Khách hàng mua sắm trang sức tại cửa hàng của PNJ - Ảnh: PNJ
Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) vừa công bố tài liệu trình cổ đông trong Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, dự kiến diễn ra vào ngày 26-4.
Năm 2025 là năm đầu tiên trong giai đoạn 2021-2025 mà doanh nghiệp này đặt kế hoạch tăng trưởng âm cho cả doanh thu và lợi nhuận.
Thưởng 50 tỉ nếu lãi tăng 7,8%
Hội đồng quản trị PNJ trình cổ đông kế hoạch doanh thu hợp nhất năm nay khoảng 31.600 tỉ đồng, giảm 17,3% so với kết quả năm 2024. Lợi nhuận sau thuế dự kiến giảm 7,3%.
Từ năm 2021 - 2024, doanh nghiệp này đều đặt mục tiêu tăng trưởng dương, với kế hoạch doanh thu cao nhất đạt trên 32% vào năm 2022 và thấp nhất là 5% vào năm 2023.
Ngoài ra theo tờ trình kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2025, hội đồng quản trị và lãnh đạo chủ chốt PNJ sẽ nhận thưởng 35 tỉ đồng nếu dẫn dắt công ty hoàn thành hoặc vượt chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế là 1.959 tỉ đồng trong năm nay.
Trong trường hợp lợi nhuận ròng tăng 7,8% lên mức 2.112 tỉ đồng, khoản thưởng sẽ tăng lên 50 tỉ đồng.
Theo báo cáo phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS Research), doanh thu thuần của PNJ tăng trưởng ổn định trong giai đoạn 2009 - 2024.
Tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) trong năm năm gần nhất đạt hơn 21%, còn CAGR 10 năm gần nhất là 15,2%.
"Sự tăng trưởng doanh thu nhanh hơn lợi nhuận cho thấy có áp lực lên biên lợi nhuận. Biên lợi nhuận gộp duy trì xu hướng đi ngang quanh mức 18%, đến từ các nguyên nhân như giá vàng nguyên liệu tăng, khan hiếm nguồn cung cũng như cạnh tranh gay gắt", theo SHS Research.
Trong cuộc họp với các chuyên viên phân tích tháng 2-2025, PNJ tiết lộ đang mở rộng kinh doanh các sản phẩm phi trang sức. Công ty này đã ký hợp đồng với các bên liên quan và sẽ công bố trong quý 2 năm nay.
Thách thức toàn ngành
Ban lãnh đạo PNJ đánh giá năm vừa qua, ngành trang sức đối mặt với những khó khăn chưa từng có của một "cơn bão kép" đến từ cả hai đầu cung và cầu.
Cụ thể nguồn nguyên vật liệu khan hiếm do giá vàng tăng trong khi sức mua chưa phục hồi và mức tăng trưởng ngành bán lẻ hàng xa xỉ suy giảm. Nhiều doanh nghiệp ngành vàng đã đóng cửa, hoạt động cầm chừng, chuyển ngành hoặc chịu thua lỗ nghiêm trọng.
PNJ hiện là công ty trang sức duy nhất niêm yết tại Việt Nam, có hơn 1.000 thợ kim hoàn, hai nhà máy và năng lực sản xuất khoảng bốn triệu sản phẩm/năm.
Theo SHS Research, thị trường bán lẻ trang sức Việt Nam có hàng chục ngàn cơ sở, song chỉ có khoảng 10 thương hiệu nổi tiếng. DOJI hay SJC là các đối thủ cạnh tranh của PNJ. Trong đó DOJI dẫn đầu thị trường về doanh thu nhưng lãi "mỏng", còn PNJ có doanh thu đứng thứ hai nhưng dẫn đầu về hiệu suất sinh lời.
Năm 2024, doanh thu thuần của PNJ đạt hơn 37.800 tỉ đồng và lợi nhuận ròng trên 2.110 tỉ đồng. Sự suy giảm biên lợi nhuận gộp trong năm qua (chỉ còn 17,6%) đến từ thay đổi trong cơ cấu doanh thu của mảng trang sức và tác động từ thị trường nguyên vật liệu.
Trong cơ cấu doanh thu, mảng bán lẻ (trang sức và vàng 24k) đóng góp gần 90% tổng doanh thu của PNJ.
Về mặt tổ chức đến cuối năm 2024, doanh nghiệp này có gần 9.000 nhân viên, tăng gần 17% so với hồi đầu năm.
Nguồn: https://tuoitre.vn/doanh-nghiep-trang-suc-duy-nhat-tren-san-chung-khoan-du-tinh-doanh-thu-giam-hai-con-so-20250405231225207.htm
Bình luận (0)