Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, trong bối cảnh giá vàng trong nước liên tục tăng "nóng", những biện pháp đến từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để giúp thị trường bình ổn hơn là vô cùng cần thiết.
Thực tế, vừa qua Chính phủ cũng đã yêu cầu NHNN vào cuộc, có những biện pháp cụ thể để bình ổn thị trường vàng. "Hiện nay, một số biện pháp hành chính có thể giúp giá vàng hạ nhiệt, ông Hiếu nói.
Tuy nhiên ông Hiếu cũng nhấn mạnh, những biện pháp hành chính chỉ mang tính nhất thời mà không thể giải quyết tận gốc. Vấn đề hiện nay của thị trường vàng đến từ việc cung và cầu không gặp nhau, trong khi nhu cầu mua vàng ngày càng tăng thì nguồn cung lại rất giới hạn.
Ông Hiếu phân tích, vàng thuộc nền kinh tế thị trường, nó chịu ảnh hưởng bởi cung cầu thế nên rất bất định, không theo quy luật nào mà hoàn toàn phụ thuộc vào diễn biến của thị trường.
"Do đó, để có thể can thiệp được vào giá vàng, chúng ta cần phải có biện pháp quân bình được cân bằng cung cầu chứ không thể điều chỉnh thị trường. Vừa qua Chính phủ cũng đã yêu cầu NHNN kiểm soát thị trường, đặc biệt là việc đầu cơ”, ông Hiếu nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng cho biết, giá vàng trong nước chịu tác động mạnh mẽ từ giá vàng thế giới. Trong những ngày gần đây, giá vàng thế giới cũng liên tục tăng mạnh khiến giá vàng trong nước tăng theo là điều dễ hiểu.
"Nếu trong thời gian tới, tình hình thế giới không được ổn định trở lại, giá vàng sẽ tiếp tục tăng mạnh nữa”, ông Hiếu nhận định.
Tuy nhiên, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng giá vàng cũng có thể giảm bất cứ lúc nào chứ không thể mãi đi lên.
"Khi giá tăng cao quá sẽ dẫn đến việc nhiều người có vàng đổ xô đi bán chốt lời. Khi đó, nguồn cung được tăng lên, giá vàng sẽ giảm xuống”, ông Hiếu phân tích.
Do đó, ông Hiếu lưu ý người dân cần theo dõi sát diễn biến của thị trường vàng để có thể quyết định việc mua vào hay bán ra, tránh những rủi ro về tài chính khi tham gia đầu tư vàng.
"Với thị trường vàng, không có mức nào gọi là đỉnh, không ai biết được đỉnh của nó cả. Ngày nay mức này là rất cao nhưng ngày mai lại có thể tăng tiếp. Nhu cầu về vàng là không có giới hạn, vì thế giá vàng có thể sẽ vẫn còn tăng tiếp”, ông Hiếu nói.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần phải có biện pháp để đưa giá vàng trong nước về gần với giá vàng thế giới hơn. Không thể để tình trạng giá vàng thế giới tăng, chúng ta cũng tăng mạnh hơn khiến khoảng cách ngày càng được nới rộng sẽ tạo ra hệ lụy rất xấu.
"Việc cần có các biện pháp hành chính để bỉnh ổn thị trường là rất cần thiết”, ông Long nêu ý kiến.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, Chính phủ cũng đã có chỉ đạo, do đó, người dân cần theo dõi xem các động thái bình ổn của Ngân hàng Nhà nước sẽ diễn ra thế nào mà không cần hoang mang.
Trước đó, NHNN đã chỉ ra 3 nguyên nhân khiến giá vàng quốc tế liên tiếp tăng là:
Thứ nhất, bất ổn chính trị, xung đột quân sự, cạnh tranh chiến lược gia tăng trên phạm vi toàn cầu như xung đột quân sự Nga - Ukraine kéo dài, kéo theo đó là các biện pháp trừng phạt, trả đũa lẫn nhau về kinh tế, chính trị giữa Nga với Mỹ và đồng minh; xung đột quân sự giữa Isarel và các quốc gia, lực lượng Hồi giáo tại Trung Đông.
Thứ hai, nhiều Ngân hàng trung ương và quỹ đầu tư đẩy mạnh mua vào vàng để bổ sung dự trữ ngoại hối cũng là lý do quan trọng khiến giá vàng tăng.
Thứ ba, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế đối ứng cao với các quốc gia trên thế giới đã tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư và tăng trưởng kinh tế thế giới, khiến dòng tiền của nhà đầu tư có xu hướng đổ vào vàng…
NHNN cho rằng, giá vàng tăng cao là diễn biến chung của cả thị trường quốc tế lẫn trong nước, tuy nhiên chênh lệch giữa trung bình giá mua, bán vàng trong nước và giá thế giới đã giảm đáng kể so với thời điểm năm 2024 (có thời điểm chênh lệch lên mức cao nhất trong năm 2024 khoảng 18 triệu đồng/lượng, tương đương 25%).
"Diễn biến này cho thấy với những biện pháp quản lý thị trường vàng thời gian qua, chênh lệch giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới quy đổi được kiểm soát trong biên độ phù hợp”, NHNN nhận định.
Làm gì để cải thiện nguồn cung vàng?
Theo các chuyên gia kinh tế, trước tiên người dân tránh đổ xô đi mua vàng, để làm vàng bớt nóng thêm và giảm sự khan hiếm.
Tuy nhiên, giải pháp quan trọng và bền lâu nhất theo TS. Nguyễn Trí Hiếu là cơ quan quản lý cần sớm cân nhắc bỏ độc quyền nhập khẩu vàng. Nếu tăng nguồn cung, đủ đáp ứng nhu cầu thị trường thì giá vàng trong nước có thể sẽ giảm nhiệt, thay vì tăng không ngừng và lại đang xa dần thế giới.
Ngoài ra, cần xem xét việc thiết lập sàn giao dịch vàng chính thức. Sàn giao dịch vàng sẽ giúp liên thông giá vàng trong nước và quốc tế, tạo điều kiện để vàng có thể giao dịch một cách minh bạch, hợp pháp.
Việc thành lập sàn giao dịch vàng cũng được cho là sẽ hỗ trợ quản lý chặt chẽ hơn, giảm thiểu các giao dịch vàng qua "chợ đen" và tăng cường minh bạch cho thị trường.
Ông Nguyễn Quang Huy CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng trường Đại học Nguyễn Trãi cũng nêu quan điểm, Việt Nam cần có chiến lược quản lý vàng mang tính linh hoạt, minh bạch và đồng bộ để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, hạn chế đầu cơ và tránh nguy cơ "vàng hoá” nền kinh tế trong một thế giới ngày càng khó lường.
Ông Huy phân tích, chênh lệch giá quá lớn giữa vàng trong nước và quốc tế ở mức cao khiến người dân cảm thấy vàng là kênh "lưu trữ tài sản an toàn”, dẫn đến xu hướng "găm vàng”, hạn chế dòng vốn luân chuyển.
"Tuy nhiên, việc "vàng hoá” chưa lan rộng do Ngân hàng nhà nước vẫn kiểm soát vàng miếng, tiền đồng vẫn ổn định, kênh chứng khoán và bất động sản vẫn thu hút dòng tiền. Nhưng nếu chênh lệch tiếp tục nới rộng, người dân ngày càng đổ xô đi mua tích trữ vàng thì ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường tài chính và làm suy giảm hiệu quả điều hành tiền tệ”, ông Huy nói.
Ông Huy cũng cho rằng, trước diễn biến toàn cầu bất định, người dân lo ngại mất giá tiền đồng hoặc rủi ro hệ thống, dẫn đến giảm gửi tiết kiệm, tăng tích trữ vàng vật chất và tâm lý phòng thủ gia tăng. "Nguyên nhân là do chúng ta thiếu một số công cụ phòng ngừa rủi ro chuyên nghiệp”, ông Huy nói.
Giá vàng thế giới rơi tự do từ đỉnh cao nhất lịch sử
Sáng 23/4, giá vàng thế giới giảm 108 USD/ounce so với đầu giờ sáng qua, xuống 3.324 USD/ounce.
Giá vàng quay đầu giảm mạnh do tâm lý lạc quan vào cổ phiếu và đồng USD phục hồi trở lại khi những bình luận của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent ám chỉ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung sẽ hạ nhiệt.
Mặc dù vàng giảm mạnh nhưng Ngân hàng JPMorgan vẫn lạc quan cho rằng đợt tăng giá sẽ tiếp tục, với dự báo giá vàng sẽ vượt mức 4.000 USD/ounce trong bối cảnh rủi ro suy thoái gia tăng, mức thuế quan của Mỹ tăng cao và căng thẳng thương mại Mỹ-Trung dai dẳng.
(Theo VTC News)
Nguồn: https://baoyenbai.com.vn/12/349237/Gia-vang-lien-tuc-tang-nong-Ngan-hang-Nha-nuoc-nen-vao-cuoc-ghim-cuong.aspx
Bình luận (0)