• Cà Mau dẫn đầu chỉ số FTA

- Thưa ông, theo công bố của Bộ Công thương, Cà Mau là địa phương dẫn đầu trong bảng xếp hạng FTA Index năm 2024, ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về những yếu tố nổi bật đã giúp tỉnh đạt được kết quả này?

Ông Nguyễn Chí Thiện: Có thể nói, kết quả này là sự hội tụ của nhiều yếu tố. Trước hết, đó là sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành từ Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, cho đến sự vào cuộc mạnh mẽ, bài bản của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh. Lãnh đạo tỉnh luôn xác định các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) không chỉ là cơ hội mở rộng thị trường, mà còn là động lực để tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng lực sản xuất và xuất khẩu.

Với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Hội nhập Quốc tế tỉnh, Sở Công thương đã tham mưu xây dựng các kế hoạch hành động cụ thể, phân công rõ trách nhiệm cho từng sở, ngành, địa phương. Tất cả các hoạt động đều bám sát lộ trình hội nhập và mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.

Song song với đó là sự chủ động và linh hoạt từ cộng đồng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tích cực tìm hiểu, nắm bắt các cam kết FTA, từ đó đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe từ các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản...

Công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn về hội nhập cũng là một điểm nhấn đáng chú ý. Chúng tôi thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo, cập nhật kịp thời thông tin về các FTA, giúp doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất hiểu rõ, từ đó chủ động hơn trong chiến lược kinh doanh.

Không thể không nhắc đến những chương trình hỗ trợ doanh nghiệp toàn diện mà tỉnh đã triển khai, từ tư vấn pháp lý, công nghệ, đến xúc tiến thương mại, giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường quốc tế một cách hiệu quả và bền vững.

- FTA Index được xây dựng dựa trên 4 trụ cột, theo ông, đâu là trụ cột trọng tâm trong chiến lược hội nhập của tỉnh, đâu là yếu tố tạo nên sự khác biệt của Cà Mau?

Ông Nguyễn Chí Thiện: Trong chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh, chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp là yếu tố then chốt. Bởi doanh nghiệp chính là chủ thể trung tâm trong tiến trình hội nhập. Nếu doanh nghiệp không đủ năng lực thích ứng, thì những cơ hội từ FTA cũng không thể phát huy hiệu quả.

Tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều chương trình, như đào tạo hội nhập, hỗ trợ đổi mới công nghệ, xúc tiến thương mại... Ðồng thời, chính quyền luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, lắng nghe, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, đảm bảo doanh nghiệp không bị "bỏ lại phía sau" trong quá trình hội nhập.

Ðiểm khác biệt của Cà Mau là sự gắn kết chặt chẽ giữa chính quyền - doanh nghiệp - hiệp hội. Các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ được thiết kế phù hợp với từng nhóm ngành hàng, từng giai đoạn thị trường, qua đó tạo ra môi trường hội nhập thực chất và hiệu quả.

- Trong những năm qua, xuất khẩu thuỷ sản, đặc biệt là tôm và cua, đóng vai trò quan trọng với kinh tế địa phương, tỉnh đã có những hỗ trợ gì để doanh nghiệp ngành này tận dụng hiệu quả FTA?

Ông Nguyễn Chí Thiện: Thuỷ sản, đặc biệt là tôm, là ngành hàng mũi nhọn của Cà Mau. Ðể ngành này tận dụng hiệu quả các FTA, tỉnh đã có nhiều giải pháp cụ thể.

Tôm là ngành hàng mũi nhọn của Cà Mau. Trong xúc tiến thương mại, tỉnh liên tục đổi mới phương thức hỗ trợ, tất cả nhằm mục tiêu giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, khẳng định vị thế trên bản đồ xuất khẩu thế giới.

Tôm là ngành hàng mũi nhọn của Cà Mau. Trong xúc tiến thương mại, tỉnh liên tục đổi mới phương thức hỗ trợ, tất cả nhằm mục tiêu giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, khẳng định vị thế trên bản đồ xuất khẩu thế giới.

Chúng tôi chú trọng đến công tác thông tin tuyên truyền, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo từ khi các FTA lớn, như CPTPP, EVFTA, UKVFTA hay RCEP có hiệu lực. Nội dung luôn bám sát nhu cầu doanh nghiệp, giúp họ hiểu rõ quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật, và những thay đổi chính sách từ các thị trường lớn.

Về sản xuất, tỉnh đã thu hút đầu tư vào các vùng nuôi tôm tập trung, hướng đến mô hình nuôi bền vững. Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là nuôi thuỷ sản hữu cơ, phát triển giống chất lượng cao, cũng đã được ban hành và triển khai đồng bộ.

Trong xúc tiến thương mại, tỉnh liên tục đổi mới phương thức hỗ trợ. Ngoài các hoạt động truyền thống, chúng tôi còn tổ chức những sự kiện như Festival Tôm Cà Mau, hội nghị kết nối với doanh nghiệp quốc tế... Tất cả nhằm mục tiêu giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, khẳng định vị thế trên bản đồ xuất khẩu thế giới.

- Cùng với thuỷ sản, thương hiệu "Ðạm Cà Mau" đã vươn ra thị trường quốc tế, tỉnh có chiến lược gì để nâng cao giá trị gia tăng và khẳng định thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế?

Ông Nguyễn Chí Thiện: Có thể nói, bên cạnh mặt hàng thuỷ sản, phân bón đã khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế. Ðối với các ngành hàng chủ lực, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trọng tâm, có chiều sâu, tập trung vào các khâu từ sản xuất, chế biến đến xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm.

Cụ thể, tập trung xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn kết giữa doanh nghiệp - hợp tác xã - nông dân, giúp nâng cao năng lực tổ chức sản xuất và đảm bảo đầu ra bền vững. Phát triển thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý trong và ngoài nước. Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tốt các cơ hội từ các FTA đã ký kết. Tỉnh cũng đẩy mạnh chuyển đổi số trong thương mại, phát triển thương mại điện tử, từng bước đưa sản phẩm địa phương tiếp cận người tiêu dùng toàn cầu. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển hạ tầng logistics, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và năng lực cạnh tranh.

Những giải pháp này thể hiện rõ cam kết đồng hành của chính quyền tỉnh trong việc nâng cao giá trị cho các ngành hàng chủ lực, góp phần khẳng định thương hiệu Việt Nam, thương hiệu Cà Mau trên bản đồ kinh tế khu vực và thế giới.

- Chủ tịch UBND tỉnh từng nhấn mạnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 2 con số, vậy ngành công thương sẽ đóng vai trò như thế nào trong việc hiện thực hoá mục tiêu này thông qua triển khai các FTA?

Ông Nguyễn Chí Thiện: Ngành công thương sẽ tiếp tục đóng vai trò nòng cốt trong thực hiện các FTA. Trước mắt, chúng tôi sẽ tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp khai thác sâu cam kết FTA, nhất là ở những thị trường còn nhiều dư địa.

Bên cạnh đó, ngành sẽ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển các ngành hàng chủ lực gắn với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, xây dựng thương hiệu. Chúng tôi cũng sẽ phối hợp với ngành nông nghiệp thúc đẩy các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh vươn ra thị trường quốc tế.

Hoạt động xúc tiến thương mại sẽ được đổi mới mạnh mẽ, kết hợp cả hình thức truyền thống và số hoá. Tất cả nhằm tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp tiếp cận thị trường, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tỉnh nhà đạt và vượt mục tiêu đã đề ra.

- Xin cảm ơn ông!

 

Hồng Phượng thực hiện

 

Nguồn: https://baocamau.vn/gan-ket-chat-che-giua-chinh-quyen-doanh-nghiep-hiep-hoi-a38540.html