Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025): Dã tâm biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới của đế quốc Mỹ

(Baothanhhoa.vn) - “Đông Dương, Nam Á là khu vực có tầm quan trọng trong chiến lược toàn cầu của Mỹ và Mỹ phải bảo vệ Đông Nam Á bằng cách ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản từ Việt Nam và Đông Dương” (theo nghị quyết của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ (NSC - 124/2, ngày 25/6/1952)). Với quan điểm đó, Mỹ đã can thiệp vào cuộc chiến ở Đông Dương, hòng hất cẳng Pháp để độc chiếm khu vực có vị trí địa - chính trị trọng yếu này và biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới.

Báo Thanh HóaBáo Thanh Hóa14/04/2025

Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025): Dã tâm biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới của đế quốc Mỹ

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã góp phần làm sụp đổ chế độ thực dân cũ. Ảnh: Khôi Nguyên

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 của dân tộc Việt Nam đã góp phần làm sụp đổ chế độ thực dân cũ, mà các đế quốc đã áp đặt lên các xứ thuộc địa suốt hàng thế kỷ. Thắng lợi vĩ đại này đã buộc Pháp phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ (tháng 7/1954), công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam; đồng thời, rút hết quân viễn chinh về nước. Chưa dừng lại ở đó, chiến thắng lẫy lừng của dân tộc Việt Nam cả ở trên chiến trường và trên bàn đàm phán, đã có tác động to lớn đến phong trào cách mạng thế giới nói chung và phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh nói riêng. Giữa lúc nhân loại bị áp bức đang mò mẫm trên con đường giành độc lập dân tộc, chiến thắng của Việt Nam làm tăng gấp bội nhiệt tình đấu tranh, lòng tự tin của những người cách mạng và các dân tộc bị áp bức trên khắp thế giới. Đồng thời, làm cho những tập đoàn hiếu chiến trong giới cầm quyền ở các nước đế quốc phải lo đối phó với phong trào cách mạng đang dâng lên sau sự kiện Điện Biên Phủ. Cuộc đấu tranh giữa các lực lượng cách mạng và yêu chuộng hòa bình với các lực lượng hiếu chiến, chống cách mạng vì thế diễn ra dưới nhiều hình thức phong phú, quyết liệt với tính chất tiến công mạnh mẽ, có hiệu quả.

Với điểm tựa là nhà nước Xô Viết, hệ thống XHCN thế giới đã dần hình thành. Song song với đó là phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh đã làm cho chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ lo sợ. Trong bối cảnh đó, Mỹ dù là đế quốc ra đời muộn nhưng hùng mạnh và đầy dã tâm. Với tham vọng “điều chỉnh thế giới” vào quỹ đạo của Hoa Kỳ, Mỹ đã đẩy mạnh cuộc chơi chính trị toàn cầu, với việc phát động chiến tranh lạnh và kéo nhiều khu vực vào vòng xoáy bất ổn. Tự dựng lên cái gọi là “nguy cơ cộng sản”, Mỹ đã cho ra đời “học thuyết Đômino (năm 1947), để hù dọa chính mình và các đồng minh. Đồng thời, sau thời kỳ triển khai “chiến lược ngăn chặn”, Mỹ đã chuyển sang chiến lược quân sự toàn cầu “trả đũa ồ ạt”, được triển khai với sự hỗ trợ của chính sách ngoại giao “bên miệng hố chiến tranh”. Từ đó, tiếp tục đẩy cuộc chiến tranh lạnh lên đỉnh cao mới, cũng như đẩy nước Mỹ vào tình thế bị quân phiệt hóa cao độ.

Những quan điểm hết sức cực đoan trên, được Mỹ áp dụng triệt để nhằm can thiệp vào nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có khu vực Đông Dương và Việt Nam. Với luận điệu rằng, nếu mất Đông Dương sẽ mất Đông Nam Á, cho nên, việc ngăn chặn Việt Nam trở thành một mắt xích trong “thành trì cộng sản” trở thành một nhiệm vụ quan trọng, được các đời tổng thống Mỹ thay nhau thực hiện. Do đó, Mỹ đã sớm dính líu đến vấn đề Việt Nam và Đông Dương, đồng thời, Việt Nam từng bước trở thành trung tâm đối phó của chiến lược toàn cầu Mỹ. Bởi Việt Nam là điểm nóng bỏng nhất ở Đông Dương và Đông Nam Á; đặc biệt, đây là nơi diễn ra cuộc cách mạng giải phóng dân tộc triệt để nhất do giai cấp vô sản lãnh đạo.

Trên bàn cờ chính trị toàn cầu, Mỹ đã xác định rõ mục tiêu lâu dài đối với khu vực Đông Dương, đó là thủ tiêu ở mức độ tối đa có thể sự ảnh hưởng của cộng sản ở Đông Dương. Mỹ muốn thấy Việt Nam và Đông Dương có một nhà nước dân tộc chủ nghĩa tự trị thân Mỹ. Cho nên, dù đứng sau hỗ trợ bằng vũ khí và đô la cho thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam (tháng 9/1945), song nhiều ý kiến trong chính quyền Mỹ cho rằng, việc “Pháp dùng quân sự đánh chiếm lại Đông Dương không phải là giải pháp nên có". Và do đó, Mỹ do dự không ép Pháp quá mạnh hoặc dính líu quá sâu chừng nào chưa có thể gợi ý một giải pháp, hoặc Mỹ chưa sẵn sàng chấp nhận trách nhiệm của sự can thiệp.

Tuy nhiên, chiến tranh Đông Dương kéo dài và sự can thiệp của Mỹ ngày càng tăng, thì ý đồ thực sự của Mỹ càng bộc lộ rõ. Nếu như năm 1950, đế quốc Mỹ chỉ viện trợ quân sự cho Pháp 10 triệu đôla, thì đến đầu năm 1954, con số này đã tăng lên đến 1,1 tỷ đôla, chiếm 78% chi phí chiến tranh của Pháp ở Đông Dương. Trong giai đoạn 1950-1954, tổng viện trợ kinh tế và quân sự của Mỹ cho Pháp trong chiến tranh Đông Dương đã vượt quá 3,5 tỷ đôla. Với con số khổng lồ đó và sự can thiệp sâu của Mỹ vào cuộc chiến, đã khiến chính tướng lĩnh Pháp tại Đông Dương cho rằng “địa vị của chúng ta đã chuyển thành địa vị của một kẻ đánh thuê đơn thuần”.

Những năm 1953-1954, khi thực dân Pháp ngày càng sa lầy vào cuộc chiến tranh tại Đông Dương, thì một mặt Mỹ tăng cường viện trợ để “lên dây cót” cho Pháp; mặt khác không quá dồn ép khiến Pháp bỏ cuộc sớm, trong khi Mỹ chưa chuẩn bị đủ các điều kiện thuận lợi để thay Pháp, cũng như Mỹ còn những toan tính riêng. Ngày 21/7/1953, Tổng thống Ai-xen-hao mời thủ tướng của chính quyền bù nhìn Sài Gòn Nguyễn Văn Tâm sang thăm Hoa Kỳ và được Mỹ cam kết ủng hộ giúp đỡ. Trong khi đó, đế quốc Mỹ cũng bắt đầu nhào nặn và cổ động cho con bài chính trị khác đã được chuẩn bị là Ngô Đình Diệm.

Đông Nam Á được đánh giá là “một trong những khu vực giàu có nhất thế giới, đã mở ra cho kẻ nào thắng trận ở Đông Dương. Đó là lý do giải thích vì sao Mỹ ngày càng quan tâm đến vấn đề Việt Nam... Đối với Mỹ đó là một khu vực phải nắm lấy bằng bất kỳ giá nào”. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân khiến Mỹ quyết đặt chân vào Việt Nam và Đông Dương, với mục đích trước mắt là ngăn chặn “chủ nghĩa cộng sản bành trướng” xuống vùng Đông Nam Á và đánh bại phong trào giải phóng dân tộc ở khu vực này. Song mục tiêu cơ bản và lâu dài của đế quốc Mỹ là xâm lược miền Nam Việt Nam bằng chủ nghĩa thực dân mới. Từ đó, biến miền Nam Việt Nam thành căn cứ quân sự, hòng tiêu diệt các phong trào đấu tranh của Nhân dân các dân tộc mà Mỹ cho là những “cuộc nổi dậy do cộng sản xúi giục”; đồng thời, chiếm đoạt, khai thác vùng Đông Nam Á giàu tài nguyên chiến lược và nhân công rẻ mạt.

Nhiều nhân vật trong chính giới Mỹ đã tuyên bố rằng: “Có hai cách để chinh phục một nước. Cách thứ nhất là dùng sức mạnh của vũ khí để nắm quyền kiểm soát Nhân dân nước đó; cách thứ hai là nắm quyền kiểm soát nền kinh tế nước đó bằng các phương tiện tài chính". Với miền Nam Việt Nam, Mỹ đã sớm có âm mưu dựng lên chính quyền tay sai, gắn với viện trợ kinh tế, quân sự, cố vấn cho chúng và tiến đến chủ động gây ra cuộc chiến tranh Việt Nam. Song, âm mưu và mọi kế hoạch của Mỹ sẽ phải đối mặt với cuộc chiến đấu kiên cường, bất khuất và không bao giờ khoan nhượng của toàn dân tộc Việt Nam.

Khôi Nguyên

(Bài có sử dụng tư liệu trong cuốn “Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975”, tập I).

Nguồn: https://baothanhhoa.vn/ky-niem-50-nam-ngay-giai-phong-mien-nam-thong-nhat-dat-nuoc-30-4-1975-30-4-2025-da-tam-bien-mien-nam-thanh-thuoc-dia-kieu-moi-cua-de-quoc-my-245537.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu thăm Việt Nam
Chủ tịch Lương Cường đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại sân bay Nội Bài
Những người trẻ làm "sống dậy" hình ảnh lịch sử
Ngắm san hô biển bạc Việt Nam

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm