&2 hoạt động hiệu quả, tận dụng các điều kiện thuận lợi về mặt bằng, đấu nối sẵn có và thay thế cho các dự án nhiệt điện LNG chậm tiến độ trong Quy hoạch điện VIII, tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án mở rộng Nhà máy Nhiệt điện Cà Mau 1&2 với công suất tăng thêm 1.500 MW vào danh mục điều chỉnh Quy hoạch điện VIII.
Tỉnh Cà Mau có tiềm năng điện gió, mặt trời, điện khí rất lớn, trong đó có 7.812 MW điện gió (4.100 MW điện gió ngoài khơi; 3.712 MW điện gió trên bờ và gần bờ); 1.480 MW điện mặt trời kết hợp nuôi thuỷ sản và kè chắn sóng, cùng 1.000 MW pin lưu trữ.
“Tỉnh đã đề xuất tiềm năng này vào điều chỉnh Quy hoạch điện VIII tại Công văn số 76/UBND-KT, ngày 4/1/2025 và Công văn số 1064/UBND-KT, ngày 14/2/2025, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung cho tỉnh Cà Mau tiềm năng trên và lưới điện 500 kV đến tỉnh Cà Mau để giải phóng công suất năng lượng tái tạo”, ông Nguyễn Chí Thiện thông tin thêm.
Hiện, hệ thống trạm, kho nổi chứa khí và đường ống tái hoá khí nhập khẩu (hệ thống FSRU) đồng bộ đủ năng lực nhập khẩu khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) khoảng 7 triệu mét khối/năm vào năm 2030 và khoảng 10 triệu mét khối/năm vào năm 2045.
Thực hiện các mục tiêu Nghị quyết số 55-NQ/TW, tỉnh đã cụ thể hoá thành các mục tiêu thực hiện trong Chương trình hành động số 42-CTr/TU, trong đó có nội dung thực hiện tốt các chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giảm tổn thất điện năng đến mức thấp nhất, tiết kiệm năng lượng 7% vào năm 2030 và 14% vào năm 2045 theo mục tiêu đề ra.
Trần Nguyên
Nguồn: https://baocamau.vn/cuc-phat-trien-nang-luong-phia-nam-a38539.html
Bình luận (0)