Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Du lịch tỉnh vươn mình trong kỷ nguyên mới

BDK - Trong dòng chảy đó, du lịch tỉnh luôn có những nỗ lực và bước đầu tạo được dấu ấn, định vị mình trong bản đồ du lịch khu vực và cả nước Lịch sử phát triển ngành du lịch Việt Nam bắt đầu từ ngày 9-7-1960 khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng thay mặt Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký ban hành Nghị định số 26 về việc thành lập Công ty Du lịch Việt Nam trực thuộc Bộ Ngoại thương. Từ đó đến nay, du lịch luôn được xem là ngành kinh tế quan trọng của đất nước. Trong dòng chảy đó, du lịch tỉnh luôn có những nỗ lực và bước đầu tạo được dấu ấn, định vị mình trong bản đồ du lịch khu vực và cả nước.

Báo Bến TreBáo Bến Tre25/04/2025

Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đón đoàn khách du lịch quốc tế đầu tiên đến tỉnh trong năm mới 2025.

Tầm nhìn và những định hướng

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngành du lịch đã làm tốt nhiệm vụ tiếp quản, bảo toàn và phát triển các cơ sở du lịch ở các tỉnh, thành phố vừa giải phóng để tiếp tục mở rộng hoạt động. Đến ngày 27-6-1978, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 262 thành lập Tổng cục Du lịch Việt Nam trực thuộc Hội đồng Chính phủ. Đến tháng 10-1992, Chính phủ ban hành Nghị định số 05-CP thành lập Tổng cục Du lịch là cơ quan thuộc Chính phủ. Tiếp theo đó, Chỉ thị số 46-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng vào tháng 10-1994, Thông báo kết luận số 179 ngày 11-11-1998 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch Việt Nam trong tình hình mới, là tiền đề cho ra đời của Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch năm 1999, Pháp lệnh Du lịch năm 1999 và Chương trình hành động quốc gia về du lịch năm 2000.

Tất cả những dấu mốc quan trọng trên cho thấy, phát triển du lịch luôn được khẳng định là một hướng chiến lược quan trọng trong đường lối phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cho đến Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã thể hiện quyết tâm ở cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước về sự nghiệp phát triển du lịch đất nước.

Tại tỉnh, sau giải phóng, tỉnh tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, kiến thiết quê hương, bước vào thời kỳ đổi mới bám sát theo chủ trương, định hướng của Trung ương. Du lịch của tỉnh được ghi nhận bắt đầu phát triển từ những năm 2000. Tuy nhiên, trong suốt thời gian 10 năm tiếp theo, thực trạng phát triển du lịch ở tỉnh chưa đồng bộ, còn nhiều hạn chế do trở ngại về giao thông, đầu tư hạ tầng còn hạn chế, chưa có nhiều cơ sở du lịch, điểm đến, các sản phẩm còn đơn điệu.

Công ty TNHH Du lịch Dịch vụ Thương mại Cồn Phụng (gọi tắt là Du lịch Cồn Phụng Bến Tre) là đơn vị trực thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh và Văn phòng B Nhà khách Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, được thành lập ngày 3-4-2005, bước đầu tạo điểm nhấn cho du lịch tỉnh. Dựa vào tài nguyên bản địa, tỉnh bắt đầu tập trung khai thác loại hình du lịch sinh thái, sông nước, tham quan các di tích lịch sử, văn hóa.

Định hình thương hiệu du lịch xứ Dừa

Qua nhiều năm cố gắng xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù dựa vào tài nguyên bản địa, hình ảnh du lịch xứ Dừa những năm gần đây ngày càng rõ nét và phát triển mạnh mẽ hơn. Nhất là với chủ trương của Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngành du lịch tỉnh được quan tâm đầu tư phát triển bài bản hơn, quy mô số lượng và chất lượng ngày càng được cải thiện. Theo Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Thị Ngọc Dung, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh có sự phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng.

Du lịch tỉnh đã có bước phát triển khởi sắc, các cơ sở lưu trú du lịch được đầu tư và khai thác hiệu quả, ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, được du khách đánh giá cao như: Khách sạn Diamond Star (5 sao), Bến Tre Riverside Resort (4 sao), Forever Green Resort, khách sạn Hàm Luông (3 sao) và các homestay gắn với phục vụ tuyến điểm du lịch như: Maison du Pays de Bến Tre, Cồn Bà Tư, Út Trinh… Khách sạn Diamond Star Bến Tre đã được Tổng cục Du lịch ra quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch 5 sao và là 1 trong 5 đơn vị đại diện cho Việt Nam được trao giải thưởng Khách sạn Xanh ASEAN năm 2024 tại diễn đàn Du lịch Đông Nam Á - ATF 2024.

Đến nay, toàn tỉnh có 32 doanh nghiệp (DN) được cấp phép, trong đó có 11 DN lữ hành quốc tế, 21 DN lữ hành nội địa, 90 cơ sở lưu trú với trên 1.700 phòng có sức chứa khoảng 3.200 khách. Có trên 130 cơ sở ăn uống với khoảng 35.000 chỗ ngồi. Trong đó, có 6 cơ sở ăn uống đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, có trên 60 khu, điểm du lịch, điểm đến tham quan du lịch, mua sắm, vui chơi giải trí, 9 điểm du lịch tiêu biểu đồng bằng sông Cửu Long và khoảng 10 trạm dừng chân đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.

Theo số liệu báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lượt khách và doanh thu du lịch tăng dần qua từng năm. Từ năm 2017 đến cuối năm 2024, tỉnh đón hơn 11,7 triệu lượt khách đến tham quan du lịch, doanh thu du lịch đạt hơn 12,6 ngàn tỷ đồng.

Dưới tác động của Nghị quyết số 08-NQ/TW, nhận thức, tư duy về phát triển du lịch đã được nâng lên, thống nhất về quan điểm, mục tiêu và hành động trong Đảng, chính quyền, hội, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, các đơn vị kinh doanh du lịch và cộng đồng dân cư. Từ đó, góp phần nâng cao ý thức giữ gìn, xây dựng văn hóa, bảo tồn thiên nhiên, phát triển các sản phẩm đặc trưng, xây dựng phong cách phục vụ chuyên nghiệp, thân thiện, phát triển mạnh du lịch gắn với xuất khẩu hàng nông sản tại chỗ trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

Ngành du lịch của tỉnh được cơ cấu lại, đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững, hiệu quả theo quy luật kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch về phát triển du lịch. Từ đó, nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho phát triển du lịch đã hoàn thành đưa vào sử dụng tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển.

Nguồn nhân lực du lịch thường xuyên được quan tâm bồi dưỡng, đào tạo, hướng đến chuyên nghiệp. Đến nay, có khoảng 80% lao động trong ngành đã qua đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về du lịch. DN, cơ sở kinh doanh du lịch cùng với cộng đồng dân cư được tạo môi trường thuận lợi để khai thác du lịch. Công tác xúc tiến, quảng bá, liên kết hợp tác phát triển du lịch luôn được củng cố và mở rộng, nhất là đẩy mạnh liên kết du lịch với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long.

Bước vào kỷ nguyên phát triển mới, ngành du lịch Bến Tre bước đầu đã tạo dựng được thương hiệu du lịch sinh thái, sông nước xứ Dừa An toàn - Thân thiện - Chất lượng. Du lịch phát triển đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xuất khẩu tại chỗ, tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân, quảng bá hình ảnh địa phương, con người Bến Tre.

 Bài, ảnh: Thanh Đồng

Nguồn: https://baodongkhoi.vn/du-lich-tinh-vuon-minh-trong-ky-nguyen-moi-25042025-a145711.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Về với đại ngàn
Chênh vênh Sa Mù
Trào lưu đến Mộc Châu chụp ảnh mùa hoa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm