Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Củng cố nội lực để bứt phá trong kỷ nguyên số: Cần đột phá từ nhân lực và đầu tư cho R&D

Công nghệ số được xác định là một trong những động lực chủ yếu thúc đẩy nền kinh tế quốc gia phát triển nhanh và bền vững. Việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo và tăng cường liên kết giữa các bên liên quan là chìa khóa giúp Việt Nam bứt phá, làm chủ công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đây không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước, mà là bài toán cần sự chung tay của cả hệ sinh thái từ viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp đến người lao động.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân26/04/2025

Năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D) của Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc đáng kể vào nguồn lực từ bên ngoài. Trong khi đó, khả năng làm chủ công nghệ lõi của chúng ta còn hạn chế, chủ yếu bắt nguồn từ việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao và khó huy động vốn đầu tư. Tăng cường đầu tư cho R&D được xem là giải pháp tiếp sức quan trọng.

Làm chủ công nghệ không thể thiếu nhân lực chất lượng cao

Kích thước nhỏ gọn, hệ thống tay gắp hoạt động linh hoạt, dễ dàng phát hiện độ chín của trái cây, di chuyển trong không gian ba chiều… là những ưu điểm của robot hái trái cây, một sản phẩm do nhóm Cơ điện tử và Tự động hóa, Trường đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) nghiên cứu, phát triển cách đây hơn hai năm. Toàn bộ thiết kế, chế tạo đều được thực hiện trong nước, giúp giá thành robot chỉ bằng khoảng 30% so với sản phẩm nhập khẩu cùng loại. Đây chỉ là một trong nhiều sáng kiến công nghệ do người Việt Nam tự nghiên cứu, hướng đến giải bài toán thực tiễn trong nông nghiệp, xây dựng, logistics, giáo dục, y tế. Tuy nhiên, phía sau những điểm sáng đó là bài toán lớn chưa có lời giải: Nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao, yếu tố then chốt để làm chủ công nghệ vẫn còn mỏng và thiếu.

Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố xếp Việt Nam hạng 44/133 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng hai bậc so với năm 2023. Riêng chỉ số sản lượng ngành công nghệ cao tăng 10 bậc, đứng thứ 28. Song, đầu tư cho R&D, một thước đo phản ánh nền tảng khoa học và chất lượng nhân lực, lại chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng. Tổng chi cho R&D của Việt Nam hiện chỉ quanh mức 0,5% GDP (năm 2023 ước đạt 0,4%), thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu (2,3%) và thua xa các nước trong khu vực như Trung Quốc (2,5%), Singapore (1,9%), Malaysia (1%).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Long Giang, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhận định, một quốc gia muốn phát triển mạnh trong lĩnh vực công nghệ số thì cần có nguồn nhân lực giỏi, đặc biệt là chuyên gia về công nghệ mũi nhọn như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, blockchain, an ninh mạng. Hạn chế về nhân lực chất lượng cao và khả năng đầu tư vào R&D là những yếu tố cơ bản cản trở công nghệ số Việt Nam hiện nay.

Trên thực tế, nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghệ mới đang gia tăng nhanh chóng, khiến cuộc cạnh tranh thu hút nhân tài diễn ra không chỉ trong nước mà còn ở quy mô toàn cầu. Tình trạng chảy máu chất xám và nhảy việc liên tục diễn ra trong ngành công nghệ.

Không chỉ doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ mà ngay cả các tập đoàn lớn như Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội Viettel cũng gặp khó khăn trong việc thu hút và giữ chân nhân sự chất lượng cao. Trước sự cạnh tranh gay gắt từ thị trường trong nước và nước ngoài, Viettel đã đưa ra mức đãi ngộ cao hơn khoảng 20% so với mặt bằng chung ngành, với một số vị trí chiến lược được xếp trong nhóm thu nhập tốp 25%, thậm chí tốp 5% thị trường.

Làm chủ công nghệ không thể thiếu nền tảng nhân lực chất lượng cao. Các chuyên gia cho rằng, cần phải hành động ngay và quyết liệt từ cả Nhà nước, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo, để có thể theo kịp tốc độ đổi mới công nghệ toàn cầu, hướng tới tương lai dẫn dắt, làm chủ cuộc chơi.

Tháo gỡ rào cản về vốn

R&D là yếu tố quyết định khả năng sáng tạo và đổi mới công nghệ. Đổi mới công nghệ hiện nay cũng là nhu cầu sống còn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất đối với doanh nghiệp vẫn là vốn. “Doanh nghiệp có ý tưởng, có phương án khả thi nhưng khó khăn về tín dụng có thể cản trở việc hiện thực hóa ước mơ. Đặc thù hàng hóa khoa học và công nghệ là tri thức ẩn nên khó định giá, khó giao dịch, cần có tổ chức trung gian hỗ trợ đàm phán, mua bán giữa các bên”, ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Khởi nghiệp và Doanh nghiệp công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ nhận định.

Trường hợp của Công ty TNHH Giải pháp công nghệ Thuận Thành (Bắc Ninh) là thí dụ khá điển hình. Gần 10 năm hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ, giải pháp và sản phẩm phần mềm, nhưng nguồn vốn đầu tư cho công nghệ của doanh nghiệp vẫn rất hạn chế. Năm nay, với mong muốn được vay ưu đãi để phát triển hạ tầng dữ liệu, nhưng ông Lê Văn Kiên, Giám đốc Công ty tỏ ra băn khoăn về tiêu chí vay vốn của ngân hàng: “Theo tiêu chuẩn tín dụng, phải có tài sản bảo đảm như xe ô-tô, bất động sản mới được thẩm định cho vay. Thế nên, nhiều doanh nghiệp công nghệ khó đáp ứng”.

Tài sản bảo đảm của doanh nghiệp công nghệ có thể là các tài sản vô hình như bằng sáng chế hoặc công nghệ, nhưng những tài sản này lại thiếu minh chứng về hiệu quả kinh doanh trong tương lai, thiếu dữ liệu lịch sử để được thẩm định.

Tài sản bảo đảm của doanh nghiệp công nghệ có thể là các tài sản vô hình như bằng sáng chế hoặc công nghệ, nhưng những tài sản này lại thiếu minh chứng về hiệu quả kinh doanh trong tương lai, thiếu dữ liệu lịch sử để được thẩm định. Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) cũng có nhận định liên quan, hiện nay, Việt Nam đã có một số công ty công nghệ có tiềm năng cạnh tranh trên trường quốc tế, song các doanh nghiệp này vẫn khó phát triển quy mô do vướng mắc trong huy động vốn. Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang chuẩn bị triển khai gói tín dụng 500 nghìn tỷ đồng với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và công nghệ số, các chuyên gia cho rằng, cần tháo gỡ các rào cản trong điều kiện cho vay dựa trên đặc thù của các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nếu không ngân hàng sẽ khó mạnh dạn giải ngân.

Thực tế tại Thành phố Hồ Chí Minh là một câu chuyện khác đáng suy ngẫm. Dù được coi là trung tâm R&D lớn nhất cả nước với Khu Công nghệ cao, Công viên phần mềm Quang Trung, là nơi đặt trung tâm R&D của các doanh nghiệp toàn cầu như Intel, Samsung, Bosch, cùng với các trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu cả nước, phần lớn nguồn chi cho R&D của thành phố vẫn đến từ khu vực tư nhân, trong khi chi ngân sách của thành phố chỉ vào khoảng 200 tỷ đồng mỗi năm.

Đây cũng là bất cập chung của cả nước khi số liệu thống kê cho thấy, dự toán chi ngân sách nhà nước bố trí cho khoa học và công nghệ trung bình giai đoạn 2020-2022 là 17.494 tỷ đồng (chiếm 1,01% tổng chi ngân sách nhà nước, đạt 0,20% GDP) không đạt so với mục tiêu Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ đề ra đến năm 2025 đầu tư cho khoa học và công nghệ (1,2%-1.5% GDP) và giảm so với yêu cầu của Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1/11/2012 về phát triển khoa học và công nghệ (hơn 2% GDP vào năm 2020). Điều này dẫn đến thiếu hụt kinh phí cho các dự án dài hạn và hạn chế trong xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ hiện đại.

Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đặt mục tiêu chi cho R&D đạt 2% GDP vào năm 2030, trong đó hơn 60% đến từ khu vực tư nhân. Ngoài ra, ít nhất 15% ngân sách khoa học sẽ được dành cho các công nghệ chiến lược như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn và năng lượng tái tạo. Rõ ràng, mục tiêu này đòi hỏi những đổi mới mạnh mẽ về thể chế, cùng các hành động quyết liệt.

Ông Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, việc sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 đang tập trung khắc phục những quy định bất cập như việc xây dựng dự toán và kinh phí quản lý nhiệm vụ khoa học-công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước sao cho phù hợp đặc thù của hoạt động khoa học-công nghệ về tính mới, tính đột xuất, độ trễ và tính rủi ro trong nghiên cứu, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của cộng đồng khoa học. Cùng với đó là những hành động quyết liệt, cụ thể như tháo gỡ điểm nghẽn cho cơ chế quỹ sao cho đủ để hấp dẫn khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp đẩy mạnh trích lập và sử dụng.

Thời gian qua, tỷ lệ sử dụng kinh phí của Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ của doanh nghiệp còn thấp, không ổn định qua các năm. Một số tập đoàn quan tâm đến khoa học và công nghệ, sử dụng tương đối có hiệu quả, nhưng cũng chỉ đạt 60%-70% số Quỹ đã trích. Đơn cử, theo số liệu thống kê, Viettel sử dụng được 2.372 tỷ đồng, tương đương 60% số tiền trích lập quỹ trong giai đoạn 2016-2018. Mới đây nhất, cơ chế quỹ dù đã được cụ thể hóa trong Nghị quyết số 193 của Quốc hội, nhưng do chưa quy định đến mức chi tiết nên các địa phương, đơn vị vẫn đang đợi Chính phủ, bởi những lo ngại khi triển khai sẽ có vướng mắc nhất định. Đồng thời, các chuyên gia cho rằng, thủ tục thành lập Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ cũng cần phải được đẩy nhanh hơn, thay vì có thể mất cả năm như hiện nay.

Việt Nam đã có nền tảng khởi đầu khá tốt, với doanh thu ngành công nghiệp số năm 2024 đạt 152 tỷ USD, tăng hơn 35% so với năm 2019, và có tới 74.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, để duy trì đà tăng trưởng và tiến tới làm chủ công nghệ chiến lược, không thể chậm trễ trong việc tháo gỡ các rào cản về nhân lực và vốn, hai yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh và khả năng tự cường công nghệ của đất nước trong giai đoạn tới.

Nguồn: https://nhandan.vn/cung-co-noi-luc-de-but-pha-trong-ky-nguyen-so-can-dot-pha-tu-nhan-luc-va-dau-tu-cho-rd-post875370.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cận cảnh nút giao thông tại Quy Nhơn khiến Bình Định chi hơn 500 tỷ cải tạo
Quân đội Trung Quốc, Campuchia, Lào hợp luyện diễu binh ở TP.HCM
Xem trực thăng kéo cờ, tiêm kích xé gió trên bầu trời TPHCM
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm