Đón trước nhu cầu tăng cao của người dân, trên những đường bay nội địa, các hãng hàng không Việt Nam dự kiến thực hiện hơn 7.500 chuyến bay, cung ứng khoảng 1,5 triệu ghế, tăng mạnh so với năm trước.
Giá vé máy bay “neo” khá cao
Khảo sát trang web bán vé máy bay trực tuyến của hãng hàng không Vietnam Airlines, đối với chặng bay Hà Nội-Đà Nẵng, ở chiều đi ngày 29/4, hãng Vietnam Airlines có 18 chuyến, giá vé phổ biến ở mức 2,5 triệu đồng/vé, tuy nhiên, một số khung giờ bay đẹp buổi trưa và chiều đã hết vé. Chiều về ngày 4/5, khung giờ sáng từ 9 đến 11 giờ cũng hết vé, các khung giờ khác giá dao động từ khoảng 2,5 triệu đồng/vé trở lên.
Tương tự, đối với hãng Vietjet, chiều đi giá vé phổ biến ở mức 3 triệu đồng, Bamboo Airways chỉ bay hai chuyến, hạng ghế phổ thông giá khoảng 2 triệu đồng, hạng thương gia 3,3 triệu đồng. Ở chiều về, hãng Vietjet có mức từ 2-2,5 triệu đồng/vé nhưng một số chuyến cũng đã hết vé, còn hãng Bamboo Airways giá vé dao động quanh mức 2,2-2,4 triệu đồng.
Trước kỳ nghỉ lễ kéo dài, chị Nguyễn Vân Anh, trú tại phố Lê Văn Hưu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bàn với chồng cho hai con nhỏ đi Phú Quốc chơi. Nghiên cứu vé bay chặng Hà Nội-Phú Quốc của hãng Vietnam Airlines, chị hơi thất vọng khi thấy chiều đi số lượng vé còn rất ít và giá ở mức khá cao, dao động từ 3,5 tới 4,6 triệu đồng/vé, còn chiều về giá vé cũng tương tự nhưng đã gần như “cháy” vé, nếu mua vé nhiều khả năng gia đình chị sẽ phải bay về Thành phố Hồ Chí Minh sau đó nối chuyến ra Hà Nội, đẩy tổng giá vé tăng lên khoảng 5,5-6,3 triệu đồng.
Còn đối với hãng Vietjet, giá vé chiều đi có “mềm” hơn một chút so với Vietnam Airlines, dao động trong khoảng 2,1-3 triệu đồng và còn khá nhiều chỗ, tuy nhiên ở chiều về giá cũng nhích lên 4,1-4,3 triệu đồng và chỉ còn hai trên tổng số năm chuyến trong ngày còn chỗ. Thấy chi phí tăng quá cao so với dự kiến ban đầu, chị Vân Anh đành hủy bỏ chương trình đi Phú Quốc, tìm phương án khác tiết kiệm hơn.
![]() |
Dịp nghỉ lễ 30/4, hàng không “khan” vé, giá cao. |
Ở đường bay Hà Nội-Nha Trang, vé của hãng Vietnam Airlines giá dao động quanh mức 3-4 triệu đồng và còn khá nhiều chỗ; chiều ngược lại cũng “cháy” vé và khách có thể chọn hành trình nối chuyến về Đà Nẵng và tiếp tục bay ra Hà Nội, giá vé kết hợp cho hành trình này khoảng 4,5 triệu đồng. Hãng Vietjet chiều đi có giá khoảng 2-3 triệu đồng tùy khung giờ bay, chiều về 2,7-3,6 triệu đồng.
Đại diện hãng Bamboo Airways nhận định, trong điều kiện thị trường nhiều biến động, hãng đang nỗ lực duy trì lịch bay ổn định với dải giá vé rộng và mức giá tối ưu nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp lễ 30/4, 1/5.
Hãng dự kiến tăng tối đa năng lực khai thác, nhất là các ngày cao điểm như 30/4 và 1/5, các đường bay trọng điểm được ưu tiên gồm Hà Nội đi Cam Ranh, Quy Nhơn, Đà Lạt, Đà Nẵng; từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Phú Quốc, Đà Lạt.
Ghi nhận của hãng ở các đường bay du lịch Hà Nội đi Cam Ranh, Quy Nhơn, Đà Nẵng,… hiện gần như đã hết chỗ chiều đi vào ngày 30/4 và chiều về ngày 4/5. Trong khi đó, các đường bay từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Đà Nẵng, Quy Nhơn, Vinh, Hải Phòng, hoặc Thành phố Hồ Chí Minh đi Hà Nội vẫn còn nhiều chỗ với dải giá vé rộng, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu về quê thăm thân, công vụ,… của người dân.
Tăng tải cung ứng chuyển bay dịp cao điểm hè
Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 (từ ngày 25/4 đến ngày 5/5), trên các đường bay nội địa, các hãng hàng không Việt Nam dự kiến thực hiện 7.536 chuyến bay (trung bình 685 chuyến/ngày), cung ứng khoảng 1,5 triệu ghế, tăng tương ứng 20% so với lịch bay.
Chiếm tỷ trọng lớn là các đường bay đi/đến Thành phố Hồ Chí Minh với gần 5.100 chuyến (trung bình 462 chuyến/ngày), cung ứng đạt 1,03 triệu ghế. Riêng đường bay trục Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh, các hãng dự kiến khai thác 1.261 chuyến, cung ứng 305 nghìn ghế.
Dựa trên kế hoạch khai thác của các hãng trong giai đoạn cao điểm hè 2025 (từ ngày 15/5 đến ngày 15/8), Cục Hàng không Việt Nam tính toán, trên các đường bay nội địa, các hãng dự kiến khai thác gần 68.600 chuyến bay (trung bình 745 chuyến/ngày); cung ứng đạt gần 14 triệu ghế. “Các đường bay du lịch (Cam Ranh, Phú Quốc, Đà Lạt, Quy Nhơn) được các hãng khai thác hơn 20 nghìn chuyến, chiếm tỷ trọng 30% tổng số chuyến khai thác, cung ứng gần 4,1 triệu ghế. Các đường bay trục (Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh), dự kiến khai thác 26,8 nghìn chuyến bay, chiếm tỷ trọng 39%”, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho hay.
Trên cơ sở nhu cầu thị trường và kế hoạch khai thác của các hãng, Cục Hàng không Việt Nam đã điều chỉnh tham số điều phối tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Theo đó, nâng tham số điều phối lên mức 46 chuyến/giờ trong khung giờ ban ngày và 36 chuyến/giờ trong khung giờ ban đêm trong giai đoạn nghỉ lễ 30/4 và 1/5; giai đoạn cao điểm hè và lễ Quốc khánh nâng lên 44-46 chuyến/giờ trong khung giờ ban ngày và 36 chuyến/giờ trong khung giờ ban đêm.
Bên cạnh đó, Cục cũng tích cực phối hợp Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam và các hãng, chuẩn bị sẵn sàng đưa Nhà ga hành khách T3 tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất vào khai thác trong dịp lễ 30/4-1/5.
Với diễn biến hiện tại của giá nhiên liệu hàng không đang dao động quanh mức 88,68 USD/thùng, thấp hơn khoảng 10,5% so với trung bình của cùng kỳ năm trước, cộng với thị trường vận tải khách quốc tế phục hồi mạnh mẽ, đại diện Cục Hàng không Việt Nam dự báo giá vé bay năm nay có thể thấp hơn năm trước. Đối với hoạt động vận tải khách qua đường hàng không, chi phí nhiên liệu bay chiếm tỷ trọng khoảng 30-40% trong cơ cấu giá vé. Hoạt động khai thác vận chuyển hàng cũng chịu sự tác động lớn từ yếu tố thị trường, “mùa vụ”, các đường bay nội địa vào dịp cao điểm lễ, Tết và mùa du lịch, nhu cầu của người dân tăng cao, trong khi nguồn cung tải của các hãng bị giới hạn, khiến giá vé tăng cao hơn ngày thường vào một số thời điểm và tập trung trên một số chiều, chặng bay.
Để điều tiết thị trường, Cục Hàng không Việt Nam đã triển khai các giải pháp nhằm bổ sung, cân đối tải cung ứng trên các đường bay nội địa; hỗ trợ các hãng tăng năng lực khai thác, xây dựng kế hoạch bay phù hợp thời điểm thị trường; hỗ trợ, tạo điều kiện để các hãng bổ sung máy bay, tăng nguồn cung tải trên các đường bay.
Về giá vé, Cục đang theo dõi, giám sát chặt tình hình đặt giữ chỗ và diễn biến giá vé của các hãng trong thời kỳ cao điểm, xây dựng phương án điều hành khai thác phù hợp và công khai thông tin, giúp hành khách tiếp cận kịp thời, chính xác; giảm tình trạng ùn tắc, chậm chuyến, đáp ứng cao nhất nhu cầu và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành hàng không.
Nguồn: https://nhandan.vn/dip-nghi-le-304-hang-khong-khan-ve-gia-cao-post870416.html
Bình luận (0)