Du khách đổ về chiêm bái xá lợi Phật ở chùa Tam Chúc hồi tháng 5 vừa qua (Ảnh minh họa: Vương Công Nam/Vietnam+)
Sự linh hoạt trong chính sách visa, đẩy mạnh xúc tiến quảng bá đa dạng tại các thị trường trọng điểm và sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, bộ, ngành đã tạo nên cú hích mạnh mẽ của ngành du lịch trong 6 tháng đầu năm. Lãnh đạo ngành đánh giá như vậy tại sự kiện họp báo thường kỳ Quý II năm 2025 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa diễn ra, tại Hà Nội.
Những dấu ấn tích cực
Trong 6 tháng đầu năm, ngành du lịch đã có đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội. Cả nước đón hơn 10,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 20,7% so cùng kỳ năm trước; lượng khách du lịch nội địa cũng đạt mức ấn tượng 77,5 triệu lượt; tổng doanh thu đạt khoảng 518 nghìn tỷ đồng.
Đánh giá chung 6 tháng đầu năm, Phó Chánh văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Nguyễn Hữu Ngọc nhận định tín hiệu tích cực từ những con số kể trên đã góp phần cho thấy du lịch tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh phát triển của cả nước.
Đặc biệt, trong hai quý đầu năm, Bộ đã xây dựng và triển khai Chương trình kích cầu phát triển du lịch năm 2025; tham dự các hội chợ du lịch quốc tế; phối hợp tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ Năm Du lịch Quốc gia Huế 2025; chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại các nước châu Âu (Italy, Thụy Sĩ, Pháp, Ba Lan, Séc và Đức).
Bộ cũng tích cực quảng bá, giới thiệu Du lịch Việt Nam qua điện ảnh tại Liên hoan phim Cannes và các hoạt động bên lề; quảng bá, xúc tiến du lịch tại Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) lần thứ 4.
Ngoài ra, Bộ cũng đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Bộ Ngoại giao, Bộ Công an đề xuất chính sách thị thực (mở rộng danh sách miễn thị thực ngắn hạn, đề xuất danh sách đối tượng ưu tiên, ưu đãi chính sách thị thực trong lĩnh vực quản lý)...
Tuy nhiên, để duy trì đà tăng trưởng và nâng cao chất lượng du lịch, Việt Nam lãnh đạo ngành cho rằng cần tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phát triển sản phẩm du lịch độc đáo, bền vững và đặc biệt là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, với những vinh danh các món ăn Việt Nam thời gian qua, việc xây dựng thương hiệu ẩm thực Việt ra thế giới cũng được cho là một hướng đi quan trọng, góp phần định vị Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.
“Bắt đầu từ những việc nhỏ bằng trái tim lớn”
Ngành du lịch Việt đặt mục tiêu tới cuối năm đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế, trên 120-130 triệu lượt khách nội địa, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tới. Vì vậy, những tháng cuối năm toàn ngành sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm.
Trong đó, trọng điểm là thực hiện Chương trình kích cầu phát triển du lịch năm 2025; khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lữ hành, khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, cung cấp dịch vụ du lịch hợp tác, liên kết đưa ra nhiều ưu đãi về giá cả, các loại hình dịch vụ, sản phẩm mới nhằm gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch.
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết, thời gian tới, ngành du lịch sẽ cơ cấu lại thị trường, thúc đẩy kế hoạch hành động vùng, liên vùng, chú trọng liên kết ngành du lịch với các ngành khác trong chuỗi giá trị nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh gắn với phát triển xanh, bền vững và phương châm “lấy trải nghiệm của du khách làm trung tâm.”
Với 10 thị trường trọng điểm mà du lịch Việt Nam sẽ hướng tới (Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Australia, châu Âu, Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Đông, Nga), Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng yêu cầu cần tiếp cận với quan điểm “thị trường là trung tâm, thương hiệu là nền tảng,” trên cơ sở xây dựng chiến lược xúc tiến có độ lớn, chiều sâu, sự liên kết và chạm được tới cảm xúc du khách.
“Muốn vậy, những người làm du lịch phải bắt đầu từ những việc nhỏ bằng trái tim lớn để có được những sản phẩm hấp dẫn, mang đậm bản sắc văn hóa, truyền được cảm hứng để du khách quay lại nhiều lần,” Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới về nội dung, phương thức thực hiện, kết hợp hài hòa nguồn lực nhà nước và xã hội trong quảng bá xúc tiến, định vị thương hiệu du lịch quốc gia.
Đặc biệt, tại hội nghị tổng kết toàn ngành tuần qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng yêu cầu du lịch và các địa phương lựa chọn đúng nội dung, lĩnh vực, sự kiện trọng điểm; huy động nguồn lực hiệu quả để tổ chức thành công chuỗi hoạt động kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
Các địa phương được đề nghị tham gia với Bộ tổ chức triển lãm “80 năm hành trình Độc lập-Tự do-Hạnh phúc,” đẩy mạnh hoạt động nghệ thuật, quảng bá, xúc tiến du lịch, lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa ngày càng cao của nhân dân. Bộ trưởng khuyến khích các địa phương phát huy sáng tạo, tổ chức đêm nghệ thuật, không gian văn hóa cộng đồng nhằm tạo điểm nhấn cho du lịch dịp lễ./.
Nguồn: https://baolangson.vn/du-lich-6-thang-cuoi-nam-len-day-cot-bang-ke-hoach-tao-dau-an-manh-me-5054175.html
Bình luận (0)