Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Già làng của lòng dân

Ở tuổi 74, già Tou Prong Dzung, người con của vùng đất Ka Đô (huyện Đơn Dương), vẫn lặng lẽ, bền bỉ góp sức xây dựng quê hương. Hơn 50 năm qua, dù ở bất kỳ cương vị nào, già Dzung luôn tận tụy, trách nhiệm và hết lòng vì người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Với bà con Ka Đô, già Dzung là điểm tựa tinh thần vững chắc, góp phần vun đắp khối đại đoàn kết, đưa vùng đồng bào DTTS ngày càng đổi thay, phát triển.

Báo Lâm ĐồngBáo Lâm Đồng28/04/2025

Già Tou Prong Dzung
Già Tou Prong Dzung

Từ năm 1982 đến 1989, già Dzung đảm nhiệm vai trò cán bộ thống kê, kế hoạch xã. Nhờ sự tận tụy và gần gũi với người dân, già được bầu làm Chủ tịch UBND xã Ka Đô suốt hai nhiệm kỳ liên tiếp. Giai đoạn 2000 - 2011, già tiếp tục được tín nhiệm giữ vai trò Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã. Dù ở cương vị nào, già Dzung cũng luôn thể hiện phẩm chất của một người cán bộ mẫu mực, tận tâm, hiểu dân, sát dân và hết lòng vì dân. “Làm cán bộ ở vùng đồng bào DTTS không chỉ cần quyết tâm, mà còn phải thấu hiểu, đồng hành và cùng dân tháo gỡ từng khó khăn”, già chia sẻ.

Với tư duy thực tiễn và tầm nhìn xa, già Dzung luôn đau đáu trước những vấn đề thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân, như nước tưới, điện sinh hoạt, giáo dục và cơ sở hạ tầng. Những “nút thắt” ấy từng khiến đời sống bà con xã Ka Đô gặp không ít khó khăn. “Trước kia, người dân địa phương chỉ làm được một vụ lúa mỗi năm vì thiếu nước tưới. Tôi mạnh dạn kiến nghị cấp trên quan tâm, đầu tư xây dựng công trình thủy lợi. Có nước rồi, bà con làm được hai vụ lúa, rau màu năng suất hơn, cuộc sống đỡ vất vả hơn nhiều”, già nhớ lại. 

Tiếp nối những trăn trở đó, già Dzung đặc biệt quan tâm đến nhu cầu điện sinh hoạt. Khoảng những năm 1960, các thôn Ka Đô Mới, Ka Đô Cũ và Taly, nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống, vẫn chưa có điện. Vận động người dân đóng góp giữa thời điểm còn nhiều khó khăn là điều không dễ. Thế nhưng, bằng uy tín và sự kiên trì, già đã kêu gọi được bà con chung tay xây dựng hệ thống điện, từng bước cải thiện điều kiện sinh hoạt của các thôn. 

Không chỉ vậy, già Dzung còn dành nhiều tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục. Già chủ động đề xuất và cùng tập thể tiến hành vận động xây dựng Trường Tiểu học Ka Đô 2 bằng nguồn vốn sự nghiệp và xã hội hóa. Nhờ đó, con em trong vùng đã có ngôi trường kiên cố hơn để an tâm học tập. 

Một trong những dấu ấn lớn nhất trong thời gian giữ cương vị Chủ tịch UBND xã Ka Đô của già Dzung chính là vận động cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Già chia sẻ: “Hồi đó, đất đai chỉ có giấy tay, rất dễ dẫn đến tranh chấp. Tôi hợp đồng với Trung tâm Dịch vụ địa chính của tỉnh để đo đạc, lập hồ sơ cấp sổ đỏ. Bà con đồng thuận, cùng nhau đóng góp kinh phí. Nhờ vậy, đất đai giờ đây đều có giấy tờ rõ ràng, tranh chấp hầu như không còn”. 

Năm 2011, già Dzung nghỉ hưu. Nhưng với già, “nghỉ việc” không đồng nghĩa với “nghỉ tâm huyết”. Già tiếp tục đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng ở địa phương như Bí thư Chi bộ thôn, Chủ tịch Hội Người cao tuổi và là già làng, người có uy tín của xã Ka Đô. Già luôn tâm niệm: “Sống trong xã hội phải tôn trọng hiến pháp, pháp luật, quy định của chính quyền địa phương. Có như vậy mới xây dựng được cuộc sống bình yên, ổn định”. Từ suy nghĩ ấy, già tích cực tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến từng hộ dân. “Cái gì tốt cho bà con thì mình phải nói để dân hiểu, dân làm theo. Nhà nước và Nhân dân cùng làm thì cuộc sống mới khấm khá được”, già nói.

Là người Churu, già Dzung luôn đau đáu trước nguy cơ mai một bản sắc văn hóa dân tộc. Giữa năm 2023, già đề xuất thành lập Đội cồng chiêng thôn Ka Đô Cũ, quy tụ hơn 20 thành viên ở nhiều lứa tuổi. Dưới sự hướng dẫn tận tình của già, thanh âm cồng chiêng lại ngân vang giữa đại ngàn, góp phần gìn giữ “hồn cốt” văn hóa trong lòng thế hệ trẻ. 

Với những đóng góp bền bỉ, già Tou Prong Dzung từng vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì thành tích xuất sắc trong thực hiện chính sách dân tộc. Già cũng nhiều lần được tỉnh, huyện và các tổ chức, đoàn thể khen thưởng. Thế nhưng, phần thưởng mà già trân quý nhất chính là sự đổi thay từng ngày của quê hương Ka Đô. “Được sống, gắn bó và góp một phần nhỏ vào sự phát triển nơi mình sinh ra, được chứng kiến Ka Đô trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu, đời sống bà con ngày càng khấm khá, đó là niềm tự hào lớn nhất của tôi”, già Dzung chia sẻ.

Ở tuổi thất thập cổ lai hy, già Tou Prong Dzung vẫn lặng lẽ góp sức xây dựng cho quê hương, như cách già đã làm suốt hơn 50 năm qua. Với già Dzung, đó là niềm vui, là trách nhiệm và cũng là cách thể hiện tình yêu với mảnh đất đã gắn bó cả cuộc đời mình. 

Nguồn: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202504/gia-lang-cua-long-dan-46535c3/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TP.HCM trong tiếng reo hò của người dân, du khách
Người dân chờ đợi 5 tiếng để chiêm ngưỡng pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TPHCM
Trực tiếp: Khai mạc Mùa du lịch Thái Nguyên năm 2025
Cận cảnh nút giao thông tại Quy Nhơn khiến Bình Định chi hơn 500 tỷ cải tạo

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm