Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Mắt xích nối liền hy vọng

(QBĐT) - Trẻ sinh non, trẻ sinh ra khi mẹ bị suy thai cấp,… những “chiến binh” tí hon ấy đã cùng mẹ đã vượt qua “cửa tử” đầy khó khăn, với sự trợ lực của đội ngũ y, bác sĩ 2 Khoa Sản, Nhi của Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới (HNVN-CBĐH). Quy trình làm việc chuyên nghiệp và sự tận tâm đã tạo nên mắt xích quan trọng, nối liền hy vọng cho các bệnh nhân.

Báo Quảng BìnhBáo Quảng Bình29/04/2025

 
Những “chiến binh” tí hon
 
Nhìn hai đứa trẻ An Sinh và Hữu Thịnh đang vui đùa nơi sân nhà, khó ai có thể nghĩ, cách đây hơn 3 năm, cặp song sinh này đã phải đối mặt với “cửa tử”, khi được sinh ra lúc mẹ mang thai mới hơn 24 tuần.
 
Nhắc đến kỷ niệm những ngày ở nơi lằn ranh sinh tử ấy, chị Bùi Thị Thiên ở xã Thái Thủy (Lệ Thủy) vẫn còn rất xúc động. Có chút khó khăn đường con cái, cưới nhau được 3 năm, vợ chồng chị quyết định làm thụ tinh ống nghiệm vào năm 2021.
Cách đây hơn 3 năm, khi được sinh ra, An Sinh và Hữu Thịnh chỉ nặng xấp xỉ 700gram.
Cách đây hơn 3 năm, khi được sinh ra, An Sinh và Hữu Thịnh chỉ nặng xấp xỉ 700gram.
Chị Thiên nhớ lại: “Khi thai được trên 24 tuần, em đi khám định kỳ thì bác sĩ phát hiện có dấu hiệu dọa sinh non nên chỉ định nhập viện. Lúc ấy, các bác sĩ Khoa Sản có nói chỉ mong níu thêm được hai ngày để tiêm trưởng thành phổi, chứ còn non như thế này, sợ rất khó khăn. Nằm được hơn một ngày thì em chuyển dạ. Ở phòng sinh lúc đó rất đông bác sĩ, điều dưỡng đã chuẩn bị lồng ấp, bình bóp oxy,… Sau này em mới biết, có cả bác sĩ, điều dưỡng của 2 Khoa Sản và Nhi cùng đón các cháu”.
 
Hai đứa bé lần lượt ra đời, bé gái chỉ nặng 730gram, còn bé trai chỉ nặng 670gram với thể trạng vô cùng non nớt. “Thời điểm đó, bác sĩ có trao đổi, người nhà cần chuẩn bị tâm lý vì hai cháu quá yếu, sợ không giữ được...”, anh Nguyễn Văn Hoàng, ba của các cháu kể.
 
Để rồi từ đó cho đến 3 tháng ròng rã, hai “chiến binh” tí hon cùng ba mẹ và các bác sĩ, điều dưỡng ở Khoa Nhi cùng “chiến đấu” với tất cả bệnh tật ở tình trạng nặng. “Tình hình dịch Covid-19 lúc đó khá căng nên người nhà không được vào, chỉ có hai vợ chồng chăm con. Nhiều hôm ấp con mệt quá, em ngủ quên, hai đứa nhỏ ngừng thở, máy monitor kêu mà không biết. Các bác sĩ, điều dưỡng kích thích cho các cháu thở lại, rồi chủ động cho các con uống sữa... Các bác, các dì chăm lo cho các con chu đáo, tận tình. Có được ngày hôm nay, vợ chồng em biết ơn nhiều lắm!”, chị Thiên chia sẻ.
Ekip Sản-Nhi, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới thực hiện hồi sức cho trẻ sơ sinh cực non.
Ekip Sản-Nhi, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới thực hiện hồi sức cho trẻ sơ sinh cực non.
Cặp song sinh của sản phụ Bùi Thị Thiên là một trong những ca bệnh khó trong những năm gần đây mà hai Khoa Sản, Nhi đã phối hợp chặt chẽ và chăm sóc, điều trị thành công.
Tại Đơn nguyên Hồi sức tích cực-Chống độc nhi-sơ sinh, Khoa Nhi hiện đang có nhiều trẻ được chăm sóc đặc biệt. Căn phòng với đủ loại máy móc, dây dợ chằng chịt là nơi chất chứa bao nỗi lo lắng xen lẫn niềm hy vọng dành cho các sinh linh bé nhỏ đang giành giật sự sống từng phút, từng giờ.
 
Mẹ con chị Lưu Thị Dung ở xã Quảng Tiến (Quảng Trạch) có hơn 2 tháng ở khu điều trị này. Mang thai đôi, chị được tiên lượng sẽ sinh non và nhập viện cấp cứu lúc thai được hơn 28 tuần. “Khi biết có nguy cơ sinh non, rồi khi mổ cấp cứu, các con sinh ra chỉ nặng hơn 1kg, thể trạng yếu với nhiều chứng bệnh, em đã rất lo lắng. Nhưng may mắn, được sự tư vấn, hướng dẫn, chăm sóc tận tình của y, bác sĩ ở Khoa Sản và Nhi, em đã yên tâm hơn. Nay sức khỏe em ổn định, các con đã được ra viện. Cảm ơn các bác, các dì ở đây!”, chị Dung tâm sự.
 
Cái “bắt tay” níu sự sống…
 
“Mời Khoa Nhi vào phòng mổ đón bé 26 tuần”-những cuộc gọi tương tự như thế từ Khoa Sản thường được kết nối đến Khoa Nhi khi có những ca sinh nở với các nguy cơ khó, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của đứa trẻ mới chào đời.
Những trẻ sinh non sẽ được chăm sóc đặc biệt với điều kiện tốt nhất.
Những trẻ sinh non sẽ được chăm sóc đặc biệt với điều kiện tốt nhất.
“Khi nhận được cuộc gọi, tinh thần của ekip sơ sinh sẵn sàng như bước vào một cuộc chiến. Ngay lập tức, thùng cấp cứu được kiểm tra để bảo đảm mọi phương tiện đều sẵn sàng; một lồng ấp vận chuyển và một lồng ấp ở Đơn nguyên Hồi sức tích cực-Chống độc nhi-sơ sinh được bật lên bảo đảm đủ ấm liên tục; hệ thống CPAP (biện pháp hỗ trợ hô hấp không xâm lấn) tự tạo được khởi động để sử dụng ngay khi cháu có nhịp tự thở đầu tiên, giữ những chiếc phế nang mỏng manh không bị vỡ, bị xẹp”, bác sĩ CK II Phạm Thị Ngọc Hân, Trưởng Khoa Nhi chia sẻ.
 
Sau bước ổn định trên bàn hồi sức, trẻ được đưa từ phòng mổ, phòng sinh về Đơn nguyên Hồi sức tích cực-Chống độc nhi-sơ sinh trong điều kiện phải bảo đảm các yếu tố sinh tồn.
 
Trước đó, Khoa Sản đã xây dựng phác đồ điều trị chăm sóc riêng biệt, cá thể hóa cho từng thai phụ, nhằm tối ưu hóa điều kiện sức khỏe của mẹ và bé trước khi sinh với các trường hợp thai kỳ nguy cơ cao. Đồng thời, đưa ra những tiên lượng về các cuộc sinh nở để báo cho Khoa Nhi có sự phối hợp cần thiết. Đối với các ca suy thai cấp, trẻ sinh non, trẻ dị tật, đội ngũ Khoa Nhi luôn có mặt ngay tại phòng sinh, sẵn sàng phối hợp với Khoa Sản để hồi sức kịp thời.
Đối với những em bé nằm trong lồng ấp, mọi sự chăm sóc đều cần tập trung cao và hết sức cẩn thận, nâng niu.
Đối với những em bé nằm trong lồng ấp, mọi sự chăm sóc đều cần tập trung cao và hết sức cẩn thận, nâng niu.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Sơn Trà, Trưởng khoa Sản, Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện HNVN-CBĐH cho biết: “Chúng tôi đã xây dựng được quy trình phối hợp liền mạch, nhịp nhàng, hiệu quả giữa 2 khoa. Các bác sĩ Khoa Sản cung cấp thông tin kịp thời và chính xác về thai kỳ và tình trạng của trẻ, giúp Khoa Nhi chuẩn bị kế hoạch chăm sóc phù hợp. Khoa Nhi cùng hỗ trợ liên tục từ trước tới sau sinh, giúp xây dựng một chuỗi chăm sóc xuyên suốt từ khi trẻ còn trong bụng mẹ đến khi ra đời, bảo đảm những trẻ “đặc biệt” sau khi sinh ra sẽ được chăm sóc đặc biệt, an toàn, khỏe mạnh với điều kiện tốt nhất”.
 
 
Quy trình phối hợp chuyên môn giữa hai Khoa Sản-Nhi ở Bệnh viện HNVN-CBĐH những năm qua đang ngày càng được hoàn thiện, góp phần cứu sống nhiều trẻ sinh non, sinh cực non, trẻ nhẹ cân dưới 1.000gr, giúp giảm thiểu tối đa nguy cơ biến chứng lâu dài, mang lại niềm vui cho nhiều gia đình bệnh nhân.
 
“Khi đón các bệnh nhi từ Khoa Sản về, chúng tôi phải cẩn thận, tập trung cao độ, bảo đảm sự chính xác từng li và phải hết sức nhẹ nhàng, nâng niu,… vì bệnh nhân quá non nớt. Chúng tôi cũng thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn nhằm cập nhật kiến thức về hồi sức cấp cứu, nâng cao hiệu quả công việc, để có thể cứu sống được nhiều cháu bé hơn”,chị Lê Thị Hồng Nhung, điều dưỡng Khoa Nhi chia sẻ.
Hương Lê

Nguồn: https://baoquangbinh.vn/suc-khoe/202504/mat-xich-noi-lien-hy-vong-2225951/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Màn trình diễn 10.500 drone trên bầu trời TP Hồ Chí Minh
Diễu binh 30.4: Góc nhìn thành phố từ biên đội trực thăng
"Đường quê" trong tâm thức người Việt
Góc nhìn đặc biệt từ tiêm kích Su30-MK2 nhào lộn thả bẫy nhiệt

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm