Một gia đình trẻ hòa thuận, hạnh phúc ở Hướng Hóa - Ảnh: T.C.L
Từ khi triển khai Dự án 8 cho đến nay, các cấp hội LHPN trong tỉnh đã thành lập, vận hành và duy trì được 54 mô hình ĐCTCCĐ tại khắp các thôn, bản của 2 huyện miền núi: Hướng Hóa, Đakrông và 3 huyện có xã miền núi là Vĩnh Linh, Gio Linh và Cam Lộ.
Ban điều hành của 54 ĐCTCCĐ đã tuyên truyền 121 cuộc cho 7.220 lượt người dân về những vấn đề tại địa phương thông qua nhiều hình thức đa dạng như: tuyên truyền về ĐCTCCĐ; phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ); phòng, chống BLGĐ trên cơ sở giới thông qua truyền thông bằng tờ rơi, pano, áp phích; lồng ghép nội dung vào các buổi họp thôn; truyền thông nhóm nhỏ; nói chuyện, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cũng như xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những hủ tục... Đồng thời, tích cực theo dõi, nắm bắt đời sống tâm tư, nguyện vọng của người dân nói chung, phụ nữ, trẻ em gái nói riêng.
Đi vào hoạt động từ năm 2023, mô hình ĐCTCCĐ của thôn Tà Rụt 3, xã Tà Rụt, huyện Đakrông được chọn làm điểm của tỉnh, được Hội LHPN tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng. Ngay từ khi thành lập, đã tổ chức họp để lập ra ban điều hành, chủ ĐCTCCĐ, xây dựng quy chế và phân công thành viên phụ trách tổ, nhóm.
Đây cũng là những thành phần chính của các tổ hòa giải và các tổ, nhóm phòng, chống BLGĐ tại địa phương. 10 thành viên chủ chốt của mô hình có nhiệm vụ thường xuyên nắm bắt tình hình an ninh trật tự, đặc biệt là BLGĐ để kịp thời thăm hỏi, tư vấn, tuyên truyền, vận động hộ gia đình không vi phạm pháp luật, không BLGĐ, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tà Rụt 3 cũng là chủ ĐCTCCĐ Hồ Văn Om cho biết: “Ban Điều hành ĐCTCCĐ thôn Tà Rụt 3 xác định nhiệm vụ của mô hình không chỉ là hỗ trợ người bị bạo lực thông qua cung cấp chỗ tạm lánh, sơ cứu, chuyển gửi và ổn định tâm lý người bị bạo lực mà còn có nhiệm vụ hỗ trợ, kết nối người bị bạo lực tới các dịch vụ an sinh xã hội khác tại địa phương. Bên cạnh đó, chúng tôi còn có trách nhiệm truyền thông phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới, phòng, chống BLGĐ.
Trong quá trình vận hành mô hình, việc duy trì sinh hoạt định kỳ thông qua các cuộc họp với ban quản lý địa chỉ là hết sức cần thiết để các hoạt động của ĐCTCCĐ được cập nhật, báo cáo, rút kinh nghiệm trong quá trình hoạt động cũng như việc nhân rộng ĐCTCCĐ”. Nhờ có các hoạt động thiết thực này, đến nay, trên địa bàn thôn chưa ghi nhận xảy ra tình trạng BLGĐ. ĐCTCCĐ đã mang lại hiệu quả trong việc bảo vệ phụ nữ, những người yếu thế trong xã hội tránh khỏi BLGĐ, từng bước ngăn chặn những hành vi bạo lực, tạo môi trường sống an bình, ấm no và hạnh phúc cho Nhân dân tại bản làng.
Không chỉ dừng lại ở việc làm cầu nối để nạn nhân tiếp cận được các địa chỉ bảo vệ an toàn cho bản thân, các dịch vụ an sinh xã hội mà những thành viên trong ban điều hành được nạn nhân xem như những người đủ tin tưởng, gần gũi nhất để có thể bộc lộ, gửi gắm những tình cảm, chia sẻ những trạng thái cảm xúc hỗn loạn mà họ đang đối mặt. Là một hội viên tích cực của Chi hội Phụ nữ thôn Bản Vây, xã Tân Lập, huyện Hướng Hoá, chị Hoàng Thị Cam, Chủ ĐCTCCĐ thôn nhớ như in từng trường hợp bị bạo hành mà mình từng giúp đỡ.
Nhớ lại trường hợp của chị Hồ Thị B. và anh Hồ Văn P., chị Cam cho biết: “Hai vợ chồng chị B. có mâu thuẫn gia đình, cãi vã, đánh đập nhau, người vợ tìm đến chủ ĐCTCCĐ mà hốt hoảng lắm. Nạn nhân bị thương nặng, mặt bầm tím, chồng tôi là lương y nên đã băng bó cho nạn nhân. Bản thân tôi đã hỗ trợ nạn nhân trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày như: tắm, giặt, ăn uống, nghỉ ngơi... Sau khi bình phục tôi đã đưa chị B. về nhà, gặp gỡ chồng chị B., tư vấn, phân tích cho người chồng hiểu rõ. Sau đó, hai vợ chồng chị B. đã hoà giải thành công, đến nay 2 vợ chồng đã hoà thuận”.
Đó chỉ là một trong số các trường hợp được chị Cam giúp đỡ. Theo chị, chủ ĐCTCCĐ là người đầu tiên tiếp nhận thông tin về các vụ BLGĐ từ nạn nhân hoặc cộng đồng, không chỉ có trách nhiệm bảo vệ sự an toàn cho nạn nhân mà còn phải bảo vệ thông tin của nạn nhân, tránh để lộ thông tin cá nhân ra bên ngoài, giúp nạn nhân cảm thấy an toàn và tin tưởng. Sự bảo mật rất quan trọng, vì nạn nhân thường sợ bị trả thù hoặc bị nhiều người, chế nhạo.
Tuy phần nào phòng ngừa và ngăn chặn được tình trạng BLGĐ, bạo lực trên cơ sở giới ở địa phương, đa phần các chủ ĐCTCCĐ cho rằng: bản thân họ còn thiếu nguồn lực, kiến thức chuyên sâu về hỗ trợ tâm lý hoặc nghiệp vụ pháp lý dù đã được tập huấn. Một số hoạt động, vụ việc còn thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng gây khó khăn trong việc xử lý dứt điểm vấn đề. Để khắc phục những khó khăn này, cần có sự đầu tư hơn nữa vào đào tạo, nâng cao năng lực cho các thành viên của ĐCTCCĐ, đồng thời tạo ra một hệ thống hỗ trợ liên kết chặt chẽ giữa các tổ chức, cơ quan chức năng.
Tiếp tục nhân rộng mô hình ĐCTCCĐ, đặc biệt là vùng khó khăn, ưu tiên khu vực thôn, bản miền núi xa xôi, vùng biên giới, góp phần giảm thiểu tình trạng BLGĐ, bảo vệ quyền lợi của những nạn nhân yếu thế trong xã hội, tạo môi trường sống lành mạnh, an toàn cho phụ nữ và trẻ em.
Trần Cát Linh
Nguồn: https://baoquangtri.vn/diem-sang-tu-cac-mo-hinh-dia-chi-tin-cay-cong-dong-193147.htm
Bình luận (0)