>>
>>
>>
Xây dựng thương hiệu chè xanh Hán Đà
Người làm chè ở xã Hán Đà, huyện Yên Bình hôm nay hoàn toàn có thể tự hào khi sản phẩm Chè xanh Hán Đà đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Người thắp lửa và đặt nền móng cho sự thay đổi tư duy sản xuất mới đối với cây chè ở địa phương này không ai khác chính là Chủ tịch Hội CCB xã Trần Tường. Qua câu chuyện, cảm nhận ở ông sự chân thành, nhiệt huyết.
Ông Trần Tường chia sẻ: "Tôi tự hào có 4 năm tham gia quân ngũ, từ tháng 2/1979 đến năm 1984 tại C18, Trung đoàn 752, Lữ đoàn 355, mặt trận biên giới phía Bắc. Xuất ngũ trở về địa phương, tôi từng kinh qua các vị trí công tác: Bí thư Đoàn xã, Trưởng Công an xã và Chủ tịch Hội CCB xã Hán Đà từ năm 2012 cho đến nay. Gia đình không làm chè và cũng không làm nông nghiệp song tôi nhận thấy nguồn nguyên liệu địa phương có sẵn, bà con lại có kinh nghiệm và kỹ thuật sản xuất chè xanh. Đặc biệt, Hán Đà thuộc vùng hạ lưu hồ Thác Bà và giáp ranh sông Chảy nên có độ ẩm cao, thuận về khí hậu; trên địa bàn xã không nhà máy, môi trường trong sạch là điều kiện quan trọng để sản xuất được sản phẩm chè sạch… Điều này đã khiến tôi khởi lên ý tưởng thành lập hợp tác xã (HTX) với mong muốn tập hợp các hộ quyết tâm xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, giúp bà con ổn định sản xuất, xa hơn nữa là xây dựng được thương hiệu cũng như uy tín về chất lượng cho sản phẩm chè xanh của Hán Đà”.
Có lẽ môi trường quân đội đã tôi luyện, không cho phép người lính này ngại khó, ngại khổ. Năm 2015, HTX CCB xã Hán Đà được thành lập với 13 thành viên và Chủ tịch Hội CCB xã Trần Tường là Giám đốc. Hiện HTX đã phát triển được 34 thành viên, chủ yếu là hội viên CCB xã và 126 thành viên liên kết sản xuất chế biến sản phẩm chè xanh. HTX đã xây dựng được vùng nguyên liệu chè trên 70 ha theo tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Trần Tường cho biết: "Hiện nay, cả xã Hán Đà có gần 400 hộ sản xuất chè xanh, diện tích chè của địa phương gần 200 ha. HTX đã liên kết với các ngành, hội đoàn thể và Trường Đại học Thái Nguyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho các thành viên, hộ liên kết sản xuất chè xanh thực hiện quy trình chăm sóc, thu hái theo tiêu chuẩn VietGAP. Vùng nguyên liệu của HTX đã có 5 ha chè được cấp giấy chứng nhận mã vùng trồng”.
Năm 2024, Giám đốc HTX Trần Tường đã mạnh dạn đầu tư thiết bị công nghệ mới vào sản xuất, sử dụng lò cấp nhiệt thử nghiệm khí hóa sinh khối, lò sao sấy sử dụng toàn bộ bằng điện nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm sản phẩm sạch, an toàn. Sản phẩm chè xanh Hán Đà đã tham gia quảng bá tại nhiều hội chợ ở các tỉnh: Hải Phòng, Quảng Ninh, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hà Tĩnh, Thanh Hóa; tham gia Hội chợ khu vực Tây Bắc và khu vực Đông Nam Bộ tổ chức tại tỉnh Lào Cai, Hội chợ khu vực đồng bằng sông Hồng tổ chức tại Hà Nội; tham dự hoạt động giới thiệu sản phẩm với các nước tại Yên Bái do Sở Công Thương tỉnh tổ chức. Từ cuối năm 2024, Giám đốc Trần Tường đã thử nghiệm đưa phân bón loại mới vào chăm sóc chè đem lại hiệu quả tốt, bước đầu đã kết nối đầu ra sản phẩm, trong đó xuất sản phẩm thô được trên 5 tấn chè búp khô…
Giám đốc Trần Tường cho biết thêm: "Hiện nay, HTX tập trung tuyên truyền, vận động các hộ tập trung đầu tư vào khâu chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật chế biến sâu để có sản phẩm chè chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. Mục tiêu xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn vào hệ thống các siêu thị và hoàn thành các tiêu chuẩn để sản phẩm chè xanh Hán Đà đạt OCOP 4 sao trong những năm sau”.
Truyền cảm hứng, gắn kết cộng đồng
Có thể thấy, phong trào CCB làm kinh tế ở Yên Bái không chỉ mang ý nghĩa phát triển kinh tế hộ mà còn là một kênh truyền cảm hứng, gắn kết cộng đồng. Các CCB bằng uy tín và trải nghiệm của mình đã và đang là những người thắp lên khát vọng cống hiến cho thế hệ trẻ; hướng người dân đến mục tiêu sản xuất bền vững, ứng dụng khoa học kỹ thuật, giữ gìn môi trường và bảo tồn bản sắc. Ít ai biết rằng, Giám đốc HTX Suối Giàng, huyện Văn Chấn Lâm Thị Kim Thoa đã từng có hai năm rưỡi tuổi quân tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Thành công của HTX Suối Giàng hôm nay có bản lĩnh của người lính, tinh thần tự lực vươn lên, mạnh dạn đổi mới cách nghĩ, cách làm, thoát ra khỏi lối mòn tìm ra hướng đi phù hợp.
Người chiến sĩ trên mặt trận mới ấy vẫn rất ghi nhớ lời Bác Hồ dạy: "Trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Là hội viên CCB huyện Văn Chấn, bà Kim Thoa luôn khắc ghi lời nói của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Điều tiên quyết của mọi việc là các anh chị em CCB ta đã có phẩm chất, niềm tin, còn phải có tinh thần tự đổi mới. "Phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ” cho mỗi CCB quyết tâm và nghị lực vượt khó trong mọi nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ luôn gương mẫu mọi mặt, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, làm giàu chính đáng, hợp pháp”.
Thử sức mình trên vùng đất khó, năm 2007, HTX Suối Giàng được thành lập, còn có tên gọi khác là "HTX đồng bào” bởi các thành viên của HTX chủ yếu là đồng bào Mông. Với năng lực của HTX Suối Giàng, với cách làm riêng của mình, vượt qua chính mình, vượt qua những ánh mắt e ngại, thiếu tin tưởng, bản lĩnh người lính không cho phép bà chùn bước.
Kiên trì vận động, giúp đông bào Mông nơi đây chuyển đổi hình thức sản xuất từ nhỏ lẻ, quảng canh, tự cấp, tự túc, hiệu quả thấp sang hình thức sản xuất hợp tác, sản xuất thương mại với quy mô lớn hơn và sản xuất theo chuỗi giá trị, HTX Suối Giàng đã trở thành một trong những đơn vị có đội ngũ lao động lành nghề trong sản xuất, chế biến chè của tỉnh.
Nhà xưởng đã đạt tiêu chuẩn HACCP; vùng nguyên liệu được cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý; cây chè được đánh số truy xuất nguồn gốc vùng trồng, sản phẩm Tuyết Sơn Trà của HTX Suối Giàng đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Hiện HTX đã có 6 loại sản phẩm mang tên Tuyết Sơn Trà có chất lượng tốt, được đóng gói với các mẫu mã đẹp, từng bước chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước.
Giám đốc Lâm Thị Kim Thoa bộc bạch: "Tôi thực sự cảm thấy rất hạnh phúc, những năm tháng trong quân ngũ đã tôi rèn sự tự tin để tôi bước vào thương trường. Bản lĩnh của người CCB đã giúp chúng tôi thành công bước đầu, trong kinh doanh giữ được chữ tín, sản phẩm có chất lượng, có thị phần ổn định; hoạt động sản xuất, kinh doanh năm sau cao hơn năm trước, đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Điều đó cho thấy HTX đã xác định hướng đi phù hợp với điều kiện vùng miền, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở Văn Chấn, tạo được nguồn thu nhập ổn định cho bà con, góp phần quan trọng giữ gìn và phát triển vườn chè cổ thụ, xây dựng nông thôn mới tại địa phương”.
CCB Lâm Thị Kim Thoa - Giám đốc HTX Suối Giàng, huyện Văn Chấn giới thiệu sản phẩm chè với Đoàn công tác CCB Cụm thi đua số 2 các tỉnh phía Bắc.
Tại huyện Mù Cang Chải, bản lĩnh và truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ” được thử thách qua môi trường quân đội với tinh thần nêu gương nói trước, làm trước đã giúp nhiều CCB trở về cuộc sống đời thường được nhân dân tin yêu, mến phục. Có nhiều mô hình của CCB với cách làm sáng tạo, hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao được duy trì, phát triển bền vững như: vận động con cháu đi học chuyên cần; chăm sóc, bảo vệ rừng của hội viên CCB xã Chế Tạo; phong trào "3 xanh” của Chi hội CCB bản Lao Chải, xã Lao Chải; tham gia chăm sóc, rèn nề nếp sinh hoạt nội trú, bán trú, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ của Hội CCB xã Nậm Khắt; du lịch trải nghiệm truyền thống văn hóa cộng đồng người Mông của Chi hội CCB bản Háng Chua Xay, xã Chế Cu Nha…
Có thể thấy, trên hành trình đổi mới và xây dựng quê hương, lực lượng CCB Yên Bái hôm nay tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong, gương mẫu phát triển kinh tế. Họ mang theo bản lĩnh người lính, phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ” không ngại khó, không ngại khổ trên mặt trận sản xuất, kinh doanh, làm giàu cho gia đình, đóng góp thiết thực cho cộng đồng. Những nỗ lực bền bỉ, âm thầm ấy của những người lính không nghỉ này đã, đang góp phần làm đẹp giàu thêm quê hương Yên Bái.
Minh Thúy
Nguồn: https://baoyenbai.com.vn/12/349254/Thap-len-khat-vong-cong-hien.aspx
Bình luận (0)