Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Để thiếu nhi phát triển toàn diện trong kỷ nguyên 4.0

BBK - Bắc Kạn hiện có hơn 40.000 đội viên, thiếu niên, nhi đồng đang sinh hoạt tại 184 liên đội trên toàn tỉnh. Bước vào kỷ nguyên 4.0 với nhiều cơ hội và thách thức, việc chăm lo, định hướng để thiếu nhi phát triển toàn diện cả về trí tuệ, thể chất, đạo đức và kỹ năng sống đang trở thành yêu cầu hết sức quan trọng.

Báo Bắc KạnBáo Bắc Kạn17/05/2025

Nhân kỷ niệm 84 năm Ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh (15/5/1941 - 15/5/2025), Báo Bắc Kạn có cuộc trò chuyện với cô giáo Hoàng Thị Thu Mai, Tổng phụ trách Đội, được Hội Đồng Đội Trung ương trao Giải thưởng “Cánh én hồng” năm 2024, hiện đang công tác tại Trường THCS Nông Hạ, huyện Chợ Mới.

482246550-3999552780366709-8959484253814174897-n.jpg

Phóng viên: Được biết Trường THCS Nông Hạ dù còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, nhưng là một trong những đơn vị tiêu biểu toàn tỉnh về bề dày thành tích nổi bật. Chị có thể giới thiệu khái quát về kết quả mà Liên đội đã đạt được trong thời gian qua?

Cô giáo Hoàng Thị Mai: Với sự đổi mới về nội dung, cách thức triển khai, công tác Đội và phong trào thiếu nhi tại Liên đội đã có những chuyển biến tích cực; góp phần vào công tác chăm sóc, bảo vệ, giáo dục thiếu niên, nhi đồng.

Trong những năm qua Liên đội Trường THCS Nông Hạ đã đạt được những thành tích như: 06 năm liên tục đạt Liên đội mạnh xuất sắc cấp tỉnh (từ năm học 2018 - 2019 đến nay); Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn tặng “Liên đội đã có thành tích xuất sắc trong công tác Đội và phong trào thiếu nhi” nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đội thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh; Bằng khen của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tặng “Liên đội có thành tích xuất sắc trong triển khai phong trào kế hoạch nhỏ” giai đoạn 2018 - 2023; Bằng khen của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn về “Liên đội có thành tích xuất sắc trong công tác Đội và phong trào thiếu nhi” năm học 2022 - 2023…

Vừa qua, Liên đội Trường THCS Nông Hạ có 1 học sinh được nhận Giải thưởng Kim Đồng toàn quốc năm học 2024 – 2025. Đây là giải thưởng lớn, cao quý dành cho đội viên cả nước.

468964665-3914156232239698-3383649436706345379-n.jpg
Cô giáo Tổng phụ trách Đội - Hoàng Thị Thu Mai nhận giải thưởng "Cánh én hồng" năm 2024 của Hội đồng Đội Trung ương trao tặng.

Sau gần 10 năm gắn bó trong vai trò là giáo viên bộ môn Âm nhạc và giáo viên Tổng phụ trách Đội, tôi may mắn đạt danh hiệu giáo viên Tổng phụ trách Đội giỏi cấp tỉnh năm học 2021 - 2022. Bốn năm liên tục từ năm học 2019 - 2020 đến năm học 2022 - 2023 đạt chiến sĩ thi đua cơ sở. Được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen là điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước của tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2023… Đó đều là những dấu mốc hết sức ý nghĩa. Tuy nhiên, hạnh phúc lớn nhất vẫn là được đồng hành cùng các em thiếu nhi trên hành trình trưởng thành, được thấy các em, dù còn thiếu thốn, khó khăn vẫn nỗ lực vươn lên và tiếp nối truyền thống tốt đẹp của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.

Phóng viên: Nhìn lại chặng đường gần 10 năm với công tác Đội, chị cảm nhận thế nào về sự thay đổi của thiếu nhi trong từng giai đoạn, đặc biệt trong xã hội công nghệ số hiện nay?

Cô giáo Hoàng Thị Thu Mai: Tôi còn nhớ, khi mới nhận công tác, mọi hoạt động nắm bắt thông tin và báo cáo các phần việc đều phải gửi bằng văn bản giấy. Khoảng cách giữa trường với trường, giữa xã, huyện, tỉnh còn khá xa, khiến môi trường hoạt động của các em học sinh lúc đó bị bó hẹp hơn rất nhiều.

Ngày nay công nghệ 4.0 phát triển đã xóa nhòa khoảng cách về không gian, thời gian nhờ tốc độ nhanh chóng của Internet. Chính vì vậy, các em đội viên có thể thông qua không gian mạng tiếp cận được nhiều sáng kiến, mô hình góp phần nâng cao chất lượng công tác Đội trong nhà trường. Liên đội thể hiện báo cáo bằng hình ảnh, clip truyền thông và được lan tỏa qua các kênh như Facebook, Zalo. Nhờ thế, sức lan tỏa của hoạt động Đội hướng về các em thiếu nhi nhanh và sâu rộng hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì còn một số tồn tại ảnh hưởng trực tiếp đến học sinh như: Học sinh lạm dụng mạng xã hội quá nhiều dẫn đến ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập; thiếu kỹ năng giao tiếp trực tiếp; lan truyền những thông tin không lành mạnh. Bên cạnh đó, thực trạng bạo lực mạng cũng có xu hướng gia tăng, khiến nhiều học sinh bị tổn thương về tâm lý, ảnh hưởng đến quá trình phát triển nhân cách của các em.

z6594363418058-7f9cde5bb247ea8ec98a70ff100d5f75.jpg
Giờ Tin học của các em Trường THCS Nông Hạ.

Phóng viên: Trước những thách thức đó, theo chị công tác Đội cần làm gì để định hướng, đồng hành và hỗ trợ các em vững vàng vượt qua?

Cô giáo Hoàng Thị Thu Mai: Từ thực tiễn công tác cũng như những kinh nghiệm của bản thân, theo tôi, để công tác Đội phát triển có thể tập trung vào một số giải pháp trọng tâm. Đầu tiên, đó là đổi mới cách thức sinh hoạt Đội, hướng các em tới hình thức sinh hoạt trải nghiệm nhiều hơn. Các nội dung giáo dục lý tưởng cho thiếu nhi phải thiết kế cụ thể, dễ hiểu gắn với sinh hoạt truyền thống, có chủ đề, chủ điểm..., khuyến khích học sinh ứng dụng công nghệ thông tin làm video tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt đội, nhóm.

Duy trì mô hình tổ tư vấn tâm lý học đường để lắng nghe, tôn trọng quan điểm, ý kiến của các em; quan tâm chia sẻ, động viên, khích lệ các em học sinh trong cuộc sống. Thông qua tổ tư vấn, giáo viên có thể hỗ trợ học sinh định hướng cách suy nghĩ, lựa chọn hành động đúng đắn, giúp các em vững vàng hơn trước áp lực học tập và các vấn đề tâm lý thường gặp.

Tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khoá về chăm sóc sức khỏe, kỹ năng sống như: Kỹ năng sơ, cấp cứu; giáo dục giới tính; phòng, chống tai nạn thương tích… Những hoạt động này sẽ trang bị cho học sinh kỹ năng tự bảo vệ bản thân, tạo môi trường an toàn, thân thiện.

Cuối cùng, cần trang bị cho học sinh kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn, lành mạnh. Mạng xã hội là "con dao 2 lưỡi", có thể giúp cho con người khai thác đúng để phát triển trí tuệ; tuy nhiên, cũng sẽ là tệ nạn nếu các em khai thác lệch mục đích. Bởi vậy, việc trang bị cho học sinh kỹ năng nhận diện thông tin sai lệch, sử dụng internet đúng mục đích là hết sức cần thiết.

Các giải pháp trên, theo tôi, nếu được triển khai đồng bộ và linh hoạt, sẽ góp phần thiết thực giúp các em vượt qua thách thức, phát triển toàn diện cả về trí tuệ, nhân cách và kỹ năng trong thời đại 4.0.

488220626-4016440025344651-5071156904738334634-n-6763.jpg
Một buổi ngoại khóa tuyên truyền về phòng chống đuối nước của Trường THCS Nông Hạ.

Phóng viên: Để lan tỏa phong trào Đội sâu rộng, chị có thể chia sẻ những mô hình hay, sáng kiến ý nghĩa mà mình đã triển khai hiệu quả nhằm thu hút đông đảo học sinh tham gia và trang bị cho các em kỹ năng sống cần thiết?

Cô giáo Hoàng Thị Thu Mai: Trong quá trình công tác, tôi cùng tập thể nhà trường đã triển khai nhiều mô hình, sáng kiến thú vị thu hút học sinh tham gia hoạt động Đội, đồng thời, rèn luyện cho các em những kỹ năng sống thiết thực. Một số mô hình tiêu biểu có thể kể đến như: Mô hình: “Em làm Kế hoạch nhỏ”; “Vườn rau em chăm”; “Cổng trường ATGT”; mô hình “Câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi”; Sáng kiến “Biện pháp giáo dục nề nếp, tính kỷ luật cho học sinh để phòng chống, ngăn ngừa bạo lực học đường”; Sáng kiến “Hướng dẫn học sinh kỹ năng thực hành Nghi thức Đội” đạt hiệu quả ở trường THCS Nông Hạ... Tổ chức các hoạt động hỗ trợ các bạn có hoàn cảnh khó khăn trong Liên đội, người khuyết tật trên địa bàn, đồng bào gặp thiên tai... góp phần rèn luyện cho các em tinh thần trách nhiệm, lòng nhân ái, ý thức sẻ chia trong cuộc sống.

Tôi cùng nhà trường chú trọng lồng ghép các hoạt động trải nghiệm vào chương trình công tác Đội. Tạo môi trường rèn luyện kỹ năng thực tiễn cho học sinh. Các hoạt động trải nghiệm được gắn với chủ điểm từng tháng và các ngày lễ lớn trong năm.

487542708-4013990088922978-1431290112611343538-n.jpg

Phóng viên: Nhân kỷ niệm 84 năm Ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh (15/5/1941 - 15/5/2025), chị muốn gửi gắm thông điệp gì tới các em đội viên - những chủ nhân tương lai của đất nước?

Cô giáo Hoàng Thị Thu Mai: Chiếc khăn quàng đỏ trên vai các em không chỉ là biểu tượng cao đẹp của truyền thống Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, mà còn nhắc nhở mỗi đội viên về ý chí, trách nhiệm và lòng biết ơn. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: "Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình" - lời dạy giản dị mà sâu sắc ấy vẫn còn nguyên giá trị đến hôm nay.

Tôi tin rằng, với ý chí, lòng tự hào và sự nỗ lực không ngừng, các em sẽ học tập tốt, rèn luyện chăm, nuôi dưỡng ước mơ đẹp, để mai này góp sức xây dựng đất nước Việt Nam phát triển vững mạnh, sánh vai cùng các cường quốc năm châu như mong ước của Bác Hồ.

Phóng viên: Cảm ơn chị vì cuộc trò chuyện!

Nguồn: https://baobackan.vn/de-thieu-nhi-phat-trien-toan-dien-trong-ky-nguyen-40-post70772.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập
Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập
Khám phá vùng savan ở Vườn quốc gia Núi Chúa
Khám phá Vũng Chua- ‘nóc nhà’ mây phủ của phố biển Quy Nhơn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm