Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Triển vọng nghề nuôi cá tầm ở Văn Yên

Những năm gần đây, bên cạnh cây quế, huyện Văn Yên đang từng bước khẳng định tiềm năng phát triển kinh tế từ nghề nuôi cá tầm. Tận dụng lợi thế về địa hình, khí hậu mát mẻ quanh năm và nguồn nước dồi dào từ các khe suối tự nhiên, nhiều hộ dân địa phương đã mạnh dạn đầu tư nuôi cá tầm, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp miền núi.

Báo Yên BáiBáo Yên Bái23/04/2025

>> Nuôi cá tầm hướng đi mới của đồng bào Mông Nà Hẩu
>> Nuôi cá nước lạnh ở vùng cao Yên Bái
>> Nuôi cá tầm không còn quá khó với người dân Yên Bái
>> Đánh thức tiềm năng cá tầm thương phẩm Nà Hẩu

Phát huy lợi thế tự nhiên

Xã Nà Hẩu là địa phương đi đầu trong phát triển mô hình nuôi cá tầm ở huyện Văn Yên. Nằm ở độ cao trung bình từ 600 - 700m so với mực nước biển, khí hậu quanh năm mát mẻ và nguồn nước sạch từ các khe suối, nơi đây được đánh giá có điều kiện lý tưởng cho cá tầm phát triển. Năm 2017, ông Giàng A Châu, thôn Trung Tâm - một trong những hộ đầu tiên đưa 100 con cá tầm giống từ Sa Pa (Lào Cai) về nuôi thử. Sau vụ đầu tiên thành công, ông đã mở rộng quy mô và vận động người dân cùng tham gia. 

Đến năm 2019, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Du lịch Nà Hẩu được thành lập với 13 thành viên. HTX đã chủ động liên kết với các đơn vị, trong đó có Viện Nghiên cứu, Ứng dụng và Phát triển, Trường Đại học Hùng Vương để tiếp nhận, chuyển giao kỹ thuật nuôi cá tầm. 

Hiện tại, HTX duy trì gần 30 bể nuôi các loại với số lượng khoảng 10.000 con cá tầm mỗi lứa. Mỗi năm, sản lượng đạt trên 20 tấn cá thương phẩm, giá bán ổn định ở mức 180.000 - 250.000 đồng/kg; doanh thu ước tính đạt hàng tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương; đồng thời, mở ra hướng đi mới cho người Mông ở Nà Hẩu trong hành trình giảm nghèo bền vững. Hiện tại, ở xã Nà Hẩu đã có hàng chục hộ nuôi cá tầm có thu nhập ổn định, đời sống kinh tế khá giả. 

Lan tỏa mô hình ra nhiều địa phương

 Không chỉ tại Nà Hẩu, xã Đại Sơn cũng là điểm sáng trong phát triển nghề nuôi cá tầm. Trong đó, chị Nguyễn Thị Lân - một hộ dân ở thôn Làng Bang đã trở thành tấm gương điển hình. Sau thời gian đi tham quan, học hỏi mô hình ở các tỉnh phía Bắc, chị đầu tư hệ thống bể nuôi hiện đại, đảm bảo nhiệt độ nước ổn định từ 18 - 21 độ C. Hiện tại, mỗi năm chị nuôi 4 - 5 vạn con, cho sản lượng hàng chục tấn cá thương phẩm. 

Chị Lân chia sẻ: "Cá tầm là loài dễ thích nghi nếu người nuôi nắm vững kỹ thuật. Quan trọng nhất là nguồn nước phải sạch và lạnh. Cá tầm hiện được các nhà hàng, khách sạn ưa chuộng nên đầu ra khá thuận lợi”. 

Không chỉ giúp kinh tế gia đình phát triển, mô hình của chị Lân còn là nơi để người dân trong vùng đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Một số hộ dân trong xã cũng bắt đầu đầu tư nuôi cá tầm với quy mô nhỏ. Những mô hình nuôi cá tầm ở Văn Yên đã góp phần đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp, cải thiện đáng kể đời sống của người dân. Nhiều hộ dân đã chuyển từ làm nương rẫy sang phát triển kinh tế thủy sản. Từ đó, có thu nhập ổn định, từng bước vươn lên thoát nghèo. 

Theo ông Đặng Tòn Sính - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Sơn, nuôi cá tầm không chỉ là mô hình kinh tế hiệu quả mà còn góp phần thay đổi tư duy sản xuất, từng bước giúp bà con dân tộc vùng cao tiếp cận với cách làm kinh tế mới. Do đó, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ rừng và nguồn nước, tạo điều kiện thuận lợi để các hộ nuôi cá tầm phát triển kinh tế.
 
Khó khăn, thách thức và triển vọng phát triển

Dù đang phát triển tích cực, song nghề nuôi cá tầm ở Văn Yên cũng gặp không ít thách thức. Trước hết là yêu cầu kỹ thuật cao, đòi hỏi người nuôi phải có kiến thức, kinh nghiệm và tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện về nhiệt độ, độ pH, lượng oxy hòa tan trong nước. Thêm vào đó, giá thành đầu tư ban đầu tương đối lớn, từ xây dựng bể nuôi, hệ thống lọc nước, máy sục khí cho đến con giống đều có chi phí cao. Trong khi đó, đầu ra cho sản phẩm chưa thực sự ổn định, phụ thuộc nhiều vào các thương lái hoặc nhà hàng lớn… 

Tuy nhiên, với sự hỗ trợ ngày càng tích cực từ phía chính quyền địa phương, các tổ chức khoa học và doanh nghiệp, nghề nuôi cá tầm ở Văn Yên vẫn được đánh giá là một hướng phát triển đầy tiềm năng. Nếu địa phương sớm xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ, đồng thời đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ cá tầm thì chắc chắn mô hình này sẽ phát triển bền vững, vươn ra các thị trường lớn, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.

Hồng Oanh

Nguồn: https://baoyenbai.com.vn/12/349244/Trien-vong-nghe-nuoi-ca-tam-o-Van-Yen.aspx


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tứ đại đỉnh đèo đất Việt
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Khoảnh khắc SVĐ Mỹ Đình ‘vỡ òa’ khi hai xe tăng rầm rập tiến vào
Cờ Tổ quốc, cờ Đảng tung bay giữa trời Nam rực nắng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm