"NGÔI NHÀ HẠNH PHÚC"
Một ngày tháng 2.2025, bước giữa những cháu nhỏ đang cười rạng rỡ tại ngày hội thể thao tổ chức tại Trường mầm non Long Bình, bà Kiều Mỹ Chi, Phó trưởng phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức (TP.HCM), xúc động: "Đây là trường mầm non công lập lớn nhất TP.Thủ Đức, diện tích trên 12.000 m2, quy mô 700 trẻ. Trường mầm non thực sự đã trở thành những "ngôi nhà hạnh phúc", nơi trẻ em được nuôi dưỡng trong tình yêu thương, khoa học và an toàn".
Trường mầm non Tân Phong, Q.7, khang trang, hiện đại rộng 7.500 m2
ẢNH: THÚY HẰNG
Bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết năm 1975, giáo dục mầm non TP.HCM bắt đầu được xây dựng từ những cơ sở nuôi dạy trẻ nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ con em cán bộ, công nhân viên trong bối cảnh đất nước mới thống nhất, còn nhiều thiếu thốn. Các trường mầm non đầu tiên như mầm non 19/5 Thành Phố, mầm non Thành Phố ra đời, đánh dấu bước khởi đầu cho hệ thống giáo dục mầm non chính quy.
Bà Châu cho biết thêm những năm 1980, cùng với công cuộc đổi mới của đất nước, giáo dục mầm non được chú trọng hơn, với sự mở rộng các cơ sở giáo dục công lập và sự tham gia của các cơ sở ngoài công lập, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xã hội. Đến giai đoạn những năm 1990, TP đã có những bước tiến quan trọng trong việc chuẩn hóa chương trình giáo dục mầm non, xây dựng đội ngũ giáo viên (GV) chuyên nghiệp và nâng cấp cơ sở vật chất. Số lượng cơ sở giáo dục mầm non tăng đáng kể, từ vài trăm cơ sở lên hàng ngàn, phủ khắp các quận, huyện…
Bước sang thế kỷ 21, giáo dục mầm non TP đón nhận những cơ hội mới trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Các chương trình giáo dục tiên tiến được áp dụng, các trường mầm non đạt chuẩn quốc gia lần lượt ra đời. Tới hôm nay, hệ thống cơ sở giáo dục mầm non của TP với 3.252 cơ sở khang trang, trang thiết bị được đầu tư mạnh mẽ, chứng minh rõ nét cho sự phát triển vượt bậc.
Trong tháng 4.2025, đúng dịp 50 năm đất nước thống nhất, TP.HCM khánh thành hàng loạt trường mầm non công lập rộng lớn, hiện đại khắp các địa phương. Chẳng hạn như Trường mầm non Sơn Ca - trường đạt chuẩn quốc gia ở P.6, Q.Tân Bình (diện tích 6.348,5 m²; quy mô 1 trệt, 3 tầng lầu với 20 phòng học, các phòng chức năng). Trường mầm non 12, Q.4, tổng diện tích sàn sử dụng 1.663,2 m²
với tổng vốn đầu tư hơn 36 tỉ đồng. Trường mầm non 12, P.12, Q.3, xây dựng trên diện tích đất 836,7 m² với tổng mức đầu tư hơn 28 tỉ đồng. Cơ sở 2 Trường mầm non Vàng Anh, xã Phước Kiển, H.Nhà Bè, tổng kinh phí đầu tư gần 49 tỉ đồng, tổng diện tích sàn 2.900 m²…
TRẺ TỰ TIN, ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ
Trong không gian trường lớp rực rỡ cờ đỏ sao vàng chuẩn bị cho dịp kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất, bà Phạm Bảo Hạnh, Hiệu trưởng Trường mầm non Tân Phong, Q.7 - ngôi trường công lập rộng 7.500 m² - bồi hồi xúc động: "Tôi bắt đầu làm GV mầm non từ 30 năm trước, tới nay đã chứng kiến bao sự đổi thay, phát triển của giáo dục mầm non TP. Điều tôi tự hào nhất là giáo dục mầm non TP không chỉ được quan tâm, đầu tư phát triển mạnh mẽ về cơ sở vật chất, quy mô trường lớp mà chương trình được đổi mới theo hướng tích hợp, chú trọng phát triển kỹ năng sống, tư duy sáng tạo, sự nhân văn. Cùng với đó là thực hành chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong dạy và học, để những năm tháng đầu đời của trẻ được phát triển tốt nhất".
Trẻ mầm non TP.HCM đồng diễn ở các điểm cầu mừng 50 năm đất nước thống nhất
ẢNH: THÚY HẰNG
Bà Kiều Mỹ Chi cho rằng dấu ấn tự hào của giáo dục mầm non TP trong 50 năm qua không chỉ ở sự đầu tư cho cơ sở vật chất mà còn là sự chăm lo phát triển về đội ngũ GV, nhân viên, cán bộ quản lý - những người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ hằng ngày. Họ cũng chính là những người đã thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong công tác quản lý, dạy học, ứng dụng cơ sở dữ liệu, để tạo nên những thế hệ trẻ em ngày càng tự tin. Các em được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, thể thao, học tiếng Anh, được giáo dục STEM, thực nghiệm khoa học, học tập ở những lớp học thông minh…
"Tôi đã nhiều lần xem trẻ mầm non thuyết trình, phát biểu rất tự tin, ấn tượng. Tôi nhiều lần bất ngờ trước tác phẩm tạo hình từ màu, đất nặn, các chất liệu khác của trẻ mầm non. Tôi nhớ có lần tới một lớp, cô đang dạy về các bộ phận của con thỏ, một bé bất ngờ hỏi: "Cô ơi vì sao con thỏ không kêu?". Cô giáo không hề lúng túng và trả lời cho trẻ vừa dễ hiểu lại sinh động. Để làm được điều ấy, tôi nghĩ GV đã đọc sách, chịu khó tìm tòi nhiều kiến thức xung quanh mình", bà Kiều Mỹ Chi kể.
Theo bà Chi, càng ngày, thế hệ trẻ mầm non càng tự tin hơn, giỏi giang hơn. Đó là kết quả sau một chặng đường mà Chương trình giáo dục mầm non được xây dựng, phát triển theo hướng mở, lấy trẻ làm trung tâm, tiếp cận xu thế mở, những tiến bộ của giáo dục mầm non ở nhiều quốc gia. Và những GV mầm non trong TP cũng không ngừng tự học hỏi, nâng cấp bản thân để đáp ứng yêu cầu công việc ngày càng cao.
Trẻ mầm non học tập, sinh hoạt trong các cơ sở khang trang, trang thiết bị được đầu tư mạnh mẽ để có điều kiện phát triển toàn diện
ảnh: Thúy Hằng
Bà Lê Thụy Mỵ Châu khẳng định hiện tại và tương lai, giáo dục mầm non TP sẽ tiếp tục tiên phong ứng dụng công nghệ, đổi mới phương pháp giảng dạy và xây dựng hệ sinh thái giáo dục toàn diện. Tất cả nhằm đảm bảo mục tiêu nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ khỏe mạnh, thông minh, giàu lòng nhân ái và trách nhiệm với cộng đồng; xây dựng môi trường học tập an toàn, thân thiện, hiện đại.
Quan tâm cơ sở giáo dục mầm non độc lập
Bà Lê Thụy Mỵ Châu cho biết trong số hơn 3.200 cơ sở giáo dục mầm non khắp TP thì có 2.024 cơ sở mầm non độc lập, trong đó có tới 1.590 cơ sở mầm non độc lập tại đô thị, khu công nghiệp, tương đương tỷ lệ 3/4.
TP.HCM hiện có 309.000 trẻ em trong độ tuổi đi học mầm non; tính riêng con số ở khu đô thị, khu chế xuất là 209.000 trẻ, chiếm tỷ lệ 2/3. TP luôn xác định phải làm tốt công tác quản lý các cơ sở giáo dục mầm non công lập và ngoài công lập, làm tốt công tác quán triệt, triển khai đồng bộ các văn bản của Bộ GD-ĐT, Chính phủ, đảm bảo quyền lợi chính sách cho đội ngũ GV, nhân viên, bảo vệ quyền lợi trẻ em.
Với 5.200 GV mầm non chưa đạt chuẩn, Sở đã phối hợp với Trường ĐH Sài Gòn để đào tạo, nâng chuẩn cho đội ngũ GV. Sở GD-ĐT tiếp tục đề xuất tháo gỡ những khó khăn, để có nhiều hơn GV, cơ sở mầm non độc lập được thụ hưởng từ Nghị quyết 27/2021/NQ-HĐND Chính sách phát triển giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp tại TP.HCM.
Ông Lương Trọng Bình, Phó trưởng phòng GD-ĐT Q.3, cho hay hiện ở các quận, huyện, TP.Thủ Đức của TP.HCM có mô hình rất hay, đó là có đội ngũ hướng dẫn viên (gồm cán bộ quản lý, hiệu trưởng hiệu phó trường mầm non công lập, GV giỏi, chuyên gia mầm non…) hướng dẫn cho các nhóm lớp độc lập ở trong địa phương mình, về nhiều phương diện, từ công tác chuyên môn, tài liệu tập huấn, tổ chức bồi dưỡng, vận hành, cơ sở vật chất… Từ đó, các cơ sở mầm non độc lập có thêm sự vững vàng, nâng cao chất lượng giáo dục trẻ em.
Nguồn: https://thanhnien.vn/nhung-truong-mam-non-hang-ngan-met-vuong-185250420184654068.htm
Bình luận (0)