Theo Chương trình Xúc tiến đầu tư năm 2025, hiện có 32 dự án được nhà đầu tư trong nước và quốc tế quan tâm, đặc biệt từ các quốc gia có thế mạnh về công nghệ như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hà Lan, Đài Loan, Singapore… Nổi bật trong số này là các dự án về vi mạch bán dẫn, cảng biển, sân bay, khu thương mại tự do, mở ra kỳ vọng lớn cho sự bứt phá của thành phố trong giai đoạn mới.
Giữa tháng 4/2025, Đà Nẵng chính thức chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng Dự án Phòng thí nghiệm công nghệ đóng gói tiên tiến cho vi mạch bán dẫn (LAB-FAB), với tổng mức đầu tư khoảng 1.800 tỷ đồng tại Công viên phần mềm số 2. Đây là bước đi cụ thể nhằm thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược quốc gia về phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn 2050 theo Quyết định 1018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) phối hợp Ngân hàng Số Vikki tổ chức khai giảng các lớp đào tạo vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo |
Dự án LAB-FAB không chỉ đóng vai trò là trung tâm nghiên cứu, phát triển công nghệ mà còn là nơi kiểm định, đào tạo, và cung cấp các dịch vụ kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện hệ sinh thái vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI) của thành phố.
Tháng 3/2025, Đà Nẵng cũng ghi nhận nhiều dấu mốc đáng chú ý trong lĩnh vực công nghệ cao như lễ động thổ Trung tâm Dữ liệu Đà Nẵng tại Khu công nghệ cao, khai trương Trung tâm R&D về công nghệ cao và chip bán dẫn của Tập đoàn FPT tại Công viên phần mềm số 2. Riêng Trung tâm R&D này đặt mục tiêu quy tụ 500 chuyên gia công nghệ trong năm 2025 và là nơi phát triển 100% sản phẩm mới của FPT, dự kiến mỗi năm đưa ra thị trường khoảng 10 sản phẩm.
Không chỉ chú trọng hạ tầng, Đà Nẵng còn tiên phong trong đào tạo nhân lực chất lượng cao. Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) phối hợp với Ngân hàng số Vikki tổ chức các lớp đào tạo cho hơn 80 giảng viên, sinh viên và kỹ sư. Vikki cũng đầu tư 100 tỷ đồng trong năm đầu để xây dựng phòng Lab, mua sắm thiết bị và xây dựng giáo trình hiện đại.
Trong thời gian từ 27/2 đến 25/3/2025, Đà Nẵng đã xem xét tổng cộng 20 dự án khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực vi mạch và AI. Nhiều trong số đó đã được cấp quyết định đầu tư, góp phần hình thành cộng đồng đổi mới sáng tạo mạnh mẽ tại địa phương. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy Đà Nẵng đang đi đúng hướng trong chiến lược trở thành trung tâm công nghệ cao tầm khu vực.
Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cho biết, ngành công nghiệp bán dẫn là một trong những ngành công nghiệp quan trọng có giá trị cao và đóng vai trò trung tâm trong cuộc cách mạng công nghệ hiện đại. Đà Nẵng nằm ở vị trí trung tâm của cả nước và khu vực, có quan hệ ngoại giao, kinh tế với hầu hết các quốc gia là cường quốc trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Lãnh đạo TP. Đà Nẵng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lãnh vực công nghệ cao, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo |
Đà Nẵng có nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo bài bản cùng với sự ổn định chính trị, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông thuận lợi, đặc biệt là được sự quan tâm của lãnh đạo Chính phủ, sự quyết tâm của chính quyền địa phương trong tạo lập hành lang pháp lý cũng như cơ chế ưu đãi hỗ trợ đầu tư đặc thù phát triển ngành vi mạch bán dẫn.
Ông Chinh cho biết thêm, những lợi thế trên đã tạo thuận lợi để Đà Nẵng trở thành trung tâm công nghệ cao của cả nước với trọng tâm là vi mạch bán dẫn, như mục tiêu đề ra tại Kết luận số 79-KL/TW ngày 13/5/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hiện tại, các doanh nghiệp thiết kế bán dẫn hàng đầu thế giới như Synopsys, Marvell đã có mặt tại Đà Nẵng. Nvidia, Qualcom, Intel...đã đến khảo sát cơ hội đầu tư tại Đà Nẵng và đang có kế hoạch hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại thành phố. Tập đoàn Foxlink, một trong các doanh nghiệp hàng đầu của Đài Loan (Trung Quốc) cũng đầu tư vào Đà Nẵng 135 triệu USD và đang có kế hoạch mở rộng trong thời gian tới.
Với sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế, cùng tinh thần “nhanh hơn, quyết liệt hơn và trách nhiệm hơn”, Đà Nẵng đang từng bước hiện thực hóa tầm nhìn phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn và công nghệ cao, đưa thành phố trở thành điểm đến hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư toàn cầu.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/da-nang-phat-trien-nganh-vi-mach-ban-dan-khang-dinh-vi-the-trung-tam-cong-nghe-moi-163184.html
Bình luận (0)