Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

GDP quý 1 tăng trưởng ấn tượng 6,93%: Mức cao nhất trong vòng 5 năm

Trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, kinh tế Việt Nam trong quý 1 đã ghi nhận những tín hiệu khởi sắc, trong đó khu vực dịch vụ và công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực chính.

Báo Bình DươngBáo Bình Dương06/04/2025

Theo số liệu vừa được công bố từ Cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1 ước tính tăng 6,93% so với cùng kỳ năm trước. (Ảnh: Vietnam+)

Bức tranh kinh tế toàn cầu còn nhiều mảng “màu xám” với những bất ổn địa chính trị và rủi ro tiềm ẩn, song kinh tế Việt Nam đã có một khởi đầu năm 2025 đầy ấn tượng. Theo số liệu vừa được công bố từ Cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1 ước tính tăng 6,93% so với cùng kỳ năm trước.

Đà tăng trưởng vượt trội

Bà Nguyễn Thị Hương, Cục trưởng Cục Thống kê chia sẻ đây là một con số đáng khích lệ và đây mức tăng trưởng cao nhất của quý 1 trong suốt giai đoạn 5 năm (từ năm 2020-2025). Điều này thể hiện sức bật mạnh mẽ và khả năng chống chịu của nền kinh tế. Kết quả này đã chính thức vượt qua mục tiêu tăng trưởng đề ra cho quý 1 tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ

Dữ liệu cho thấy tốc độ tăng GDP quý 1 so với cùng kỳ các năm từ 2020 đến 2024 lần lượt là: 3,21%; 4,85%; 5,42%; 3,46% và 5,98%. Sự bứt phá lên gần 7% trong quý đầu năm nay cho thấy nền kinh tế đang trên đà phục hồi và tăng tốc vững chắc sau những giai đoạn khó khăn.

"Kết quả tăng trưởng GDP trong quý 1 là tín hiệu rất tích cực, thể hiện sự đúng đắn và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp," bà Nguyễn Thị Hương nhận định.

Đáng chú ý, mức tăng trưởng này đã vượt qua kịch bản mục tiêu được đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2025 của Chính phủ (mục tiêu quý 1 là 6,2-6,6%). Tuy nhiên, con số này vẫn chưa đạt được mục tiêu phấn đấu cao hơn là 7,7% cho quý 1 được nêu tại Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 5/2/2025. Lý giải về điều này, báo cáo của Cục Thống kê chỉ ra những biến động nhanh chóng, phức tạp và khó lường của tình hình thế giới đã tác động không nhỏ đến các hoạt động kinh tế-xã hội trong nước.

Dịch vụ là đầu tàu tăng trưởng

Phân tích sâu hơn về cơ cấu tăng trưởng, đại diện Cục Thống kê cho hay khu vực dịch vụ tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu khi tăng trưởng tới 7,7% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp tỷ trọng lớn nhất vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế (53,74%). Theo bà Hương, sự sôi động của các hoạt động thương mại, du lịch trong và sau dịp Tết Nguyên đán cùng với lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao là những yếu tố chính thúc đẩy khu vực dịch vụ.

Bên cạnh đó, ngành vận tải kho bãi tăng mạnh 9,9%, đóng góp 0,67 điểm phần trăm; Ngành bán buôn và bán lẻ tăng 7,47%, đóng góp 0,83 điểm phần trăm; Dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 9,31%, đóng góp 0,27 điểm phần trăm; Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,83%, đóng góp 0,41 điểm phần trăm. Ngành thông tin và truyền thông tăng 6,66%, đóng góp 0,45 điểm phần trăm.

Đáng chú ý, khu vực công nghiệp và xây dựng cũng ghi nhận mức tăng trưởng khả quan 7,42%, đóng góp 40,17% vào mức tăng chung. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực cốt lõi với tốc độ tăng trưởng ấn tượng 9,28% (cao hơn mức tăng 7,49% của cùng kỳ năm 2024), đóng góp tới 2,33 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP. Các ngành sản xuất và phân phối điện (tăng 4,60%, đóng góp 0,18 điểm phần trăm), cung cấp nước và xử lý rác thải (tăng 8,81%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm) cũng có sự tăng trưởng tích cực. Ngành xây dựng duy trì đà tăng khá với 7,99% (cao hơn mức 7,57% của quý 1/2024), đóng góp 0,48 điểm phần trăm. Điều này phản ánh nỗ lực đẩy mạnh đầu tư công và sự phục hồi của thị trường bất động sản ở một số phân khúc. Duy nhất ngành khai khoáng ghi nhận mức âm 5,76% và làm giảm 0,17 điểm phần trăm trong tăng trưởng chung.

 Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giữ vững vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, tăng trưởng 3,74% và đóng góp 6,09% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm. (Ảnh: Vietnam+)

Bên cạnh đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giữ vững vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, tăng trưởng 3,74% và đóng góp 6,09% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm.

Theo bà Hương, kết quả này đạt được mục tiêu đề ra, chủ yếu nhờ sản lượng thu hoạch ổn định của cây trồng, sản lượng gỗ khai thác và đặc biệt là nuôi trồng thủy sản tăng khá. Cụ thể, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất đã giúp nâng cao năng suất và chất lượng nông sản, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Về cơ cấu nền kinh tế quý 1, khu vực dịch vụ tiếp tục gia tăng tỷ trọng, chiếm 43,44%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 36,31%. Cùng với đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 11,56% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,69% (giảm từ 8,85%). Sự dịch chuyển này cho thấy xu hướng phát triển theo chiều sâu, gia tăng giá trị của các ngành dịch vụ và công nghiệp chế biến.

Xét về phía sử dụng GDP, tiêu dùng cuối cùng trong quý 1 đã tăng 7,45% so với cùng kỳ, cho thấy sức mua nội địa phục hồi tốt. Cụ thể, tích lũy tài sản (phản ánh hoạt động đầu tư) tăng 7,24%. Ngoài ra, hoạt động thương mại quốc tế cũng ghi nhận sự sôi động với xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 9,71%, trong khi nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 12,45%, qua đây cho thấy nhu cầu nguyên vật liệu cho sản xuất và tiêu dùng trong nước gia tăng.

Vượt qua thách thức toàn cầu

Bà Nguyễn Thị Hương đánh giá kết quả tăng trưởng ấn tượng của quý 1 đạt được trong bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt với vô vàn khó khăn và bất định. Tình hình địa chính trị diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là các chính sách thương mại của các nền kinh tế lớn (như Mỹ và phản ứng từ các quốc gia khác) đã tạo áp lực đáng kể lên dòng vốn đầu tư và chi tiêu của người tiêu dùng toàn cầu. Hơn nữa, căng thẳng thuế quan, nguy cơ chiến tranh thương mại vẫn hiện hữu, tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng và tăng trưởng chung.

Bên cạnh đó, các thách thức phi truyền thống (như thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng gây hậu quả nghiêm trọng) và nguy cơ về an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh mạng gia tăng. Trước bối cảnh tăng trưởng chậm lại và lạm phát có xu hướng giảm trong những tháng đầu năm, nhiều quốc gia đã chuyển hướng sang nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm kích thích và hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Trong tình hình đó, nhiều tổ chức quốc tế đã tỏ ra thận trọng hơn trong các dự báo tăng trưởng toàn cầu cho năm 2025. Ngân hàng Thế giới (WB) và Liên hợp quốc trong tháng 1/2025 giữ nguyên dự báo tăng trưởng lần lượt là 2,7% và 2,8%. Tuy nhiên, đến tháng 3/2025, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Fitch Ratings đã điều chỉnh giảm dự báo xuống còn 3,1% và 2,3% (giảm lần lượt 0,2 và 0,3 điểm phần trăm so với dự báo trước đó). Riêng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lại có cái nhìn lạc quan hơn một chút, nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu lên 3,3% (tăng 0,1 điểm phần trăm).

Tại khu vực Đông Nam Á, các dự báo cũng cho thấy sự phân hóa. WB dự báo Việt Nam tăng trưởng 6,8% năm 2025, trong khi IMF dự báo mức tăng tương tự cho Philippines (6,1%) và Indonesia (5,1%), Liên hợp quốc lại dự báo Việt Nam có thể đạt 6,5%. Nhìn chung, các tổ chức đều đánh giá Việt Nam là một trong những điểm sáng về tăng trưởng trong khu vực, dù mức độ lạc quan có khác nhau.

 Ảnh minh họa.

Để đạt được kết quả tích cực trong quý 1, lãnh đạo Cục Thống kê cho hay Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã thể hiện quyết tâm cao độ, chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp. Trọng tâm là việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội năm 2025, Nghị quyết số 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Chỉ thị số 03/CT-TTg về các nhiệm vụ sau Tết Nguyên đán và đặc biệt là Nghị quyết số 25/NQ-CP với mục tiêu phấn đấu tăng trưởng cả năm đạt 8% trở lên.

"Sự chỉ đạo sát sao, linh hoạt, bám sát thực tiễn của Chính phủ, cùng với việc các bộ, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình, chủ động đề ra và thực thi các giải pháp phù hợp là yếu tố then chốt giúp kinh tế quý I đạt kết quả khả quan," bà Hương nhấn mạnh./.

Theo Vietnam+

Nguồn: https://baobinhduong.vn/gdp-quy-1-tang-truong-an-tuong-6-93-muc-cao-nhat-trong-vong-5-nam-a344821.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Phim 'Địa đạo' đạt doanh thu không tưởng, vượt xa cơn sốt 'Đào, Phở và Piano'
Biển người đổ về Đền Hùng trước ngày chính lễ
Người dân xúc động đón đoàn tàu chở lực lượng tham gia lễ diễu binh từ miền Bắc vào Nam
Tầm cao trí tuệ và nghệ thuật quân sự Việt Nam

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm