Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Dệt những sợi vàng: Huy Cận, Nguyễn Xuân Sanh mua sách chịu

Dù không tuyệt đối, nhưng tìm hiểu kỹ, ta thấy rằng các văn thi sĩ, những học giả, nhà văn hóa, nhà cách mạng nửa đầu thế kỷ 20, hầu hết đều quan tâm, yêu sách. Họ không chỉ được đào tạo, mà còn tự học qua những trang sách để "dệt những sợi vàng" tri thức, làm hành trang vững vàng bước vào đời.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên21/04/2025

"Đọc sách để tìm cuộc đời hay tìm chính hình ảnh mình in hằn trong đó", họa sĩ Tạ Tỵ đã đúc kết như thế trong tác phẩm Mười khuôn mặt văn nghệ. Tấm lòng với sách đã góp phần hun đúc nên tính cách, phẩm chất của nhiều người mà sau này, để lại danh ở đời.

Dệt những sợi vàng: Huy Cận, Nguyễn Xuân Sanh mua sách chịu- Ảnh 1.

Chân dung Huy Cận thời trẻ

Ảnh: Sách Thi nhân Việt Nam (1932 - 1941) bản in năm 1942

Vũ Ngọc Phan ham đọc tiểu thuyết Tàu

Tác phẩm Tôi tự học của Thu Giang Nguyễn Duy Cần có câu đúc kết về tác dụng của việc đọc sách, ngẫm ra, thật đúng với bao người xem sách là bạn tri kỷ: "Sách giúp ta suy nghĩ, chỉ cho ta khỏi phải tốn công tìm kiếm một điều gì mà kẻ khác đã tìm ra được trước ta. Đó là đã đỡ bớt cho ta một sự phí công vô ích. Ta cần dành sức, để tìm kiếm thêm những cái mà kẻ khác đã tìm, và nhân đó làm cho nó thêm sáng tỏ hơn. Hoặc nó cũng chỉ ra cho ta một điều gì mà thiên hạ đang tìm, nhưng tìm chưa ra". Dù là người hữu danh hay vô danh, khi tìm tới sách, đều mong tìm được điều gì đó.

Huy Cận và Nguyễn Xuân Sanh (nhóm Xuân Thu nhã tập) khi còn là học trò tại Trường Quốc học Huế đã say mê với sách: "Tìm sách, báo thì có thư viện thầy Dương, có nhà bạn. Nhưng hay nhất, thích nhất, vẫn là quán sách Hương Giang của anh chị Hải Triều"; "Thứ năm, chủ nhật Huy Cận và tôi hay chạy qua thăm quán sách của anh. Nhiều hoàng hôn cũng lẻn trốn trường, ghé qua nhìn ngăn sách mới một chốc", Nguyễn Xuân Sanh hồi tưởng trong Những gương mặt mến yêu. Không chỉ đọc cọp sách tại hiệu sách Hương Giang, hai cậu học trò còn được Hải Triều cho mượn sách về chủ nghĩa xã hội. Thậm chí khi quen thân chủ hiệu sách, còn được mua chịu sách hết tháng mới trả tiền, "Huy Cận và tôi mua sách dồn dập, kể cả mua chịu đến cuối tháng may ra mới thanh toán được cho chị Tuyến [vợ Hải Triều]", Nguyễn Xuân Sanh bồi hồi nhớ lại.

Cũng là dân văn thơ, nhà phê bình văn học Vũ Ngọc Phan có thể xem là một kẻ say sách đúng nghĩa. Họ Vũ đọc sách từ nhỏ và nghiệp chữ nghĩa quấn cả đời. Theo hồi ký Những năm tháng ấy, Vũ Ngọc Phan tâm sự thời trẻ rất ham đọc tiểu thuyết Tàu, đến nỗi ảnh hưởng lậm cả vào cuộc sống, viết lách. Nếu Thủy hử có Chúc gia trang thì nơi họ Vũ ở được đặt là Vũ gia trang; trong "Lời nói đầu" bộ Nhà văn hiện đại, tác giả chốt lại lời ấy bằng dòng: "Viết tại Vũ Gia Trang, ấp Thái Hà ngày Trùng thập, năm Tân Tỵ (1941)". Rồi những áng văn chương phương Tây cũng qua tay chàng trai này như thơ ngụ ngôn của La Fontaine, Mai Nương Lệ Cốt của Prévost, Miếng da lừa của Balzac… Dĩ nhiên là với văn học VN, họ Vũ không thể không đọc Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc

Thành danh với loạt tiểu thuyết Lầu tỉnh mộng, Ái tình và danh dự, Chúa tiền chúa bạc…, Bà Tùng Long hẳn cũng liên quan tới những trang sách đầu đời từ tủ sách của cha. "Từ thuở nhỏ, tôi đã sống với sách báo, thơ văn"; Những truyện Tái sanh duyên, Tục Tái sanh duyên, Chiêu Quân cống Hồ, Bình Sơn lãnh yến… "đã in sâu vào đầu óc trẻ thơ của tôi", Bà Tùng Long bộc bạch trong hồi ký Viết là niềm vui muôn thuở của tôi

Dệt những sợi vàng: Huy Cận, Nguyễn Xuân Sanh mua sách chịu- Ảnh 2.

Lưu Trọng Lư trải lòng về việc đọc sách trong hồi ký Nửa đêm sực tỉnh

ẢNH: TRẦN ĐÌNH BA

Lưu Trọng Lư mê mẩn thơ Omar Khayyam

Nói đến bài thơ Tiếng thu cùng hình ảnh "Con nai vàng ngơ ngác/Đạp trên lá vàng khô" là độc giả nhớ tới thi sĩ Lưu Trọng Lư. Để có những tiếng thơ để đời trong văn học sử VN, Lưu Trọng Lư đã trang bị nền tảng kiến thức từ sớm. Đọc hồi ký Nửa đêm sực tỉnh của ông, thấy rằng thuở học trò, họ Lưu là khách quen của Thư viện Trung ương ở đường Trường Thi. Tại đây, những tác phẩm của Dostoyevski "đã nắm tóc tôi", những thi phẩm về rượu, về phụ nữ của nhà thơ Ba Tư Omar Khayyam "đã mê hoặc tôi".

Sau này, khi trưởng thành, bước vào con đường thơ ca và hoạt động cách mạng, Lưu Trọng Lư "cảm tạ vô vàn cái tủ sách "Mác-xít" của Việt Minh Trung Bộ, cùng tản cư lên chiến khu - đã cuốn hút những ngày tháng tôi ở đây", thi sĩ của Nắng mới đã tri ân như thế trong tác phẩm Mùa thu lớn.

Nơi đất Nam kỳ, Phan Văn Hùm cũng là một người ham sách. Thời gian ở Hà Nội, họ Phan cho hay qua hồi ký Ngồi tù Khám Lớn: "Những ngày lễ, ngày nghỉ, người ta thường thấy tôi đứng rục tù nơi mấy hiệu sách Hàng Gai, Hàng Giấy, Hàng Bồ, kiếm những sách cũ nát, như những chuyện Trê Cóc, Trinh thử, Phù Dung... Về sau nầy, sách mới đua nhau mà xuất bản, tôi cũng có mua ít nhiều như những sách nho nhỏ về lịch sử Tôn Dật Tiên... để em út trong nhà đọc".

Nào chỉ đọc sách mình có, để thỏa hiểu biết và phục vụ cho con đường hoạt động của mình, Phan Văn Hùm còn mượn sách từ tủ sách Nguyễn An Ninh. Vẫn trong hồi ký trên, họ Phan khi phải khai với mật thám về việc thăm viếng nhà ông Ninh, đã khai mượn sách để coi, thậm chí còn mang về vài cuốn như Histoire du Christ (Lịch sử chúa Giê-su), Les frères Karamazov (Anh em nhà Karamazov)… (còn tiếp)

Nguồn: https://thanhnien.vn/det-nhung-soi-vang-huy-can-nguyen-xuan-sanh-mua-sach-chiu-185250420200113795.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm