Tranh triển lãm "Bên kia là phố", vẽ bằng chất liệu màu nước trên lụa của họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ. Ảnh: H.L |
Chắt lọc hình ảnh, hồn cốt công trình
Với 35 tác phẩm được trưng bày, triển lãm mang đến những góc nhìn sinh động về các công trình kiến trúc, từ đô thị nhộn nhịp đến mái ngói rêu phong hay những công trình mang dấu ấn lịch sử, văn hóa trên khắp dải đất miền Trung - Tây Nguyên. Họa sĩ Lê Vấn, người nổi tiếng với dòng tranh tự sự, nhẹ nhàng về cảnh sắc, con người, góc phố, mang đến triển lãm loạt tranh về đền tháp Mỹ Sơn, nhà thờ gỗ Kon Tum, phố cổ Hội An hay những ngôi nhà bên đồi sau cơn mưa…
Những bức tranh vẽ bằng chất liệu màu nước trên giấy gợi lên cảm xúc vừa hoài niệm, vừa trong trẻo. Mỗi nét cọ của ông là sự chắt lọc hình ảnh, tinh thần, hồn cốt của từng công trình hay cảnh sắc chung. Đơn cử, hai bức tranh “Tháp giữa rừng xanh”, “Đền tháp Mỹ Sơn” được họa sĩ Lê Vấn vẽ năm 2020, 2021 đã khắc họa sinh động một Mỹ Sơn trầm mặc, vững chãi nhưng cũng thật huyền bí như chính lịch sử Chămpa lắng sâu trong từng viên gạch thâm nâu. Nhà thờ gỗ Kon Tum, với đường nét kiến trúc pha trộn giữa phương Tây và văn hóa bản địa, gam màu nâu vàng ấm áp, gợi sự tĩnh lặng, thiêng liêng.
Điều đặc biệt trong loạt tranh kiến trúc lần này là các họa sĩ sử dụng ánh sáng, một yếu tố không thể thiếu trong hội họa kiến trúc và xem đây như một “nhịp thở” dẫn dắt cảm xúc người xem. Ánh sáng len lỏi qua những vòm mái, phản chiếu trên nền đất ẩm hay rọi vào ô cửa nhỏ, tạo nên chiều sâu không gian lẫn chiều sâu tâm hồn.
Tham gia triển lãm với 9 bức tranh mang kỹ thuật sáng tác đa dạng gồm bột màu, đồ họa in trên vải, màu nước trên lụa, bút sắt, màu nước trên giấy, họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ mong muốn gửi gắm đến người xem một cảm nhận đa chiều về kiến trúc, nơi không chỉ có hình khối, chất liệu, mà còn là câu chuyện văn hóa gắn kết giữa con người, vùng đất.
Đặc biệt, các sáng tác của họa sĩ không dừng ở cảm xúc cá nhân, mà mở rộng thành giá trị học thuật trong tranh, nhất là khi vẽ các công trình đền tháp hay kiến trúc dân gian truyền thống. Việc đưa đồ họa - một kỹ thuật vốn được xem là ít phổ biến trong các triển lãm về kiến trúc - vào sáng tác cho thấy nỗ lực làm mới cách kể chuyện thị giác và mở rộng biên độ cảm thụ cho người xem.
Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ bày tỏ, với ông, kiến trúc không chỉ là những công trình tĩnh tại, mà là sự sống, là thời gian đã hóa đá. Mỗi vòm cong, mỗi lớp ngói, thậm chí cả những mảng tường đã bong tróc đều chất chứa lớp ký ức, văn hóa và hơi thở của con người qua từng thời đại. Vì thế, khi vẽ, ông không đơn thuần ghi lại hình dạng mà tìm cách khơi mở mối quan hệ giữa con người - không gian - lịch sử. “Tôi chọn các kỹ thuật khác nhau để mỗi tác phẩm như một lát cắt riêng biệt của tinh tế, cảm xúc và góc nhìn”, ông cho hay.
Đa dạng góc nhìn mỹ thuật
Triển lãm còn có sự góp mặt của các họa sĩ Trần Tâm, Đỗ Thanh, Trần Hữu Cân, với những góc nhìn tươi mới, hiện đại về các không gian đô thị hay công trình di tích. Những con phố rực rỡ sắc màu hay bình minh trên sông Hàn, Đồng Đình, Hải Vân Quan, Đình làng Túy Loan và những khát vọng về một thành phố vươn lên trong tương lai… được đưa vào tranh một cách nhịp nhàng và sinh động.
Với những tác phẩm của mình, họa sĩ Trần Tâm chọn gam màu đối lập, rực rỡ trên chất liệu acrylic để thể hiện rõ nét tỷ lệ các công trình đình làng Túy Loan, Hải Vân Quan; trong khi họa sĩ Đỗ Thanh lại điềm đạm với dòng tranh khắc gỗ vẽ một góc sông Hàn hay một bảo tàng Đồng Đình rêu phong.
Họa sĩ Trần Hữu Cân mang đến 6 bức tranh với những khối màu được xử lý uyển chuyển như một bản hòa ca giữa thiên nhiên và kiến trúc. Tranh của anh không cầu kỳ chi tiết, nhưng khơi gợi chiều sâu bằng bố cục, hình khối cân đối và sự tối giản có chủ đích, như cách anh muốn truyền tải thông điệp rằng, giữa đô thị sôi động, con người vẫn luôn cần một chốn để “thở” và bình yên.
Không gian triển lãm được thiết kế như một dòng chảy, dẫn dắt người xem đi từ cảm xúc đến suy tư và cả những mơ ước cho tương lai. Kiến trúc sư Lê Đức Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kiến tạo tổng hợp S.CONS, đại diện đơn vị tổ chức cho biết, triển lãm diễn ra nhân kỷ niệm ngày Kiến trúc Việt Nam 27-4. Các tác phẩm không giới hạn về thể loại nhằm mang lại không gian hội họa đa dạng, chất lượng cao.
“Chúng tôi mong muốn tạo nên một sân chơi nghệ thuật thị giác, nơi các họa sĩ, kiến trúc sư, người yêu cái đẹp có thể cùng trò chuyện bằng ngôn ngữ hình ảnh công trình. Những gì đọng lại sau bức tranh sẽ là vẻ đẹp hình khối và câu chuyện về di sản, bản sắc, khát vọng gìn giữ, phát triển không gian sống bền vững. Tôi mong triển lãm không chỉ là nơi để xem, mà còn để nghĩ, cảm nhận cũng như để yêu hơn những giá trị công trình kiến trúc đang hiện hữu”, ông Viên kỳ vọng.
HUỲNH LÊ
Nguồn: https://baodanang.vn/channel/5433/202504/dau-chan-hoa-si-qua-cac-mien-kien-truc-4005845/
Bình luận (0)