Diễn viên Thái Hòa, thủ vai nhân vật Bảy Theo trong bộ phim, chia sẻ với Thanh Niên những cảm xúc về nghề và kỷ niệm đáng nhớ khi tham gia bộ phim này.
Vì sao anh ít xuất hiện tại các sự kiện điện ảnh và dường như chọn cách sống khép kín?
Tôi bị triệu chứng rối loạn lo âu, giảm chú ý, mù mặt (ADHD) nên hay căng thẳng khi xuất hiện trước đám đông; về sau biết rõ điều này nên đành chấp nhận. Lúc quay phim Cây táo nở hoa, vì Hồng Ánh hay để ý người khác nên phát hiện tôi bị rối loạn, lúc hưng phấn cao độ, lúc lại tuột cảm xúc. Tôi từng trải qua giai đoạn trầm cảm trong 2 năm nên rất ngại bị chú ý mà lại theo nghề diễn như cái nghiệp.
Không có lợi thế về ngoại hình, anh có thiếu tự tin khi theo nghề diễn?
Chưa bao giờ tôi thấy tự ti về ngoại hình vì không quan tâm. Hồi nhỏ tôi chỉ nặng 48 ký khi thi vào Trường cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM và bị rớt 2 lần do giọng nói ồ ề, hát không hay nên bị sốc. Lúc thi, thầy Công Ninh, Minh Ngọc đều cười ngặt nghẽo. Tự tin, tôi dẫn cả đám bạn đi ăn mừng, chiều xem kết quả không thấy tên, sốc tiếp. Thầy Tùng ôm vai nói nhỏ về ôn văn thi lần 3. Sau này làm nghề, tôi nhận ra ngoại hình không còn quá quan trọng, xấu cũng có vai xấu. Đa số kép đẹp đều... bớt đẹp theo thời gian, nhưng tôi vẫn vậy, chỉ ít xấu hơn xưa thôi.
Thái Hòa lăn xả trên phim trường Củ Chi
ĐPCC
Nghề diễn có cho anh đủ thu nhập để trang trải cuộc sống?
Nghề diễn mang lại cho tôi cuộc sống đàng hoàng. Giai đoạn khó khăn nhất về tài chính, chịu cực chịu khó là thời sinh viên mà mỗi tháng tôi vẫn dành dụm được 1 chỉ vàng, nhưng phải cày kinh lắm.
Anh nhận xét gì về điện ảnh Việt thời gian qua khi liên tiếp đạt doanh thu cao trong năm 2024 và đặc biệt từ đầu năm 2025 đến nay?
Ngày trước phim đạt vài chục tỉ đồng đã là sự kiện lớn, do hơn 10 năm trước rạp còn ít. Giờ phim 100 tỉ đồng dễ đạt hơn. Doanh thu chưa thể nói được nhiều điều. Theo tôi, điện ảnh Việt vẫn chưa chuyên nghiệp vì chưa có ngành công nghiệp điện ảnh.
Cảnh quay du kích Củ Chi tại địa đạo
ĐPCC
Những khó khăn gặp phải khi anh đóng vai Bảy Theo trong phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối?
Nếu so cực khổ thì nhân viên hậu kỳ, thiết kế cực hơn 100 lần. Họ phải tạo dựng địa đạo trong phim trường, khổ trong lúc quay, rồi xong việc phải tháo dỡ hàng trăm mét đường hầm. Đội ngũ thiết kế phải dựng cả khu rừng bị cháy, tạo đường đi dưới sông. Người quay phim phải đi lùi trong khi diễn viên đi tới trong địa đạo. Diễn viên chỉ mang cây súng vài ký lô trong khi người quay phim cầm máy quay nặng hơn rất nhiều. Nhớ đến những cảnh quay này tôi không biết sao mình làm được. Diễn viên kết thúc phân cảnh được nghỉ, trong khi người quay phim phải làm liên tục hết ngày này qua ngày nọ. Ánh sáng trong đường hầm chỉ có đèn dầu, đèn cầy, đèn pin hay đèn măng sông nên rất khó xử lý kỹ thuật. Không thể đặt các thiết bị quay chuyên dụng trong một không gian cực kỳ chật hẹp như thế. Khi diễn, mồ hôi tuôn ra đều là mồ hôi thật và sự mệt mỏi, căng thẳng trên gương mặt cũng là thật.
Sẽ rất buồn nếu trong cuộc đời làm nghề, tôi không được cơ hội tham gia phim này, vì được đóng vai quân dân Củ Chi thấy "sướng" lắm.
Thái Hòa thủ vai Bảy Theo trong phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối
ĐPCC
Làm sao anh đảm bảo thể lực để hoàn thành vai diễn trong thời tiết mùa hè cực nóng?
Tôi cùng dàn diễn viên phải tập thể lực, mất nhiều thời gian để trang bị kiến thức về sức khỏe. Bộ Tư lệnh TP.HCM hỗ trợ chúng tôi kỹ năng chiến đấu bằng các loại vũ khí, hướng dẫn bắn súng thật tại trường bắn Củ Chi. Tôi được giao cây AK bá xếp. Mỗi ngày tôi phải tập lên đạn cả trăm lần cho thuần thục vì khi ra diễn, chỉ cần động tác lên đạn không "nhuyễn", khán giả dễ nhận ra mình không hóa thân trọn vẹn vào vai Bảy Theo.
Trong 2 tháng, mỗi ngày đoàn phim ghi hình suốt 14 giờ. Chúng tôi tập chui xuống hầm, cầm vũ khí di chuyển với tốc độ nhanh theo đồng hồ bấm giờ. Nhiều diễn viên căng thẳng khi phải luồn lách trong mô hình địa đạo với đường kính chỉ hơn 50 cm.
Tôi đã bước sang tuổi 51, thể lực không thể bằng các bạn diễn viên trẻ. Nhưng may mắn được các chuyên gia sức khỏe tư vấn, giảm cân nên khi quay cơ thể cũng đáp ứng được yêu cầu. Tôi chỉ mong làm sao mình sống được trọn vẹn từng khoảnh khắc của nhân vật. Tôi thích Bảy Theo vì đó là một người gan lì, trách nhiệm, lúc nào cũng muốn che chở đồng đội, sợ mất người thân khi nhận nhiệm vụ quá sức. Bảy Theo cũng rất con người với đủ cảm xúc, hoàn toàn không phải siêu nhân.
Nguyên do nào khiến anh đồng ý tham gia phim?
Khi đọc kịch bản, tôi quá mê. Ông ngoại vợ tôi là chiến sĩ cách mạng lão thành, vợ tôi rất thương ông. Trong kịch bản có một số chi tiết trùng với nhật ký của ông ngoại. Đó là lý do đầu tiên tôi đến với bộ phim này. Thứ đến, Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối là bộ phim về chiến tranh VN qua góc nhìn hoàn toàn của người Việt vào thời điểm công nghệ làm phim đã thay đổi rất lớn.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất của anh khi tham gia phim?
Diễn viên chính chưa chắc khổ hơn dàn diễn viên phụ, nhất là đóng vai lính Mỹ dưới trời nắng 40 độ C. Phim quay ở Củ Chi (TP.HCM) không bóng râm. Các diễn viên phải mặc áo giáp, cầm súng M16 thật, mang ba lô thật, leo lên xe tăng giữa cái nóng kinh người với cảm giác nếu đập quả trứng lên xe tăng sẽ ăn được ngay; rồi còn quay trong khói lửa chiến tranh. Các diễn viên đóng vai lính Mỹ là người Belarus, Nga, Ukraine nhưng rất hòa đồng. Có người bị xỉu do nắng nóng được nhân viên y tế chăm sóc, khi khỏe lại tiếp tục cầm súng vào vai.
Các chiến sĩ lái xe tăng M48, xe thiết giáp M113, trực thăng UH-1… do Bộ Quốc phòng hỗ trợ cũng chịu cực chịu khổ dưới cái nắng khủng khiếp. Lái xe tăng băng qua cánh đồng cỏ cháy là cảm giác khó quên. Đạn thật và đạn mã tử được dùng tùy theo yêu cầu đạo diễn để tạo hiệu quả.
Lần đầu tiên đóng phim về cuộc chiến giành độc lập của dân tộc, anh cảm nhận như thế nào về thế hệ cha ông khi dũng cảm cầm súng chống ngoại xâm?
Khi thể hiện nhân vật trong phim và tiếp xúc với những chiến sĩ Củ Chi ngoài đời, tôi nhận ra họ cũng là người bình thường, chính thời cuộc và lý tưởng đã tạo ra anh hùng chứ không phải họ muốn trở thành anh hùng. Họ đã sống vì người khác, vì Tổ quốc. Tôi không trải qua thời chiến mà chỉ được sống và trải nghiệm chiến tranh qua phim, nhưng qua những đau thương, mất mát mà chiến tranh để lại mới thấy không có gì quan trọng hơn hòa bình.
Cuộc hôn nhân lần 2 với vợ kém 11 tuổi có mang đến cho anh sự bình yên? Vợ có hỗ trợ anh khi tham gia phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối?
Thời điểm này tôi không còn quan trọng được cái này cái kia. Cái gì đến cũng phải chấp nhận. Sau nhiều chuyện trải qua trong đời có cả tốt lẫn xấu, tôi nhận ra những chuyện mình tưởng không may mắn nhưng sau lại rất ổn. Không nhất thiết phải nhiều tiền mới đủ, tiền nhiều thì xài nhiều, ít thì xài ít. Mọi thứ vui vẻ và đủ đầy đến từ bên trong mới quan trọng. Mình khổ nhưng có nhiều người còn khổ hơn, trong khi không ít người có đủ mọi thứ nhưng chưa chắc họ sướng. Cuộc sống biết đủ là đủ. Hiện tại nếu mình sống đúng thì tương lai sẽ là hệ quả của những năm tháng mình đang sống. Chỉ cần sống trong đất nước hòa bình, bình yên là thấy sướng rồi.
Vợ tôi rất trân trọng nghề diễn nên tôi được toàn tâm toàn ý với nghề. Khi tôi dồn tâm sức cho kịch bản hay nhân vật thì cô ấy luôn hỗ trợ. Những lúc rảnh rỗi, cô ấy đến phim trường ở Củ Chi thăm tôi, trò chuyện với các thành viên trong đoàn. Cô ấy thân thiết với các diễn viên hơn cả tôi. Lúc đi quay phim, vợ tôi dặn không cần quan tâm chuyện nhà, chỉ cần tôi tập trung cho vai diễn.
Thái Hòa cho biết diễn xuất trong địa đạo cực kỳ khó khăn
ĐPCC
Anh còn mơ ước điều gì nhất?
Muốn làm phim, làm đạo diễn, biên kịch để mang đến cảm xúc cho khán giả. Khi còn muốn là còn mệt. Nhưng tôi nghĩ nếu mong muốn đó vì người khác thì chắc là không mệt, còn muốn cho bản thân thì buộc phải sân si, tranh giành. Cần nhất là xem mọi chuyện trên đời luôn nhẹ nhàng như một sự tỉnh thức. Sống sao để bớt sai sót là được vì cuộc sống rất khó mà không mắc sai lầm.
Nếu có phép màu cho phép tôi chọn làm những gì cho người khác thì sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn. Nếu chọn cho mình thì chắc chắn cảm thấy mệt mỏi và đau khổ. Khi nào đạt điều đó mới thật sự là nghệ sĩ, mới có tác phẩm hay, nhân vật để đời.
Dường như anh thích đóng những vai khổ, nghèo?
Tôi ưa những vai diễn khổ hơn vì thoải mái. Càng đóng vai giàu càng khổ vì phải luôn giữ vẻ ngoài sang trọng. Đóng vai sướng là khổ, ăn uống no say càng khổ hơn. Ăn ngon có khi phải quay 4 - 5 lần, nhiều lúc nuốt không vô. Những cảnh nghèo chỉ mặc 1 bộ đồ, trong khi vai giàu từng phân đoạn có trang phục khác phải trang điểm lại, không còn thời gian nghỉ.
Khi tham gia Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối, mỗi diễn viên chỉ có 1 - 2 bộ đồ nên rất thoải mái. Trước khi vào vai Bảy Theo, mỗi ngày tôi chỉ ăn 1 cữ, cơ thể được dịp thải độc, giảm cân. Mỗi ngày tập vài tiếng quân sự, rồi chui vô hầm, rất tốt cho sức khỏe như tập gym miễn phí mà còn nhận cát xê. Không khí đoàn phim cực kỳ nhộn nhịp, mấy trăm con người cùng cố gắng làm việc với mục đích hoàn thành cảnh quay.
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên không phải tự nhiên được anh em trong nghề đánh giá cao. Khi làm việc cùng anh mới thấy cái tâm, cái tầm, đam mê trăn trở với tác phẩm rất lớn. Anh đòi hỏi mọi thứ cực cao. Hiếm đạo diễn nào như anh, thai nghén một bộ phim về du kích Củ Chi suốt 10 năm dài. Qua chỉ đạo diễn xuất mới thấy anh rất cứng nghề. Góc nhìn của anh về chiến tranh cực kỳ nhân văn.
Cảm xúc đọng lại nhiều nhất trong anh sau khi đóng Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối?
Phim khởi chiếu trong thời điểm cả nước kỷ niệm 50 năm ngày đất nước thống nhất, đoàn phim rất tự hào. Khi đọc kịch bản, tôi nhận thấy bộ phim xứng đáng nhận được sự yêu thích của khán giả.
Du kích Củ Chi chỉ là những người dân bình thường phải đối đầu với bộ máy chiến tranh hiện đại của Mỹ. Họ gồm cả nam lẫn nữ, không phải là lực lượng chính quy, nhưng đã chống lại một trong những quân đội hùng mạnh nhất thế giới. Thế hệ ngày nay phải nhớ đến họ - những người đã góp phần làm nên hòa bình hôm nay.
Nguồn: https://thanhnien.vn/dien-vien-thai-hoa-chi-can-duoc-song-trong-hoa-binh-la-suong-roi-185250412231431791.htm
Bình luận (0)