Người thợ ấy tên là Nguyễn Đức Lãng, một đời giữ cờ Tổ quốc bằng niềm tin son sắt và tình yêu đất nước không phai mờ theo năm tháng.
Lá cờ đỏ giữa giới tuyến âm thầm
Sinh năm 1937, ông Lãng lớn lên ở vùng Cam Lộ (Quảng Trị), rồi theo cha về sống bên cầu Hiền Lương, nơi sau này trở thành giới tuyến chia đôi đất nước theo Hiệp định Genève năm 1954. Năm 1956, khi chính quyền cách mạng quyết định dựng cột cờ tại bờ Bắc sông Bến Hải, thì lá cờ đỏ sao vàng treo trên đỉnh kỳ đài ấy trở thành biểu tượng thiêng liêng của chủ quyền, của khát vọng thống nhất non sông.

Nhưng ít ai biết rằng, những lá cờ ấy được may bởi chính bàn tay của một người thợ dân dã, ông Nguyễn Đức Lãng. Khi được phân công làm công việc này, ông mới hơn 19 tuổi, là thợ chính trong một tổ may nhỏ phục vụ nhu cầu dân sinh. "Ngày ấy tôi nghĩ cầm kim cũng là cống hiến, miễn là làm điều gì có ích cho đất nước. Tôi tự nhủ, nếu không ra trận được như bạn bè, thì sẽ may lá cờ lớn nhất, đẹp nhất, treo ở nơi thiêng liêng nhất, để bà con miền Nam - Bắc đều nhìn thấy", ông Lãng kể.
Hiền Lương - Bến Hải trở thành điểm đối đầu âm thầm nhưng quyết liệt giữa ta và địch. Trong đó, "cuộc chiến lá cờ" diễn ra dai dẳng và không kém phần căng thẳng. Mỗi bên đều cố gắng dựng cột cờ cao hơn, may cờ to hơn, rực rỡ hơn. Và mỗi khi phía bên kia thay đổi độ cao cột cờ, thì phía Bắc lập tức đáp lại. Cờ cao hơn, to hơn, đẹp hơn, như một lời khẳng định chủ quyền. "Có lần, tôi phải thức suốt đêm may cờ cho kịp treo sáng sớm. Có hôm vừa treo xong thì gió bão làm rách, phải thay ngay. Cờ Tổ quốc không được phép rách, dù là một góc nhỏ. Vì đó là bộ mặt của đất nước, là lòng kiêu hãnh của dân tộc", ông Lãng bồi hồi nhớ lại.
Đường kim mũi chỉ của ông không chỉ nối liền những mảnh vải, mà còn kết nối lòng tin, niềm hy vọng của hàng triệu người dân hai miền, nhất là đồng bào miền Nam mỗi lần nhìn sang bờ Bắc, thấy lá cờ đỏ sao vàng vẫn tung bay kiêu hãnh giữa trời.

Một đời giữ cờ Tổ quốc bằng niềm tin son sắt
Thời gian cứ thế trôi đi. Những lá cờ ông Lãng may không đếm xuể. Mỗi chiếc đều được ông khâu tay từng đường viền, kiểm tra kỹ từng sợi chỉ, từng mảng màu. Với ông, đó không chỉ là trách nhiệm, mà là niềm tin, là danh dự.
Ký ức đọng lại rõ nhất trong ông là những lần thay cờ trong đêm mưa gió. Đội cột cờ lên xe đạp, ông bọc lá cờ vào áo, rồi cùng cán bộ chiến sĩ Công an vũ trang giới tuyến lần theo đường bùn trơn, sau đó leo lên kỳ đài, treo cờ mới thay cho lá cờ vừa rách. Không có tiếng kèn, không có nhạc hiệu, chỉ có tiếng gió, tiếng tim mình đập thình thịch vì xúc động. "Giữa đêm đen ấy, tôi chỉ nghĩ bà con miền Nam sẽ lại nhìn thấy cờ mình ngày mai. Họ sẽ biết quê hương chưa bao giờ bỏ cuộc", ông kể lại, đôi mắt vẫn rưng rưng.
Sau ngày đất nước thống nhất, ông tiếp tục may cờ cho các dịp lễ lớn. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng cầu Hiền Lương vẫn là biểu tượng thiêng liêng của khát vọng độc lập, tự do và thống nhất. Lá cờ treo trên kỳ đài vẫn cần đẹp nhất, rực rỡ nhất. Đến nay tuổi đã cao, sức yếu, song ông Lãng vẫn giữ nghề may cờ như một phần máu thịt của mình.
Buổi chiều, ngồi trò chuyện với khách dưới mái hiên ngôi nhà nhỏ ở khu phố 9, phường 5 (Đông Hà), ông Lãng thỉnh thoảng lại đưa mắt nhìn ra phía Bắc nơi có con sông Bến Hải, cây cầu Hiền Lương. Ông trầm ngâm chia sẻ: "Bây giờ tôi may chậm hơn, nhưng vẫn giữ thói quen chọn vải kỹ, đo từng tấc, khâu từng đường cho ngay ngắn. Lá cờ không chỉ để treo, nó là hồn thiêng sông núi", ông nói. Tôi để ý, khi kể về ngày tháng cũ, bao giờ cũng vậy, ánh mắt ông luôn sáng bừng. Mỗi câu chuyện, mỗi ký ức hiện lên, như tấm thảm được dệt bằng kim chỉ và màu đỏ thắm của quốc kỳ.
Những năm qua, ông Lãng còn rất vui khi thi thoảng lại có những người khách trẻ ghé thăm, hỏi về chuyện may cờ, về những tháng năm chiến đấu kiên cường nơi lằn ranh chia cắt đất nước. "Hôm vừa rồi, có cháu Tiến ở Cà Mau đi du lịch từ miền Bắc vào, ngang Đông Hà có ghé bác", ông kể, rồi đưa tôi xem những tấm hình chụp kỷ niệm. Ở đó, một người trẻ ôm chặt lấy một người già, thân thiện và đầy ấm áp. Cử chỉ, tình cảm mà người thanh niên đó thể hiện với ông, có lẽ không chỉ bởi sự thấu hiểu, mà còn muốn bày tỏ lòng biết ơn vô hạn. Khép lại câu chuyện giữa họ, còn có một hình ảnh đẹp đẽ khác. Người già nhẹ nhàng mở chiếc rương gỗ, lấy từ đó ra một lá cờ do chính tay ông may, đã sờn mép theo năm tháng, rồi vui vẻ ký tặng người trẻ kia! Hai thế hệ, một niềm tin!
Nguồn: https://cand.com.vn/Tieu-diem-van-hoa/gap-nguoi-giu-co-to-quoc-bang-niem-tin-son-sat-i766293/
Bình luận (0)