Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ngân hàng đổi mới không gian giao dịch, tái định vị thương hiệu

Các ngân hàng thương mại đang đầu tư đổi mới các chi nhánh, phòng giao dịch theo hướng “siêu cá nhân hóa”. Xu hướng này được cho là tất yếu và sẽ tiếp tục được các ngân hàng triển khai nhằm tăng lợi thế cạnh tranh.

Thời báo Ngân hàngThời báo Ngân hàng22/04/2025

Từ quý I/2025, Techcombank đã khởi động chiến dịch nâng cấp chi nhánh với phiên bản mới, hướng đến mô hình chuẩn công nghệ hiện đại. Theo đại diện ngân hàng này, không chỉ cải tiến không gian thiết kế đồng nhất, mô hình phòng giao dịch mới của Techcombank nằm trong chiến lược chuyển đổi số của ngân hàng được thiết kế số hóa giao dịch toàn diện và cá nhân hóa tới từng khách hàng. Techcombank kỳ vọng, trong năm 2025, sẽ có 19 chi nhánh đầu tiên tại các tỉnh, thành sẽ được đổi mới không gian giao dịch và đi vào hoạt động; đặt nền móng cho lộ trình nâng cấp toàn bộ chi nhánh trên cả nước trong giai đoạn sắp tới.

Không gian giao dịch theo hướng hiện đại, lấy khách hàng làm trung tâm đang được nhiều ngân hàng đầu tư xây dựng, đổi mới
Không gian giao dịch theo hướng hiện đại, lấy khách hàng làm trung tâm đang được nhiều ngân hàng đầu tư xây dựng, đổi mới

Câu chuyện đầu tư đổi mới không gian giao dịch như kể trên của Techcombank hiện cũng là câu chuyện được nhiều ngân hàng trong hệ thống quan tâm và đưa vào chiến lược đầu tư nhằm tái cơ cấu máy tổ chức hoạt động và định vị lại thương hiệu, nâng cao tính cạnh tranh trong thu hút và giữ chân khách hàng.

Trên thị trường hiện nay có thể thấy rõ xu hướng này, khi mà lần lượt các ngân hàng như LPBank, Vietcombank, Agribank, BIDV, MB, ACB… đều đã lên kế hoạch triển khai đổi mới không gian giao dịch của các chi nhánh lớn, nhỏ.

Cụ thể, LPBank sau khi đổi tên và bộ nhận diện thương hiệu đã ra mắt giao diện website mới và phiên bản ứng dụng ngân hàng số thế hệ mới. Ngân hàng này cũng đã đầu tư nâng cấp các phòng giao dịch trên cơ sở khảo sát và thiết kế đáp ứng nhu cầu của các nhóm khách hàng. Từ đó tăng trải nghiệm thanh toán không tiền mặt theo xu hướng cá nhân hóa.

BIDV khai trương hàng loạt phòng giao dịch dành cho khách hàng ưu tiên (BIDV Premier) tại TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương. Trong khi đó, Agribank tập trung mạnh vào việc xây dựng, triển khai các mô hình “điểm giao dịch xanh” – áp dụng tích hợp các công nghệ vào quy trình giao dịch từ xử lý hồ sơ đến chăm sóc hậu mãi khách hàng. MB và ACB thì tập trung đổi mới các chi nhánh, phòng giao dịch theo hướng “văn phòng thông minh”, chú trọng ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa giúp giảm thời gian chờ đợi và nâng cao hiệu quả phục vụ.

Bên cạnh các ngân hàng trên, hiện nay nhóm ngân hàng đang được tái cơ cấu cũng đã có những bước chuyển đáng kể trong chuyển đổi không gian giao dịch và tái định vị thương hiệu. CBBank sau khi được chuyển giao về Vietcombank đã đổi tên thành VCBNeo với các chi nhánh, phòng giao dịch được thiết kế hiện đại, sang trọng. Trong khi đó, DongABank khoác lên “tấm áo mới” với các phòng giao dịch số Vikki Digital Bank hướng tới mô hình ngân hàng số toàn diện thế hệ mới, tập trung khá nhiều cho nhóm khách hàng trẻ ưa chuộng công nghệ.

Theo đại diện các ngân hàng thương mại, việc chuyển đổi không gian giao dịch là yêu cầu tất yếu khi khách hàng ngày càng ưa chuộng các dịch vụ ngân hàng số và mong muốn trải nghiệm dịch vụ nhanh chóng, tiện lợi. So với không gian giao dịch truyền thống, các mô hình mới được thiết kế theo hướng lấy khách hàng là trọng tâm, các dịch vụ được cá nhân hóa đến từng nhóm khách hàng và các thủ tục, hồ sơ giấy tờ được cắt giảm, số hóa tối đa.

Việc đổi mới không gian giao dịch này theo các chuyên gia lĩnh vực ngân hàng là nằm trong xu hướng lấy dữ liệu làm tài sản chiến lược để cạnh tranh. Từ đó xây dựng ngân hàng theo dữ liệu định hướng (data-driven) và ra quyết định dựa trên thời gian thực (real-time). Việc đổi mới này từ góc độ thực tiễn sẽ giúp các ngân hàng thuận tiện hơn trong bố trí, sắp xếp, cơ cấu các phòng ban nghiệp vụ khi đẩy mạnh ứng dụng AI, blockchain và các công nghệ tự động hóa, tạo ra nhiều tiện ích hơn cho không gian số hóa, thực tế ảo.

Điều này cũng giúp các ngân hàng tiến dần đến mô hình ngân hàng mở (open banking) có thể tiết giảm chi phí, mở rộng mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch vật lý mà vẫn đảm bảo cạnh tranh trong hoạt động cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính tiện ích, nhất là các tiện ích liên quan đến lĩnh vực tín dụng tiêu dùng, thanh toán thương mại điện tử. Ngoài ra, về lâu dài, các không gian giao dịch số hóa theo hướng “siêu cá nhân hóa” sẽ tạo ra cơ sở dữ liệu thực để các ngân hàng tổng hợp đưa đến những quyết định đầu tư, đổi mới sản phẩm, dịch vụ theo nhu cầu thị trường và chuyên biệt hóa cho các tệp, nhóm khách hàng.

Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/ngan-hang-doi-moi-khong-gian-giao-dich-tai-dinh-vi-thuong-hieu-163149.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Vì sao Kiên Giang lọt tốp ‘điểm đến thân thân thiện nhất thế giới’
Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm