Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đẩy mạnh thanh tra, giám sát hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường

Sau khi Thông tư số 29 về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chính thức có hiệu lực, số lượng trung tâm dạy thêm, học thêm trên địa bàn TP Hà Nội tăng đột biến. Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, toàn thành phố hiện có 15.000 trung tâm, hộ kinh doanh có liên quan đến dạy thêm, học thêm.

Báo Công an Nhân dânBáo Công an Nhân dân29/04/2025

Trong bối cảnh một số trung tâm dạy thêm, học thêm trên địa bàn phải tạm dừng hoạt động do vi phạm quy định, nhiều ý kiến đề xuất Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường trên diện rộng.

Kiểm tra tới đâu, phát hiện vi phạm ở đó

Ngày 23/4, sau khi nhận được thông tin phản ánh từ cơ quan báo chí về tình trạng vi phạm quy định dạy thêm, học thêm, Sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu Phòng GD&ĐT quận Đống Đa phối hợp với Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an TP Hà Nội và các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra hoạt động của Trung tâm bồi dưỡng văn hóa Việt Nga, cơ sở 2 (địa chỉ tại số 33, ngõ 82, phố Chùa Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa).

80035a3a-3abd-47b7-8b52-cc0ea77b88bc.png -0
Với số lượng trung tâm dạy thêm đông, Hà Nội cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng. Ảnh minh họa

Thời điểm kiểm tra, trung tâm có hồ sơ của 29 giáo viên đang tham gia giảng dạy và khoảng 600 đơn xin học của học sinh các khối thuộc cấp THCS. Cơ sở này vi phạm nhiều quy định như chưa niêm yết tại cơ sở dạy thêm về các môn học được tổ chức dạy thêm, thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp, danh sách người dạy thêm, mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm học thêm theo mẫu quy định. Ngoài ra, cơ sở còn thiếu 4 hợp đồng lao động với giáo viên; hợp đồng lao động chưa thể hiện đầy đủ các nội dung như vị trí việc làm, thời gian làm việc…

Trung tâm cũng chưa xuất trình được hồ sơ sổ sách liên quan đến việc thu phí hàng tháng; chưa xuất trình được hồ sơ phòng cháy chữa cháy... Do đó, đoàn kiểm tra đã lập biên bản trung tâm về những tồn tại, vi phạm theo quy định; đồng thời tạm dừng hoạt động của trung tâm này.

Ngay sau đó một ngày, vào chiều 24/4, Ban Giám hiệu Trường THCS Văn Yên, quận Hà Đông (Hà Nội) kiểm tra đột xuất một cơ sở dạy thêm cách trường khoảng 100m đã phát hiện một số giáo viên của trường đang trực tiếp dạy thêm chính học sinh của mình.

Đây là hoạt động trái với quy định của Thông tư 29 vì giáo viên các nhà trường có thể dạy thêm tại các trung tâm nhưng không được dạy thêm đối với học sinh mình dạy chính khoá trên lớp và có thu tiền. Ngay sau đó, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu Phòng GD&ĐT quận Hà Đông xử lý các trường hợp vi phạm và báo cáo kết quả về Sở bằng văn bản…

Từ việc kiểm tra tới đâu, phát hiện vi phạm ở đó, nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn để kịp thời chấn chỉnh tình trạng vi phạm quy định.

Việc kiểm tra cần thực hiện trên diện rộng, đột xuất, thay vì chỉ kiểm tra các cơ sở được chỉ định sau khi có phản ánh từ truyền thông hoặc người dân. Điều này thật sự cần thiết nhằm đảm bảo quyền lợi cho học sinh trong bối cảnh dừng các hoạt động dạy thêm, học thêm có thu tiền trong nhà trường bởi Hà Nội là một trong những địa phương có số lượng trung tâm dạy thêm, học thêm đông nhất cả nước.

Theo số liệu thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, toàn thành phố hiện có khoảng 15.000 trung tâm và hộ kinh doanh đến dạy thêm, học thêm đã thành lập. Qua khảo sát cấp xã, cấp phường, mức thu phí học thêm có phần cao hơn rất nhiều so với trước đây mặc dù đây là sự thỏa thuận tự nguyện giữa phụ huynh và trung tâm.

Điểu chỉnh, bổ sung quy chế quản lý phù hợp với các vấn đề phát sinh

Sau hơn 2 tháng Thông tư 29 chính thức có hiệu lực, điều mà nhiều giáo viên, phụ huynh học sinh và dư luận xã hội hết sức quan tâm là những vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tế triển khai. Trong đó, băn khoăn lớn nhất là điều kiện hoạt động của các trung tâm có đáp ứng đủ các yêu cầu theo quy định, nhất là các điều kiện nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh; việc đánh giá, kiểm soát chất lượng đội ngũ giáo viên, từ trình độ chuyên môn, bằng cấp, năng lực sư phạm và nội dung các chương trình học tại trung tâm sẽ thế nào, liệu có phù hợp, đảm bảo chất lượng? Ngoài ra, mức học phí dù thực hiện theo thỏa thuận giữa trung tâm và người học nhưng sẽ được kiểm soát như thế nào để không gây áp lực tài chính cho phụ huynh học sinh?

PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, mục đích của Thông tư 29 là tốt, muốn hướng đến nền giáo dục chất lượng, công bằng, không vượt quá khả năng chi trả nhưng cái khó hiện nay là chưa có cơ chế và chính sách đi kèm để yêu cầu các trung tâm dạy thêm minh bạch phí đào tạo, qua đó quản lý mức phí một cách hợp lý; chưa có các cơ chế quản lý đảm bảo chất lượng của các trung tâm có tương xứng với mức học phí đưa ra hay không? Cùng với đó là nhiều vấn đề đặt ra liên quan đến việc kiểm soát chất lượng.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, để triển khai hiệu quả Thông tư 29, Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT các địa phương cần tiếp tục đánh giá, điều chỉnh và bổ sung các cơ chế quản lý phù hợp với những vấn đề phát sinh. Trong đó, về học phí, cơ quan có thẩm quyền cần ban hành quy định về mức phí tối đa cho việc dạy thêm - học thêm cụ thể với từng cấp học.

Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra giám sát và đảm bảo rằng mọi điều chỉnh về học phí đều phải được giải trình chính đáng. Về kiểm soát chất lượng, việc kiểm tra đăng ký đối với các trung tâm dạy thêm phải đảm bảo minh bạch. Và để làm được điều này, cần sử dụng công nghệ, số hóa để cơ quan chức năng có thể quản lý được.

Ví dụ, chúng ta cần nghĩ đến một cơ chế để quản lý việc học thêm và dạy thêm trên nền tảng trực tuyến thống nhất toàn quốc và theo từng địa phương. Bất cứ một chương trình dạy thêm nào đều phải đăng ký trên hệ thống này, trong đó nêu rõ đề cương chi tiết học phần, các chuẩn đầu ra để đảm bảo không trùng với chương trình chính khóa, không trùng lắp về yêu cầu cần đạt đã được thỏa mãn trong chương trình giáo dục phổ thông.

Hệ thống cũng thể hiện rõ lịch sử, kinh nghiệm của giáo viên giảng dạy, kinh nghiệm, bằng cấp chứng chỉ như thế nào; khóa học có đối tượng nào đăng ký, chi phí như thế nào, kết quả đạt được như thế nào sau khi học bởi nếu không làm được điều này sẽ rất khó kiểm soát chất lượng.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng cần hướng tới việc quy định rõ hơn các trung tâm chỉ được dạy thêm cái gì bởi hiện nay Thông tư 29 đã quy định rõ, việc bồi dưỡng kiến thức cho các đối tượng học sinh không đạt chuẩn hay học sinh tài năng đều thuộc trách nhiệm của giáo viên và nhà trường. Cùng với đó, quy hoạch các nội dung nào, chương trình, môn học nào cần thiết mà các trung tâm cần khai thác để tránh trùng lấn, lãng phí.

Nguồn: https://cand.com.vn/giao-duc/day-manh-thanh-tra-giam-sat-hoat-dong-day-them-ngoai-nha-truong-i766782/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Diễu binh 30.4: Góc nhìn thành phố từ biên đội trực thăng
"Đường quê" trong tâm thức người Việt
Góc nhìn đặc biệt từ tiêm kích Su30-MK2 nhào lộn thả bẫy nhiệt
Pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TP.HCM trong tiếng reo hò của người dân, du khách

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm