Những ngày qua trên địa bàn toàn tỉnh, các vụ cháy rừng liên tiếp phát sinh gây ảnh hưởng không nhỏ đến tài nguyên, môi trường rừng và đời sống nhân dân. Cụ thể là chỉ riêng tối ngày 12/4, trên địa bàn huyện Bình Liêu phát sinh đồng thời 3 vụ cháy rừng tại khu Pắc Liên (thị trấn Bình Liêu), thôn Nà Cắp và vùng giáp ranh 2 thôn Nà Nhái - Bản Ngày (xã Vô Ngại). Diện tích cháy lên tới hơn 41ha. Nguyên nhân được xác định do người dân địa phương dùng lửa đốt thực bì để chuẩn bị trồng vụ mới, sau đó vì dông lốc nên tàn lửa bùng lên thành đám cháy lan rộng. Cùng ngày tại TP Hạ Long cũng phát sinh cháy rừng tại tiểu khu 96B, phường Đại Yên. Hậu quả là khoảng 0,4ha rừng sản xuất bị thiêu hủy, chủ yếu gồm các loại cây lau le, bạch đàn, keo... bị gãy đổ sau bão Yagi đã trở thành thảm thực bì khô dày, dễ cháy.
Tiếp đó đến ngày 15/4, tại tiểu khu 41A, phường Phương Đông và tiểu khu 43B, phường Thanh Sơn thuộc TP Uông Bí cũng phát sinh cháy rừng. Các lực lượng gồm Ban CHQS thành phố, Kiểm lâm, Cảnh sát PCCC, dân quân, an ninh cơ sở và nhân dân địa phương đã khẩn trương triển khai các phương án phối hợp chữa cháy, không để thiệt hại về người. Nguyên nhân khiến ngọn lửa bốc lên, lan nhanh chóng cũng được xác định là bởi thời tiết hanh khô, lượng lớn chất cháy là các cây bị đổ gãy sau bão...
Qua những vụ việc như trên cho thấy, nguy cơ cháy nổ luôn tiềm ẩn phát sinh và có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Không chỉ tại những cánh rừng với lớp thực bì dễ bén lửa, mà sự cố có thể xảy ra ở mọi lúc, mọi nơi trong đời sống hằng ngày. Tại địa bàn khu dân cư đông đúc, nguy cơ ấy xuất hiện khi nhu cầu sử dụng nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa dễ cháy, nổ ngày càng nhiều; việc sử dụng các nguồn nhiệt trong sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt tăng mạnh trong giờ cao điểm. Có không ít trường hợp là do sự bất cẩn của người dân trong sử dụng lửa, điện, các chất xăng, dầu, gas; hoặc việc đầu tư trang thiết bị PCCC có lúc, có nơi chưa được quan tâm... Vì vậy cần xác định, nhiệm vụ PCCC là hết sức quan trọng và không của riêng ai. Mọi người dân trong cộng đồng đều phải có kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm trong việc phòng ngừa cháy nổ, bảo vệ an toàn cho bản thân, gia đình và xã hội.
Thời gian qua, các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh đều tích cực tham gia xây dựng phong trào Toàn dân PCCC gắn với phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ phát triển ngày càng sâu rộng. Với phương châm “Phòng là chính”, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn PCCC luôn được đẩy mạnh trước hết với nhiều hình thức phong phú. Tiêu biểu như các buổi họp, sinh hoạt dân cư ở thôn, bản, khu phố; chương trình học tập, hoạt động ngoại khóa trong nhà trường... Tại nhiều địa bàn dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đều đã xây dựng các mô hình, sáng kiến tự quản về ANTT và PCCC. Tại các vùng trồng cây lâm nghiệp, các đội nghiệp vụ tại cơ sở được thành lập, thường xuyên tuần tra, kiểm soát và vận động các chủ rừng cam kết triển khai phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy, lực lượng, phương tiện, hậu cần tại chỗ) để bảo đảm an toàn... Ý thức tự giác của cộng đồng nâng cao, mỗi người dân nhận thức rõ hơn về trách nhiệm, vai trò và nghĩa vụ của mình trong thực hiện PCCC.
Ngày 16/4/2025, Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành Công văn số 2644 - CV/TU về việc tăng cường chỉ đạo các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh. Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu: Người đứng đầu, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan, bí thư cấp ủy, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã và chủ rừng chịu trách nhiệm trong công tác tổ chức triển khai thực hiện các nội dung công việc liên quan đến phòng cháy, chữa cháy rừng...
Tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, nhất là tại các khu vực rừng đã bị gãy đổ sau cơn bão số 3 (YAGI), khu vực có mật độ rừng cao trong thời điểm nắng nóng gay gắt kéo dài, nguy cơ cháy cao; chủ động bố trí phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm tích cực, chủ động từ xa, từ sớm, “3 trước, 4 tại chỗ”. Có phương án sẵn sàng, chủ động, kiên quyết di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm khi cần thiết, “tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người” và giảm thiểu tối đa thiệt hại về rừng...
|
Nguồn: https://baoquangninh.vn/de-viec-phong-chay-tro-thanh-y-thuc-tu-giac-cong-dong-3354461.html
Bình luận (0)